Nghệ sĩ dương cầm Bích Trà – đừng ép tôi thành siêu sao

Đăng ngày:

(Phái đẹp – ELLE) 6 năm trước, trong lần đầu tiên gặp Bích Trà để viết bài cho một tạp chí, cuộc nói chuyện khoảng 10 phút với mẹ của chị – nghệ sĩ nhân dân Trà Giang – diễn ra sau buổi phỏng vấn để lại trong tôi nhiều ấn tượng. Khi tôi hỏi về những bức tranh chân dung Bích Trà bà vẽ thường xuyên, treo khắp nhà, đem cả ra triển lãm, người mẹ ấy rơm rớm nước mắt và nhắc lại nhiều lần câu: “Nhớ con quá đấy mà!”

110_111

Một câu chuyện tương đối hoàn chỉnh về Bích Trà, dù muốn hay không, rất khó thiếu bóng dáng của mẹ cô (và có thể phần nào của người cha đã quá cố). Tất nhiên, nay Trà đã thoát hoàn toàn khỏi cái bóng của người mẹ danh tiếng lẫy lừng và người cha tài năng được nể trọng, để trở thành một nghệ sĩ biểu diễn và ghi âm nhạc cổ điển có vị trí ở tầm quốc tế đáng mơ ước.Trong nước, Bích Trà được ca ngợi như một nghệ sĩ dương cầm hàng đầu, là “thần tượng” của nhiều người và không ít phụ huynh lấy cô làm tấm gương cho con em mình với mong ước về một sự nghiệp vượt ra khỏi biên giới quốc gia.

Ảnh hưởng của bà Trà Giang lên Bích Trà lớn nhất có lẽ ở tính cách. Từ hơn một năm nay, tôi cứ thuyết phục cô Trà Giang “mở lòng” viết tự truyện, nhưng cô có vẻ không mặn mà. Bích Trà giải thích: “Mẹ vàTrà giống nhau, đều là những người trầm tính, thích sống khép kín. Ấy vậy mà toàn làm cái nghề phải toe toét”. Hai thái cực ấy rất dễ nhận ra khi trò chuyện cùng Bích Trà. Cô là người hoạt ngôn, khi nói về chuyện nghề, nhất là chuyện hậu trường giới nhạc cổ điển vô cùng hấp dẫn nhưng chưa bao giờ là tâm điểm chú ý của giới truyền thông. Bích Trà trò chuyện thoải mái, cười giòn tan sảng khoái, nhưng cũng rất kín đáo trong những chuyện riêng tư. Năm ngoái, một đồng nghiệp của tôi sau buổi phỏng vấn Trà vẫn chưa hết sửng sốt khi nghe cô chia sẻ quan điểm về “open relationship” – quan hệ mở, một xu hướng rất thịnh hành trong xã hội bây giờ. Trong buổi phỏng vấn ấy,Bích Trà chỉ nói lên quan điểm của mình thôi, tuyệt nhiên không hé lộ bất cứ thông tin nào về hiện trạng cuộc sống “có đôi” của cô giữa thủ đô London (Anh).Giống như nghệ sĩ Trà Giang, việc kể một câu chuyện về cuộc đời mình là điều Bích Trà nghĩ không cần thiết.

