Lê Thiết Cương vs. Vi Thuỳ Linh – Đón chờ và tận hưởng

Đăng ngày:

Giữa những suy tư của họa sĩ Lê Thiết Cương và tâm trạng hối hả chuẩn bị cho hai cuốn sách (tùy bút và thơ) sắp ra mắt của nhà thơ Vi Thùy Linh, cuộc đối thoại càng lúc càng sôi nổi trong một không gian thanh tĩnh, tại Gallery 39.

elletalk

Lê Thiết Cương (LTC): Anh rất bất ngờ khi biết Linh cùng tham gia, vì anh và em thuộc hai thế hệ khác nhau, quan điểm sống cũng khác. Và anh vẫn cho rằng những người ở lứa tuổi của Linh thì không thể sống chậm. Muốn sống chậm phải có điều kiện, hoặc ít ra là con người ta phải đạt đến một độ tuổi trung niên nhất định…

Vi Thùy Linh (VTL): Đúng vậy, càng có tuổi người ta càng giảm tốc độ hoạt động. Như anh thấy đấy, tiết tấu sống của em vốn nhanh, vì em nhiều việc, chứ không sống vội, ẩu. Quá bận cũng làm em đãng trí, không chu toàn hết được.

Trong nhan đề tập thơ Phim đôi – Tình tự chậm, em muốn nhấn mạnh chữ “chậm” như nỗi khát khao, em cố ý làm mọi việc cường độ cao do luôn nghĩ đời người rất ngắn, phải làm được nhiều điều ý nghĩa; cũng để tự thưởng cho mình những lúc… không làm gì cả, tức là em muốn cô đọng lại “những – khoảnh – khắc – chậm”.

Nhiều người ngạc nhiên anh làm bao nhiêu việc: tổ chức sự kiện, minh họa và làm bìa sách, viết báo thường xuyên mà vẫn sống kỹ, nề nếp, lại thỏa được những thú vui riêng. Em rất thích cách anh đón Tết, với bình lá mùi cắm ở phòng khách từ 23 tháng Chạp.

Tết bắt đầu từ những ngày giữa Chạp khi ta đón Tết chứ không phải mấy ngày chính Tết. Tết là dịp để ta được chậm lại, được nghỉ ngơi, mơ mộng.

LTC: Vậy trong hai lĩnh vực mà con người ta, nhất là giới trẻ vẫn bàn luận không bao giờ chán là ái tình và nghệ thuật, khái niệm “sống chậm” cần hiểu thế nào?

VTL: Em quan niệm, khi yêu, đã không hôn thì thôi, còn hôn thì phải thật, nhiều cảm xúc, không hôn giả “kiểu Hàn Quốc”. Em rất ghét kiểu: “Thôi chỉ còn 10 phút, chúng mình tranh thủ hôn nốt”, hoặc chui vào bóng tối để hôn. Dù là 10 phút cũng phải hôn cho thật kỹ.

Hay như khi sáng tác và xuất bản, phải làm kỹ từ bản thảo, mỹ thuật để có giai phẩm. Nên mỗi lần ra sách, em lại sụt ít nhất 3kg. Trước kia, em thường viết thơ nhanh khi cảm xúc ập đến, sau đó dụng công sửa chữa, nhưng bây giờ thì em viết chậm hơn, vì phải cấu trúc ý trước khi viết.

LTC: ViLi tùy bút và ViLi & Paris sắp ra mắt sau 5 tháng em đi Pháp, Bỉ, Séc, Ba Lan và một số nước châu Âu hình như đang làm em “lao đao”?

VTL: Sút cân chỉ là một chuyện, còn nhiều lo lắng khi tổ chức sản xuất, nhất là kinh phí. Nhưng làm sách là hưng phấn, động lực của tình yêu nghệ thuật, được nung cảm xúc và “trầm tích” mình, tình tự chậm lần nữa. Em cho rằng những người biết sống chậm mới có thể di truyền văn hóa, tức là tiếp nhận những cái hay của thế hệ trước, và truyền lại cho thế hệ kế tiếp.

Câu thơ này của nhà thơ Lê Đại Thanh (1907 -1996) khiến em xúc động: “Thơ là đốt cháy một mặt trời đại dương để lấy một hạt muối/ Là bóp một mùa hoa để giữ lại một sắc hương”. Đó là sự tinh lọc, muốn tinh lọc thì phải chậm. Những người muốn di truyền văn hóa phải nghĩ sâu về sự sống, về tâm hồn để di truyền, thể hiện trong tác phẩm, cho thế hệ sau.

Không ít văn nghệ sĩ cho rằng anh kiêu bạc, lạnh lùng. Phải chăng đó là do bản chất của sống chậm, muốn sàng lọc những người không phù hợp với cá tính mình, hay là do cách nghĩ của anh, rằng có tài thì phải kiêu?

Nhóm thực hiện

Bài Thu Hằng – Ảnh Duy Khánh – Stylist Bùi Thanh Thuỷ – Trang điểm Mạc Khuê – Trang phục Áo sơ mi Emilio Pucci, quần jeans D&G

 

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more