John Galliano – Hiệp sĩ mộng mơ cuối cùng

Đăng ngày:

Lớn lên trong sự nghèo khó và tuổi thơ bị kì thị, làm lũng đoạn làng thời trang bằng sức sáng tạo phi thường, hơn ai hết, John Galliano chính là người thấu hiểu nhất sự bạo liệt li kì của một cuộc đời kẻ mộng mơ giữa lòng thế giới thời trang tàn khốc.

Kẻ mộng mơ bé nhỏ:

Trước khi cầm trượng sáng tạo của Dior và được suy tôn là thiên tài, John Galliano – Juan Carlos Antonio Galliano Guillén chỉ là một cậu bé nhập cư người Tây Ban Nha sống ở khu ngoại ô Nam London nghèo khổ. Ngay từ nhỏ, John đã bộc lộ đam mê của mình dành cho thời trang: dù chỉ là đồng phục đi học hay quần áo mặc ở nhà, ông cũng tự chọn cho mình hoặc biến tấu đi một chút cho đúng ý. Sự khác biệt của cậu bé John ngày đó không phải là điều tốt lành gì giữa bối cảnh cuộc sống nghèo khổ của gia đình và của vùng Battersea nơi ông sinh sống với những kiếp người túng quẫn tứ phương.

“Tôi trở nên ranh ma cũng vì những chuyện như vậy. Tôi phải học cách đi học bằng những chuyến tàu sớm, ngồi ở toa nào để tránh bọn con trai bắt nạt. Tôi tìm cách che giấu những vết bầm tím để khi về nhà không ai hỏi. Nếu có ai biết thì mọi chuyện chỉ tệ hơn mà thôi”.

John Galliano 1

Ngay cả ở nhà, John cũng giấu giếm đi cá tính nghệ sĩ nhạy cảm của mình. Cha của ông – một người thợ sửa ống nước cộc cằn – không ngần ngại đánh con trai mình nếu John có lỡ biểu hiện ra sự mềm yếu không đáng mặt nam nhi. Dù ý thức được giới tính thật của mình ngay từ khi còn nhỏ, nhưng John luôn nói dối và che giấu bản chất thật với gia đình và nhất là với cha. Ông đã dành cả quãng đời tuổi thơ của mình trong sự trốn tránh tủi hổ với gia đình và xã hội như vậy. Chỉ có duy nhất sức sáng tạo ở John là điều không gì có thể ngăn cản được. Bởi với John, đó là áo phao cứu sinh, giữ cho ông còn sống và đủ sức mơ mộng cho cuộc đời sau này:

“Tôi dựng nên những câu chuyện trong đầu mình. Đó là một nơi tuyệt đẹp để tôi trốn khỏi thế giới thực. Đó là không gian riêng tư, là khu vườn bí mật của tôi”.

John Galliano 2

“Tôi dựng nên những câu chuyện trong đầu mình”

Mọi chuyện chỉ khá hơn khi John theo học tại Central Saint Martins – ngôi trường nghệ thuật hàng đầu thế giới – ngôi đền khai sinh ra những thiên tài của làng thời trang. Tại đây, sự khác biệt của John – thứ từng khiến ông bị hắt hủi trước kia – nay lại mang đến cho ông sự tán thưởng và yêu mến từ bạn bè đồng môn và các giáo sư trong trường. John đã làm việc chăm chỉ không chỉ để trang trải cuộc sống mà còn để khám phá những phép màu kì ảo của thế giới thời trang. Ông từng làm phụ tá trang phục cho diễn viên trong một nhà hát. Công việc này không chỉ mang lại cho John những kiến thức thực tế về việc sản xuất, bảo quản, sử dụng trang phục trên sân khấu mà còn ảnh hưởng mạnh đến hướng đi của ông sau này, biến ông thành một người kể chuyện, một người trình diễn ám ảnh với những câu chuyện kịch tính được kể bằng vải vóc áo quần. Bộ sưu tập tốt nghiệp của ông – Les Incroyables lấy cảm hứng từ những vở kịch thời kì Cách mạng Pháp thế kỷ 18 – là một hồi chuông gióng giả với thế giới thời trang, loan báo sự ra đời của một nhà Cách mạng, một kẻ ôm những giấc mộng lớn lao và đủ sức hiện thực hoá những gì hoang đường nhất.

