Duy Hải – “Vì có đôi tay nên tôi không bao giờ mất trắng!”

Đăng ngày:

Duy Hải thành công với đồ da bởi cô biết rằng mình vẫn liên tục phải cố gắng và liên tục đặt ra yêu cầu khắt khe với sản phẩm của mình.

ellevn-nhan-vat-duy-hai-1

Ý nghĩ đầu tiên khi tôi gặp Trần Dương Duy Hải – cô chủ cửa hàng đồ da Ponagar tại TP.HCM – là “mình sai bét rồi!”. Duy Hải ngồi trong văn phòng với trang phục nhẹ nhàng, làn da ngăm đen và dáng điệu hơi rụt rè trông… không giống với một nữ giám đốc. Thật kì lạ, cô gái nhỏ nhắn đã thành công trên thương trường thế nào vậy?

Là một người chuyên làm đồ da, chị nghĩ da như thế nào để gọi là đẹp?

Hầu hết da của Ponagar đều là hàng nhập khẩu từ châu Âu. Cá nhân tôi thích da tự nhiên, chỉ qua những xử lý cơ bản tạo thành. Đôi khi, trên miếng da đó vẫn còn dấu tích của sẹo, lỗ chân lông, dấu đốm sau khi thuộc. Cũng có người thích da đã được xử lý kỹ càng, trơn láng, họ cho vậy là không bị lỗi. Tất cả tùy vào sở thích thôi.

Và từ một tấm da như thế, phải mất bao nhiêu công đoạn tạo nên sản phẩm?

Cần phải qua 5 công đoạn chúng tôi mới đưa một sản phẩm ra thị trường. Đầu tiên, chúng tôi thiết kế, tạo mẫu cho sản phẩm. Sau đó, chúng tôi dựng mẫu thử và chọn màu phù hợp. Cảm thấy vừa ý, chúng tôi mới lên rập và sau đó làm nên sản phẩm thật. Cuối cùng là kiểm tra lại dáng, những chi tiết đường may và giao cho khách hàng.

Nhiều người bảo rằng làm bằng tay thì phải thô ráp, bằng máy mới đều và đẹp được. Tôi không cho là vậy, vì bằng tay thì mình tự điều khiển nên sản phẩm sẽ tinh tế, sắc sảo và có hồn hơn rất nhiều, còn bằng máy, sự đều tăm tắp của nó làm cho tôi cảm giác xa lạ.

Khi lên mẫu, chị thường phối màu thế nào?

Có những nguyên tắc về việc phối màu trong mỹ thuật và tôi áp dụng theo đó làm cơ bản. Thế nhưng, đôi khi tôi cũng biến tấu màu sắc khác biệt đi, quan trọng là không làm cho sản phẩm quá màu mè và cũng không quá đơn điệu. Lúc đó, tôi làm theo cảm quan của mình. Mỗi mẫu tôi đều nghiên cứu rất kỹ, tìm hiểu xem mẫu như thế, kích thước như thế thì sẽ có họa tiết thế nào, màu sắc ra sao, xu hướng bây giờ thế nào và khách hàng muốn gì.

Tạo ra một cơ ngơi thế này, nhóm chị có bao nhiêu người?

Ban đầu tôi tự làm hết! Quan niệm của tôi là làm từ từ, từng chút một. Tôi bắt đầu từ hai bàn tay trắng, cùng với sự hỗ trợ tinh thần rất lớn từ gia đình và người thân bên cạnh.

Vậy thì hai bàn tay trắng này bắt đầu kiếm tiền như thế nào để tạo nên thương hiệu cho mình?

Tôi cảm thấy mình là người may mắn. Từ nhỏ, tôi học đan len từ chị, đến năm lớp 11, 12, tôi tập tành giao túi và nón len cho cửa hàng trong thành phố. Mẫu đẹp và lạ, thế là mọi người đều thích đội nón len của tôi. Lên đại học, tôi tiếp tục bán hàng. Sản phẩm là những chiếc túi xách bằng simili. Thích mẫu thế nào, tôi phác họa bằng bút chì, sau đó tự mày mò để may ra thành phẩm.

Chắc là duyên số, sản phẩm của tôi lại được mọi người yêu thích. Tuần nào tôi cũng có một lượng hàng khá lớn đặt may. Toàn bộ tôi may bằng tay, không đo, không máy, không gì cả. Tôi cứ tự làm bằng bản năng và đôi tay thôi. Tôi bắt đầu từ năm hai đến khi ra trường. Lúc ra trường rồi, tôi đăng tải lên mạng để tiếp tục làm túi xách. Vừa làm vừa để dành, sau đó tôi bắt đầu lấn qua da thuộc.

Từ tấm da đầu tiên, tôi làm vỏ bọc điện thoại, cho khắc tên, hình lên bằng laser. Mọi người bắt đầu thích và đặt hàng liên tục. Thế rồi tôi gom tiền kiếm mặt bằng. Từ mặt bằng nhỏ cứ thế sang mặt bằng lớn hơn một chút như hiện nay.

Con đường của chị có vẻ quá bằng phẳng và an toàn…

Bằng phẳng thì cũng có một chút, nhưng an toàn thì không, vì tôi liều. Còn nhớ khi mới mở cửa hàng, có một công ty đặt tôi 4.000 cái ví cho sự kiện. Lúc đó công ty tôi mới chỉ có năm người, vậy mà tôi vẫn nhận lời. Nghĩ lại tôi thấy mình liều quá.

Mỗi người đều có một cơ duyên, quan trọng hơn là chúng ta phải biết tận dụng, nắm bắt và vươn lên mỗi khi cơ duyên xuất hiện trong đời. Sẽ ra sao nếu tôi không bắt đầu với việc giao mũ len và bắt đầu với túi giả da. Tôi không nghĩ mình thành công, tôi nghĩ rằng mình phải cố gắng nhiều. Tôi làm việc bằng tâm thế đó mỗi ngày. Tôi biết là mình liều khi dám thuê mặt bằng đắt đỏ ngay từ sớm, nhưng vì tôi có đôi tay và sự cố gắng, nên tôi không sợ mất trắng bao giờ!

Cảm ơn những chia sẻ của chị.

CÁC SẢN PHẨM ĐƯỢC LÀM HOÀN TOÀN BẰNG TAY CỦA PONAGAR:

\
icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more