Để việc học ngoại ngữ không còn bất khả thi

Đăng ngày:

Học ngoại ngữ vừa là ước mơ lại vừa là niềm ám ảnh, sợ hãi của bạn? Không phải chỉ riêng bạn mang trong mình suy nghĩ đối nghịch như thế, hãy để ELLE gỡ rối giúp bạn.

Nghiên cứu về ngôn ngữ xã hội học, tôi phát hiện ra một điều khá thú vị: ít hay nhiều chúng ta đều là những người song ngữ hoặc đa ngôn ngữ bởi ngôn ngữ vốn có mối quan hệ mật thiết và tương tác với nhau. Việt Nam từng là một quốc gia đa ngôn ngữ trong thời thuộc địa với 3 thứ tiếng: Việt, Hán và Pháp. Nếu bạn để ý kỹ, hiện trong tiếng Việt có khoảng gần 200.000 từ có gốc từ tiếng Hán, khoảng hơn 1.000 từ mượn từ tiếng Pháp, Nga, Anh… như vậy có nghĩa dù bạn không hề học một ngoại ngữ nào, bạn cũng vô tình biết một số vốn từ vựng ngoại ngữ nào đó. Ngày nay, nhìn vào số lượng người sử dụng tốt tiếng Anh nói và viết ở Việt Nam bạn sẽ ngạc nhiên, và nếu nhìn xa hơn trong khu vực sẽ thấy Singapore, Malaysia, Philippines là những quốc gia đa ngôn ngữ. Xa hơn nữa là các nước Âu Mỹ, với phong trào học tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Nhật, Hàn, Ả Rập… bởi số lượng người nhập cư cao và mong muốn hợp tác kinh doanh quốc tế đang ngày càng nở rộ.

Học ngoại ngữ không khó

Cá nhân người viết cũng sử dụng thành thạo tiếng Anh, giao tiếp tiếng Trung, Pháp và đang trong quá trình cải thiện thêm một số ngôn ngữ khác. Tuy nhiên, tôi thấy nhiều bạn bè, người thân không tự tin và không hứng thú học ngoại ngữ mặc dù rất muốn. Theo họ, giỏi ngoại ngữ quá khó, cần có năng khiếu bẩm sinh, cần nhiều thời gian, tiền bạc và cơ hội học và thực hành. Vì vậy, với nhiều người sẽ là giấc mơ xa vời. Nhưng theo kinh nghiệm và nghiên cứu, tôi cho rằng đó là một giấc mơ có thật nếu bạn thử làm theo các cách sau đây:

Thực tế: Bạn cần thực tế khi học ngôn ngữ bằng cách nhớ câu danh ngôn: “Thành Rôm không chỉ được xây trong một ngày” để không bỏ cuộc. Nhiều người học ngoại ngữ và bỏ dở giữa chừng bởi họ ảo tưởng rằng mình có thể học giỏi rất nhanh và hoàn hảo nên khi bắt tay vào học, họ thấy “mình học trước quên sau, suốt ngày mắc lỗi và đi đến kết luận “rõ ràng mình không có năng khiếu ngoại ngữ” và sau đó chán nản. Khi chán nản, họ lại chuyển sang một ảo tưởng khác: “Mình không thể và không bao giờ học tốt ngoại ngữ”. Thực tế, học ngôn ngữ mới cũng như học hay làm những việc khác như Edison nói “Thiên tài chỉ có 1% còn lại 99% là không ngừng cố gắng”. Vậy, hãy thực tế: “Bạn hoàn toàn có thể giỏi ngoại ngữ, chỉ là vấn đề thời gian và sự nỗ lực”.

