Nguyễn Nga – Mơ về một bảo tàng treo

Đăng ngày:

Trở về từ Paris tráng lệ, mong muốn của chị không phải là một cuộc sống giàu sang. Chị là Nguyễn Nga, với giấc mơ biến cầu Long Biên thành một không gian bảo tàng treo lơ lửng giữa trời và nước.

-000

Thưa chị, dường như dự án Cầu Long Biên đã góp phần làm cái tên Nguyễn Nga trở thành một “thương hiệu” nổi tiếng?

Cầu Long Biên là một huyền thoại không chỉ riêng với người Hà Nội. Nhưng thời điểm tôi quyết định phải làm gì đó cho Cầu Long Biên, cây cầu đó trong con mắt của nhiều người chỉ là… sắt vụn, là sự tàn phế, có khả năng bị xóa sổ để thay vào đó một cây cầu mới. Tôi đến với Cầu Long Biên vì hiểu và trân trọng giá trị của nó. Nếu nhìn lại sự chuyển mình của “con rồng” này, cũng như thái độ, tình cảm của mọi người đối với Cầu Long Biên từ khi bắt đầu có những ý tưởng manh nha về Festival Cầu Long Biên cho đến hiện tại, bạn sẽ hiểu rõ hơn điều đó.

Chương trình Festival năm nay hình như có thay đổi so với kế hoạch ban đầu phái không chị?

Đúng vậy, Festival Cầu Long Biên 2010 “Cầu rồng kể chuyện nghìn năm” diễn ra ngày 20-21/11 thay vì bốn ngày. Một nhánh cầu sẽ tái hiện Ký ức về thời tiền Thăng Long và mười thế kỷ phát triển từ Thăng Long đến Hà Nội. Nhánh cầu còn lại thể hiện chủ đề Ước mơ, với triển lãm hướng về một hành tinh xanh, chống biến đổi khí hậu. Cuộc đi bộ vì hòa bình ngày 20/11 cũng cùng mục đích đó. BTC cũng sẽ đặt ba hòm quyên góp trong hai ngày lễ hội và đêm nhạc trẻ để tương trợ miền Trung.

Chị từng nói Festival Cầu Long Biên chỉ là khởi đầu cho giấc mơ lớn của mình?

Đó là việc phát triển trục đường văn hóa, lịch sử, du lịch. Trong đó cầu Long Biên dài 2km sẽ là phố đi bộ xanh, một không gian bảo tàng thơ mộng treo lơ lửng giữa trời và nước, nhìn xuống công viên nghệ thuật trên bãi giữa sông Hồng. Tôi muốn cầu Long Biên trở thành một biểu tượng văn hóa, lịch sử của Hà Nội, được cả thế giới biết đến.

Với dự án này, Cầu Long Biên sẽ không còn chức năng là một cây cầu giao thông?

Giá trị của cầu Long Biên lớn hơn vạn lần chức năng giao thông. Với tôi, cầu Long Biên là cây cầu của hòa bình, của tình yêu, tuổi trẻ, của hạnh phúc, của ký ức và tương lai.

Chị nghĩ gì khi được gọi là một doanh nhân trong lĩnh vực văn hóa?

Nói đến doanh nhân là phải nói đến lợi nhuận bằng tiền. Tôi thì khác. Lợi nhuận của tôi là những giá trị khổng lồ không tính được bằng tiền, và cũng chỉ đến trong tương lai, có thể là rất xa. Văn hóa là thứ mang lại giá trị lớn nhất nếu biết cách khai thác, phát triển nó.

Tại sao chị không tính chuyện làm một việc gì đó mang lại lợi nhuận cao hơn và nhanh hơn?

Có nhiều tiền cũng chỉ để ăn ngon, mặc đẹp, sống tiện nghi. Tôi đã có những điều ấy. Tiền, nhà cao cửa rộng, xe đẹp, quần áo đẹp không làm người ta sang. Chính văn hóa mới là thứ làm nên sự sang trọng cũng như giá trị của mình. Bản sắc Việt làm tôi luôn thấy mình giàu có.

Nhóm thực hiện

Bài Vân Tùng

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more