Du lịch Úc tìm hiểu đẳng cấp Sydney

Đăng ngày:

[Tạp chí ELLE – số tháng 9/2016] Úc châu xa ngái giữa đại dương nhiều khi khiến người ta ngại ngần đặt vé đến du lịch.

Tuy nhiên, những tò mò về một cuộc sống ở nơi tách bIệt của thế giới, về một vùng đất mới hồn hậu với mọi dân tộc thiểu số đã thôi thúc lữ khách lên đường.

Thực sự là một đại đô thị phồn thịnh với mật độ khoảng 377 dân/km2 giữa chốn đất rộng người thưa của Úc khi mà số lượng Kanguru còn nhiều gấp ba lần dân số, nhưng so với các đô thị lớn như London, New York, Tokyo, Hongkong hay Milan thì nhịp sống ở Sydney quá đỗi tĩnh lặng và yên bình.

Cùng ELLE du lịch Úc Châu để tìm hiểu đẳng cấp Sydney.

Nhà hát Con sò nhìn từ mặt nước xa xa là đẹp nhất

Nhà hát Con sò nhìn từ mặt nước xa xa là đẹp nhất

Cuộc sống bên mặt nước

Ngay từ trên máy bay người ta đã thấy vô số bãi biển cát trắng, những con sóng bạc đầu dập dờn và cầu cảng Circular Quay khổng lồ chia nhánh đường thủy đến các vịnh nhỏ quanh Sydney. Biển có mặt trong mọi khía cạnh cuộc sống của người Sydney. Kể cả người sống trong những ngôi nhà không sát bờ nước nhưng ai cũng nhìn thấy biển mỗi ngày. “Seaview” không phải là điều xa xỉ của Sydney. Ai cũng có thể chiêm ngưỡng, thậm chí có riêng “seaview” của mình. Đi vài bước chân là ra đến biển. Chạy sát dọc con đường ven biển, hít căng lồng ngực gió lộng Thái Bình Dương. Rất nhiều người đi làm bằng phà hoặc “taxi nước”.

Khoảng 40 bãi biển đẹp lớn nhỏ của Sydney chẳng khác gì living rooms cho người bản địa. Lũ nhóc tì có thể học bò trên bờ cát, tụi thiếu niên bơi những sải đầu tiên trong đời ở các kiểu bể bơi tự nhiên quây ngay tại bãi đá vẫn có sóng đại dương tràn vào. Các giờ học lướt ván cho học sinh tuần tự theo giờ con nước. Khung cảnh cả lớp mặc bộ đồ áo liền quần bó sát đội mũ bơi, ván đặt dưới chân, khởi động làm ấm người đã quá quen mắt với người dân nơi đây.

Khối sắt thép khoảng 53.000 tấn nhưng mang dáng vẻ thanh nhã bắc qua vịnh Sydney có tên gọi Harbour Bridge

Khối sắt thép khoảng 53.000 tấn nhưng mang dáng vẻ thanh nhã bắc qua vịnh Sydney có tên gọi Harbour Bridge

Hàng triệu khách du lịch phương xa mỗi năm cũng hòa mình vào nhịp sống biển với người Sydney. Di chuyển từ vịnh nhỏ nọ sang bờ kia bằng phà, đi bộ xuyên cầu Harbour, đứng nghe nhạc của nghệ sĩ đường phố tại Circular Quay rồi đi dạo trên đường mòn Bondi Beach đẹp như mơ và tối xem biểu diễn ở nhà hát Con sò, những ngày nghỉ ở Sydney đẫm mùi biển. Dù bạn không đi cùng trẻ nhỏ, nhưng cũng nên dành ít nhất vài tiếng thăm Sydney Aquarium để được chiêm ngưỡng thế giới các loài sinh vật biển rực rỡ sắc màu. Một chuyến thăm Royal Botanics Garden cũng rất đáng giá – để mắt thư giãn giữa thảm xanh mướt ngay cạnh Circular Quay.

