Nữ doanh nhân Bảo Hiền – Một người lính thời bình

Đăng ngày:

Tháng 10 về, gợi nhắc ngày Giải phóng Thủ đô với biết bao kỷ niệm đáng nhớ. Nhân dịp này, ELLE đã có cuộc gặp gỡ với chị Nguyễn Thị Bảo Hiền, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hiền Lê, người lính thông tin thời chiến và cũng là nữ chiến sĩ trên mặt trận kinh doanh thời bình.

Sinh ra và lớn lên khi đất nước còn chiến tranh, những hồi ức về đồng đội, về tháng ngày cầm súng chiến đấu và giữ thông tin liên lạc thông suốt cùng hình ảnh quân dân Thủ đô đón chào các chiến sĩ bộ binh trở về tiếp quản trong niềm vui chiến thắng qua những thước phim tư liệu vẫn còn ghi đậm trong tâm trí của người chiến sĩ Nguyễn Thị Bảo Hiền.

Đón tiếp chúng tôi tại nhà riêng, chị Bảo Hiền gây ấn tượng vô cùng mạnh mẽ, từ vẻ uy phong và điềm tĩnh của một người lính cho đến sự nhanh trí, vẻ đẹp sang trọng của một nữ doanh nhân thành đạt. Riêng tôi, dù đã biết chị cách đây 2 năm từ khi bắt đầu tham gia Hiệp hội Nữ doanh nhân Hà Nội nhưng cũng không khỏi thán phục bởi mỗi lần gặp chị là một lần tôi được tiếp thêm sức mạnh, động lực và mong ước phấn đấu, cống hiến. Rồi chị cứ cuốn tôi theo những câu chuyện của mình, mạch cảm xúc lúc tự hào hồ hởi khi kể về gia đình, lúc trầm tư xúc động khi nhớ đến đồng đội và lúc lại căng thẳng, nghiêm nghị khi nói về những “trận chiến” trên thương trường mà những người nữ chiến sĩ thời bình đang ngày đêm phải đối mặt…

ellevn-bao-hien-1

Hồi ức về chiến tranh và đồng đội

Hình ảnh chị Bảo Hiền – nữ doanh nhân trên sân khấu của cuộc thi Nữ doanh nhân Tài năng và Phong cách được Hiệp hội Nữ doanh nhân tổ chức cách đây đúng 1 năm vẫn còn in đậm trong tâm trí của tôi và biết bao người có mặt tại đêm chung kết ấy. Lời tâm sự của chị đã làm xúc động bất cứ ai, những giọt nước mắt dù kìm nén vẫn lăn vội trên má, những ánh mắt rưng rưng xúc động khi nghe chị tâm sự: “Trở về từ chiến trường xưa với bao dấu ấn về những người đồng đội thân thương đã ra đi, tôi bắt nhịp với cuộc sống bình thường của một người phụ nữ trong giai đoạn đất nước chuyển mình, hàn gắn vết thương chiến tranh để phát triển kinh tế đất nước. Ý chí của người lính Cụ Hồ vẫn luôn sống trong tôi dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Trở thành một nữ doanh nhân như một cái duyên, tôi khát khao và hy vọng mình sẽ tiếp tục đóng góp dựng xây và phát triển đất nước trong hoàn cảnh mới và được giúp đỡ bao mảnh đời xung quanh mình…”. Và khi chị được vinh danh là Bông Sen Vàng đầu tiên của cuộc thi ấy, tất cả chúng tôi, ai nấy đều vui mừng khôn xiết và vô cùng tự hào về chị.

Gia nhập quân ngũ từ khi chưa được 14 tuổi tại trường thiếu sinh quân, không ai nghĩ, sau này cô bé Bảo Hiền có dáng vẻ thấp bé ấy lại trở thành một chiến sĩ của Sở chỉ huy Phòng không Không quân với nhiệm vụ giữ thông tin liên lạc phục vụ việc chiến đấu bảo vệ vùng trời của Tổ quốc. Suốt hơn 20 năm tại ngũ, chị chứng kiến biết bao sự hy sinh, mất mát đau thương và là nhân chứng trực tiếp tham gia cấp cứu, thu dọn chiến trường của trận rải bom lịch sử B52 tại khu Bạch Mai và Khâm Thiên. Những nỗi đau dường như không bao giờ có thể liền ngày nào rồi cũng phải nguôi ngoai, bởi chị nghĩ: “Làm sao có thể đau thương mãi, phải đứng lên, phải làm gì đó để sống thay cho những người đồng đội của mình đã ngã xuống”. Đó là mong ước không phải của riêng một người mà là của cả một thế hệ đã tham gia chiến đấu và bảo vệ đất nước.

ellevn-bao-hien-2

Khi được hỏi, điều gì chị nhớ và ấn tượng nhất về thời gian quân ngũ của mình, tôi ngạc nhiên khi chị kể, đó là hình ảnh những người phụ nữ trở về từ cuộc chiến và sống đời cô quạnh. Chiến tranh đi qua, những mất mát, những đau thương là điều chẳng thể tránh khỏi, nhưng điều ám ảnh nhất đó là cảnh những chị em trở về từ chiến trường và không có niềm hạnh phúc được làm vợ, làm mẹ. Tuổi trẻ của họ là những đêm không ngủ trực chiến, giữ thông suốt giao thông liên lạc cho các anh ra chiến trận, là những cống hiến và hy sinh cho lý tưởng cao đẹp của Tổ quốc. Giờ đây khi về già, niềm vui duy nhất của họ là gặp lại những người bạn xưa để sống lại thời tuổi trẻ oai hùng góp sức mình để giữ vẹn toàn lãnh thổ cho Tổ quốc mến yêu.

