Châm ngôn sống: Trên Facebook, cần nhìn cho kĩ

Đăng ngày:

Đó là cách chúng ta nên ứng xử với những gì mình nhìn thấy trên mạng xã hội, và điều ấy có vẻ đi ngược với thói quen “lướt” của chúng ta.

Sử dụng mạng xã hội thế nào là đúng?

Sử dụng mạng xã hội thế nào là đúng?

Châm cuộc sống: Trên Facebook, cần nhìn cho kĩ 

Nhà văn nổi tiếng của Mỹ, Jay Asher, đã đưa lên Facebook của mình hình ảnh một người cha đang nghiêm khắc vào con mình và hỏi: “Con đã biết mình làm gì sai chưa?” và cậu bé trả lời: “Con biết rồi, con đã không kiểm tra lại độ xác thực trên Facebook, đã phát tán những thông tin nhảm nhí và đã giẫm đạp lên tình người”. Tôi tự hỏi, liệu bao nhiêu người trong chúng ta nhìn vào tấm ảnh ấy và giật mình nhận ra mình trong đó, chỉ có điều, chúng ta không hề hối lỗi.

Cách đây chưa lâu, một cô gái đã tung lên Facebook chuyện cô bị một người đàn ông đuổi theo và dọa bắt cóc lấy nội tạng. Cũng chính cô ấy, một thời gian ngắn sau, lại biến chính cháu ruột của mình trở thành con của tử tù. Lần nào cô ta kể chuyện, người ta cũng “like”, cũng “share” với tốc độ chóng mặt. Rồi sau đó, khi phát hiện ra cô chỉ nói dóc vậy thôi, người ta lại đùng đùng nổi giận vì sự tráo trở, bịa đặt của cô.

Chúng ta cứ như một bầy trẻ con, khóc – cười – vui – giận chỉ trong một vài giây. Vừa mới xúc động đấy rồi lại phẫn nộ đấy, rồi đùng đùng yêu cầu tìm sự thật, mà không biết rằng điều đầu tiên khi chúng ta nghe một thông tin là cần đặt câu hỏi: Có đúng là như vậy hay không?

“Nhìn đời bằng hai con mắt” – Đó là một câu châm ngôn sống. Tuy nhiên chưa bao giờ câu nói “Nhiều người tin chưa hẳn là sự thật” như hiện nay. Có một người vui tính đã làm một hình biếm họa với chân dung Tổng thống Mỹ Lincoln và câu nói bên cạnh: “Đừng tin vào bất kỳ câu trích dẫn nào trên Internet chỉ vì nó được đặt bên cạnh một ảnh chân dung” (Abraham Lincoln). Và điều trớ trêu là rất nhiều người tưởng vị tổng thống của đầu thế kỷ trước đã thực sự nói ra câu này. Sự chấp nhận độ xác thực của thông tin trở thành quá dễ dàng trong thời đại Internet hay mạng xã hội, vì chúng ta dễ bị những hiệu ứng hình ảnh đánh lừa, chúng ta tin vì bạn bè, người thân của chúng ta đều tin.

Những kẻ có mưu đồ xấu hay thích được chú ý dễ dàng lợi dụng sự “chủ quan” này của bạn. Chúng ta vẫn có thói quen sử dụng hay nghe vào một điều gì đó vì người quen của chúng ta đã làm điều ấy, đã tin vào điều ấy. Bạn sẽ dễ dàng share lại một thông tin nào đó vì bạn của bạn đã share, sự đảm bảo của mối quan hệ giúp bạn tin rằng cái mình đang chia sẻ là đúng. Và đó chính là cách những kẻ muốn lợi dụng tâm lý tập thể dùng để phát tán rộng các thông tin thiếu trung thực.

Tại sao những kẻ kia lại muốn làm điều đó?

Có rất nhiều lý do: Có thể họ muốn bán một món hàng nào đấy (lá cây chữa bách bệnh, kem lột trắng da…), có thể họ muốn thao túng và cười nhạo đám đông, có thể họ muốn nổi tiếng… Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là chính chúng ta, những người chia sẻ các thông tin đó cũng có nhu cầu được chú ý như vậy. Những thông tin càng giật gân, càng dễ gây tranh cãi, càng có khả năng khuấy động cảm xúc càng dễ được lan truyền. Chúng ta cần điều ấy để được làm người mang những gì nóng sốt nhất cho bạn bè trên Facebook. Và không chừng, một lúc nào đó nhìn lại, có thể chúng ta sẽ nhận ra Facebook của mình đã biến thành một tờ báo lá cải.

Vậy nên, khi đọc bất cứ điều gì có vẻ đáng sửng sốt trên mạng xã hội, bạn nên ngừng lại vài giây, tự hỏi mình rằng điều ấy có hợp logic hay không. Hãy nhìn bằng hơn hai con mắt để thấy rằng đây thực sự có phải là một thông tin xác thực. Nếu nghe một câu chuyện có vẻ giật gân khiến bạn ngay lập tức thấy buồn, thấy phẫn nộ, thấy giận dữ, thấy vui, hãy cũng cứ hít sâu vài lượt, đừng ấn nút share ngay. Biết đâu, khi làm thế bạn sẽ đủ thời gian để nhận ra bản chất của vấn đề.

Xem thêm:

Những câu nói hay về cuộc sống đầy ý nghĩa

Khi bạn mệt mỏi, chán nản về cuộc sống

4 bài học cuộc sống từ chú chó bull

Nhóm thực hiện

Bài: Huy Phương – Ảnh: Corbis

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more