Là voi hay sư tử

Đăng ngày:

(Phái đẹp – ELLE) Tôi nuôi con theo cách của tôi, giống bài hát My Way của Frank Sinatra, miễn sao đến cuối ngày, tôi cảm thấy bình an trong lòng với cách nuôi dạy con của mình.

-001

Cứ theo như ông bà nội ngoại thì bọn trẻ nhà này có rất nhiều vấn đề: nào chúng bị loạn văn hóa, rồi mất gốc, chúng muốn gì được nấy, và tồi tệ nhất, cuộc sống của chúng luôn bị xáo trộn, thiếu sự ổn định mà trẻ con rất cần để học hành giỏi giang. Chưa đầy 8 tuổi mà chúng đã di chuyển chỗ ở tới 4, 5 lần. Cứ mỗi lần quen với trường lớp, bạn bè thì lại bị bố mẹ lôi đi nước khác sống. Đấy là chưa kể bố người Úc, mẹ người Việt, cô bảo mẫu cũng cứ liên tục thay đổi từ người Philippine, tới người Việt, còn sắp tới là người Hà Lan. Chúng lớn lên bát nháo trong 3, 4 nền văn hóa cùng một lúc. Văn hóa Việt của mẹ, văn hóa Úc của bố, văn hóa thứ 3 của cô bảo mẫu, văn hóa của xứ bản địa nơi chúng ở. Ông bà có lo cũng không phải vô lý.

Năm ngoái, giáo sư luật Amy Chua của trường đại học danh tiếng Yale, giới thiệu cuốn sách Battle Hymn of a Tiger Mother (tạm dịch: Trường ca về sư tử). Trong cuốn tự sự này, bà Chua thật thà kể lại cách nuôi dạy hai cô phương pháp cổ truyền, thậm chí hơi cổ hủ của Trung Quốc, tuy gia đình bà sống ở Mỹ. Học là quan trọng nhất, -A (tương đương với điểm 9) là điểm kém, luôn đi trước

hai năm chương trình toán học của trường, không bao giờ khen thưởng con trước mặt người khác… Bà kể đã từng để con gái 3 tuổi đứng ngoài trời giá rét, trong tuyết lạnh cho đến lúc cô bé đồng ý tập piano theo ý mẹ. Chúng không được phép xem tivi, chơi máy tính, và bất cứ hoạt động ngoại khóa nào chúng tham gia đều phải nhắm đến mục đích dành huy chương vàng. Cuốn sách của bà ngay lập tức trở thành Best seller và châm ngòi cho rất nhiều cuộc tranh luận lớn nhỏ trong và ngoài giới sư phạm trên toàn cầu.

Nuôi con như bà Chua ở Trung Quốc nói riêng và phương Đông nói chung vẫn khá phổ biến. Nhưng bà Chua và gia đình sống giữa một xã hội và văn hóa mà các bà mẹ là voi, thay vì là sư tử. Ở Mỹ, các bậc phụ huynh thường động viên và khen con của mình mọi lúc, mọi nơi. Ước muốn của các cô công chúa, cậu hoàng tử nhỏ luôn luôn được đáp ứng ASAP (càng nhanh càng tốt). Trẻ con được quyền lựa chọn: từ học gì ở trường, chơi gì sau giờ đi học, cho đến ăn gì, mặc gì hàng ngày. Các nhà phê bình kẻ chê, người vỗ tay cuốn sách của bà Chua, nhưng với riêng tôi, nó đặt ra một câu hỏi: chúng ta đang sống trong một thế giới càng ngày càng nhỏ hơn, nơi mà nhiều nền văn hóa song song cùng tồn tại ngày càng phổ biến hơn. Những gia đình như của bà Chua hoặc gia đình tôi không ít. Làm thế nào để gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa khác nhau một cách hài hòa cho con cái?

Từ khi mang thai, tôi đã ý thức về sự bất đồng văn hóa và chúng tôi quyết định sẽ nuôi con theo kiểu một chân đi bốt, một chân đi hài. Tôi nhặt nhạnh những giá trị của nhiều văn hóa khác nhau rồi nhào nặn chúng cùng với những tiêu chuẩn đạo đức quan trọng của riêng gia đình mình. Chúng tôi nuôi dạy các con để sau này chúng trở thành những con người nhân ái, hạnh phúc, giàu có cả về tinh thần, văn hóa lẫn tiền bạc, thành những tâm hồn luôn khao khát khám phá, và thành những công dân quốc tế hữu ích.

