Quan hệ tam giác

Đăng ngày:

(Phái đẹp – ELLE) Tôi đã từng nhiều lần là người thứ ba trong tình yêu, tình bạn, ở công sở… tôi hiểu những hỉ-nộ-ái-ố, những lắt léo, những cảm giác trái ngược, sự đau đớn khi bị bỏ rơi, những vết cứa tâm hồn sẽ thành sẹo trong đời, trong tôi.

232_233 etiquette

Vua Lear

Vua Lear đã già yếu và mệt mỏi với việc trị vì đất nước. Ông có ba cô con gái, hai cô đầu đã thành hôn: một với công tước vùng Albany và một với công tước xứ Cornwall. Còn cô út Cordelia đang có 2 người cầu hôn: công tước vùng Burgundy và vua nước Pháp. Một ngày, vua Lear gọi ba cô con gái yêu tới và nói ông muốn chia vương quốc cho ba cô, nhưng trướ ctiên các cô phải bày tỏ tình yêu của mình với cha bằng lời nói. Goneril, cô cả tinh quái, không hề yêu thương cha mình chút nào, trả lời: “Con yêu cha hơn ánh sáng, không gian, hơn tự do, hơn cuộc sống, cái đẹp và danh dự”.“Con yêu cha giống như chị cả, nhưng nhiều hơn thế nữa”,cô thứ Regan nói, “Và con không cầu mong gì hơn ngoài tình yêu của cha”. Vua Lear rất hài lòng với lời bày tỏ của Regan, và quay sang hỏi cô út: “Còn con, con gái út cưng,phần thịnh vượng nhất của vương quốc cha có ý dành cho con, con sẽ nói gì nào?”. “Không gì cả, thưa cha”, Cordelia nhẹ nhàng trả lời. “Không có gì đến từ con số không! Nói lại đi!”, nhà vua ra lệnh. Cordelia trả lời: “Con yêu cha như bổn phận của một người con: không hơn, không kém”. Vua Lear nổi giận với lời nói thẳng thắn, thật thà của cô út và ra lệnh không bao giờ muốn nhìn thấy cô nữa. Bá tước xứ Kent, một trong những cận thần thân thiết và tin cẩn nhất của nhà vua vì can ngăn quyết định đó của vua Lear mà bị trục xuất khỏi nước Anh. Thấy Cordelia bị thất sủng, công tước vùng Burgundy bỏ ý định cầu hôn với cô. Nhà vua Pháp, ngược lại, kính phục sự thẳng thắn của Cordelia, đưa cô về làm Hoàng hậu nước Pháp.

Vua Lear chia vương quốc cho cô cả và cô thứ, không giữ lại gì cho mình ngoài 100 người lính. Hai cô, sau lưng ông,dè bỉu cha mình là một ông già ngu ngốc và đần độn. Sau đó, vua Lear đến ở với cô cả Goneril và bị cô phụ bạc, ngược đãi, chẳng những lấy đi 50 người lính của ông, mà còn không thu xếp ai hầu hạ cha mình ngoài thằng Đần và bá tước Kent, người đã quay lại cải trang làm người hầu phục vụ chủ mình. Thất vọng, ông tới ở với cô thứ Regan và bị cô ngược đãi còn hơn cô cả, tước hết những người lính còn lại, rồi đuổi cha đi. Bá tước Kent, người hầu trung thành của vua, nhắn cô út Cordelia về tình trạng của cha mình. Biết tin, nhà vua Pháp để vợ điều khiển một đội quân về cứu cha. Cordelia về tới Dover, tìm thấy cha mình và kính cẩn hôn ông. Chính lúc đó, vua Lear nhận ra cô út mới chính là người yêu thương mình nhất.

Với tôi, vở kịch này là một bản thu nhỏ của xã hội với rất nhiều mối quan hệ ba người: ba chị em gái, vua Lear và hai cô con gái đầu, Cordelia và hai người cầu hôn, vua Lear, bá tước Ken và thằng Đần,… Shakespeare, một thiên tài trong việc miêu tả thấu đáo bản chất của con người, đã chỉ ra bi kịch của xã hội: đầy rẫy sự tham lam, lừa dối, đố kị, cầu mưu; đầy những kẻ tâng bốc và thích được tâng bốc. Xã hội con người tồn tại đầy rẫy tiêu cực, nhất là trong các mối quan hệ ba người, trong khi sự tích cực rất hiếm.

