Nông nghiệp bền vững và câu chuyện về giá trị sống

Đăng ngày:

“Tự nhiên không thay đổi, cho dù cách thức nhìn nhận tự nhiên luôn thay đổi từ lúc này tới lúc khác. Bất kể lúc nào, nông nghiệp tự nhiên tồn tại mãi mãi như là suối nguồn của nông nghiệp”

Organic nổi lên như một hiện tượng kéo theo cuộc chạy đua của những nhà sản xuất và người tiêu dùng. Nhãn mác “thực phẩm hữu cơ” mọc lên khắp nơi và cuốn người ta vào cuộc đua “thực phẩm sạch”, sẵn sàng chi số tiền lớn cho những sản phẩm đính nhãn “hữu cơ” mà bỏ qua những giá trị cốt lỗi của “organic”, của nông nghiệp bền vững và một phong cách sống hướng tới thiên nhiên.

(Ảnh: Pinterest)

Theo nông trường New Country Organic: “Organic không có nghĩa là xu hướng, là cá tính hay một phong trào mà ai cũng muốn theo đuổi. Organic cũng không có nghĩa là đắt đỏ. Organic chỉ đơn giản là tìm đến sự cân bằng sinh thái, sống một cuộc đời “thật” được duy trì bằng thực phẩm sạch”. Những người nông dân dành thời gian hàng giờ, hàng tháng, hàng năm của cuộc đời mình không chỉ cho nông nghiệp bền vững mà còn hướng mọi người đến một lối sống và những giá trị sống cốt lỗi đằng sau dòng chữ “organic”.

Shindo-fuji và sự tái kết nối              

(Ảnh: The Good Trade)

Sự bùng nổ của công nghệ sinh học đã mở ra thời đại của những kĩ thuật mới trong nông nghiệp. Các giống cây trồng biến đổi gen được đưa vào nghiên cứu và sản xuất với mục đích tăng khả năng chống chịu và đạt năng suất cao hơn. Lời tuyên bố an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường được đưa ra như một sự đảm bảo đối với người tiêu dùng. Một cách vô thức, chúng ta dung nạp những hóa chất ấy vào cơ thể mình mỗi ngày. Ý thức trước sự nguy hại từ thực phẩm GMO (thực phẩm biến đổi gen), Bill Ahrens – một trong những thành viên của nông trại New Country Organic đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu về nông nghiệp bền vững, về những thực phẩm nói không với các loại hình hóa chất và biến đổi trên cây trồng. Cuộc sống với Ahrens như một sự cộng sinh và con người không bao giờ là một thể riêng rẽ. Triết lý này cũng được nông dân kiêm nhà cách mạng nông nghiệp người Nhật Masanobu Fukuoka nhận định trong suốt cuộc đời mình dưới tư tưởng “shindo-fuji”: cơ thể (shin) và Trái Đất (do) là hai yếu tố sánh đôi và không thể tách rời (fuji).

Masanobu Fukuoka – tác giả cuốn sách Cuộc Cách Mạng Một-Cọng-Rơm (Ảnh: Wikipedia)

Tự nhiên vốn không phải là công cụ của nhân loại mà nhân loại chính là một phần của tự nhiên. Sự gắn kết tuyệt đối giữa con người và môi trường chính là tư tưởng chủ đạo trong suy nghĩ của những nông dân hữu cơ. Thực phẩm lành mạnh mang đến một cơ thể khỏe mạnh và một cơ thể khỏe mạnh sẽ tạo nên một cuộc sống tốt. Fukuoka đã tiên phong trong trong phương pháp “nông nghiệp thuận tự nhiên” khi ông chọn bài trừ công nghệ, từ chối khoa học và chọn hình thức canh tác không cày xới, không phân bón, không trừ sâu, không diệt cỏ. “Nông nghiệp thuận tự nhiên” cho phép chúng ta sống mà không có sự hỗ trợ của kỹ thuật, như một sự tái kết nối khi chúng ta đã cô lập quá lâu với tự nhiên. Chúng ta cần kết nối với thực phẩm, cần ý thức về sức khỏe của ta, của gia đình và cả những người xung quanh.