Học ngoại ngữ là một giấc mơ có thật

Thực dụng: Thực dụng trong học ngoại ngữ là xác định rõ mục đích học của mình là gì bởi nếu bạn không biết dùng để làm gì, bạn sẽ không có động lực để theo đuổi. Mục đích sử dụng ngoại ngữ của bạn có thể là để giải trí như đọc sách nước ngoài, nghe tin, xem phim, nghe nhạc hay hát nhạc ngoại… Mục đích khác là mở rộng quan hệ xã hội, kết bạn quốc tế, tìm hiểu văn hóa, văn minh nước ngoài; du học, thăng tiến trong công việc hiện tại, tìm kiếm cơ hội làm việc trong các tổ chức đa quốc gia, yêu và kết hôn với người nước ngoài, chuyển địa điểm sống… Khi xác định rõ mục đích, bạn sẽ có thể lên kế hoạch học tập, thực hành phù hợp

Có kế hoạch: Kế hoạch của bạn có thể là trong ngày, một tuần, vài tháng, vài năm thậm chí vài thập kỷ tùy theo khả năng về thời gian, cơ hội thực hành và sử dụng của bạn. Hãy đặt kế hoạch bạn mong muốn, sau đó nếu thấy không ổn có thể giảm dần hoặc tăng dần tùy theo năng lực thực tế của bạn. Lời khuyên của tôi cho bạn khi mới học là không nên vội vàng hay đặt ra mục tiêu quá sức, hãy tập luyện từng bước chậm chạp nhưng chắc chắn.

Quyết tâm: Khó khăn nhất là điểm khởi đầu, khi mọi thứ đều mới lạ, khó hiểu, khó nhớ, khó thực hành và bạn dễ từ bỏ sau một thời gian cố gắng. Vượt qua giai đoạn làm quen với ngôn ngữ mới ban đầu, bạn sẽ thấy việc học trở nên dễ dàng hơn. Thử thách sau đó là việc bạn mất tự tin khi mắc lỗi hoặc không đủ vốn từ hay câu để diễn đạt ý hoặc phát âm hay sử dụng ngữ pháp không đúng. Tôi khuyên chính bản thân mình và tất cả người học: “Đừng cả nghĩ, mắc lỗi, ít vốn từ vốn câu, phát âm sai là yếu điểm của tất cả những người mới học hay học đã lâu”. Dần dần vốn từ, vốn câu và khả năng phát âm của bạn sẽ cải thiện theo thời gian và mức độ rèn luyện và thực hành. Chỉ cần không từ bỏ, bạn sẽ như chú kiến tha lâu sẽ đầy tổ ngôn ngữ

Học ngoại ngữ

Lãng mạn: Làm việc gì muốn nhẹ nhàng hơn hãy thêm chút lãng mạn, học ngoại ngữ cũng vậy. Bạn hãy nghe nhạc, đọc sách, xem phim, hẹn hò hoặc kết hôn (nếu bạn yêu và muốn cưới) với người nói ngôn ngữ bạn đang học. Nếu mới học, hãy học hát bài hát thiếu nhi, đọc truyện cổ tích, xem phim hoạt hình có phụ đề. Tiếp đó, hãy xem phim dài, series… Bạn cũng có thể viết nhật ký, blog, cố gắng sử dụng từ điển hoặc trích dẫn và viết bằng ngoại ngữ mình đang học và đừng sợ mắc lỗi. Một thời gian sau đọc lại, bạn vừa có kỷ niệm lại vừa nhận ra được những chỗ sai sót cần cải thiện của mình. Hãy tập hát, làm thơ thiếu nhi, người lớn bởi trong thơ và bài hát bạn dễ dàng học thêm được từ, câu đơn giản dễ nhớ và lại có thêm cảm xúc thi vị cho cuộc sống. Bạn cũng có thể gửi tặng thơ, bài hát, truyện, viết bằng ngôn ngữ bạn học cho người thân, người yêu, chồng vợ, họ sẽ hạnh và tự hào về bạn biết bao. 

Thông minh: Có rất nhiều cách học thông minh, tùy vào điều kiện hoàn cảnh mỗi người. Nếu bạn có điều kiện tài chính, hãy trả tiền cho những khóa học ngôn ngữ ở các trung tâm lớn, đi du lịch hoặc du học ở những vùng nói ngôn ngữ bạn học, thuê gia sư riêng… Còn nếu không có đủ tài chính hãy học bằng cách sử dụng mạng xã hội để xem phim, nghe nhạc, học online miễn phí, cập nhật trang mạng xã hội bằng ngoại ngữ bạn đang học hay chơi những trò chơi cải thiện ngoại ngữ online… Bạn cũng có thể học bằng cách thực hành với đồng nghiệp, khách hàng, bạn bè. Nếu bạn có người yêu hay hôn thê là người nước ngoài hay giỏi ngoại ngữ, hãy tranh thủ giao tiếp và học hỏi từ họ. Bạn cũng có thể dùng ngoại ngữ này để học ngôn ngữ khác có nhiều điểm tương đồng: chẳng hạn như bạn dùng tiếng Việt để học tiếng Trung, dùng tiếng Anh để học tiếng Pháp, dùng tiếng Trung để học tiếng Nhật, Hàn và ngược lại… Cách học thông minh chỉ đơn giản là tận dụng tối đa nguồn lực mình có dù ít hay nhiều. 