Cùng hội Cựu chiến binh Hà Nội, chị đã tham gia đóng góp và xây dựng những căn nhà tình nghĩa để đồng đội mình có chỗ ở khang trang. Mỗi năm, có một cuộc “hành quân” mà chị luôn mong muốn được tham gia đó là quay trở lại Nghĩa trang Trường Sơn. “Có một điều gì đó thôi thúc tôi đi, thôi thúc tôi đặt chân đến đây để cảm thấy lòng mình bình yên. Thế rồi, khi đặt chân đến đây, tôi đi bằng niềm tin và tình thương yêu dành cho những người đồng đội đã ngã xuống bởi trước tôi cảnh vật nhòa đi trong dòng nước mắt không sao ngăn nổi. Bạn bè tôi, đồng đội tôi nằm đó, hàng trăm ngàn nấm mồ kia, nấm có tên, nấm vô danh, nấm chẳng bao giờ được gặp lại người thân, lạnh lẽo và cô quạnh. Họ ngã xuống để chúng tôi được bước tiếp…”.

Nữ doanh nhân thành đạt từ nghề… đồng nát

Đất nước hòa bình, đất nước chuyển mình và những người lính trở về từ chiến trường xưa ấy cũng chẳng đứng ngoài cuộc. Họ lại lao vào chiến trường mới của thời bình – thương trường – với mong muốn xây dựng gia đình, giúp đỡ mọi người xunh quanh và làm giàu cho đất nước. Bằng sự kiên định, kỷ luật nghiêm ngặt trong quân đội, bằng ý chí luôn vươn lên dù trong bất cứ hoàn cảnh nào của người lính bộ đội Cụ Hồ, họ tham gia vào mặt trận kinh doanh và gặt hái thành công.

Sau khi rời quân ngũ theo chế độ 176, chị Bảo Hiền buôn bán nhỏ ở chợ Đồng Xuân. Thế nhưng, trận cháy lịch sử năm 1994 tại chợ đã thiêu rụi toàn bộ tài sản của gia đình chị. Từ dưới vực thẳm của sự khó khăn về kinh tế, chị bắt đầu với công việc thu gom phế liệu công nghiệp từ nhà máy của một vài người đồng đội. May mắn gặp được những người cộng sự tốt cùng sự chịu thương chịu khó, chị gây dựng được công ty đầu tiên của mình mang tên Hiền Lê chuyên lĩnh vực thu gom và vận chuyển chất thải công nghiệp.

Vừa làm vừa học và tìm hiểu kinh nghiệm từ những chuyên gia trong và ngoài nước, chị Bảo Hiền mở rộng công việc kinh doanh và tiếp tục thành lập công ty Á Châu chuyên sản xuất nhựa, phôi nhựa phục vụ cho việc sản xuất linh phụ kiện cho các hãng lớn như Canon, Samsung… và cung ứng cho thị trường miền Bắc. Ba nhà máy ở các tỉnh Nam Định, Hưng Yên với hơn 500 nhân công, tôi hỏi sức đâu chị quản lý được như vậy, chị đưa cho tôi xem các phần mềm quản lý công việc, quản lý doanh thu, quản lý hàng về… tất cả đều nằm trong một chiếc điện thoại thông minh. Một phụ nữ đã ngấp nghé tuổi lục tuần lại am hiểu và rành rọt công nghệ như vậy làm tôi không khỏi khâm phục. Hoài bão mở rộng kinh doanh, sức làm việc không ngừng nghỉ ở người nữ doanh nhân ấy khiến ai gặp chị cũng mến mộ.

 

Chị Bảo Hiền, người chiến sĩ trên mặt trận kinh tế trong thời hiện đại vẫn luôn tiếp lửa cho rất nhiều chị em phụ nữ

Chị Bảo Hiền, người chiến sĩ trên mặt trận kinh tế trong thời hiện đại vẫn luôn tiếp lửa cho rất nhiều chị em phụ nữ

Giờ đây khi đã đi qua chặng đường khó khăn, có được thành công nhất định, chị chiều chuộng mình bằng thú vui chăm sóc cây cảnh. Những phút giây chăm cây vào mỗi buổi sớm khi thức dậy và mỗi buổi tối khi trở về nhà là khoảng thời gian giúp chị tìm lại nguồn năng lượng để tiếp tục cho những chặng đường đầy hứa hẹn nhưng cũng vô vàn thử thách ở phía trước. Tôi xin chúc chị luôn vững bước trên “chiến trường” mà chị đã gắn bó, luôn là niềm tự hào của gia đình và của các chị em hội viên Hiệp hội Nữ doanh nhân Hà Nội

Nhóm thực hiện

Bài: Ngọc Anh – Ảnh: Trần Sam

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more