Saskia de Knegt – Hãy tin vào chính mình

Đăng ngày:

[Tạp chí ELLE tháng 7/20017] Nghe như biểu ngữ hô hào từ một chương trình quảng cáo nào đó, nhưng qua cuộc trò chuyện với cô Saskia de Knegt, câu nói đó đã trở thành câu nói truyền lửa cho rất nhiều người.

Chào Saskia, tôi được biết hiện tại chị đang là chủ một doanh nghiệp mang tên WOO – chuyên sản xuất các sản phẩm tạo hương cao cấp như nến thơm, nước hoa xịt phòng, mỹ phẩm… Điều đặc biệt là tất cả các sản phẩm WOO đều được gia công bởi người khuyết tật. Chị có thể chia sẻ thêm về mô hình kinh doanh này của mình không?

Thật ra, tôi đã có ý tưởng xây dựng một doanh nghiệp về mỹ phẩm cao cấp cách đây 10 năm, nói chính xác hơn là từ lần tôi làm tình nguyện viên cho Liên hợp quốc tại Việt Nam. Trong thời gian đó, tôi có dịp tiếp xúc với nhiều người khuyết tật Việt Nam cũng như tìm hiểu những công việc dành cho họ từ các quỹ từ thiện. Vì vô tình nhìn thấy người khiếm thị cầm dao chặt các thanh gỗ nhỏ để làm đũa, tôi đã nảy ra ý tưởng sẽ tạo ra một dòng sản phẩm thật cao cấp được làm bởi bàn tay của chính người khuyết tật. Ý nghĩ trong đầu tôi lúc đó là nếu họ có thể làm được một việc khó như cầm dao chặt củi trong tình trạng như vậy thì tại sao họ không thể làm ra được những sản phẩm tinh tế hơn. Đây cũng là một cách nâng cao giá trị lao động của người khuyết tật khi tôi có thể giúp họ tạo ra được những sản phẩm cao cấp mà ai cũng phải trầm trồ và muốn sở hữu. Hơn thế nữa, điều này cũng giúp khoảng cách giữa người khuyết tật với xã hội ngày càng được thu hẹp. 

Từ ý tưởng đến thực tiễn là một hành trình dài và gian nan. Đối với một doanh nghiệp đặc biệt như của chị thì những thử thách và gian nan trong quá trình xây dựng là gì và chị đã vượt qua như thế nào?

Tôi không phải là một tỷ phú nhưng cũng không quá nghèo. Trong giai đoạn ấp ủ ý tưởng và thăm dò thị trường, tôi chia sẻ ý định kinh doanh này với mọi người và đa số đều cho rằng “điều này không khả thi, bạn sẽ không làm được”. Song, lúc đó và kể cả hiện tại, linh tính mách bảo rằng nếu tôi tiếp tục tin vào sứ mệnh giúp đỡ mọi người, chắc chắn tôi sẽ tạo dựng được một doanh nghiệp vững chắc. Và thực tế đã chứng minh điều đó. 5 năm đầu khi mới thành lập công ty, tôi chỉ có thể ở trong tình trạng cầm cự vì giá thành sản xuất một sản phẩm rất cao nên lợi nhuận không nhiều. Tuy nhiên, tôi vẫn chấp nhận điều đó để đảm bảo công nhân viên của tôi hay kể cả các nơi cung cấp nguyên vật liệu cho chúng tôi đều có nguồn thu nhập ổn định xứng đáng với công sức họ bỏ ra. Cho đến nay, tôi rất mừng là sản phẩm của mình được đón nhận ở Hà Lan, một vài nước châu Âu và hơn thế nữa là tôi đã có thể mở được một cửa hàng chính thức tại Quận 2, TP.HCM với đội ngũ nhân viên riêng.

Trong quá trình làm việc với người khuyết tật, chị cảm thấy thếnào? Chị có thể chia sẻ thêm vềvai trò của các bạn khuyết tật trong công ty hiện nay là gì được không?

