Mai Thu Vân và nỗi thở than đàn bà

Đăng ngày:

Mai Thu Vân, nhà điêu khắc tài năng và cũng là mẹ của người mẫu Hà Đăng hay làm tác phẩm về tâm trạng của đàn bà, vì chị yêu và thương đàn bà. Chị yêu và…. “ghét” đàn ông nên ít làm tác phẩm về đàn ông.

1

Tôi đến gặp nữ điêu khắc gia Mai Thu Vân vào buổi chiều nhập nhoạng. Đang nói chuyện vui vẻ thì điện vụt tắt. Chị thắp cho tôi một ngọn nến đặt lên chiếc bình hoa tráng men có hình thù lạ mắt để giúp tôi nhìn rõ cuốn sổ ghi chép. Chị bảo: “Cái bình này mua 10.000 đồng. Nhà mình có rất nhiều bình lọ nhố nhăng. Thấy thích là mua về”.

Tôi nhìn xung quanh, quả là nhiều bình lọ, nhưng không hề “nhố nhăng”, trông chúng rất đẹp, rất tinh tế. Nhìn xa, rồi lại nhìn gần, hóa ra chiếc bàn đặt ngay trước mặt tôi là một tảng đá lớn nguyên khối được mài nhẵn trên mặt, có hình trăng khuyết đẹp mắt với một vầng trăng tròn được đục xuyên qua khối đá vừa ngẫu hứng, vừa duyên dáng, vừa đem lại cảm giác về sự kết hợp hoàn hảo của rỗng và đặc, kín mít và trống không, nặng và nhẹ, to và nhỏ….

Chỉ đến lúc ấy tôi mới thực sự ý thức được là mình đang ở trong ngôi nhà của một nhà điêu khắc tài năng. Bài học đầu tiên của tôi khi ở nhà một nghệ sĩ điêu khắc: Họ rất nhạy cảm với các khối và không gian, bởi vậy, hãy quan sát mọi ngóc ngách, bất cứ cái gì hiện lên trước mắt bạn cũng có thể là tác phẩm nghệ thuật.

Bài học thứ hai ở nhà Mai Thu Vân: Rất có thể những tác phẩm sẽ làm cho bạn buồn man mác. Mai Thu Vân hay làm tác phẩm về tâm trạng của đàn bà. Chị nói chị chủ yếu làm tác phẩm về đàn bà vì chị yêu và thương đàn bà. Chị yêu và…. “ghét” đàn ông nên ít làm tác phẩm về đàn ông.

Niềm thương đàn bà

Mai Thu Vân sẽ không bao giờ bán hai tác phẩm mà chị yêu thích nhất, đó là bức Nữ nghệ sĩ (45x135cm) với chất liệu chủ yếu bằng đồng, được dát vàng và bạc, và Những câu chuyện gồm sáu tấm gò đồng xếp sát nhau, khổ lớn (khoảng 1m4 x 3m6), được pha trộn thêm các chất liệu và màu sắc hội họa. Cả hai tác phẩm này đều kể những chuyện đàn bà.

Chuyện về Nữ nghệ sĩ – cũng là chuyện của Mai Thu Vân: Một hình dáng đẹp mảnh mai phụ nữ nổi lên trên bức gò đồng. Ghìm chặt dưới chân cô – nặng nề – là một ngôi nhà – gia đình – với những cánh cửa và ô cửa. Giữa hai bàn tay vươn lên là “một mớ bòng bong” (theo mô tả của tác giả) đẹp kinh khủng được dát vàng và bạc lộng lẫy. Giữa “mớ bòng bong” là một hình người nhỏ xíu liêu xiêu đi tìm – tìm điều gì đó trong mớ bòng bong.

