Chiếu sáng kiến trúc nhân tạo nhà ở

Đăng ngày:

Với Le Corbusier – kiến trúc sư tiên phong, người đặt nền móng cho chủ nghĩa hiện đại, kiến trúc là cuộc chơi huy hoàng nhưng chủ động và trật tự của những hình khối đắm mình trong ánh sáng. Ánh sáng vừa là yếu tố kỹ thuật vừa là yếu tố thẩm mỹ đóng vai trò quan trọng trong hoàn thiện công năng công trình. Ánh sáng trong nhà ở cũng không ngoại lệ.

Dựa vào nguồn gốc, có thể chia chiếu sáng kiến trúc thành chiếu sáng tự nhiên và nhân tạo. Chiếu sáng tự nhiên được thiết lập từ thiết kế kiến trúc qua bố trí cửa sổ, giếng trời, các không gian mở, lam chắn điều chỉnh cường độ ánh sáng… Chiếu sáng tự nhiên tốt vì thế gắn với một thiết kế kiến trúc hợp lý.

Từ nguồn sáng thô sơ như nến, đèn dầu… cho đến hiện đại là đèn điện, dựa vào tính chất nguồn sáng có thể chia ánh sáng nhân tạo thành hai loại chính: trực tiếp và khuếch tán. Ánh sáng trực tiếp xuất phát từ nguồn sáng điểm, khả năng chiếu rọi mạnh, tạo bóng đổ sắc nét và độ tương phản cao. Ánh sáng khuếch tán phát ra từ một diện, diện này có thể là chụp đèn trong mờ hoặc một mặt tường nhận ánh sáng từ trần rồi hắt sáng trở lại nội thất. Ánh sáng khuếch tán trải đều trên diện rộng, tạo bóng đổ mờ, ít tương phản. Do tính chất khác biệt mà hai loại ánh sáng có những ưu điểm khác nhau: ánh sáng trực tiếp rực rỡ và sinh động; ánh sáng khuếch tán làm mềm những góc cạnh thô ráp, tạo cảm giác thư giãn. Một thiết kế chiếu sáng tối ưu thường sử dụng uyển chuyển cả hai loại trên.

 

Chiếu sáng kiến trúc nhân tạo nhà ở

Chiếu sáng kiến trúc nhân tạo nhà ở

Dựa vào mục đích chiếu sáng có thể phân loại như sau: chiếu sáng tổng quát để cả không gian sáng đều; chiếu sáng cục bộ tạo ra đảo ánh sáng tạo nên tiêu điểm chiếu sáng trong không gian rộng; chiếu sáng nhấn mạnh mang tính trang trí nhằm tô điểm vật trưng bày hay các chi tiết kiến trúc; chiếu sáng tạo cảm xúc thường chỉ là quầng sáng nhẹ mang tính khơi gợi cảm giác… Trong phần lớn các trường hợp, thường phải kết hợp nhiều phương thức chiếu sáng mới đáp ứng được cả nhu cầu sử dụng và thẩm mỹ, khiến không gian sống trở nên sinh động hơn.

Căn hộ

Căn hộ – công trình nhà ở ngày càng phổ biến ở các đô thị Việt Nam – thường có quy mô nhỏ nhưng bao gồm nhiều không gian với công năng đa dạng. Từ phòng khách đến phòng ngủ, phòng làm việc đến nhà bếp, chiếu sáng tốt giúp sử dụng không gian hiệu quả, kiến tạo môi trường sống lành mạnh, tạo hứng khởi cũng như giúp thư giãn. Về mặt kiến trúc, ánh sáng làm thay đổi cảm giác không gian, màu sắc, chiếu sáng hòa hợp với ngôn ngữ kiến trúc do đó giúp nâng cao đáng kể chất lượng thẩm mỹ công trình.

Phòng khách thường là tâm điểm của căn hộ, là nơi diễn ra nhiều hoạt động: tiếp đón khách khứa, tụ tập chơi đùa, thư giãn giải trí… Chiếu sáng phòng khách cần đa dạng để đáp ứng các nhu cầu này. Về cơ bản, luôn cần chiếu sáng tổng quát từ mạng lưới đèn trần (trực tiếp), có thể tô điểm thêm bằng quầng sáng tạo mood từ đèn tường hay ốp trần hắt sáng (khuếch tán gián tiếp). Song song đó cần chiếu sáng cục bộ cho các không gian công năng như khu bàn khách – sofa với đèn thả, khu kệ sách – tràng kỷ với đèn đứng đọc sách… Nếu có tranh hoặc kệ trang trí có thể thiết kế thêm nhóm đèn chiếu sáng nhấn nhá khu vực này. Các nhóm đèn nên được điều khiển riêng biệt, có dimmer điều chỉnh độ sáng cho phù hợp với nhu cầu và khung cảnh.

Nguyên tắc chiếu sáng kết hợp chiếu sáng tổng quát và cục bộ tương tự cũng áp dụng cho phòng ăn, trong đó đảo ánh sáng quan trọng là bàn ăn. Với bếp thì ngoài chiếu sáng tổng quát bàn bếp cũng cần được chiếu sáng chuyên biệt, thông thường là kết hợp thiết bị chiếu sáng vào mặt dưới tủ bếp, giúp việc nấu nướng được thuận tiện.