Với một ngoại hình trông khá hiện đại, dáng vóc vàphong cách có nhiều chất đậm Á châu (nhiều khi trông cô như một nữ rocker), Trà hẳn sẽ có nhiều cơ hội để phát triển ở dòng cổ điển giao thoa (classical crossover) pha trộn cổ điển và pop – dòng nhạc đang chiếm thế thượng phong lấn át cả nhạc cổ điển chính tông và ảnh hưởng lớn tới các xu hướng nhạc pop hiện nay. Nếu thành công, danh tiếng và tiền chắc sẽ nhiều hơn. Trong nhiều lần trò chuyện cùng Bích Trà, tôi cứ thấy tiếc cho cô nên khẽ khàng ngỏ ý nhưng bị cô gạt đi ngay. “Tôi có nghèo đâu mà ông xúi bậy!”, Trà phản đối và cười khanh khách rồi lý giải tiếp là với các hợp đồng thu âm và các buổi hòa nhạc khắp nơi từ Âu sang Á, “tiền cũng không phải khủng lắm đâu, nhưng có nhiều cái lợi vô hình có giá trị vô cùng”. Ngoài ra, Trà có một công việc đều đặn và ổn định hơn: dạy kèm piano. Bằng cấp từ các trường nhạc danh tiếng thế giới như Nhạc viện Tchaikovsky và Học viện Âm nhạc Hoàng gia Anh giúp cô không chỉ ghi điểm với các nhà sản xuất âm nhạc mà còn có lượng học sinh ổn định. Cuộc sống rất thoải mái tại Anh hiện nay cũng khiến Trà có điều kiện dành nhiều tâm huyết hơn cho dự án lớn nhất của cô từ trước tới nay: hợp đồng thu âm với hãng Naxos – một trong những nhà sản xuất và phát hành nhạc cổ điển lớn vàđược kính trọng nhất hiện nay – để ra mắt 3 đĩa nhạc các tác phẩm của Joachim Raff (1822–1882) trong năm 2012.

Tại sao là Joachim Raff chứ không phải một cái tên đại chúng hơn? Bích Trà hóm hỉnh trả lời:“Người chơi nhạc cổ điển khi được hãng đĩa lớn ký hợp đồng thường mừng rú lên và tranh thủ chơi những tuyệt tác quen thuộc để dễ được chú ý hơn.Nhưng Trà vốn hay cả nghĩ, thi thoảng cứ nghĩ nếu mình chết đi thì để lại được gì? Thế là thay vì chơi Mozart, Liszt hay Chopin mình chọn ông Raff. Ít ra sau này di sản của mình cũng có những thứ mà chưa từng ai ghi âm trước đó, cũng đáng để tự hào chứ!”

Joachim Raff từng được so sánh ngang hàng với những cái tên vĩ đại như Liszt hay Brahms, nhưng nhạc của ông ít được biểu diễn và ghi âm. Hiện nay, với trào lưu “phục cổ” của các hãng đĩa cổ điển, muốn khai thác những tácgiả, tác phẩm còn ít được biết tới, Raff là một cái tên quan trọng và nhắc tới Raff thường luôn có cái tên Tra Nguyen. Đó chẳng phải là một thành công quan trọng đó sao?Trở lại chuyện chơi nhạc cổ điển giao thoa, tôi cố thuyết phục Trà thử liều một phen, nhưng Trà trả lời chắc nịch:“Mọi người cứ thấy Vanessa Mae hay Charlotte Church lộng lẫy rồi cứ tưởng ngon ăn lắm. Đâu có đơn giảnnhư vậy. Tôi có một cậu bạn thân đẹp trai, có hợp đồng chơi guitar bán cổ điển cho hãng đĩa lớn, cũng tiếng tăm đình đám lắm, nhưng trông cậu ấy như quả chanh héo lại bị vắt hết nước. Thôi, đất của ai người ấy cày!”;và Bích Trà vui vẻ “cày” trên mảnh đất còn vắng người của mình. Cô vẫn nhận được sự kính trọng của đồng nghiệp cũng như đông đảo khán giả ở những nơi cô biểu diễn. Trà thú nhận là diễn ở “nhà hàng xóm” (là Hồng Kông) còn nhiều hơn ở “nhà mình”, nhưng mỗi khi trở về, dù trong buổi hòa nhạc hay chỉ một cuộc nói chuyện thân tình, cô luôn nhận được những tình cảm nồng hậu.“Thế là tôi vui rồi. Đừng ép tôi thành siêu sao nhé!”.

PHÁI ĐẸP – ELLE

ELLE.VN

 

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more