Những câu chuyện cho thấy sáu giai đoạn khác nhau trong đời một người phụ nữ, từ lúc tượng hình (1), cho đến thời thanh niên tràn căng mơ mộng (2), rồi xuôi vai trước những gánh nặng trong đời ((3), trải qua những cú sốc đảo lộn cuộc đời (4), ngồi tĩnh lại để cố gắng vượt lên trên tất cả bằng những trải nghiệm (5), và cuối cùng, tìm thấy sự thanh thản trong trẻo của tâm hồn (6).

Mai Thu Vân cho rằng chị đang ở giai đoạn thứ năm trong số sáu giai đoạn của người phụ nữ trong tác phẩm của mình – giai đoạn tĩnh lại, muốn vượt lên trên để nhìn nhận mọi điều một cách thấu suốt, nhưng chưa hoàn toàn được thanh thản.

2

Hiền và chân thành

Mai Thu Vân không gai góc theo kiểu xù lông nhím, chị có phong thái nền nã và cách nói chuyện hiền hòa, bình ổn đến lạ. Bên ngoài, chị dịu dàng, mong manh, đẹp kiểu cổ điển với mái tóc dài thẳng, thân hình mảnh mai và gương mặt thanh tú khiến người ta dễ nhầm tưởng chị mới ngoài 30 dù chị đã ở tuổi 48.

Bằng chứng rõ rệt nhất về vẻ đẹp đáng được thừa hưởng của chị là cô con gái – người mẫu Hà Đăng với nét đẹp cá tính đang theo học thiết kế thời trang ở Ý. Bên trong, chị có nhiều đặc điểm chung của nữ nghệ sĩ: nữ tính, nỗi đau, niềm thương phụ nữ, sự chờ đợi khắc khoải. Rồi còn tranh vẽ, điêu khắc – nỗi đam mê mà chị và các bạn gọi là “rồ hoa mướp” – “rồ” theo kiểu làm hết tác phẩm này đến tác phẩm khác, hết triển lãm này đến trại sáng tác kia cho đến phát cáu vì mình làm việc nhiều quá, nhưng sẽ cáu hơn nếu mình chỉ chơi mà không làm gì cả.

Tại sao chị có vẻ ngoài bình ổn trong khi tác phẩm thì “vật lộn” với nỗi niềm đàn bà?

Người ta bảo nghệ sĩ “dĩ hòa vi quý” là không được, nhưng mình bảo đấy chỉ là trong chuyện quan hệ với mọi người. Còn trong sáng tạo thì khác, nó là chuyện của mình, phải cầu toàn.

Chị hiền đến mức nào?

Tính cách của mình tự nhiên nó thế. Mình không phải cố gì cả. Có thể đấy là cái may của mình. Mọi người hỏi lúc mình cáu nhất mình sẽ như thế nào. Ờ, mình chưa bao giờ có cảm giác phải cáu hay phải ức chế. Cáu nhất là với chồng nhưng cứ để đấy rồi nói sau. Có khi đấy là bản năng, vì thế nó mới nhẹ. Rồi khi đọc sách thiền thì mình thấy như thế này, người ta thường thấy thiệt thòi khi cho ai đó nhiều hơn, nhưng thực ra về mặt tinh thần mình lại được nhiều hơn, đó là được mọi người quý mến.

Chị kiếm tiền như thế nào?

Ngoài lương giảng viên khoa Điêu khắc Đại học Mỹ thuật Việt Nam đủ để trả tiền điện, nước, điện thoại hàng tháng thì mình bán những tác phẩm nho nhỏ, rồi minh họa sách. Khó giàu nhưng cũng chẳng đến mức không kiếm ra tiền. Thỉnh thoảng mình đi trại sáng tác cũng được chút tiền, cứ thế nuôi mình qua ngày nọ tháng kia. Có lần mình đi trại sáng tác ở Mỹ, họ trả 5000 đô-la, đấy là lần được trả nhiều tiền nhất. Nếu làm trại điêu khắc ở Việt Nam thì coi như cho không tác phẩm.

Nhóm thực hiện

Bài và ảnh Uyên Ly 

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more