 

decor-thiet-bi-chieu-sang-nhan-tao-cho-can-ho

Chiếu sáng kiến trúc nhà bếp

Phương án chiếu sáng phổ biến cho phòng làm việc tại gia là chiếu sáng tổng quát thông qua đèn trần hoặc đèn tường kèm theo đèn bàn hoặc đèn đứng cho bàn viết. Để mắt không bị mỏi cần tránh tương phản quá lớn vì vậy luôn duy trì chiếu sáng tổng quát ngoài chiếu sáng bàn làm việc.

Phòng ngủ là chốn riêng tư, là nơi nghỉ ngơi vì vậy việc ánh sáng tạo được cảm giác an tâm thư giãn là tối quan trọng. Trong không gian này khuyến khích sử dụng ánh sáng gián tiếp như ốp trần hắt sáng, đèn tường… với độ sáng điều chỉnh được, tạo cảm giác ấm cúng. Đèn giường, cần thiết cho những hoạt động thư giãn trước khi đi ngủ, có thể là đèn tường, đèn bàn, hoặc đèn đứng, lý tưởng nhất là loại có chao đèn linh động có thể xoay trở điều chỉnh hướng chiếu sáng và bật tắt ngay tại giường.

 

Các thiết bị chiếu sáng cho căn hộ nên đồng đều và phù hợp với phong cách nội thất của cả ngôi nhà.

Các thiết bị chiếu sáng cho căn hộ nên đồng đều và phù hợp với phong cách nội thất của cả ngôi nhà.

Nhà tắm/nhà vệ sinh cần ánh sáng tổng quát đủ để tạo cảm giác sáng sủa sạch sẽ, thuận tiện cho việc lau chùi, tránh trượt ngã. Chiếu sáng gương soi lý tưởng là hai nguồn sáng khuếch tán ấm áp từ hai bên gương giúp chiếu sáng khuôn mặt đồng đều và tạo cảm giác thoải mái.

Đặc điểm của chung cư là cụm phòng ốc liền kề nên để tạo được sự đồng nhất xuyên suốt các không gian, tránh dùng quá nhiều kiểu dáng đèn. Ngoài hệ đèn trần, các loại đèn thả đèn trang trí, đèn tường… dù được dùng với các mục đích khác nhau cho các không gian khác nhau vẫn nên tương đồng về phong cách nếu có thể nên bắt đầu thiết kế chiếu sáng cùng với thiết kế kiến trúc và kỹ thuật điện để có thể tìm được trang thiết bị phù hợp với hạ tầng công trình.

Lưu ý:

− Đèn thả hoặc đèn đứng chiếu sáng cục bộ thường cũng là đồ vật nội thất, ngoài công năng nên lựa chọn hình dáng và vật liệu đèn phù hợp với nội thất phòng.

− Tránh đặt các nguồn sáng trực tiếp quá gần tivi, tránh gây chói. Hiệu quả nhất là đặt một số đèn tường bên cạnh hoặc hắt sáng gián tiếp phía sau tivi để duy trì ánh sáng nền, không tạo tương phản quá lớn.

− Đèn thả bàn ăn không nên treo quá cao làm mất hiệu ứng chiếu sáng cục bộ nhưng cũng không quá thấp gây chói và cản trở. Độ cao hợp lý là trên 60cm so với mặt bàn.

− Người thuận tay phải, đèn làm việc nên chiếu từ trái sang và ngược lại với người thuận tay trái, tránh đổ bóng.

− Đối với bàn trang điểm, trên đầu gương tránh đặt đèn trần rọi trực tiếp xuống mặt tạo bóng đổ.

Nhà ống

Nhà ống có đặc trưng mặt bằng hẹp và dài, hai mặt hai bên kín, lấy sáng từ phía trước và phía sau, đôi khi có thêm giếng trời lấy sáng cho không gian ở giữa. Do đặc trưng loại hình công trình, sẽ có rất nhiều không gian nhỏ hẹp với vị trí cửa lấy sáng luôn ở những nơi nhất định. Với từng phòng chuyên biệt, nguyên tắc chiếu sáng nhân tạo trong nhà ống cũng không quá khác biệt với căn hộ chung cư.

 

Chiếu sáng kiến trúc nhân tạo nhà ống

Chiếu sáng kiến trúc nhân tạo nhà ống

Điểm khác biệt nằm ở việc chiếu sáng cầu thang – trục lưu thông thẳng đứng và thường kết nối trực tiếp với các không gian sinh hoạt chung như phòng khách, phòng ăn và bếp. Tùy kết cấu cầu thang mà có thể sử dụng đèn tường ở khu vực chiếu nghỉ hoặc đèn âm tường chiếu sáng bậc thang. Ngoài đèn trần, trong hành lang nếu có thể hắt sáng lên tường và trần sẽ giúp không gian thoáng rộng hơn. Vì diện tích nhỏ hẹp, tránh những thiết kế đèn rườm rà khiến không gian bị cắt vụn hơn nữa. Chiếu sáng cầu thang, hành lang và các không gian liền kề nên dùng đèn cùng kiểu dáng hoặc đồng dạng cũng như đồng nhất ở tất cả các tầng.

