Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: “Đi xa cần đường dài”

Đăng ngày:

[Tạp chí ELLE – 7/2016] Nguyễn Quang Dũng theo nghề từ ham chơi, rồi thấy vui, thích và trụ đến nay. Chính những giản dị làm nên anh hôm nay nghiêm túc, cực kỳ tinh nhạy với nghề.

Nguyễn Quang DũngVũ Ngọc Đãng là hai cái tên song hành gắn liền với điện ảnh Việt Nam đương đại, ở đó mỗi người “công phá” một địa hạt mà họ cảm thấy tự tin, rành rẽ tạo nên các mảng màu giải trí đa sắc. Ngày Đãng có Những cô gái chân dài (2004) thì Dũng có Hồn Trương Ba da hàng thịt (2006), cứ thế miệt mài dấn thân, chinh phục thử thách mới đến nay. Phim nào của Dũng và của Đãng cũng tạo nên những cú “chấn động” với người xem hoặc ít nhất oanh tạc doanh thu phòng vé. Nếu sở trường của Đãng là “thơ hóa” những thân phận chạm đáy xã hội, những khu ổ chuột; thì Dũng giương cao ngọn cờ của người đi khai phá. Cho nên, Đãng lững thững hết phim truyền hình đến phim điện ảnh thì Dũng độc đạo với điện ảnh. Hết kinh dị đến hài lãng mạn pha kinh dị (Nụ hôn thần chết, 2008), phim dành cho đối tượng tuổi teen (Giải cứu thần chết, 2009), rồi phim ca nhạc (Những nụ hôn rực rỡ, 2009) vòng qua cổ trang (Mỹ nhân kế, 2013) và phim siêu anh hùng (Siêu nhân X, 2015)!

2016 khi mà Đãng trở về với thế mạnh của anh – giới người mẫu – thì Dũng chọn hướng đi khác nhất so với những phim từ trước đến giờ nhưng vẫn không rời bỏ “chức năng” người-mở-đường mà Dũng dẫu khiêm tốn thì vẫn phải ghi nhận và nhắc đến – Dạ cổ hoài lang

Chân dung Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng

Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui…

Phim hài đang lên ngôi, có vẻ như Nguyễn Quang Dũng cũng muốn góp phần vào cuộc vui này?

Tôi xem Dạ cổ hoài lang cách đây chừng hai mươi năm, khi còn là một cậu bé. Đó là một vở kịch vừa hay, vừa hài, vừa cảm động. Trong thời điểm mà theo tôi, điện ảnh Việt đang thiếu những câu chuyện có cảm xúc chân thật. Tôi sực nhớ ra và tự hỏi, tại sao mình không chuyển thể câu chuyện này.

Đây là bộ phim rất khác so với những phim trước giờ của anh, sự chuyển hướng này khởi nguồn từ đâu?

Có lẽ trong từng giai đoạn mỗi người sẽ có quan niệm làm nghề khác nhau. Hồi mới vào nghề, tôi muốn chứng minh rằng mình cũng có thể làm được những phim ăn khách. Điều thôi thúc tôi nhất chính là việc đi tìm đáp án giữa suy nghĩ và thực tế. Nó có thể đúng, có thể sai nhưng đều cho mình những bài học nhất định. Tôi nghĩ, cái thú vị nhất của nghề là bạn biết cách ứng xử với thành công và thất bại. Nếu ứng xử không tốt với thành công, bạn sẽ tự mãn. Ngược lại, nếu bình tĩnh, bạn sẽ phát triển hơn nữa. Với thất bại cũng vậy. Nhiều người thường bỏ ngang nghề là do ứng xử của họ với thất bại. Khi không làm được, họ đâm hoang mang và thấy nghề bạc bẽo.

Khi có được những phim ăn khách nhất rồi thì mục đích đó sẽ được thay bằng những tiêu chí nghề nghiệp mới. Trước đây, tôi cũng muốn làm những phim như Dạ cổ hoài lang nhưng thị trường lúc đó khác. Cá nhân tôi làm hoài một kiểu cũng thấy chán. Thứ hai, có lẽ là tôi đã tới cái tuổi dễ cảm động, thích những gì chân thật. Tôi muốn có một bộ phim sâu lắng hơn, chạm vào trái tim người xem hơn. Lý do thứ ba là tôi muốn mở rộng đối tượng khán giả. Hiện nay, lượng người xem mà phim chiếu rạp Việt Nam hướng đến là khán giả trẻ, thành thử ra từ nhân vật trong phim, đề tài cho đến diễn viên đều trẻ trung. Người trung niên, lớn tuổi thì chỉ ở nhà xem các show giải trí, phim truyền hình thôi…

Vậy, Nguyễn Quang Dũng thời “Những nụ hôn rực rỡ” và bây giờ hẳn là cũng khác nhau nhiều?

