Nên làm gì khi người khác nói dối?

Đăng ngày:

Mọi chuyện trở nên bế tắc hay vẫn được duy trì theo cách tốt đẹp nhất, tất cả sẽ nhờ vào việc chúng ta chuẩn bị tâm lý ngay từ giây phút đầu.

Bạn có bao giờ phải đối mặt việc bất chợt một ngày nào đó, người bạn thân của bạn, đồng nghiệp hay thậm chí là thành viên trong gia đình đến và bày tỏ với bạn về những “sự thật” họ vốn giấu kín từ lâu? Tôi tin rằng tất cả chúng ta, nếu rơi vào trường hợp này đều sẽ cảm thấy có chút hụt hẫng. Hụt hẫng vì đối phương đã không tin tưởng mình, hụt hẫng vì bản thân không đủ “an toàn” để ai đó có thể nói thật. Thế nhưng, là một người trưởng thành, chúng ta nên biết rằng có nhiều trường hợp buộc họ phải lựa chọn việc nói dối. Đó có thể vì điều kiện không cho phép, hoặc giả sự “giả dối” ấy tốt cho bạn. Thậm chí, có thể vì người đó cảm thấy xấu hổ nếu bạn biết được sự thật. Có muôn vàn lý do để con người phải nói dối. Nhưng trước khi “kết tội” họ, chúng ta hãy tự chuẩn bị tâm lý bằng những cách sau đây.

Chuẩn bị tâm lý để đối mặt với tình huống xấu nhất

Khi bạn phát hiện hay nghi ngờ đối phương có những biểu hiện gian lận, cảm xúc sẽ trở thành yếu tố nguy hiểm nhất. Không ai có thể đổ lỗi cho bạn vì cảm xúc là thứ khó có thể điều khiển được, đặc biệt trong tình huống nhạy cảm này. Điều bạn nên làm là dành thời gian riêng cho bản thân để chúng ta có thể giải tỏa hết những buồn bực trong lòng khi bị ai đó phản bội, đừng dồn nén những cảm xúc tiêu cực vì chúng chỉ làm cho cuộc gặp gỡ của bạn và người đó trở nên bế tắc hơn. Sau khi bản thân cảm thấy chấp nhận được sự việc, điều tiếp theo bạn nên làm chính là chuẩn bị tâm lý cho cuộc nói chuyện sau đó của cả hai. Hãy nhớ thật bình tĩnh để có cuộc nói chuyện hiệu quả nhất.

chuẩn bị tâm lý

Susan Winter, chuyên gia và tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy nhất về chủ đề các mối quan hệ xã hội từng cảnh báo về quyết định tìm đến đối phương để “chất vấn”. Theo bà, khi tâm trí chúng ta vẫn còn bị bó chặt vào những cảm xúc phẫn nộ, quyết định đúng đắn chưa bao giờ có khả năng xuất hiện vào thời điểm này. Thay vào đó, bà khuyên chúng ta nên dành hẳn một khoảng thời gian dài để lấy lại sự bình tĩnh, bởi bà tin không ai có thể đủ bản lĩnh đương đầu với sự cố chỉ vỏn vẹn sau vài giờ đồng hồ. Thêm vào đó, thư giãn đầu óc sẽ giúp chúng ta tìm ra nhiều giải pháp thích hợp cho cả hai. Sự im lặng là một điều cần thiết, nó không đồng nghĩa việc bạn phải quên đi sự thật nhưng sẽ là bước chuẩn bị tốt trước khi đối mặt với các diễn biến tiếp theo.

Không nên chối bỏ mối quan hệ ngay lập tức

Việc bị một ai đó phản bội không đồng nghĩa bạn phải quên đi mối quan hệ đó. Susan tin rằng mọi thứ đều có thể chữa lành, nhưng nếu trong thâm tâm bạn vẫn chưa sẵn sàng với điều đó, hãy cân nhắc thật kỹ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng vì hơn hết, suy nghĩ và cảm xúc của bản thân mới là điều quan trọng. Để có thể giúp bạn tự tin hơn trong bước chuẩn bị tâm lý này, bạn nên tưởng tượng việc mình và họ sẽ tiếp tục trở thành bạn bè hay đối tác công việc sau này. Nếu bạn sẵn sàng tha thứ cho họ, đừng chần chừ để tái thiết lập mối quan hệ. Ngược lại, nếu cảm thấy mình không đủ tự tin để có thể tiếp tục duy trì, hãy mạnh mẽ nói ra điều ấy với họ. Vìsau tất cả, khi ai đó chấp nhận “phiêu lưu” với tình cảm của bạn, họ phải biết trước điều này.

