Nghệ thuật giá trị lâu dài

Đăng ngày:

Tiền không phải là thước đo sự giàu sang của một người phụ nữ. Thái độ và sự hiểu biết của chúng ta mới làm nên việc ấy. Hãy nuôi dưỡng và phát triển để hồn văn hóa chúng ta ngày càng đẹp và phồn thịnh hơn.

-000

Nghệ thuật

Nghệ thuật giá trị lâu dài 

Tháng 3/2014, tôi may mắn được tham gia Hội chợ Mỹ thuật châu Âu (The European Fine Art Fare – TEFAF) ở Masstrict, Hà Lan. Đây là hội chợ mỹ thuật cao cấp nhất, có uy tín nhất thế giới, thu hút gần 200 nhà buôn tranh và đồ cổ danh tiếng từ Amsterdam, London, Paris, New York, Munich, Vienna… đến trưng bày hàng ngàn bức tranh, tượng, đồ trang trí, đồ cổ quý hiếm bán cho các nhà sưu tầm, các nhà phụ trách bảo tàng, và những người yêu mỹ thuật. Bảo tàng Lourve ở Paris, Metropolitian ở New York, British London là những khách hàng quen thuộc của hội chợ này. Có lẽ đây là dịp duy nhất tôi được đứng gần những kiệt tác của Monet, Renoir, Rembrandt, Picasso, Warhol. với giá “for sale” gắn bên dưới. Đến hội chợ là một kỷ niệm quý giá, nhưng được chứng kiến cảnh mua bán, với số tiền giao dịch từ vài trăm ngàn cho đến vài triệu Euro mới thật sự là chuyện khiến tôi nhớ mãi.

Một bài báo của bá tước Spencer, em trai cố công nương Diana, nói về một hiện tượng buồn trong xã hội Anh. Theo bá tước thì xưa nay, một luật bất thành văn của xã hội thượng lưu Anh là con trai cả của một dòng họ thường là người được thừa kế tài sản chính của dòng họ đó. Tài sản này phần lớn bao gồm dinh thự, lâu đài, đồ cổ, đồ trang trí nội thất và các tác phẩm nghệ thuật trong tư gia của dòng họ. Người thừa kế và vợ của ông ta nếu không bổ sung, làm phong phú thêm những bộ sưu tập nghệ thuật cha truyền con nối của gia đình, thì cũng có bổn phận gìn giữ và bảo tồn những tài sản này.

Chính vì vậy, các lâu đài tư gia và của cải trong đó là niềm tự hào của mỗi dòng họ, được truyền từ đời này sang đời khác, trừ khi bị phá sản, số tài sản này không được bán hay chia chác. Chúng gần như một kiểu bảo tàng tư gia. Vậy nhưng, rất nhiều tài sản, di sản, đồ hương hỏa, và các tác phẩm nghệ thuật quý hiếm đó nay bị bán đi, hay bán đấu giá, hoặc bị phát tán để chia đôi tài sản, trang trải chi phí cho các cuộc ly dị bởi các bà mẹ kế ngoại quốc, phần lớn là người Mỹ, sau khi chia tay những ông chồng người Anh.

Bá tước Spencer cho rằng những người vợ ngoại quốc đó thường thiếu hiểu biết hay thiếu tình cảm dành cho những bộ sưu tập mỹ thuật gia bảo bên chồng nên với họ, chúng chỉ có giá trị về tiền bạc. Bá tước khẳng định rằng quyền được thừa kế là của người con cả và do đó, gia đình ông ta phải có nghĩa vụ to lớn là bảo tồn, gìn giữ những di sản, những kiệt tác nghệ thuật cho các thế hệ sau nói chung và cho nhân loại nói riêng. Bài báo của bá tước Spencer, dù có vị hoàn cảnh cá nhân (mẹ kế cũ của bá tước nằm trong số những bà mẹ kế kể trên), nhưng cũng đã phản ảnh đúng một thực tại buồn của xã hội Anh nói chung, và của châu Âu nói riêng.

