Thái Mỹ Phương (tamypu): Trung thành với sự cầu toàn

Đăng ngày:

[Tạp chí ELLE – 3/2016] Là một trong những họa sĩ minh họa nổi tiếng nhất tại Việt Nam, Thái Mỹ Phương không chỉ là một nghệ sĩ, mà còn là người truyền cảm hứng.

Từ xa nhìn lại, bạn nghĩ gì về những lợi thế và thiệt thòi của các nghệ sĩ minh họa cũng như tác giả tại Việt Nam?

Thật sự mà nói, Việt Nam đang là một vùng đất vô cùng giàu cơ hội cho các bạn trẻ đam mê công việc minh họa hoặc sáng tác sách tranh. Các bạn không phải quá chật vật trong một môi trường có tính cạnh tranh cao vì ngành minh họa ở Việt Nam vẫn còn đang rất mới mẻ trong mắt mọi người. Thứ hai, chất liệu văn hóa dồi dào, đan xen giữa mới và cũ khiến thế hệ hiện tại có thể biểu đạt nhiều giá trị thẩm mỹ rực rỡ bản sắc, và được nâng cao bởi việc kết hợp tinh thần hiện đại cũng như kiến thức mới mẻ của thời kỳ hội nhập. Thứ ba, nghệ sĩ minh họa có đam mê, tinh thần cầu thị, sẵn sàng làm việc với cường độ cao, mang lại nhiều sản phẩm có duyên hơn về cả hình thức, số lượng và chất lượng.

.

nu hoa sy tamypu 2

Nữ họa sĩ Thái Mỹ Phương

Năng lực và tố chất của nghệ sĩ minh họa và tác giả đương thời tại Việt Nam không có gì phải phàn nàn. Nhưng, nếu có thể thay đổi hoặc khắc phục những yếu tố sau, thế giới sách và tranh của chúng ta sẽ không thua kém bất kỳ nơi nào. Thực trạng ngành xuất bản còn non về tuổi đời, chưa định hình rõ giá trị của chất, và vội chạy theo giá trị của lượng, một số nhà xuất bản thậm chí còn chạy theo lợi nhuận mà thiếu tôn trọng nghệ sĩ bằng cách công khai mập mờ về số lượng tái bản. Bên cạnh đó, luật bản quyền vẫn còn khá lỏng lẻo khiến các tác giả hoặc không sáng tác hết mình vì sợ ăn cắp-hoặc không muốn chia sẻ rộng rãi đến số đông. Đất nước chúng ta vẫn thiếu sân chơi và cơ sở đào tạo chuyên nghiệp, đại đa số những người hướng dẫn chưa có cái nhìn cởi mở và chuyên môn hơn về tự do sáng tạo trong khuôn khổ, các bạn trẻ tập trung nhiều vào việc trau dồi kỹ năng thể hiện hơn là trau dồi cả kỹ năng và tư tưởng. Và một yếu tố khác nữa là nhiều bạn trẻ chưa phân biệt được học tập và sao chép, từ đó dẫn đến nhiều tác phẩm na ná nhau cũng như tạo ra nhiều định kiến về uy tín trong chất lượng sáng tác.

Ở Anh, mình không muốn nói đây là nơi tốt nhất trong đào tạo ngành minh họa và sáng tác, nhưng những gì mình học được khiến mình trăn trở với những mặt hạn chế trên. Tuy vậy, mình vẫn mừng cũng như tin rằng sự nhiệt thành và đam mê từ các bạn trẻ hiện tại sẽ giúp lĩnh vực này được công nhận và được đầu tư nhiều hơn, như Nhã Nam đã tiên phong slogan rất hay “Bởi vì sách là thế giới”, và cũng vì giá trị lớn nhất của con người so với vạn vật là trí tưởng tượng.  Minh họa cùng với sách tranh là công cụ chia sẻ trí tưởng tượng mạnh nhất, rất nên để “nó” được lớn, sống, và trưởng thành một cách đàng hoàng xinh đẹp, chứ không chỉ để “tồn tại”.

.

Một tác phẩm của cô

Một tác phẩm của cô

Thái Mỹ Phương luôn được biết đến như một nghệ sĩ “kỹ”. Có bao giờ vì công việc mỗi ngày một nhiều thêm mà bạn thay đổi thói quen?

Thật ra bàn về tính cách, Phương là người cầu toàn, Phương cho rằng mình chỉ có một lần trong đời, duy nhất cơ hội đó để làm công việc đó, để vẽ bức tranh đó, để hoàn thiện quyển sách đó, không có lý do gì để không làm nó tốt nhất có thể cả. Và Phương vẫn trung thành với sự cầu toàn của mình, đẹp và cần sự nghiêm túc về mặt chất lượng. Phân tích hơn về ” kỹ” và ” tỉ mỉ”: tranh của Phương tròn chứ không hẳn quá kỹ. Kỹ ở đây là do giai đoạn luyện tập.

Phương tốt nghiệp Đại học Kiến Trúc, đến với công việc minh họa vô cùng tình cờ, nên Phương luôn khao khát được học một cách bài bản công việc mình yêu thích, cho dù kiến thức từ 5 năm “Thiết kế nội thất” hỗ trợ cho chuyên môn hiện tại rất nhiều. Trước khi chạm vào cánh cửa du học, Phương trải nghiệm 4 năm tự rèn luyện về minh họa và sáng tác.

