Người mang lại niềm hy vọng cho các nữ sinh

Đăng ngày:

Trẻ em và thanh niên chính là hình ảnh của tương lai, và không may thay, rất nhiều chủ nhân tương lai đó lại không được sinh ra trong một hoàn cảnh thuận lợi. Những người phụ nữ trò chuyện cùng ELLE trong số báo này đã góp phần giúp nhiều thanh thiếu niên có được bước khởi đầu thuận lợi, để các em tự tin bước vào cuộc sống và góp phần xây dựng xã hội.

Vật chất là điều cần thiết, nhưng không phải tất cả để giúp các nữ sinh nghèo thành công, đó là chia sẻ của chị Tâm Đan, phụ trách chương trình Girls’ Education của Room to Read, tổ chức hỗ trợ xây dựng thư viện cho trẻ em và thúc đẩy bình đẳng giới.

ellevn-talk46-4

Chị Tâm Đan đón tôi với nụ cười hiền hậu, nụ cười khiến căn phòng như ấm áp hơn. Trước đây, chị đã từng làm việc tại nhiều tổ chức phi lợi nhuận cả trong nước và quốc tế, thực hiện nhiều dự án hỗ trợ phụ nữ tại nông thôn. Giờ đây, chị đang rất tự hào được trở thành người đồng hành để giúp đỡ các nữ sinh khó khăn đến trường, giúp các em tự tin và bản lĩnh hơn trong cuộc sống. Với sự giúp đỡ của Room to Read, 767 thư viện đã được xây tại các tỉnh Nam bộ và miền Trung và chương trình Hỗ trợ nữ sinh đã giúp cho 3.000 em được đến trường.

Chương trình do chị Tâm Đan phụ trách bắt đầu hỗ trợ nữ sinh từ lớp 6 và sẽ theo các em đến khi hoàn thành lớp 12. Thay vì tập trung vào nông nghiệp, tín dụng như các chương trình dành cho phụ nữ khác, chương trình Hỗ trợ nữ sinh tập trung vào giáo dục, đúng như tinh thần của Room to read: Thế giới thay đổi khi trẻ em được đến trường.

Chị Tâm Đan và những người làm cùng mình đề cao việc giáo dục toàn diện và theo sát sự phát triển của trẻ. Gói học bổng các chị mang tới cho nữ sinh không chỉ bao gồm phần vật chất như tiền học phí, sách vở, đồng phục và một chiếc xe đạp hoặc chi phí đi lại để các em đến trường mà còn là quá trình tư vấn tâm lý, huấn luyện kỹ năng để các em sau này có thể đưa ra những quyết định cho cuộc đời mình. Các chị chia ra thành 30 kỹ năng sống cơ bản, từ đời sống thường ngày, kế hoạch học tập, kỹ năng ứng phó với các thử thách lớn trong cuộc sống, ý thức về quyền, trách nhiệm với cộng đồng và định hướng cho tương lai. Bên cạnh đó, các chị cũng như các tình nguyện viên còn dành thời gian để nói chuyện với cha mẹ các em, thuyết phục gia đình ủng hộ việc học tập của con cái.

“Vật chất chỉ là bước đệm để các em đi học, điều quan trọng là làm sao các em có được những kỹ năng sống cần thiết để có thể suy nghĩ, tư duy một cách đúng đắn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn thay đổi được suy nghĩ của cộng đồng và gia đình để họ có ý thức tích cực hơn trong việc học tập của nữ sinh. Kêu gọi các cơ quan địa phương tham gia vào việc hỗ trợ giáo dục cho nữ sinh cũng là điều chúng tôi hướng đến”, chị Tâm Đan cho biết.

