Bạn có biết về 9 cấp độ cảm xúc của sự lo lắng?

Đăng ngày:

Hiểu được các cấp độ cảm xúc của chính mình sẽ giúp bạn biết cách xử lý vấn đề, đồng thời lấy lại trạng thái cân bằng nhanh hơn.

Cuộc sống vốn không tránh khỏi những lúc bạn phải đắn đo về một vấn đề nào đấy. Đó có thể là việc học hành, việc ở công ty, việc gia đình, vấn đề tài chính hay các mối quan tâm khác. Mặc dù lo lắng là cảm xúc thường thấy ở mỗi người nhưng nếu không thực sự hiểu và biết cách kiểm soát, chúng ta sẽ dễ dàng bị nó lấn át, làm giảm sút tinh thần và nghiêm trọng hơn là có thể bị trầm cảm.

Thông thường, người ta sẽ có hai cách phản ứng khi có chuyện không ngờ xảy đến. Người lạc quan sẽ tìm cách quản lý vấn đề thay vì bị chúng chi phối. Họ thường tập trung vào những việc lớn và không để chút khó khăn cản bước đi của mình. Trái lại, người bi quan sẽ dễ dàng rơi vào trạng thái bế tắc, dễ bị tác động bởi những việc xảy ra xung quanh. Típ người này thường cảm thấy lo lắng, sợ hãi về nhiều việc. Nhưng dù bạn là người tiêu cực hay không, việc nắm bắt cảm xúc là điều hết sức quan trọng. Dưới đây là 9 cấp độ của sự lo lắng mà bạn nên hiểu để biết cách vượt qua mối lo âu hiện tại:

cam xuc 1

Bảng 9 cấp độ lo lắng cho chúng ta cái nhìn đơn giản mà trực quan để hiểu rõ hơn cảm xúc của chính mình. (Ảnh: Unlovablebook)

Cấp độ 0 – Khi cảm xúc ở trạng thái cân bằng

Một người vui vẻ thường bắt đầu ngày mới của mình ở cấp độ “lo lắng = 0” . Họ sẽ cảm nhận nguồn năng lượng tràn đầy mỗi buổi sáng. Họ đến trường, đến công ty với một tâm thế vô cùng hào hứng và năng nổ. Ở mức này, họ sẽ không chịu gánh nặng bởi chuyện tiền bạc hay vấn đề gia đình, công việc. Họ có sức khỏe tốt, mọi việc xung quanh đều suôn sẻ. Cuộc sống thật tuyệt vời.

cảm xúc 2

Ở cấp độ này, sự lo lắng trong bạn gần như bằng 0. Bạn tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn. (Ảnh: Unsplash)

Cấp độ 1-2 – Khi lo lắng vẫn ở trong tầm kiểm soát

Đây là lúc cảm giác lo lắng bắt đầu nhen nhóm trong bạn nhưng nó chưa phải phải là vấn đề quá to tát. Mọi thứ đều trong tầm kiểm soát. Một cách dễ hiểu, lo lắng ở cấp độ 1 và 2 được ví như lúc bạn bỏ quên chìa khóa xe khi sắp trễ giờ làm hoặc khi không tìm được điều khiển tivi, hay chiếc mắt kính yêu thích vậy.

cảm xúc 2

Nếu đang ở mức độ lo lắng 1 và 2, hãy yên tâm, mọi thứ vẫn đang nằm trong khả năng kiểm soát của bạn. (Ảnh: Unsplash)