Bây giờ tôi thấy mình đằm, tĩnh hơn về mặt ứng xử, với xã hội và báo chí. Phim của tôi do đó cũng sẽ có sự thay đổi. Tôi không có nhu cầu phải chứng tỏ gì với mọi người nữa. Mỗi ngày tôi nghĩ rằng làm được điều mình muốn là quan trọng và hạnh phúc nhất. Dĩ nhiên, thành công thì vui hơn, được nhiều nhà sản xuất tin tưởng hơn và thoải mái làm những điều mình muốn hơn. Chỉ vậy thôi, còn lại cũng không khác gì mấy đâu. (cười)

Nói như thế nghĩa là anh của hiện tại không còn chịu quá nhiều áp lực khen, chê?

Áp lực khen, chê thì trong một, hai ngày đầu phim công chiếu cũng có chứ! Ai chê mình cũng tức, cũng nóng mặt, khen thì mình vui hơn. Nhưng tôi tin, ai cũng có những khoảnh khắc nhất thời và đường dài. Mà để đi xa được, người ta cần đường dài.

Remake không hẳn là lười sáng tạo

Anh có tiết lộ, sau “Dạ cổ hoài lang” sẽ là một phim thiếu nhi. Vậy, sau phim thiếu nhi đó sẽ là…

Một phim remake, do CJ đầu tư từ một bộ phim ăn khách khác của Hàn Quốc.

Theo anh, phim remake có khiến người làm phim lười sáng tạo như nhiều tranh cãi?

Cá nhân tôi đã có những phim riêng rồi nên remake một phim thôi chắc cũng không sao! (cười lớn)

Thật ra tôi nghĩ, remake không hẳn là lười đâu vì chuyển thể một kịch bản cũng cần có sự suy nghĩ cho phù hợp văn hóa, bối cảnh chứ đâu có thể nào bê y chang vào là được. Ngày trước, nhiều người đặt vấn đề remake, tôi cũng thấy nó kỳ kỳ. Xét dưới góc độ nghề nghiệp, đó là chuyện hết sức bình thường nhưng ở góc độ cá nhân, mình cảm thấy hơi tự ái. Vì làm phim là để kể câu chuyện của mình, cái đồng cảm của mình. Tuy nhiên, suy nghĩ ấy cần được xem lại vì điện ảnh của mình không phát triển bằng các nước. Hơn nữa, nhiều phim Hollywood mua lại kịch bản từ các nước và remake khá thành công. Trên phương diện đồng cảm của cả thế giới đó là điều hết sức bình thường và nếu mình đồng cảm được với câu chuyện ấy, nên bỏ qua tự ái mà làm. Bao giờ cũng vậy, đứng trên vai người khổng lồ, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn.

10 năm, kể từ “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, anh gặt hái nhiều thành công, nhưng cũng có khoảng trống khá dài. Đam mê hình như cũng có lúc vơi đi…

Thi thoảng, tôi nghĩ, mai mốt cuộc sống ổn định hơn, tôi sẽ ngồi nhà viết sách. Không cần ai biết đến, thời gian bao lâu cũng được nhưng vui hơn, đủ mơ mộng, có chất riêng tư, nghệ sĩ hơn. Điện ảnh và sân khấu là bộ môn nghệ thuật khắc nghiệt nhưng tính riêng tư không cao vì vướng vào rất nhiều yếu tố như: kinh tế, điều kiện xã hội,… Một bộ phim hay, dở có thể năm sau khán giả không xem nữa nhưng một cuốn sách thì khác. Với tôi, điện ảnh ngoài đam mê còn là nghề nghiệp. Mà tính chất nghề nghiệp nó cao hơn, giống như mình sống thì phải có cái nghề để làm và may mắn là nó phù hợp với khả năng, sở thích của mình. Nhiều lúc tôi cảm thấy mệt mỏi, nhất là những khi cái mình nghĩ ra không thực hiện được, có thể do tài năng mình không đủ hoặc mình không đủ điều kiện.

Ba anh, ngày còn sống có khuyên anh về nghề?

Hồi trước tôi hay làm việc đêm, ba thì không bao giờ nên ba nhắc nên sắp xếp lại công việc, buổi tối còn đi chơi với bạn bè. Ba khuyên làm gì thì làm, quan trọng nhất là phải giữ sức khỏe, ráng tập thể dục thể thao, giữ cho đầu óc đừng căng thẳng quá. Chỉ vậy thôi! Ba không bao giờ góp ý về nghiệp, cũng không khi nào hỏi tôi kiếm được bao nhiêu tiền.

__

Xem thêm:

“Mỹ nhân kế” của Nguyễn Quang Dũng công chiếu tại Mỹ

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Thanh Hằng tự cao & tự trọng

Thanh Hằng dưới góc nhìn của Nguyễn Quang Dũng

Nhóm thực hiện

Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more