Một trong những điều chị và đồng nghiệp khuyến khích các trường học tham gia là việc tới thăm nhà của từng nữ sinh. “Việc tới thăm nhà học sinh không chỉ để nắm rõ tình hình gia đình và học tập của các em, mà còn để tạo ra mối quan hệ gần gũi giữa thầy cô và học trò. Các thầy cô hiểu hơn về các em, trở thành người đáng tin cậy để các em có thể tìm đến chia sẻ, nhờ thế môi trường giáo dục cũng trở nên thân thiện hơn”. Ngay cả các lớp học kỹ năng sống cũng được tổ chức trong một không gian thoải mái, không bó buộc, để các em được tự do phát biểu suy nghĩ, tương tác và học tập kết hợp vui chơi. Những ngày hội như trại hè, ngày trẻ em nữ… được tận dụng để giúp các em hoàn thiện kỹ năng của mình.

 

Chị Tâm Đan tại văn phòng Room to Read

Chị Tâm Đan tại văn phòng Room to Read

Hành trình đi cùng với các em là hành trình vô cùng thử thách khi có không ít gia đình quá neo đơn và nữ sinh không có được sự hỗ trợ từ người thân. Một số địa phương khi thấy các chị đến tổ chức chương trình thậm chí còn tỏ ra e dè, ít tham gia hợp tác trong thời gian đầu. Đó là chưa kể, nhiều người cha người mẹ không muốn đến dự các buổi trò chuyện với Room to Read, và việc thay đổi suy nghĩ của họ về tầm quan trọng của giáo dục vì thế trở nên mất thời gian hơn. Thậm chí, khi thấy con mình không nhận được nhiều hỗ trợ vật chất như họ mong đợi, một số phụ huynh cũng phàn nàn.

Tuy nhiên, khó khăn hơn cả là việc giúp chính các nữ sinh giữ được quyết tâm đến trường. Sau mỗi thời điểm nghỉ dài như Hè hay Tết, số lượng nữ sinh bỏ trường rất nhiều, và những cô giáo được Room to Read huấn luyện sẽ phải tới thăm các em thường xuyên để động viên các em đi học. Có những nữ sinh vì quá khó khăn đã bỏ học ba lần trước khi các chị vận động được em tiếp tục đến trường hoàn thành việc học tập. Có những em sau nhiều khó khăn đã muốn nghỉ học, nhưng sau đó, các chị đã thuyết phục em tiếp tục học tập để thi đậu vào trường Y, trường Luật, đạt được những giải thưởng lớn. Đó là những thành quả mà nhiều người dân nghèo chưa từng mơ đến.

Điều đặc biệt toát lên từ những câu chuyện của chị Tâm Đan là lòng nhiệt thành dành cho các em. Mặc dù chính sách của Room to Read chỉ hỗ trợ các em đến hết lớp 12, nhưng sau đó, khi các em đã vào đại học, các chị vẫn tiếp tục giúp đỡ các em một cách gián tiếp. Khi một nữ sinh phải đi làm giúp việc để có tiền học đại học và người chủ ngày càng bắt em làm nhiều việc hơn, không còn thời gian học hành, Room to Read cũng phải can thiệp để giúp em tìm được công việc mới.

Chị thừa nhận rằng trẻ em nông thôn Việt Nam rất nhút nhát và không dám thể hiện thắc mắc hay quan điểm. Tuy nhiên, chị cũng hạnh phúc kể lại chuyện: “Gần đây, hiệu trưởng của một trường đã chia sẻ với chúng tôi cảm giác bất ngờ của ông, khi các nữ sinh tham gia chương trình Room to Read đã dám bước tới trò chuyện cùng ông một cách tự tin”. Bao nhiêu phép màu đã xảy ra cùng với nỗ lực của Room to Read nhưng về phần chị Tâm Đan, chị nhận rất ít công sức là của mình: “Điều quan trọng là sự quyết tâm có trong mỗi em. Chúng tôi mang đến cho các em một chút hỗ trợ vật chất và kỹ năng, nhưng điều quan trọng là chúng tôi chỉ muốn đánh thức nội lực có sẵn trong các em”.

