Nghĩ về nghề báo – blog Phương Huyên

Đăng ngày:

Thực ra các nhà báo vẫn tự nghĩ là mình có quyền gì?

Nghĩ về nghề làm báoGần đây, dư luận xôn xao lên với việc hai cha con ông Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang (hay được gọi là người rừng) trở về. Thế rồi, họ lại xôn xao lên khi người cháu muốn kinh doanh từ câu chuyện của bác mình. Kết cục, cả nước lại được dịp sững sờ khi người cháu ấy đốt luôn ngôi nhà trong rừng của ông Thanh và ông Lang, với lý do là nhà báo đã vu khống ông. Người cháu ấy yêu cầu được trả tiền, vì ông phải dẫn những người làm báo ấy vào rừng sâu, mất thời gian và công sức của ông. Ông làm việc để giúp các nhà báo hoàn thành công việc, ông yêu cầu phải trả tiền. Chuyện ấy thật hiển nhiên.
Thế nhưng các nhà báo không nghĩ vậy, họ cho rằng họ là nhà báo thì phải được hỗ trợ để lấy tin. Câu chuyện ấy gợi ra một câu hỏi mà tôi luôn băn khoăn: Thực ra các nhà báo vẫn tự nghĩ là mình có quyền gì?
Tôi đang làm việc cho một ELLE, một tạp chí dành cho những phụ nữ thành thị. Tôi và các đồng nghiệp tập trung khai thác vào mấy vấn đề: Thế nào là đẹp, chỗ nào thì hay, làm sao để tốt. Chúng tôi khác với những người làm báo về xã hội, đưa ra mọi vấn đề từ tốt đến xấu.
Dẫu vậy, dù ở mức độ nào, báo chí quả là một thế lực lớn. Báo chí giúp nghệ sĩ vô danh được biết đến tên, nhà hàng vắng khách bỗng được lăng xê, cho tới chuyện chính trị, kinh tế, hình sự… được khơi ra, được phanh phui. Khi bạn là nhà báo, có rất nhiều người sẽ cung kính với bạn, hoặc để tạo mối quan hệ thân thiết, hoặc để tránh các rắc rối. Có vẻ như tất cả chúng ta đều cần quảng cáo một cái gì đó, hoặc đang làm một việc mờ ám gì đó. Phải chăng vì thế, nhà báo cho rằng họ có những đặc quyền riêng?
Ta không thể đưa ra được một kết luận nào cả Bạn bè tôi có rất nhiều người làm báo. Có những người coi việc được nâng niu là một lẽ dĩ nhiên, có những người vẫn cho rằng cái gì được nhận cũng là gánh nợ. Nhiệm vụ của người làm báo là đưa thông tin đến độc giả, và tất nhiên là chúng ta phải tìm mọi cách để làm được việc đó, trong khi ngân quỹ ngày càng không nhiều thời khủng hoảng kinh tế.

Trong nghề của mình, tôi cũng có lúc gặp phải những chuyện tương tự. Ví dụ như một lần kia, tôi muốn phỏng vấn một nhiếp ảnh gia cho chuyên đề ảnh báo chí (ELLE số tháng 7, 2013), cần đăng một tấm ảnh của anh từng đăng ở báo khác, từng triển lãm… Ban đầu anh đồng ý, nhưng sau khi nghe nói sẽ không có nhuận ảnh thì anh không đồng ý nữa. Tôi đành cảm ơn anh trong kinh ngạc, vì những nhân vật khác trong chuyên đề ấy rất thoải mái với chuyện ảnh (ảnh của họ đằng nào cũng đăng khắp nơi rồi, bài thì ở dạng nhân vật, giới thiệu về thành quả của họ), và chủ yếu vì anh đã đồng ý rồi lại thôi. Tôi nghĩ việc cho tôi đăng một tấm ảnh cũ để giới thiệu về công việc của anh cũng chẳng hại gì đến anh cả. Như thể ai đó đề nghị cho đăng lại một đoạn ELLE đã đăng vậy thôi.
Dẫu vậy, khi nghĩ lại, tôi nghĩ anh cũng có quyền đòi nhuận ảnh vì đó là công sức của anh, và nếu ngân sách có đủ, tôi cũng trân trọng trả cho tất cả những người mình mời làm nhân vật. Rất nhiều nhà báo cho rằng người được xuất hiện trên báo phải biết ơn mình, nhưng không phải vậy.
Chuyện ấy làm tôi nhận thấy, người khai thác thông tin và đưa lên báo là tôi đây tất nhiên phải có ý thức về ảnh hưởng tới người mình chọn khai thác, về mặt thời gian, cuộc sống và cả cuộc sống tinh thần của họ. Tất cả chúng ta đều cần hoàn thành công việc nhưng tất cả cũng đều khó chịu lên nếu ai làm phiền mình quá nhiều.
Chỉ có điều, những người như ông Hồ Văn Thanh hay Hồ Văn Lang không ông Lâm, người vừa đốt cả căn nhà của bác mình, không sống ở đô thị để biết rằng họ có thể nói Không ngay từ đầu. Phần lớn người dân Việt Nam không ý thức được điều đó. Phần lớn chúng ta không ý thức để bảo vệ mình khỏi truyền thông. Những chuyện như “Hãy tôn trọng sự riêng tư của gia đình chúng tôi sau biến cố” là điều mà rất ít người Việt Nam ý thức được.
Ông Lâm đốt cháy nhà của ông Lang và ông Thanh như một cách phản ứng với báo chí, và là một cách nói “Không”. Tôi nghĩ, tất cả mọi người nên học cách nói “Không” trước khi quá muộn như thế. Dù chuyện đó gây khó dễ cho các nhà báo, nhưng đó chẳng phải là một cách để mỗi nhà báo phải cẩn trọng hơn khi tiếp xúc và khai thác thông tin từ nhân vật của mình sao. Ý thức về cảm giác của người khác, không bao giờ là thừa, dù chúng ta làm nghề nào.

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more