Chúng tôi dạy con quen, rồi thích và yêu những chuyến chu du để khám phá văn hóa và truyền thống ở các mảnh đất khác nhau ngay từ nhỏ. Tôi ghi lòng khắc dạ lời nói của nhà văn Mark Twain: “Những chuyến đi là kẻ thù của thành kiến, sự mù quáng, và hẹp hòi”, hay câu tục ngữ của Việt Nam: “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Cứ mỗi lần đến một thành phố mới, cả nhà luôn dành ngày đầu tiên đến thăm các bảo tàng văn hóa và nghệ thuật đặc trưng của địa phương đó, rồi đi ăn các món ăn bản xứ. Con trai tôi, lúc 6 tuổi, trong một lần chuyển tiếp ở sân bay Madrid đã nói: “Đồ ăn ở tất cả các nước đều được nấu từ cùng một loại lương thực: như gạo, mì, bông cải xanh (bé thích ăn bông cải nhất), thịt gà, cá, chỉ khác là chúng được nấu bằng nhiều cách khác nhau, nhưng đều ngon cả”. Dẫn các con đi, nhưng đó là những quan sát riêng – những món của cải riêng của chúng. Tôi dạy con đối xử với bạn bè như chúng muốn được bạn bè đối xử lại. Con gái tôi kể trong giờ ra chơi, bé hay chơi với những bạn đứng một mình, không có ai chơi cùng. Lý do là vì nếu một ngày không có ai chơi cùng, nó mong sẽ có bạn cũng làm như thế với mình, nhất là những khi cháu vừa chuyển tới trường mới.

Tôi dạy con thiết lập, sắp xếp và tôn trọng lịch sinh hoạt thường nhật. Một ngày bình thường của chúng, dù ở Singapore, Sài Gòn, Amsterdam hay Sydney, cơ bản đều giống nhau. Chúng ngủ dậy, ăn sáng, tự mặc quần áo và làm vệ sinh cá nhân, tự xếp sách vở vào cặp và đi học. Đi học về, nghỉ ngơi 30 phút, các con tôi làm bài tập, đọc sách, tắm, ăn tối và đi ngủ lúc 20:30. Trong khi thế giới xung quanh luôn biến động, lịch ăn học và chơi này tạo một điểm tựa và sự vững chắc cho chúng yên tâm trưởng thành.

Tôi dạy con yêu thích đọc sách. Từ khi các con tôi chỉ mấy tháng tuổi, dù có bận đến đâu tôi cũng dành ít nhất 30 phút mỗi tối đọc sách cho con nghe, và cứ như vậy dù sau này chúng đã biết đọc. Nhiều khi bố mẹ bận rộn, các cuốn sách thay chúng tôi cung cấp tri thức, điều hay lẽ phải và những giá trị nhân văn tới các con.

Tôi dạy con yêu thể dục. Muốn có trí óc lành mạnh, trước tiên thể lực phải lành mạnh. Ngoài ra, thể dục còn dạy con trẻ kỷ luật, sự rèn luyện, ý chí chiến thắng, tình đồng đội, và cả khả năng tự vệ.

Tôi còn dạy con nhiều thứ khác: kính trên nhường dưới, khiêm tốn và chăm chỉ như người Việt Nam, thích đi xe đạp, yêu môi trường như người Hà Lan, thật thà, có sao nói vậy giống người Úc, kính trọng văn hóa và những giá trị lịch sử như người Anh, biết thưởng thức những thứ đơn giản trong cuộc sống như thời gian, ẩm thực thường nhật như người Địa Trung Hải, hay tính khoa học, hiệu quả, làm việc năng suất của người Mỹ…

Nhưng tôi cũng biết cách dạy con không hoàn hảo: tôi vẫn thường xuyên mắng và nói to với chúng, tôi không đủ kiên nhẫn ngồi làm bài tập 3 tiếng bên cạnh con… Mặc các nỗ lực của tôi, con trai tôi vẫn đọc và viết không giỏi, tôi vẫn mềm lòng để các cháu có quá nhiều sở hữu vật chất, chúng xem quá nhiều tivi… Nhưng giống như bài hát My way của Frank Sinatra, tôi đã và đang làm hết sức mình trong điều kiện và hoàn cảnh của gia đình. Và đến cuối ngày, tôi cảm thấy bình an trong lòng với cách tôi nuôi dạy tụi nhỏ.

-“Tôi dạy con yêu thể dục. Muốn có trí óc lành mạnh, trước tiên thể lực phải lành mạnh. Thể dục còn dạy trẻ tính kỷ luật, tinh thần đồng đội, tính tự vệ”-

Bài: Vũ Phương Nhu – Ảnh: Tée Le – Chụp tại khách sạn Moevenpick

Phái đẹp – ELLE

ELLE.VN

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more