Chuyện của một cựu nữ sinh

Đứng trước cổng một ngôi trường dạy nghề, cô gái trẻ Tây Thi lẻ loi run rẩy bên chiếc xe đạp. Cô sắp bước vào đây để làm một việc nghe có vẻ khó tin: xin cho anh trai được vào học nghề sửa xe ô tô. Dù đã nhiều lần tập nói trước đám đông, nhưng đó là khi có cô và các bạn cổ vũ, còn giờ cô chỉ có một mình. Lấy hết sức can đảm và tự động viên mình, cô bước vào trường, làm thủ tục và cuối cùng đã xin được cho anh trai, người đã bỏ học từ năm lớp 9, được đi học.

Là đứa con thứ sáu trong gia đình có 7 người con, khi Tây Thi còn bé, cha mẹ đã nhiều lần ngăn cản cô đi học vì muốn cô sớm đi làm để giúp gia đình trả những món nợ nần. Để con gái từ bỏ việc học, cha mẹ cô thậm chí có lúc còn đốt hết sách vở của cô. Tuy nhiên, Tây Thi không nghỉ học. Với sự trợ giúp của Room to Read (học phí, sách giáo khoa, vở, cặp đi học và một chiếc xe đạp), cô tiếp tục đến trường. Với các lớp kỹ năng sống, Tây Thi có thêm nghị lực và biết đưa ra những lựa chọn cho cuộc đời mình.

ellevn-talk46-6

Khi Tây Thi học xong lớp 12, một lần nữa cha mẹ cô đốt hết sách vở của con gái và bắt cô đi làm công nhân. Cô bé 18 tuổi ban ngày làm việc trong nhà máy, tối làm việc tại một quán cháo vịt, và dùng ngày cuối tuần, thời gian rảnh rỗi duy nhất của mình để ôn thi cao đẳng. Ngay cả khi đã đậu vào trường, Tây Thi cũng không có bất cứ sự ủng hộ tinh thần nào của gia đình. Cô đi làm thêm, làm hoa vải để bán và trả tiền học phí. Chiếc xe đạp của Room to Read ngày nào tiếp tục đưa Tây Thi mỗi ngày hàng chục km để đến trường. Chương trình cũng kết nối Tây Thi với những quỹ tài trợ khác, giúp cô nhận được sự hỗ trợ tài chính để hoàn thành việc học.

Trong số 7 anh chị em của Tây Thi, chỉ có cô hiện nay đã học xong cao đẳng. Những người chị của cô lấy chồng và lặp lại cuộc đời vất vả của cha mẹ. Thế nhưng, cô con gái áp út đã một phần nào đó giúp thay đổi số phận của các anh em của mình. Ngoài chuyện vừa động viên, vừa chủ động đưa anh trai trở lại trường học, cô còn giúp em trai tin tưởng vào những cơ hội sẽ đến khi học hành đầy đủ. Em trai cô vì thế, đã quyết định theo học trường sư phạm Mỹ thuật, phát triển năng khiếu với đồ thủ công của mình. Cơ hội thay đổi cuộc đời đang mở rộng ra trước mắt những người con đã giúp cha mẹ Tây Thi thay đổi suy nghĩ. Họ đi từ phản đối kịch liệt sang ủng hộ con cái theo đuổi con đường học tập.

Kể những điều ấy ra với tôi, Tây Thi khẳng định rằng điều cô nhận được từ Room to Read không phải chỉ là sự hỗ trợ về vật chất để cô có thể hoàn thành chương trình phổ thông hay việc giúp cô tìm kiếm các quỹ học bổng khác. Quan trọng hơn, chương trình cho cô những kỹ năng sống, hy vọng và niềm tin rằng số phận của mình có thể trở nên tốt đẹp hơn cùng với kiến thức, đúng như lời cô nói tại buổi hội thảo: “Tôi đến từ một gia đình nghèo, nhưng tôi không nghèo ý chí”.

Xem thêm Phỏng vấn chị Phạm Thanh Tâm (REACH): Tôi chẳng bắt đầu từ điều gì to tát

Xem thêm Phỏng vấn chị Lara Vũ (UNICEF Việt Nam): Giúp đỡ sẽ đến, khi bạn hỏi

Nhóm thực hiện

Bài: Phương Thủy – Ảnh: Vinh VLK, Tư liệu

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more