Khánh Thi vs Nguyễn Trương Quý – Sống thật hay gồng?

Đăng ngày:

Trở về với những lo âu đời thường, người nghệ sĩ có sống thật với con người mình không hay lại phải gồng mình “điểm phấn tô son lại, ngạo với nhân gian một nét cười”? Cuộc trò chuyện giữa nhà văn Nguyễn Trương Quý và kiện tướng dancesport Khánh Thi sẽ cho bạn câu trả lời.

-001

Xa em – anh như người hát sau đêm hát. Chỉ thấy gió vật vờ quanh những tấm phông”. Câu thơ của Hoài Vũ vô tình khơi gợi câu chuyện về nghề biểu diễn, về cái cô độc của người nghệ sĩ khi một mình đối diện với chính mình.

Trở về với những lo âu đời thường, họ có sống thật với con người mình không hay lại phải gồng mình “điểm phấn tô son lại, ngạo với nhân gian một nét cười”?

Cuộc trò chuyện giữa nhà văn Nguyễn Trương Quý (NTQ) và kiện tướng dancesport Khánh Thi (KT) hẳn sẽ phần nào giúp bạn hình dung câu trả lời.

NTQ: Người Việt mình có câu “Sự thật mất lòng”, ngồi ở ghế giám khảo, khi đưa ra ý kiến đánh giá thí sinh – vốn cũng là những người làm nghệ thuật, Khánh Thi có chủ trương góp ý từ những hạn chế, lỗi mà họ mắc phải hay né đi để cuộc chơi vui vẻ?

KT: Thứ nhất, em luôn phân định rõ vai trò của mình ở cuộc sống bên ngoài và trong gameshow. Không thể áp dụng cách ứng xử ngoài đời vào chương trình truyền hình, ngay cả cách ứng xử giữa các gameshow truyền hình cũng đã khác nhau rồi.

Với chuyên môn, em có lợi thế là nhìn thấy ngay thí sinh sai hoặc đạt ở chỗ nào. Nhưng ở đây, họ trình diễn trước cả triệu khán giả hâm mộ nên khi nhận xét, mình cho họ thấy cái họ đang thiếu gì để khắc phục, chứ không vạch lỗi để họ tự ái. Còn giám khảo của mình thì lại là khán giả, chỉ sơ sẩy một chút thôi là… Em vẫn cứ phải tự trau dồi, học hỏi thêm sau mỗi chương trình.

NTQ: Người nghệ sĩ quả thật rất khó để sống thật. Như những gì Lê Vân hé mở trong Lê Vân – Yêu và Sống, một cuộc sống khác hẳn những gì khán giả biết, nghĩ về họ. Lê Vân đã giật tựa “Một khi lòng đã chán” khi nói về việc mình bỏ nghệ thuật, vì thấy thứ mình đã làm không là cái gì và không đi đến đâu, chỉ là những thứ nửa vời.

Trong khi, gia đình bố mẹ thì lục đục, tình duyên lại truân chuyên. Dù bị nhiều chỉ trích, bị kết án là “kẻ vạch áo cho người xem lưng”, nhưng điều đó cũng cho thấy Lê Vân đã rất dũng cảm sống thật, nói thật những gì mình nghĩ.

KT: Nếu cuốn tự truyện ấy ra mắt vào thời điểm này, có khi sự đón nhận sẽ theo chiều hướng khác. Em nghĩ thật là phí khi Lê Vân nói từ bỏ nghệ thuật vì chị chỉ là tay ngang. Nếu nghĩ vậy thì những nghệ sĩ tay ngang như em sẽ chẳng tiến xa được.

Hồ Ngọc Hà là một ví dụ, cô ấy đã vất vả rèn luyện rất nhiều để khẳng định năng lực của mình. Điều quan trọng là cô ấy đã chiến thắng chính bản thân mình.

Nhưng mỗi người có một cách sống, chị Lê Vân muốn sống thật, muốn người với người phải đối xử thật lòng với nhau. Nhưng anh cứ nhìn cách người ta phản ứng về lời nói thật “cạp đất mà ăn” xem, nó bóc mẽ trần trụi và khiến người ta nhận ra nhiều điều.

NTQ: Anh rất thông cảm với các nghệ sĩ và những người của công chúng ở khả năng chịu đựng những thị phi. Câu chuyện anh Kép Tư Bền mà Nguyễn Công Hoan viết từ những năm 1930 đến giờ vẫn mang tính thời sự: anh phải cố diễn hài chọc cười khán giả trong khi lòng đầy đau đớn, rối bời khi hay tin bố đang hấp hối. Đấy là một loại gồng. Ngoài ra, nghệ sĩ bây giờ gần như bị theo dõi đến tận phòng ngủ.

KT: Thế nên em nghĩ chắc phải đến 90% giới biểu diễn là gồng. Nếu không gồng, không tự đánh bóng mình lên để thành một bông hoa đẹp thì chẳng ai thèm nhìn đến mình cả. Ngay chuyện đơn giản nhất là vẻ bề ngoài, khi xuất hiện tại các sự kiện, các cô phải có hàng hiệu để bằng chị bằng em, phải có ê kíp làm đẹp riêng, chưa biết có làm ra tiền được không nhưng cứ phải trưng ra đã.

Thứ hai là về chuyên môn, nhiều người chẳng có tài năng gì cũng cố gồng lên, nào là tôi là thế này tôi là thế kia, cốt để được báo nhắc đến. Không có thì lại phải gây scandal để tạo được dư luận biết đến. Rất ít khi gặp được người sống thật trong giới showbiz.

NTQ: Bây giờ, nhiều phụ nữ trẻ dường như gạt chuyện tình cảm sang một bên và lao vào công việc như con thiêu thân. Nhiều người làm việc đến 8, 9h tối. Phụ nữ ngoài 30 đang có hội chứng gọi là khủng hoảng giữa đời (mid-life crisis), sợ đổ vỡ, sợ lão hóa, sợ bị coi là người thất bại, sợ đủ thứ. Họ tham gia đủ thứ liệu pháp từ chăm sóc sắc đẹp, mua sắm phục sức, nay lớp yoga mai lớp thiền. Trong khi thực ra họ vẫn ổn. Anh không biết có phải là họ đang sống thật không nữa.

KT: Thật chứ anh. Em đang là một trong những người đó! Em cũng thấy mình đam mê công việc một cách thái quá. Cũng phải tùy vào thực tế mỗi người, người thì kiếm tiền, người thì muốn vượt qua cú sốc tình cảm, người lại tìm công danh… Nhưng phần lớn, họ sống rất rõ ràng.

Em đã từng đổ vỡ về tình cảm trước khi vào Sài Gòn, nên mục đích đầu tiên của em khi lập nghiệp ở đây là phải sống được, chứ không phải để nổi tiếng. Ngày nào em cũng nỗ lực làm việc, tìm sang cả ca hát, cả dạy múa, hàng ngày học hát hay lăn ra trên sàn tập từ 8 giờ sáng cho đến 12 giờ đêm luôn.

Bây giờ, em đã ổn định được công việc và còn lo được cho mẹ dù không nhiều. Cái khó chỉ là chuyện quan hệ giữa con người với nhau mà thôi.

-000

Nhóm thực hiện

Ghi:  Trương Quý – Ảnh : Long Phạm – Stylist: Hoàng Anh

Trang điểm: Nguyễn Hùng – Váy: Ly Boutique – Thực hiện tại: Moca Cafe Hà Nội

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more