Với Phương, giai đoạn luyện tập về kỹ thuật thể hiện là giai đoạn tranh Phương kỹ và nhiều chi tiết nhất có thể, vẽ kỹ luyện sự tinh tế trong quan sát và biểu đạt. Bên cạnh đó, Phương thay đổi chất liệu liên tục từ màu nước, chì, màu bột, digital để tự tin về kỹ năng “thợ” của mình. Phương tin đôi tay tốt sẽ thể hiện tốt những điều mà tâm trí tưởng tượng.

Thái Mỹ Phương: Trung thành với sự cầu toàn - ELLE.VN

Kỷ niệm nghề nghiệp nào mà bạn tin chắc là mình sẽ nhớ đến tận khi “răng long tóc bạc”?

Vào những ngày còn mơ mộng về việc đi học xa, mình đã gửi bức tranh vẽ cô gái ngồi đọc sách giữa khu vườn mê cung cho một cuộc thi, phần thưởng của cuộc thi là học minh họa nhiều tháng với những nghệ sĩ mà mình ngưỡng mộ, và mình đã không có giải nào. Khi xem tác phẩm của các bạn đoạt giải, mình vẫn hẫng, không phải vì mình không thấy tranh các bạn rất đẹp, nhưng vì khao khát đi học của mình lớn lắm, lớn đến nỗi mình đã rất buồn.

Hai tuần sau, mình nhận được thư từ hiệu trưởng trường bên Mỹ, với kiểu ý đại loại là không thể quên được cảm xúc mà tranh mình để lại, nên quyết định tặng mình 50% học bổng (việc này không có trong cơ cấu giải thưởng). Lại một lần nữa mình đã khóc. Ít nhất, có ai đó đã công nhận thẩm mỹ và suy nghĩ của mình, một cách đầy trân trọng dù chậm rãi.

Dù tự học non nớt thiếu thốn nhưng mình tin cái duyên nó vẫn nằm ảm đạm mà nhẹ nhàng đâu đó, vì tất cả những thứ mình có nhiều hơn đôi tay gầy guộc đen đen là suy nghĩ và cảm xúc. Đó cũng là động lực để mình cố học tiếng Anh đàng hoàng để được đi học xa hơn. Mình chỉ muốn kể thế thôi, vì thời điểm đó mình đã phải từ chối học bổng trên vì khả năng ngoại ngữ còn quá hạn chế.

 

Thái Mỹ Phương: Trung thành với sự cầu toàn - ELLE.VN

Bức tranh vẽ cô gái ngồi đọc sách

Phương của ngày mới bắt đầu và Phương của ngày hôm nay đã có những trưởng thành như thế nào cả về cuộc sống tinh thần và nghề?

Gần 10 năm gắn bó với công việc sáng tác và làm đẹp cho những quyển sách, với phạm vi trong nước lẫn quốc tế, Phương có trong kệ tủ hơn hai mươi quyển sách tranh, hơn hai trăm bìa sách, vô vàn minh họa cho tạp chí cùng rất nhiều câu chuyện sáng tác tặng mọi người trên mạng xã hội. Phương thấy cảm ơn vì nghề đã chọn và yêu Phương dài lâu như thế.

Sự trưởng thành nằm trong sự đơn giản. Hiện tại, suy nghĩ trong sáng tác và cách Phương đặt bút giải quyết vấn đề, cho dù nội dung cho trẻ con hay người lớn, như một mẩu bánh gọn gàng giản dị ăn thấy vô cùng ngon khi đói lòng vậy. Có một nhịp điệu chung duy nhất không thay đổi trong 9 năm qua, hẳn là do tính cách, đó là sự nhẹ nhàng, và đôi lúc láu lỉnh.

Và Phương hy vọng nó sẽ còn mãi tinh thần đó dù cho bút phong có tiến bộ và trưởng thành cỡ nào, vì Phương chỉ mong những gì mình vẽ và sáng tác sẽ đem lại cho mọi người một hơi thở nhẹ nhàng và ánh sáng trong trẻo, cuộc sống này chưa đủ phức tạp hay sao?

NGẮN VỀ TAMYPU

Thái Mỹ Phương hay còn được người hâm mộ gọi là Tamypu sinh năm 1987. Mỹ Phương tốt nghiệp thủ khoa ngành Thiết kế nội thất (Đại học Kiến Trúc, TP.HCM) nhưng lại quyết định trở thành một họa sĩ minh họa. Cô là tác giả của nhiều bìa sách best-seller, là tác giả của nhiều tác phẩm truyện tranh thiếu nhi và là họa sĩ minh họa cho nhiều sách và tạp chí. Trong đó có thể kể đến Ai và Ki ở xứ sở thần kì hay Một ngày của bố. Hiện nay, Phương đang du học tại Anh và vẫn tiếp tục sáng tác đều đặn.

Xem thêm

Cơ sở thưởng thức hội họa

Hội họa hiện đại Việt Nam: quyến rũ và riêng biệt

Xu hướng thời trang mới: Hội họa thăng hoa

 

Nhóm thực hiện

Bài: P.H – Ảnh: Nhân vật cung cấp

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more