Trải nghiệm và cơ hội từ “sai phạm”

(Ảnh: Shutterstock)

Khi đã chọn trở về cái sơ khai, với bản thể của nền nông nghiệp cũng là chọn gạt bỏ mọi cuộc chạy đua thức thời và học lấy một nền nông nghiệp “thiền”. Như với Thủy Tiên – người đã từ bỏ mọi thứ để sẵn sàng trở thành một người nông dân dãi nắng dầm sương, hết mình trên cánh đồng rau Vòng Lâm Viên, “mỗi ngày làm vườn là mỗi ngày được tu dưỡng và trưởng thành về mọi mặt”. Làm nông đã khổ, nông nghiệp bền vững càng khổ hơn bội phần. Nào là rủi ro thời tiết, mức độ hư hại, thời gian bảo quản… Nông dân hữu cơ không chỉ đơn thuần trồng rau, tưới đất mà họ còn “trồng” cho mình cả sự nhẫn nại và niềm tin vào những điều mình cho là đúng. Muốn đi nhanh thì phải từ từ, chăm chỉ nuôi đất, duy trì sự cân bằng sinh thái và chờ đợi kết quả. Thay vì phải cố chấp trong những tư tưởng nông nghiệp khác nhau, hãy tìm ở bản thân một sự tin tưởng, tin tưởng vào suy nghĩ, sự đồng hành với những người tương giao và ý thức trách nhiệm đối với sản phẩm của mình.

Nông trại Pun Pun ở Chiang Mai (Ảnh: Life & Thyme)

Có đi chậm mới để mọi trải nghiệm thẩm thấu một cách tốt nhất, mới đủ thời gian để tiêu hóa những thông tin, những kiến thức mới. Phát triển nông nghiệp đến từ sự từng trải và kiến thức trong quá trình trải nghiệm bản thân mới thực sự tạo nên cải cách. Nông trại hữu cơ Pun Pun ở Chiang Mai đã dành nhiều thời gian làm việc và thử nghiệm những phương pháp canh tác tự nhiên khác nhau. Họ không tìm đến những chuyên gia nông nghiệp tài ba vì với họ “sai phạm” là cơ hội tuyệt vời để học tập, sự trải nghiệm và chia sẻ mới là phương pháp tốt nhất phát triển nông nghiệp hữu cơ và duy trì một lối sống bền vững.

Sức mạnh của sự chữa lành

Phong cách sống bền vững không chỉ đòi hỏi ở mỗi người một sự cải cách trong tâm tưởng hay những trải nghiệm mà nó còn là một liệu pháp cho tâm hồn mỗi người. Ron Yuan Chiang dành nhiều năm với việc kinh doanh xà phòng thảo mộc đã đặt ra giá trị cốt lỗi cho doanh nghiệp của mình. Với Yuan, mọi thứ không chỉ đơn giản là một mảnh xà phòng, không chỉ là một vùng đất rộng lớn của những mơ mộng khởi nghiệp mà doanh nghiệp bền vững còn là cơ hội để khám phá sức mạnh của sự chữa lành từ thiên nhiên.

Một thỏi xà phòng thảo mộc (Ảnh: Yuan Soap Malaysia)

Những vật liệu thảo mộc tự nhiên và nước khe suối trong những bánh xà phòng có khả năng giúp phục hồi tế bào da và thanh lọc tâm trí. Triết lý kinh doanh của Yuan được gói gọn trong sáng tạo văn hóa, nhân loại học và nghệ thuật bản xứ Đài Loan. Con người trở thành yếu tố căn cốt trong tư tưởng doanh nghiệp bền vững của anh. Yuan chọn thuê những người nông dân hạnh phúc nhất – những người anh tìm thấy ở họ sự chăm chỉ và niềm vui bình dị, những người khao khát cánh đồng hoa màu đạt chuẩn và chất lượng cao. Anh cũng thuê cả những người phụ nữ về hưu và những người khuyết tật như một cách để chữa lành, để lấp đi những khoảng trống của họ và trao cho họ một cơ hội “được hạnh phúc”. Giá trị đạo đức và nghệ thuật lao động là những gì cần thiết cho một phong cách sống bền vững. Hãy yêu bản thân và cho phép mọi thứ trở về với nguyên bản mà nó vốn thuộc về.

Để hướng đến lối sống bền vững, hạn chế tối đa ảnh hưởng của con người đối với môi trường và xã hội trong lĩnh vực may mặc, ELLE Việt Nam tổ chức ELLE Design Contest – cuộc thi thiết kế “Thời trang bền vững” (Sustainable Fashion) – thuộc khuôn khổ sự kiện ELLE Fashion Journey sẽ được tổ chức cuối năm nay. Đây là sân chơi dành cho các bạn trẻ đam mê thời trang, muốn thử sức với một loại hình thiết kế mới mẻ và đem đến những giải pháp có ý nghĩa ứng dụng cao.

Thời gian nhận hồ sơ dự thi: 3/10 – 5/11/2017

Xem thêm thông tin chi tiết TẠI ĐÂY

Nhóm thực hiện

Bài: Vương Tuyền (Tham khảo: thegoodtrade.com, japanfs.org, taiwansoap.com)

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more