John Galliano 7

John Galliano 3

Bộ sưu tập Les Incroyables của John

Ở thời điểm đó, Anna Grieve – nhà tư vấn cho Karl Lagerfeld tại Chanel hiện tại – lúc bấy giờ đang là biên tập viên tại Harper Bazaar Anh đã tự nguyện vứt bỏ mọi thứ để làm freelance cho John Galliano mà không cần thù lao:

“Tôi tự xin nghỉ việc tại Harper Bazaar và làm cho John không có thù lao. Mọi người làm cho ông ấy vì lòng tin. Có lẽ, ai cũng cảm nhận được rằng con thuyền của John sẽ ra khơi dù có họ hay không. Và chẳng ai muốn bỏ lỡ chuyến hành trình vĩ đại qua những đại dương xanh thẳm cùng John trên con tàu đức tin của ông ấy”

John Galliano 4

Khi hiệp sĩ ngã ngựa:

Điều khiến Anna Grieve cũng như Leon Talley – giám đốc sáng tạo của Vogue, Anna Wintour, Bernard Arnault – chủ tịch tập đoàn LVHM hay hàng triệu con chiên ngoan đạo của thời trang khuất phục trước John: Những câu chuyện kì diệu đằng sau các thiết kế của ông. John không phải là kẻ làm ra quần áo theo xu hướng hay vì được yêu cầu. Mỗi thiết kế của John được làm ra cho riêng một người phụ nữ nhất định trong khu vườn bí mật của riêng ông – một người phụ nữ trong lịch sử, hội hoạ, thi ca, văn hoá – một người phụ nữ có cá tính câu chuyện riêng. Những người mẫu trên sàn runway của John không đơn thuần khoác lên mình các thiết kế và trình diễn, họ đang nhập vai vào bộ trang phục mà John đưa cho họ.

John Galliano 5

John Galliano 6

John Galliano 8

John Galliano 9

John Galliano 10

John Galliano 14

John Galliano 15

“Tôi không còn là Naomi trên sàn runway của John. Tôi là bất cứ ai mà ông ấy muốn tôi trở thành. Chúng tôi phải mang nhân vật đó, bộ váy đó sống dậy trên sàn diễn” Siêu mẫu Naomi Campbell.

Có lúc trên sàn diễn của mình, John hào hứng kể câu chuyện về một nàng công chúa từ xứ sở Bạch dương xa xôi lên đường du ngoạn thế gian, lúc khác ông lạnh lùng tàn nhẫn dựng nên cả một vùng tuyết trắng vần vũ và đặt vào đó khuôn mặt yêu kiều của một nàng chúa tuyết tang thương… Những công chúa, nàng tiên, gái điếm, ma sơ của ông lướt trên sàn diễn bằng vẻ kiêu kì lả lơi nhuốm màu cổ tích trong gấu váy, diềm ren được thêu đắp bằng kĩ thuật cắt may tuyệt hảo. Những người phụ nữ đó không bước đi trong một câu chuyện bằng phẳng trên runway, họ sống cùng những kịch tính, xa xỉ mà John ném lên sàn diễn – tựa hồ một vở kịch nhiều chương hồi hỗn độn cảm xúc. John không kể những câu chuyện từ 1 xứ sở khác dưới lòng địa ngục tàn khốc như nhà thiết kế đồng hương thiên tài Alexander McQueen, ông mang về thực tại những vàng son diệu kì của một thế giới đã mất. Và ở cuối mỗi vở diễn, John bé nhỏ luôn là vedette chốt hạ màn với những bộ trang phục bảnh bao khi thì là tay cướp biển, lúc lại là ông hoàng, gã côn đồ nhỏ thó.

John Galliano 11

John Galliano 12

Cứ thế, John khật khưỡng, ngạo nghễ đi qua những hào quang sáng chói của thế giới thời trang. Ông nắm giữ quyền sáng tạo tại Givenchy được 15 tháng trước khi ngồi lên ngai vàng tại Dior trong suốt 15 năm, đưa nhà mốt này lên tới tột cùng đỉnh cao với những show diễn haute couture đi vào huyền thoại. Kẻ mộng mơ bé nhỏ năm nào đến từ Nam London trở thành hiệp sĩ, nhà vua của giới thời trang, bậc công thần hàng đầu làm nên lịch sử của Dior. Tuy nhiên, thời điểm những năm cuối cùng tại vị cũng là những năm tháng đen tối ngập trong rượu, thuốc của John. Cuộc sống xa xỉ và áp lực của giám đốc sáng tạo một thương hiệu hàng đầu thế giới như Dior chưa bao giờ là đơn giản. Tần suất nốc rượu sau mỗi show diễn, dùng thuốc để ngủ của John ngày càng tăng khiến ông trượt dài trong trạng thái mơ hồ nửa tỉnh nửa mê.

“Những giọng nói liên tục xuất hiện trong đầu tôi hỏi tôi đủ điều. Có một đội 5 người luôn đợi tôi sau mỗi buổi trình diễn. Kẻ đưa điếu xì gà, người châm lửa. Tôi thậm chí còn không biết dùng thẻ ATM. Tôi làm rất nhiều thứ nhưng chưa khi nào tôi dám chấp nhận rằng mình là một kẻ nghiện rượu” – John hồi tưởng.

