ELLE Giới thiệu: Điệp viên Z.21 – Kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ

Đăng ngày:

Cuốn sách Điệp viên Z.21 – Kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ vừa được xuất bản thời gian gần đây, cho chúng ta thấy rõ hơn về phẩm chất, tư duy và số phận của Phạm Xuân Ẩn, điệp viên huyền thoại.

ellevn-sach

Được đánh giá là một nhà báo phân tích chính trị xuất sắc, Phạm Xuân Ẩn đã làm việc cho các hãng thông tấn như Reuters, Herald Tribune và là phóng viên thường trú người Việt duy nhất của tạp chí Time trong hơn một thập kỷ của cuộc chiến tranh Việt Nam. Thậm chí, ngay cả khi cuộc chiến đi qua, ông vẫn tiếp tục cộng tác với tạp chí Time như một nhân viên mẫn cán. Phải đến năm 1976, các đồng nghiệp người Mỹ của ông mới té ngửa khi nhận ra, Phạm Xuân Ẩn là một điệp viên của miền Bắc Việt Nam.

Cuộc đời và con người Phạm Xuân Ẩn vì thế đã trở thành một đề tài chưa bao giờ mất đi sức hút đối với các nhà báo Mỹ. Câu hỏi tại sao ông có thể giấu tung tích của mình kỹ đến thế trong suốt nhiều năm hoạt động giữa lòng địch vẫn luôn làm cho những ai quan tâm tới công việc tình báo hào hứng. Và Thomas Bass là một trong số ít người có thể tiếp cận với Phạm Xuân Ẩn nhiều lần để đi tìm (một phần) câu trả lời. Cuốn sách của ông, Điệp viên Z.21 – Kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ (tên gốc: The Spy Who Loved Us. The Vietnam War and Pham Xuan An’s Dangerous Game), là kết quả nỗ lực tìm hiểu về điệp viên đã qua mặt người Mỹ, nhưng đồng thời vẫn luôn được coi là một người bạn của họ.

Thomas Bass đã mất 15 năm, thu góp từng phần tài liệu và trò chuyện với Phạm Xuân Ẩn để có thể viết ra cuốn sách này. Trong suốt thời gian đó, đã có lúc ông bị cựu điệp viên cắt đứt liên lạc vì nỗi lo lắng nghiên cứu của ông sẽ làm lộ ra quá nhiều thông tin cơ mật của chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, sự im lặng của Phạm Xuân Ẩn lại thúc đẩy tác giả cuốn sách phải tìm kiếm từ những nguồn thông tin khác, để rồi ông kinh ngạc nhận ra, vị điệp viên này không chỉ cung cấp nhiều thông tin bí mật của phía Mỹ cho chính phủ của mình, mà ông còn góp phần quan trọng trong những diễn biến quân sự tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975.

Cùng lúc với việc miêu tả lại Phạm Xuân Ẩn như một người hài hước và thu hút, Thomas Bass cũng không quên nhấn mạnh vào trí tuệ, và chiến lược đánh vào người Mỹ hoàn hảo của cựu điệp viên này. Phạm Xuân Ẩn đã dành hai năm học ngành Báo chí tại Mỹ, trở thành thực tập sinh tại báo Sacramento Bee (California) để tìm hiểu về chính sách ngoại giao, văn hóa và tinh thần Mỹ. Ông trở về Việt Nam làm việc với tư cách của một nhà báo, và bí mật cung cấp các thông tin tình báo cho những người đồng chí của mình ở miền Bắc, nhưng đồng thời cũng không bao giờ bỏ quên sự ngưỡng mộ của mình với những ưu điểm mà người Mỹ có.

Điệp viên Z.21 – Kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ phân tích 30 năm hoạt động tình báo và báo chí của Phạm Xuân Ẩn song song với diễn biến lịch sử của cuộc chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, tác giả cũng không bỏ qua việc nhìn nhận Phạm Xuân Ẩn như một con người với những di sản kế thừa từ gia đình, khát vọng cá nhân và tình yêu chia đôi cho cả chính Tổ quốc và nước Mỹ.

Cuốn sách thông qua những bình luận về cá nhân Phạm Xuân Ẩn, cũng đưa ra các đánh giá về những thất bại của quân đội Mỹ trong việc hiểu về văn hóa của người Việt Nam. Đồng thời, ông cũng lý giải được tại sao, dù đã phát hiện ra người đồng nghiệp Việt Nam của mình là một gián điệp, các nhà báo Mỹ vẫn bênh vực ông. Phạm Xuân Ẩn chưa bao giờ nói dối. Bất chấp tất cả những sự thật đã được công khai, họ vẫn muốn nhìn vào ông như một nhà báo xuất sắc của thế hệ mình.

Chia sẻ từ Thomas Bass

Nhà báo – giáo sư Thomas Bass chia sẻ rằng ông quyết định viết một cuốn sách về Phạm Xuân Ẩn khi nhận ra sức hút và trí thông minh siêu việt của cựu điệp viên này chỉ sau một lần gặp gỡ. “Tôi dành hết giờ này đến giờ khác trong phòng khách nhà ông. Ông là một người có tài kể chuyện đáng kinh ngạc”. Tên gốc của cuốn sách The Spy Who Loved Us là ý tưởng của Phạm Xuân Ẩn, đó là vỏ bọc nhưng đồng thời cũng là cảm xúc thật của ông dành cho người Mỹ. Thomas Bass cho biết thêm là ở giai đoạn sau của quá trình phỏng vấn, Phạm Xuân Ẩn cảm thấy những thông tin mà tác giả đã tìm thấy có thể gây hại cho những đồng nghiệp của ông. Chính vì thế, Phạm Xuân Ẩn không những đã từ chối gặp gỡ Thomas Bass, mà còn tỏ ý muốn ngăn chặn việc cuốn sách được xuất bản.

 

Bên cạnh cuốn sách của Thomas Bass, có một cuốn sách khác cũng nổi tiếng không kém về Phạm Xuân Ẩn. Điệp viên hoàn hảo, cuốn sách được coi là cuốn hồi kí không chính thức của Phạm Xuân Ẩn, dựa trên những cuộc phỏng vấn của nhà sử học người Mỹ Larry Berman với ông trong suốt 5 năm, cũng đã được dịch ra tiếng Việt. Tác phẩm này đã được mua bản quyền để dựng thành phim.

Bên cạnh cuốn sách của Thomas Bass, có một cuốn sách khác cũng nổi tiếng không kém về Phạm Xuân Ẩn. Điệp viên hoàn hảo, cuốn sách được coi là cuốn hồi kí không chính thức của Phạm Xuân Ẩn, dựa trên những cuộc phỏng vấn của nhà sử học người Mỹ Larry Berman với ông trong suốt 5 năm, cũng đã được dịch ra tiếng Việt. Tác phẩm này đã được mua bản quyền để dựng thành phim.

Nhóm thực hiện

Bài: Huy Phương – Ảnh: Tư liệu

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more