Học ngoại ngữ một cách thông minh

Thừa nhận yếu điểm: Đừng ngại thú nhận với người thân đồng nghiệp hay đối tác là khả năng ngoại ngữ của bạn không hoàn hảo như bạn yếu ở phần phát âm, yếu ở khả năng ngữ pháp hay biết nói mà không biết viết hoặc ngược lại đọc viết giỏi nhưng không tự tin nói. Bạn cũng có thể biết một số ngôn ngữ nhưng mỗi ngôn ngữ một chút ít chứ không thực sự thành thạo cũng chẳng có gì là tội lỗi cả. Mọi người hoàn toàn có thể thông cảm và thoải mái bởi chính họ có lẽ cũng có yếu điểm nào đó hoặc thậm chí không hề biết ngoại ngữ mà bạn biết.   

Say mê thực hành: Thừa nhận yếu điểm không có nghĩa là không thể khắc phục hoặc làm giàu vốn ngoại ngữ. Bạn hãy tạo thói quen thực hành: Không nên lao vào học thật nhiều trong một khoảng thời gian ngắn rồi bỏ bẵng đi không động đến mặc dù không bận rộn gì cho lắm, bạn sẽ quên nhanh những gì đã học. Hãy mua máy tính bảng, bảng viết, giấy bút và viết những câu những từ bạn muốn nhớ hoặc chia sẻ với người thân, bạn bè. Hãy tạo thói quen học mọi nơi, mọi lúc, thậm chí cả lúc ngủ bằng thói quen nghe nhạc, bật radio, tập viết, tập nói… 

Thư giãn: Không có việc gì làm mãi mà không thấy mệt hoặc chán, học ngoại ngữ có thể còn dễ chán hơn nếu bạn không phải là người ưa tỉ mỉ. Khi bạn thấy mệt và chán học hãy nghỉ một thời gian, có thể một vài ngày, vài tuần, thậm chí vài tháng, vài năm để chú tâm các ưu tiên khác trong cuộc sống và khi quay lại học bạn lại thấy hứng khởi như trước và thậm chí còn thấy thích học hơn nữa

Học ngoại ngữ cũng cần thư giãn

Thành công: Tin hay không thì bạn đã thành công đáng kể dù học lâu hay ít. Dù chỉ là nhớ được một từ, nói được một câu chào, hiểu một câu danh ngôn, hát một bài hát, hiểu một bài thơ cũng được coi là thành công và bạn hoàn toàn có thể công nhận khả năng và tự hào về cố gắng của bạn. Tiếp đó là biết một đoạn hội thoại như chào hỏi, giao tiếp hàng ngày, giao tiếp công sở, và thành công hơn nữa là có thể đọc sách, nghe bản tin, xem phim và hơn nữa đó là sáng tác. Thành công hơn tất cả đó là sự hòa nhập quốc tế, bạn có thể mở ra cho mình một chân trời kiến thức, quan hệ xã hội mới và chìa khóa chính là những ngôn ngữ mà bạn đã và đang theo học

Bạn đã thấy tự tin hơn nhiều rồi chứ? Tôi tin bạn và tôi chúng ta đều làm được, tất cả chỉ là vấn đề thời gian và sự nỗ lực của mỗi người.

__

Xem thêm:

21 thói quen tích cực khi đi du học hoặc định cư tại Âu – Mỹ

5 chữ “Vì” khiến phụ nữ khó học tốt tiếng Anh

Ở Tây hay ở Ta, Du học sinh nên ở hay về?

Nhóm thực hiện

Tạp chí Phái Đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more