Vào ngày 25/2/2011, Dior chính thức sa thải John sau sự kiện ông bị bắt gặp đang nhục mạ một nhóm phụ nữ Italia bằng những phát ngôn sặc mùi thân Hitler và bài Do Thái. Sự kiện này chỉ trước show diễn Thu/ Đông 2011 tại Paris ít ngày. Hẳn nhiên, gã John phát ngôn ra những câu nói chết người đấy không phải là John Galliano lúc đầu óc tỉnh táo và minh mẫn. Rượu và thuốc đã quật ngã hiệp sĩ trên con đường rong ruổi của mình. Show diễn cuối cùng John không xuất hiện, người ta cũng không dám nhắc đến tên ông mà chỉ thì thầm với nhau bằng nước mắt, những câu chuyện và lá cờ ghi dòng chữ “The King is dead”.

John Galliano 13

Hiệp sĩ mộng mơ cuối cùng:

Sự vụ năm 2011 là một vết nhơ mà truyền thông vẫn còn nhắc đến sau nhiều năm. Tuy nhiên, giới thời trang lại bao dung với John Galliano hơn. Những người đã ủng hộ John vẫn luôn dành niềm tin cho kẻ mộng mơ nhỏ bé năm nào: Anna Wintour, Kate Moss, Evangelista, Diane von Furstenberg, Oscar de la Renta… chỉ là một vài trong những cái tên luôn bên cạnh ông. John dần phục hồi sau cơn say và chậm rãi đi những bước đầu tiên để quay lại với thế giới thời trang kì diệu trong giấc mơ của mình. Ông dè dặt, kín đáo và tỉnh táo hơn.

John Galliano 16

Năm 2014, sau một thời gian giúp đỡ nhà mốt Oscar de la Renta, John chính thức quay lại với thời trang cùng vị trí giám đốc sáng tạo của Maison Margiela. Đây như 1 tin lành không chỉ dành cho John mà còn cho cả thế giới thời trang bấy giờ. Sau sự ra đi của Alexander McQueen – nhà thiết kế đồng hương có nhiều điểm tương đồng với ông, người ta mong mỏi sự trở lại của John sẽ đem về những kì quan đã mất trước kia của một thời đại ngập tràn những câu chuyện mộng mơ duyên dáng thay vì vật chất và thể nghiệm hiện đại.

Nhiều hoài nghi được đặt ra bởi John vốn nổi tiếng với sức sáng tạo kể chuyện bay bổng của mình trong khi Maison Margiela lại là một nhà mốt đi sâu vào cấu trúc và tái kiến tạo cấu trúc trang phục. Những bộ sưu tập lần lượt được ra đời cùng sự đón chào phản hồi tích cực từ giới chuyên môn. Nhưng tựa hồ, người ta thấy John cũng như những sáng tạo của ông trở nên dè dặt hơn, bớt phóng khoáng hơn. Vẫn là những đường may tuyệt hảo, kĩ thuật chồng lớp bậc thầy nhưng dường như câu chuyện của John trở nên lặng lẽ không còn sự kịch tính phấn khích ngày trước. Không còn công chúa, nàng thơ mà thay vào đó là những tuyệt tác điêu khắc bằng vải vóc lướt trên sàn diễn. Người ta bảo nhau, vị vua đã già, đã “người” hơn.

John Galliano 17

John Galliano 18

John Galliano 20Alexandre Vauthier, Fashion Show Couture Collection Spring Summer 2017 in Paris

Bộ sưu tập couture mùa xuân 2017 của Maison Margiela vừa qua gây sóng gió dư luận bởi thiết kế áo khoác dài trắng được bao quanh bởi một khuôn mặt người được tạo tác từ vải tulle. Thiết kế này đã làm dấy lên cơn sóng trên mạng xã hội khiến không chỉ những người yêu thời trang mà cả những kẻ ngoại đạo cũng phải quay đầu thán phục. Người ta lại tụng ca cái tên John Galliano như một vị cứu thế giữa những ngày thời trang couture đã trở nên nhàm chán với những sáng tạo hoặc quá lồng lộn, màu mè hoặc quá an toàn.

 

Dù không còn ở thời kì vàng son thuở trước, nhưng chẳng ai có thể phủ nhận John Galliano vẫn là một vị hiệp sĩ mộng mơ mải miết đi tìm và kể những câu chuyện bằng tài hoa của mình. Chỉ có điều, giờ ông đã đi qua gần hết cuộc đời dâu bể, đã lặng lẽ hơn để khước từ những hào hoa dưới ánh đèn sân khấu.

John Galliano 22

Xem thêm 

Haute Couture – Thế giới thời trang xa hoa, khốc liệt bậc nhất

5 chiến dịch quảng cáo xuất sắc thế giới thời trang đầu năm 2017

Đạo đức kinh doanh trong ngành công nghiệp thời trang nằm ở đâu?

Nhóm thực hiện

Dan Linh (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE)

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more