5 bài học hữu ích sau khi trở thành host Airbnb

Đăng ngày:

Làm host (chủ nhà) của một dịch vụ Airbnb không dễ như bạn tưởng. Đôi khi bạn sẽ gặp phải những tình huống dở khóc dở cười đấy.

Airbnb (viết tắt của AirBed and Breakfast) là dịch vụ cho thuê nhà thông qua ứng dụng trung gian đang làm mưa làm gió ở khắp nơi trên thế giới, gần đây nhất là Việt Nam. Khi mới bắt đầu, dịch vụ Airbnb dựa trên ý tưởng sử dụng những phòng trống cho khách du lịch thuê lại để kiếm thêm thu nhập. Sau này, nhiều người đã tận dụng cơ hội để phát triển thành mô hình kinh doanh dịch vụ cho thuê nhà/ phòng trọ và kiếm được lợi nhuận cao, cạnh tranh trực tiếp với mô hình khách sạn.

Tháng này, tôi chính thức trở thành host (chủ nhà) dịch vụ Airbnb được nửa năm. Với niềm yêu thích thiết kế, trang trí nhà cửa, tôi đã cải tạo 2 căn hộ ở một chung cư cũ ngay trung tâm thành phố và cho thuê trên Airbnb. 6 tháng vừa qua mang lại cho tôi những cảm xúc khác nhau, vui có mà giây phút căng thẳng, chán nản cũng nhiều không kém. Mọi người khi nhìn vào có thể nhìn nhận việc kinh doanh này kiếm tiền quá dễ dàng. Tuy nhiên, bạn nên nhớ, cái gì cũng có mặt trái và để duy trì đam mê là một việc vô cùng gian nan. Dưới đây là 5 bài học đáng nhớ tôi rút ra được sau nửa năm trở thành một host trên Airbnb.

1. Hãy nhớ, đây không phải là công việc kinh doanh địa ốc mà là kinh doanh dịch vụ!

Không chỉ đơn giản là mô tả căn nhà có mấy phòng, bao nhiêu mét vuông với giá tiền là bao nhiêu, bạn phải liệt kê ra hẳn một danh sách dài dằng dặc những dịch vụ đi kèm để thu hút và chiếm được cảm tình của khách hàng. Một căn hộ tiêu chuẩn ngoài những tiện ích thiết yếu mà khách sạn nào cũng có, bạn phải nghĩ ra những thứ thật sự độc đáo, hấp dẫn và bắt mắt như thiết kế ấn tượng, vị trí thuận lợi ngay trung tâm, một căn bếp xinh xắn đầy đủ dụng cụ, đồ dùng nhà tắm và khăn tắm, máy giặt, nước uống, wifi nhanh như gió, thông tin hướng dẫn các điểm du lịch… Nói chung càng nhiều càng tốt, càng miễn phí càng ăn khách. Và hơn cả, nó phải ấm áp, dễ chịu như cảm giác được về nhà vậy.

Ảnh: Airbnb.com

2. Luôn sẵn sàng là một “hoa hậu thân thiện”

Khi chấp nhận trở thành chủ nhà của dịch vụ Airbnb, bạn hãy sẵn sàng trở thành “người của công chúng” mọi lúc mọi nơi. Hãy nhớ rằng, bạn không chỉ đánh giá khách mà khách cũng có quyền “đánh giá” bạn và nó ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu của bạn đấy. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn luôn mang theo điện thoại bên mình và phải trả lời tin nhắn kèm đủ loại thắc mắc của khách mọi lúc, mọi nơi, thậm chí vào lúc nửa đêm hay trong lúc đi “quẩy” với bạn bè. Và dù khách có phàn nàn gì bạn cũng phải lắng nghe và mỉm cười giải thích một cách nhẫn nại. “Khách hàng là Thượng Đế” mà. Để tránh những trường hợp phải liên tục trả lời thắc mắc của khách, khi check-in, bạn nên hướng dẫn một lượt cách sử dụng những tiện ích trong nhà, khóa cửa, đi lại…  Hãy làm quen với việc “đụng độ” phải những khách hàng cực kỳ khó tính đi nhé!