phát hiện ai đó nói dối

Hãy đảm bảo rằng bạn đang nắm chắc sự thật

Khi bắt đầu câu chuyện, chúng ta thường bị họ làm cho “rối tung” đầu óc bởi hàng tá lập luận vô căn cứ. Cảm xúc sẽ được đẩy lên cao trào và không ai có thể giữ được sự bình tĩnh. Hãy chắc rằng bạn đang có trong tay các chứng cứ về “tội trạng” của họ. Sự thật sẽ nhanh chóng được phơi bày nếu có “nhân chứng” và “vật chứng”. Trong xã hội ngày nay, công nghệ thông tin là điều bạn nên lưu tâm và xem chúng như một trợ thủ đắc lực. Mọi chứng cứ “có thể nhìn thấy” nên được tận dụng, từ đoạn tin nhắn, cuộc gọi hay bất kỳ dạng văn bản nào bạn tin chúng sẽ có thể hỗ trợ cho mình, sự dụng hết tất cả để bạn và đối phương có cơ hội trao đổi một cách nghiêm túc. Việc nói khi không có bằng chứng sẽ làm bạn trở nên thật ngớ ngẩn. Hãy chuẩn bị tâm lý cho tình huống này.

phát hiện bị lừa dối

Thế nhưng, điều gì cũng có ngoại lệ. Sẽ thế nào đây nếu bạn không thể tìm ra bất kỳ điều gì chứng minh đối phương đang lừa dối và tất cả chỉ là cảm nhận cá nhân? Nora DeKeyser, chuyên gia tâm lý tình yêu cho rằng, tốt hơn hết bạn nên gác lại việc chất vấn họ. Điều quan trọng là tình cảm giữa hai người. Hãy mở lòng mình, thể hiện tình cảm của bản thân thật nhẹ nhàng để họ có thể cảm nhận chúng. Bắt đầu lời tâm sự và khi đến đúng thời điểm, hãy hỏi họ theo cách chân thành nhất. Và hơn hết, đừng mở lời bằng câu “nghe thật điên rồ nhưng tôi cảm thấy…”. Khi bạn không tin vào cảm nhận của mình, sẽ không ai có thể tin chúng thay bạn.

“Tập dợt” một chút trước khi gặp “người thật”

Chắc chắn chúng ta không thể lường hết được mọi diễn biến sẽ xảy ra và cảm nhận của đối phương hoàn toàn là dấu chấm hỏi. Nếu bạn vẫn chưa chuẩn bị tâm lý vững vàng, một gợi ý nhỏ cho bạn là hãy thử mường tượng toàn bộ cuộc gặp gỡ trong đầu. Mọi chuyện có thể không hoàn toàn phát triển theo hướng bạn mong muốn, nhưng ít nhất bạn đã có thể trở thành người kiểm soát tình hình. Sẽ thế nào nếu họ trở nên hối lỗi và cầu xin bạn sự tha thứ? Liệu bạn sẽ vui vẻ chấp nhận hay lạnh lùng khước từ sự ăn năn muộn màng? Tất cả đều là quyết định từ chính bạn.

sẵn sàng tâm lý

Quan trọng nhất, hãy bình tĩnh trước khi đối mặt với người nói dối

Đây sẽ là bước chuẩn bị tâm lý cần thiết nhất trước khi đến gặp họ. Bạn có thể không hoàn toàn trở nên mất bình tĩnh nhưng dư chấn sẽ vẫn còn đó, bạn có thể cảm thấy hồi hộp hay lo lắng. Chuyên gia tâm lý Nora cho rằng không nên biến cuộc trò chuyện trở nên vui nhộn hay thoải mái hơn bằng bất cứ giá nào. Giữ vững phong độ như ở thời điểm trước, trao đổi với nhau theo cách chân thành nhưng không kém phần nghiêm túc.

tâm lý sẵn sàng

Susan cũng khuyên bạn không nên “tỏ rõ uy quyền” bằng cách la hét hay thể hiện sự giận dữ. Điều đó chỉ làm cho đối phương cảm thấy e ngại khi phải nói ra sự thật. Thay vào đó, hãy nhẹ nhàng đưa ra các bằng chứng mình có được và chờ đợi sự phản hồi từ phía họ. Đối mặt với một người từng lừa dối mình không bao giờ là điều dễ dàng, thế nhưng hãy cư xử theo cách văn minh nhất để sau cùng, chúng ta vẫn có thể nhìn vào mắt đối phương mà không cảm thấy hối tiếc về bất kỳ điều gì.

Nhóm thực hiện

Lược dịch: Đào Dreamer (Nguồn Tạp chí Phái đẹp ELLE/Elite Daily)

Ảnh: Unsplash

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more