Khi vật hết giá trị trở thành tác phẩm nghệ thuật

Đăng ngày:

Ngạn ngữ xưa có câu: “Rác của người này lại là gia tài của người khác”. Câu nói ấy tất nhiên để ám chỉ tới sự phân biệt về đẳng cấp, về nhân sinh quan. Tuy nhiên, người xưa thật khó mà hình dung nổi sẽ có lúc câu ngạn ngữ của họ trở thành đúng đắn theo nghĩa đen. ELLE giới thiệu 6 nghệ sĩ tạo nên điều kỳ diệu từ những vật liệu vô giá trị.

-003

Từ trước tới nay, có lẽ chỉ trừ văn chương ra, các chất liệu tạo nên hay trình diễn các tác phẩm nghệ thuật đều tương đối đắt đỏ. Đó là chưa kể, sự đắt đỏ ấy góp phần tạo ra sự ngăn cách vô hình giữa nghệ thuật và đời sống.

Các nghệ sĩ bắt đầu nhận ra, họ không cần phải đi đến các cửa hàng cung cấp nguyên liệu, chất liệu nghệ thuật để tìm cho mình các công cụ sáng tạo. Thay vào đó, họ có thể chọn các nguyên liệu, chất liệu sáng tạo từ… bãi rác.

Nhiều nghệ sĩ đã chứng minh rằng những nguyên liệu được lấy ra từ kho rác thải, họ có thể tạo ra được những tác phẩm nghệ thuật đáng kinh ngạc. Hơn thế nữa, họ cũng góp phần biến những đồ vật phế thải, đã hết giá trị sử dụng, tăng nguy cơ gây hại cho môi trường tiếp tục được đóng góp những tính năng ưu việt của chúng cho đời sống.

Rất nhiều nghệ sĩ đã cùng lên tiếng kêu gọi con người bảo vệ môi trường sống, thông qua chính tác phẩm từ rác thải của mình, họ đã biến thông điệp ấy thành hình ảnh.

Mời bạn cùng ELLE làm quen với một số nghệ sĩ đã tạo nên được điều kỳ diệu từ những vật liệu tưởng chừng vô giá trị, và cùng chia sẻ với các họ suy nghĩ về môi trường sống. Và rồi bạn sẽ thấy, nghệ thuật không đến từ những chốn vượt cao hơn đời sống hàng ngày, thậm chí chúng có thể đến từ những nơi mà bạn tưởng rằng quá tầm thường để tìm kiếm.

1. HA SCHULT

 -001

HA Schult là một nghệ sĩ và nhà điêu khắc người Đức đã được cả thế giới biết đến nhờ việc sử dụng rác thành nguyên liệu sáng tạo. Ông từng khiến người dân New York kinh ngạc khi tạo ra cả một dòng sông bằng giấy từ những tờ New York Times cũ.

Tác phẩm lừng danh nhất của ông là hàng trăm bức tượng “Người rác” được làm từ vỏ hộp, đồ điện tử cũ. Đây là cách Schult đưa ra lời bình luận về thói quen sử dụng vô độ các sản phẩm công nghiệp của con người.

Những “Người rác” này đã được trưng bày tại các địa điểm nổi tiếng thế giới: Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc, Quảng trường Đỏ tại Moscow và kim tự tháp Ai Cập. Ông còn có kế hoạch mở một khách sạn làm bằng rác thu lượm từ các bãi biển tại Rome với cái tên: Corona Save the Beach.

2. ELIZABETH LUNDBERG MORISETTE

-002

Các tác phẩm của nghệ sĩ người Mỹ Elizabeth Lundberg Morisette thể hiện nét nữ tính của riêng cô khi chúng đa số là những đồ vật nhà bếp có hình dạng dễ thương, lạ lùng. Tuy nhiên, điều đặc biệt là chúng đều được làm ra từ những vật dụng hàng ngày hay dụng cụ thể thao đã bị vứt bỏ: Một chiếc giỏ được làm từ hàng trăm quả bóng chày cũ, một chiếc bát từ nắp chai, một bình cắm hoa khô từ những dây khóa kéo…

Bằng cách thay đổi mục đích sử dụng của các món đồ cũ, Elizabeth Lundberg khuyến khích chúng ta đặt ra câu hỏi về ý nghĩa sự tồn tại của chúng và mối quan hệ giữa con người với các đồ vật ấy.

3. TIM NOBLE VÀ SUE WEBSTER

-005

Cặp đôi nghệ sĩ làm việc tại Anh thường đặt ra những câu hỏi về bản thể của con người qua việc sắp đặt vật liệu và khai thác sức mạnh của bóng đổ. Mỗi ngày, hai nghệ sĩ lại đi thu nhặt rác trên đường phố Luân Đôn như những người dọn vệ sinh cần mẫn. Sau đó, họ sắp xếp chúng lại theo từng lớp. Và cuối cùng, với một luồng sáng chiếu tạo bóng trên tường, Tim Noble và Sue Webster cho chúng ta thấy được sự bí ẩn trong tâm hồn của các phế phẩm, cùng lúc với việc đưa ra câu trả lời cho sự tồn tại của mỗi cá thể. Tất cả đều được ẩn giấu trong sự hỗn loạn của những đống phế liệu.

4. DR. EVERMOR

-0081

Người nghệ sĩ có cái tên như nhân vật trong truyện cổ này thực sự đã tạo ra một thế giới thần tiên trong khu vườn nhà mình. Nhìn từ xa, khu vườn Forevertron (bang Wisconsin, Mỹ) của ông giống như một chốn hỗn loạn đầy những mảnh sắt và ống trụ. Tuy nhiên, khi bước lại gần, người ta sẽ nhận ra đó là tập hợp của những tác phẩm điêu khắc từ kim loại đẹp đến đáng kinh ngạc.

Dr. Evermor (tên thật là Tom Every) vốn từng là một chuyên gia về tháo dỡ và xử lý rác thải công trình. Ông đã dành nhiều thập kỷ để thu thập lại những cỗ máy bị thải loại và những thiết bị cơ khí cũ khác. Và từ chúng, ông đã tạo ra những chú chim sống động, những tòa lâu đài như trong phim thần thoại.

5. ROBBIE ROWLAND

-007

Nếu có một chiếc bồn tắm đã quá tồi tàn, những thanh gỗ chẳng biết dùng vào việc gì… bạn có thể gửi đến Úc cho Robbie Rowland. Anh vẫn lang thang quanh những khu tập trung rác để tìm nguyên liệu sáng tạo. Bằng sự khéo léo, anh có thể nối ghép, bẻ cong lại những món đồ cũ và từ đó tạo ra những tác phẩm nghệ thuật chuyển tải thông điệp về bản chất sự tồn tại của cuộc sống. Anh mô tả lại những chiều kích của không gian, của sự bắt đầu, lặp lại, sự tuần hoàn của vũ trụ bằng những vật liệu đã bị loại bỏ khỏi đời sống các gia đình.

Nhóm thực hiện

Bài: Hà Hương

Ảnh: Tư liệu

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more