Khoa học

Khoảng giữa thế kỷ 20, các nhà tâm lý, xã hội học bắt đầu nghiên cứu động lực học giữa các quan hệ ba người, ba công ty, hoặc bất cứ ba thực thể trong một mạnglưới xã hội nhất định. Trong đó phải kể đến học thuyết cân xứng của Fritz Heider. Theo ông, quan hệ giữa ba thực thể có hai trạng thái: cân bằng và không cân bằng.Nếu là trạng thái không cân bằng, nó sẽ tạo ra căng thẳngvà sẽ tự thay đổi, hoặc sẽ tách ra khỏi quan hệ trên. Tôi thì hiểu, sau một hồi đau đầu đọc nghiên cứu của Heider, sự phức tạp trong một quan hệ không cân bằng giữa ba người sẽ tự được giải quyết, các nút rối sẽ tự được tháo gỡ. Nghĩa là không việc gì phải lo cả. Nhưng quá trình để quan hệ ba người tự đi đến lúc nó cân bằng lại có thể mất rất lâu và nhiều tốn kém, thiệt hại: thành Troy đổ máu 10 năm để Menelaus giành lại nàng Helen từ vòng tay Paris, đến lúc cô chị Goneril nhận ra sự thất bại của mình thì cả gia đình vua Lear cũng chết theo… Nhưng nhân loại không thể ngồi đợi để các quan hệ tiêu cực tay ba tự tìm được lối thoát. Thế là các nhà xã hội học lại tiếp tục hì hụi nghiên cứu tìm giải thoát cho các quan hệ tay ba đặng cứu vớt nhân loại. Gần đây nhất, một nhóm giáo sư ở trường đại học Cornell (Mỹ) đưa ra kết quả nghiên cứu dựa trên nhiều tính toán rất phức tạp, tinh vi, hòng đưa ra phương trìnhhoàn hảo. Nghiên cứu cho thấy sự thay đổi từ một quan hệ tiêu cực sang một quan hệ tích cực diễn ra từ từ. Bất cứ sự thay đổi nào cũng sẽ ảnh hưởng, rồi lại bị ảnh hưởng, trong sự phát triển của mạng lưới các mối quan hệ. Theo họ, các tính toán này, được xử lý với phương trình đã cho, sẽ mang lại từng bước giải pháp cân bằng các mối quan hệ tay ba. Nhưng trong khi chờ phương trình của các giáo sư trường Cornell phổ biến và cứu rỗi nhân loại, mỗi người chúng ta phải tự chiến đấu cho sự bình yên của mình trong các mối quan hệ tam giác thường ngày.

Tôi đã từng nhiều lần là Người thứ ba: Người thứ ba trong tình yêu, Người thứ ba trong tình bạn, Người thứ ba ở công sở, người thứ ba trong gia đình mình và gia đình chồng,… tôi hiểu những hỉ nộ ái ố, những lắt léo, những cảm giác trái ngược, sự cám dỗ của bè phái, sự đau đớn khi bị bỏ rơi (dù là do vô tình hay cố ý),những vết cứa tâm hồn sẽ thành sẹo trong đời, trong tôi.

Bài học đắt giá tôi học được qua rất nhiều mất mát và thất bại trong các mối quan hệ tay ba là tính minh bạch và sự thẳng thắn từ trái tim, trí óc. Tôi biết điều này nói thì dễ, làm thì khó, nhưng dần dần, tôi biết phải tự đặt những câu hỏi với chính bản thân mình, những câu hỏi đưa tôi trở lại với sự thật, với chính nghĩa, với lẽ phải khi cư xử trong tam giác ba người. Chẳng hạn như tự hỏi nếu mình là hai người kia, mình sẽ cảm thấy như thế nào?

 Bài Vũ Phương Nhu

 PHÁI ĐẸP – ELLE

ELLE.VN

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more