 

Kết hợp khéo léo việc chiếu sáng kiến trúc toàn diện và chiếu sáng cục bộ cho căn bếp.

Kết hợp khéo léo việc chiếu sáng kiến trúc toàn diện và chiếu sáng cục bộ cho căn bếp.

Chiếu sáng kiến trúc nhà vườn

Nhà văn Nhật Bản Junichiro Tanizaki trong tác phẩm Ngợi ca bóng tối đã viết rằng cái Đẹp nằm trong dáng hình của bóng đổ, giữa ánh sáng và bóng tối, trong cái tạo nên bởi sự đối kháng giữa hai yếu tố ấy. Quan điểm của Tanizaki đáng để suy ngẫm khi cân nhắc các phương án chiếu sáng.

Bản thân vườn bao quanh công trình nhà vườn cũng có cấu trúc thứ bậc nhất định cho lối vào, cụm cây cảnh, ao hồ… Chiếu sáng ngoại thất nhà vườn thường bao gồm chiếu sáng công năng giúp định hướng và chiếu sáng thẩm mỹ nhằm nêu bật vẻ đẹp cảnh quan. Cần xác định rõ cấu trúc khu nhà, vạch ra các hạng mục và mức độ quan trọng về công năng và thẩm mỹ để sắp xếp thứ tự ưu tiên chiếu sáng.

 

Chiếu sáng cho nhà vườn phải bám sát vào thiết kế và độ ưu tiên của công năng và thẩm mỹ.

Chiếu sáng cho nhà vườn phải bám sát vào thiết kế và độ ưu tiên của công năng và thẩm mỹ.

Những mục cần chiếu sáng để định hướng thường bao gồm chiếu sáng cửa ra vào, lối đi, nhà để xe. Trên lối đi, trung bình 2-3 mét cần một nguồn sáng điểm ở dạng đèn âm sàn hoặc đèn trụ. Đối với cửa ra vào nhà chính hay nhà để xe có thể lắp đặt đèn trần trên mái đón hoặc đèn tường.

Hạng mục chiếu sáng thẩm mỹ gồm chiếu sáng mặt đứng và chiếu sáng cảnh quan vườn. Chiếu sáng mặt đứng hướng đến tô điểm vẻ đẹp cấu trúc công trình, sử dụng nhiều thiết bị đa dạng như đèn âm sàn, đèn tường chiếu sáng những mảng tường, cột, vật liệu ốp… Nếu mặt đứng là kính thì có thể tận dụng ánh sáng nội thất tỏa ra tạo nên hiệu ứng đèn lồng. Chiếu sáng cây cảnh, tiểu cảnh, tác phẩm điêu khắc có thể dùng nhiều nguồn sáng điểm âm sàn hoặc đèn trụ có góc chiếu sáng linh động. Nếu vườn có hồ nước thì có thể chọn chiếu sáng cụm cây cảnh gần hồ tạo hiệu ứng phản chiếu long lanh.

Lưu ý:

Thiết bị chiếu sáng ngoại cảnh phải qua giám sát của kỹ sư điện để đáp ứng được các yêu cầu an toàn về chống ẩm, chống thấm.

Một số lưu ý kỹ thuật

Phương án chiếu sáng lý tưởng là sự phối hợp chặt chẽ giữa kiến trúc sư và thiết kế ánh sáng. Trong thực tế, nhiều thiết kế kiến trúc đã cố định không thể can thiệp khiến phương án chiếu sáng cũng bị giới hạn. Tuy vậy, trong mọi trường hợp, lưu ý các chỉ số kỹ thuật dưới đây sẽ giúp bạn chọn được thiết bị chiếu sáng tối ưu:

– Nhiệt độ màu: Ánh sáng trắng có nhiều sắc độ khác nhau trong đó ánh đèn dây tóc (khoảng 2700 Kelvin) là sắc ấm và đèn neon trắng (khoảng 5000 Kelvin) đại diện cho sắc lạnh. Tuy sở thích cá nhân khác nhau, thông thường ánh sáng trắng trong khoảng 2700-3200 Kelvin như ánh đèn dây tóc là lý tưởng cho chiếu sáng nội thất nhà ở vì nó mang lại cảm giác ấm cúng. Nếu chọn đèn huỳnh quang và LED, bạn nên lưu ý chỉ số này.

– Chỉ số hoàn màu (CRI): Chỉ khả năng tái hiện trung thực màu sắc. Đèn dây tóc có CRI 100, được coi là có khả năng thể hiện trung thực 100% màu sắc. Đèn huỳnh quang và LED điển hình có chỉ số CRI +80. Khi lựa chọn đèn cho nhà ở, lời khuyên là bạn nên chọn đèn có chỉ số CRI tối thiểu +80.

Xem thêm các kiến thức khác về kiến trúc và nội thất

Nhóm thực hiện

Thực hiện: Hoài Anh – Ảnh: Tư liệu

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more