Hài hòa Sydney

Là đô thị lớn ở một châu lục xa ngái và riêng rẽ giữa đại dương nhưng nhịp sống ở Sydney vẫn luôn bắt kịp hơi thở đương đại ở mọi nơi trên thế giới. Những năm tháng quá vãng của Sydney vẫn hiện hữu và hình như chưa bao giờ thuộc về ký ức. Quá khứ cùng hiện tại vẫn tiếp tục song hành. Những ngôi nhà kiểu thuộc địa từ thời Victoria vẫn tươi màu sánh cùng các khối block kính nhôm lấp loáng ánh mặt trời. Các thói quen cũ mỗi sáng uống nhanh cốc cà phê trên quán hè phố lướt vội các tít báo trước khi cắp cặp tới công sở, những buổi đua ngựa phục sức thật lộng lẫy với váy áo lòe xòe diềm đăng-ten và mũ cài lông chim,… hòa cùng các thói quen mới ăn bánh kẹp cho bữa trưa, jogging buổi sáng sớm hay chiều tà bên đường ven biển, chen chúc trong các chuyến tàu tan sở vì phí đỗ xe quá đắt ở các quận trung tâm.

Cổ điển và hiện đại vẫn sánh vai hài hòa ở Sydney

Cổ điển và hiện đại vẫn sánh vai hài hòa ở Sydney

Khách du lịch Úc – Sydney chỉ lưu lại vài ngày cũng kịp có chút ký ức như gắn bó lâu lắm với nơi này. Ăn phở quán Việt ở quận Bankstown phía Tây thành phố cùng với dân tài chính ngân hàng không ngại mùi nước dùng nức thảo quả, rau mùi ám vào những bộ vest thẳng thớm, cũng tán chuyện bóng bầu dục, lướt ván để nhớ các góc phố nhỏ trong lòng Hà Nội. Các lối phố ở khu The Rocks vẫn vẹn nguyên những nét cổ điển; chợ thủ công cuối tuần vẫn họp đều đặn. Bia mát lạnh cùng xúc xích kiểu Đức trong Biergarten đậm chất người gốc Đức di cư. Bạn muốn sống chậm hay sống gấp ở Sydney đều hợp. Giờ tan tầm mà đứng ở gần các ga chính, dân công sở cổ cồn áo vest sẫm màu tay cầm cặp túa ra từ các khối phố CBD hối hả vào ga kịp tàu về nhà chắc cũng thấy hơi ngợp. Nhưng những lúc thong thả chọn bưu thiếp, đồ thủ công ở chợ The Rocks, lựa trái cây tươi ngon trong chợ chính lại thấy mình như ở châu Âu đại lục cũ kỹ, cổ điển.

Thành phố Sydney

Thành phố Sydney nhìn từ xa

Sydney là mảnh đất tươi đẹp của rất nhiều dân di cư đến từ khắp nơi trên thế giới. Mỗi nền văn hóa đều có những khu phố đặc trưng của mình. Bạn muốn ăn kim chi, kimbap, thịt nướng gói lá vừng và uống makgeoli có thể tới phố Hàn (nằm giữa CBD quanh phố Pitt Street hoặc ở khu Strathfield), China Town thì quá to và nổi rồi, người Hy Lạp, Ý, Nam Tư cũ… cũng thường chọn sống cạnh nhau, người Việt tập trung nhiều ở Cabramatta, Fairfield, một phần ở Marrickville. Chưa kể tới các quán của người gốc Ấn, Pakistan, Thổ, Bắc Phi,… Bạn muốn thử món gì hầu như đều tìm thấy ở Sydney. Có thể nói đủ miền văn hóa hội tụ ở nơi xa xôi ấy.

Mỗi khách du lịch đều có cách tận hưởng Sydney cho riêng mình, nhưng chắc hẳn ai cũng tìm thấy những nét thú vị rất Sydney và lại ước giá mà nơi này gần hơn chút để mình dễ quay lại lần nữa, rồi lần nữa. Cứ vội vàng ước thế mà quên rằng, nếu Sydney gần ta thật về khoảng cách, sẽ là một thành phố nào khác vô danh rồi. Khi lòng muốn, mọi cách biệt không gian sẽ gần lại và dễ tìm cách thực hiện. Sydney đã đến sẽ mê!

Xem thêm

Du lịch Hà Lan, Amsterdam có gì ngoài sex và canabis?

Du lịch Brazil để tới Rio de Janeiro thơ mộng

Du lịch Na Uy ngắm mặt trời lúc nửa đêm

Nhóm thực hiện

Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more