Người châu Âu yêu quý và coi trọng nghệ thuật, các tác phẩm mỹ thuật một cách điên cuồng và rất riêng tư. Nếu bảo tàng Anh Quốc bị cháy rụi ngày mai, người Anh chắc chắn sẽ đau lòng lâu lắm lắm. Ở Anh và nhiều nước châu Âu, vào những ngày lễ, các tư gia mở cửa dinh thự cho công chúng vào xem và chiêm ngưỡng các tài sản mỹ thuật, nghệ thuật, hoặc kiến trúc của gia đình. Các bảo tàng hoặc các phòng tranh thường xuyên trưng bày các bộ sưu tập được “cho mượn” từ những gia đình hoặc cá nhân trong cộng đồng. Gia đình họa sĩ Picasso, sau khi ông mất, đã hiến toàn bộ các bức tranh cá nhân của ông cho bảo tàng Picasso quốc gia tại Paris. Các công viên, quảng trường thường xuyên tổ chức triển lãm mỹ thuật miễn phí cho công chúng. Vì vậy, việc mất đi một tác phẩm mỹ thuật hay một bộ sưu tập nghệ thuật, dù là của cá nhân, là một mất mát chung của cộng đồng.

Quay lại buổi đi dự triển lãm TEFAL hôm đó ở Masstrict, cùng đi với chúng tôi là một đôi bạn thân chồng Pháp vợ Nhật. Anh bạn người Pháp của tôi là con của một dòng họ quý tộc. Gia đình anh sở hữu một căn nhà dưới chân dãy núi Alp 600 năm nay. Chúng tôi đã nhiều lần tới nhà anh chị chơi. Mọi thứ ở đó, từ những bức chân dung của cụ kỵ anh, những thanh kiếm, quả chuông báo giờ cơm, những cuốn sách sờn gáy, đến nồi niêu xoong chảo trong bếp vẫn còn được giữ gìn qua bao thế hệ đến nay. Điều đáng nói ở đây là chị vợ người Nhật Bản, dù không phải là người Pháp, không cùng chia sẻ văn hóa của chồng song cũng yêu quý, cũng gắn bó, quyến luyến và trân trọng di sản gia đình nhà chồng. Chị hiểu và kính trọng giá trị lịch sử, văn hóa của những di sản đó. Hôm ở hội chợ TAFEL, chị – chứ không phải anh, là người chọn và quyết định mua kiệt tác thời Phục Hưng của một danh họa người Ý, để tiếp tục truyền thống của gia đình chồng.

Vâng, tôi biết, chỉ một phần rất, rất nhỏ trong số phụ nữ chúng ta có may mắn là người bảo hộ cho những gia bảo của gia đình (mình hay chồng) hoặc xa hơn nữa, có đủ khả năng để mua những kiệt tác nghệ thuật. Nhưng tất cả phụ nữ chúng ta, giàu nghèo gì, cũng đều có những di sản nghệ thuật riêng của gia tộc và chung của dân tộc để gìn giữ, bảo tồn, và phát triển. Tà áo dài, những mái ngói uốn đầu rồng của các ngôi chùa địa phương, vẻ đẹp như thiên đường của những bãi biển Việt, chiếc mâm nhôm ông bà để lại, ấm tích bố mẹ pha trà, những câu dân ca… là những di sản văn hóa và nghệ thuật mà những người phụ nữ bình thường như tôi, như bạn, đều có thể gìn giữ cho thế hệ sau, cho nhân loại.

Tiền không là thước đo giàu sang của một người phụ nữ, thái độ và sự hiểu biết của chúng ta làm việc đó. Hãy nuôi dưỡng và phát triển để hồn văn hóa của chúng ta ngày càng đẹp, và phồn thịnh hơn.

Nhóm thực hiện

Bài Vũ Phương Nhu 

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more