Theo tôi quan sát, có khoảng 70% người khuyết tật là phụ nữ. Đáng buồn thay đa số đều gặp nhiều vấn đề không may mắn trong gia đình và ngoài xã hội. Những tổ chức từ thiện Việt Nam đã cố gắng tạo điều kiện để họ có công ăn việc làm. Đó là một điều đáng mừng. Tuy nhiên, do mặc cảm về bệnh tật hay khiếm khuyết hình thể cộng với việc họ được giao làm những sản phẩm không nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ người tiêu dùng, như tăm tre, tăm bông, chiếu, đũa… nên người khuyết tật dần hình thành tính phụ thuộc vào các tổ chức cũng như tự ti về khả năng của bản thân. Tôi thấy họ cũng giống như người bình thường. Ai cũng có trái tim và bộ não như nhau. Họ có thể không cần nhìn mà vẫn làm việc được, vậy tại sao họ không tự tin rằng họ có thể trở nên độc lập hơn cũng như làm được nhiều thứ tuyệt vời hơn cho xã hội? Tôi tin người khuyết tật có thể làm được mọi thứ và họ phải được tôn trọng. Đó là thông điệp tôi muốn truyền tải đến người tiêu dùng, đặc biệt là các khách hàng của WOO.

Hiện tại, công ty chúng tôi có các bạn nữ khiếm thính đang giữ trách nhiệm đóng gói, phân loại và tái chế chai lọ. Công việc của họ khá đơn giản, chỉ đòi hỏi tính tỉ mỉ và sự chỉn chu để chất lượng sản phẩm được đảm bảo theo đúng đẳng quốc tế cũng như độ tinh tế của một sản phẩm cao cấp.

Những gì chị đã và đang làm không phải ai cũng nghĩ tới hoặc thậm chí là làm được. Đằng sau sự quyết tâm suốt 10 năm chắc hẳn có ẩn chứa một lý do đặc biệt khiến chị muốn tới Việt Nam và giúp đỡ những hoàn cảnh thiếu may mắn?

Đó là một câu chuyện dài. Tôi cũng từng là một người ngồi xe lăn và tôi hiểu cảm giác trở thành người vô giá trị với gia đình hay xã hội. Năm 21 tuổi, tôi là một sinh viên y khoa đến châu Phi thực tập, không may mắn đã bị nhiễm một loại virus làm toàn bộ cơ thể bị liệt. Khi ra trường, tôi phải ngồi xe lăn và không có bác sĩ nào có thể chữa trị được cho tôi. Lúc đó, tôi nghĩ rằng chính mình phải giải quyết vấn đề của bản thân. Tôi xin ra viện, sau đó tự tập vật lý trị liệu, học cách đi lại và dần dần tôi đã có thể hoạt động như người bình thường. Khi sức khỏe ổn định, tôi cũng đi làm ở nhiều công ty, nhưng trong lòng tôi vẫn muốn quay lại với y khoa và giúp đỡ những hoàn cảnh thiếu may mắn. Đó là lý do tôi đến Việt Nam và gắn bó với đất nước của bạn đến tận bây giờ.

Câu chuyện của chị rất cảm động và đáng khâm phục. Với sự phát triển hiện tại của WOO, chị có ý định mở rộng kinh doanh thêm những mặt hàng khác không?

Tôi đang phát triển thêm dòng sản phẩm trang phục và phụ kiện thời trang đơn giản, tinh tế, không chạy theo xu hướng mà chú trọng đến độ bền vững. Trong thời gian tới, tôi rất hy vọng có thể mở thêm nhiều cửa hàng, mở rộng đội ngũ nhân viên và các dòng sản phẩm tinh tế khác. Trong quá trình mở rộng đội ngũ nhân viên, công ty chúng tôi rất mong muốn được chào đón những bạn có tinh thần học hỏi, có ý chí vươn lên và cần cù lao động đến làm việc.

Cảm ơn những chia sẻ của chị, chúc chị và công ty ngày càng thành công.

 

Nhóm thực hiện

Bài và Ảnh: Vân Trang – Nguồn Tạp chí Phái Đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more