Cấp độ 3-4-5 – Mọi chuyện mới thực sự bắt đầu

Cuộc sống sẽ xuất hiện nhiều vấn đề bất ngờ khiến bạn cảm thấy hoang mang và lo lắng. Tuy không phải lúc nào cũng dễ dàng vượt qua nhưng ở đâu đó trong bạn vẫn có niềm tin vào khả năng giải quyết vấn đề của mình. Bạn biết rằng chỉ cần một thời gian, cảm xúc sẽ trở về cấp độ 2 hoặc 1 hay có khi bạn sẽ thoải mái tận hưởng những ngày vui vẻ sắp tới khi mọi thứ đều đã ổn định. Điều này có thể minh họa bằng việc bạn mắc lỗi nói lắp, hoặc quên lời khi thuyết trình trước đám đông. Ban đầu, bạn sẽ vô cùng khó chịu và bực tức. Nhưng sau đó, bạn nhanh chóng trở về trạng thái bình thường và dần dần, sự lo lắng trong bạn sẽ không còn nữa.

Tuy nhiên, không phải lúc nào kết quả cũng khả quan như vậy. Một số người khác thay vì tìm cách làm dịu đi sự lo lắng, đưa cảm xúc trở về trạng thái cân bằng thì lại bị cuốn theo nó, khiến tâm trạng tồi tệ hơn. Khi ấy, một việc nhỏ xảy ra cũng làm cơn thịnh nộ của họ tăng lên. Những người này thường chọn cách ngồi một góc im lặng và không thiết tha làm gì nữa.

cảm xúc 3

Đây là một mức độ khá quan trọng vì nếu như không biết cách giải tỏa căng thẳng, tâm lý bạn sẽ dễ dàng bị ảnh hưởng và trở nên tồi tệ hơn. (Ảnh: Unsplash)

Cấp độ 6-7-8-9 – Khi lo lắng lên đến đỉnh điểm

Đây là mức độ đáng lo ngại nhất khi bạn trong trạng thái vô cùng mệt mỏi cả về tinh thần lẫn thể chất. Bạn cảm thấy bản thân không còn chút sức lực nào và rơi vào tình trạng suy sụp hoàn toàn. Một ví dụ dễ hiểu, bạn sẽ cảm thấy ra sao khi trong cùng một ngày, bạn vừa bị mất thẻ ATM, lại bị trách mắng ở công ty và thú cưng bạn đang chăm sóc lại bỗng dưng bị mất? Khi ấy, chắc hẳn bạn sẽ thấy chán nản, chỉ muốn nằm trên giường và chẳng thể làm được việc gì cả. Hoặc thậm chí, bạn có thể lo lắng đến cả những việc chưa xảy ra. Nhìn chung, tâm lý bạn đang ở giai đoạn vô cùng nhạy cảm và dễ tổn thương.

cảm xúc 4

Nếu đang trong tình trạng lo âu cực độ, đừng quá chủ quan mà hãy tìm đến những lời khuyên hữu ích từ bạn bè và người thân. (Ảnh: Unsplash)

Tóm lại, sự lo lắng đôi khi không thể giải quyết đơn giản bằng việc hít thở sâu hay nghe một câu chuyện tích cực. Có những lúc chúng ta không cố tình tạo ra cảm giác hoang mang nhưng trong suy nghĩ lại phát ra một lời “cảnh báo” đòi cơ thể phải phản ứng lại, ví dụ như những biểu hiện thường gặp là tim đập nhanh, môi khô lại, chảy mồ hôi tay… Đối với một số người, chứng lo âu không đơn thuần là cảm xúc bình thường mà có thể trở thành bệnh tâm lý khó kiểm soát. Vì vậy, trước khi phải nhờ đến sự can thiệp của các biện pháp y khoa, chúng ta cần hiểu rõ và tự điều chính cảm xúc của mình, xây dựng suy nghĩ tích cực và nếu cần thiết, hãy tìm đến lời khuyên từ những người xung quanh.

Xem thêm:

Âm nhạc ảnh hưởng thế nào đến não bộ và cảm xúc

Nếu bạn muốn vượt qua những cảm xúc tiêu cực, hãy ghi nhớ 8 điều sau

Nhóm thực hiện

Thùy Dung (Nguồn: Tạp chí phái đẹp ELLE/ unlovablebook)

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more