dich vu airbnb 1

Ảnh: Airbnb.com

3. Tiết chế cảm xúc và học cách giải quyết khó khăn

Bạn thiết kế và trang trí xong một căn hộ trong mơ và hấp dẫn rất nhiều khách đặt phòng. Vậy là phần đam mê đã xong, giờ là phần quay về thực tại và nó có nguy cơ làm bạn… rớt từ trên trời rơi xuống. Làm dịch vụ Airbnb giúp tôi rèn luyện tính nhẫn nại và sự chịu đựng một cách… tuyệt vời. Khách thuê nhà bạn đến từ khắp nơi trên thế giới đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải tiếp xúc với đủ loại người. Có những người rất dễ chịu, sạch sẽ nhưng có những người lại mang đến cho bạn quá nhiều rắc rối không mong muốn. Chẳng hạn như tuần trước, tôi đã phải tức tốc chạy lên căn hộ cho thuê vào lúc tối muộn để giải quyết với ban quản lý chung cư khi khách thuê đưa bạn về nhà chơi và xảy ra xích mích to tiếng với nhau. Hay khi khách tắm xả nước quá nhiều gây tắc cống, nước chảy tràn ra ngoài hành lang chung cư, tôi đang bận việc cũng phải nhanh chóng chạy về giải quyết. Khách đi lạc không tìm được đường về cũng gọi. Có hôm đến để khách check-out, nhận phòng xong cũng… méo cả mặt vì căn phòng vốn xinh đẹp bỗng như một… bãi rác; chưa kể một số đồ trang trí mà tôi sưu tầm trong các chuyến du lịch cái thì hư hỏng, cái thì bị vứt lăn lóc dưới gầm ghế… Những lúc như vậy, sự hứng thú với nhiều kỳ vọng thuở ban đầu cũng theo đó mà vơi đi ít nhiều.

Ảnh: Airbnb.com

4. Không có thời gian cho bản thân

Kinh doanh Airbnb không phải là công việc chính, tôi còn có một công việc toàn thời gian khác. Vì vậy, ngoài 8-10 tiếng ở công ty, tôi phải xoay xở thêm việc ở Airbnb (đón khách, dọn dẹp…). Kết quả, tôi làm việc nhiều hơn và thời gian dành cho bản thân ít hơn. Một thực tế phải đối mặt là bạn sẽ ít có cơ hội đi du lịch với bạn bè vào ngày nghỉ vì những ngày cuối tuần hay lễ thường có khách đặt phòng, trừ khi bạn có người phụ quản lý những việc này. Và hãy xác định bạn sẽ thường xuyên bị làm phiền bởi vô số những việc không tên và có nguy cơ làm tuột… cảm xúc của bạn bất cứ lúc nào.

dich vu airbnb 2

Ảnh: Unsplash

5. Gặp gỡ những người tuyệt vời

Không phải lúc nào bạn cũng gặp những thứ tiêu cực. Ngoài những vị khách vô cùng khó tính và phàn nàn về tất cả mọi thứ, bạn sẽ có cơ hội gặp gỡ và kết bạn với những người tuyệt vời từ khắp nơi trên thế giới. Tôi đã gặp một luật sư ở Úc, một nghệ sĩ ở Hà Nội, một nhiếp ảnh gia nổi tiếng của Pháp, một cô gái trẻ đam mê nghệ thuật đến từ Bắc Kinh, một chuyên gia về tài chính từ Hồng Kông… Thật tốt là họ đều rất thân thiện, cởi mở và sẵn sàng chia sẻ trải nghiệm. Tôi đã học hỏi từ họ rất nhiều. Đó chính là niềm vui, là cảm hứng giúp tôi cân bằng với những khó khăn, căng thẳng hay gặp phải.

dich vu airbnb

Ảnh: Airbnb.com

Nhóm thực hiện

Bài: Quỳnh Hương (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE)

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more