Trần Lê Quang Tiến: “Tiếng đàn buổi sớm trong trẻo hơn”

Đăng ngày:

[Tạp chí ELLE tháng 2/2017] Khác với hình ảnh một “nghệ sĩ” violin đĩnh đạc, phong thái tự tin trên sân khấu, Trần Lê Quang Tiến ngoài đời ít nói nhưng hồn nhiên, đáng yêu và chân thành.

Trước khi gặp, người viết định phác họa về Trần Lê Quang Tiến như một tài năng nhí bởi thành tích đáng ngưỡng mộ: giải Nhất Bảng Junior trong cuộc thi VI International Violin Competition Kazakhstan. Kể từ sau khi nghệ sĩ Bùi Công Duy đoạt giải Nhất cuộc thi Tchaikovsky dành cho lứa tuổi thiếu niên tại S. Peterbourg năm 1997, đây là thành tích tiêu biểu đầu tiên của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam theo tiêu chuẩn chuyên nghiệp châu Âu và Quốc tế. Tuy nhiên, chuyện trò với Tiến, người viết đổi ý, ghi lại chân dung Tiến đúng với lứa tuổi để truyền cảm hứng cho bè bạn đồng trang lứa của em. Hãy cứ đam mê, và tài năng không đợi tuổi

Nghe đàn từ khi nằm nôi

Trần Lê Quang Tiến Tiếng đàn hồn nhiên 1

Sinh năm 2002 tại Hà Nội, từ thuở nằm nôi, Tiến đã được tiếng piano của chị gái ru vào giấc ngủ. Theo học piano khi 5 tuổi nhưng lên 9, Tiến xin mẹ cho chuyển sang học violin, loại nhạc cụ đòi hỏi nhiều kỹ thuật hơn với ý nghĩ rất hồn nhiên: “thích học một loại nhạc cụ khác với chị” vì “trong nhà có tiếng đàn từ hai loại nhạc cụ sẽ thích hơn”. Việc được làm quen với piano đã giúp Tiến rất nhiều khi chuyển sang violin bởi piano được xem là nhạc cụ khởi đầu cho những người học đàn muốn ghi nhớ nốt nhạc và hiểu giai điệu. Violin đã kết nối và nuôi dưỡng tâm hồn Tiến với thế giới cậu đọc được trong sách.

Học đàn chưa bao giờ khó nhọc

Trần Lê Quang Tiến Tiếng đàn hồn nhiên 2

NSƯT Bùi Công Duy Trưởng Khoa Dây Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam chia sẻ: “Thật kinh ngạc vì thời gian học violin của Tiến rất ngắn, (so với những học sinh khác thường bắt đầu từ 5-6 tuổi) nhưng em đã chứng tỏ một năng khiếu thiên bẩm và bản lĩnh biểu diễn đáng khâm phục. Học viện sẽ có kế hoạch bồi dưỡng để Tiến có thể tham gia những cuộc thi lớn hơn, như Tchaikovsky vào mùa sắp tới”.

Khác với đa số bạn bè đồng trang lứa, Trần Lê Quang Tiến dành đa số thời gian cho việc học. Tiến yêu thích tiếng Anh, đọc sách, hội họa và cả những giờ tập đàn. Ngoài giờ học với thầy Bùi Công Duy, Tiến luôn tự dậy sớm tập đàn: “Tiếng đàn buổi sớm trong trẻo hơn, mang tâm hồn tươi mới nên người chơi cũng dễ cảm thụ hơn”. Sau giờ học ở trường, Tiến chui vào góc thân thuộc của cậu sau cây đàn piano trên gác thượng,thỏa trí bay bổng với thế giới rộng lớn trong những cuốn sách về thiên văn, về hội họa… Rụt rè và hay cười tủm tỉm mỗi khi ghẹo chuyện nhưng Tiến lại rất mạnh dạn tham gia vào các buổi trình diễn tại trường, bởi tiếng đàn chính là thứ kết nối và truyền tải tâm hồn đáng yêu và trong trẻo của em tới mọi người.

Xem thêm

Nguyễn Phi Phi Anh – Cậu bé vàng của nhạc kịch Việt Nam

Huyền thoại âm nhạc Mỹ và những tài năng trẻ tiếp nối

5 tài năng trẻ và niềm hy vọng cho làng âm nhạc thế giới

Nhóm thực hiện

Bài: Nana Phạm, Ảnh: Chu Lân – Nguồn Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more