Uổng ơi là uổng! – blog Đa Na

Đăng ngày:

Bạn thích ăn mì, cô ấy có quyền chọn hủ tíu. Dù vĩ đại hay nhỏ bé trong mắt người khác, miễn là “món hủ tíu” hợp với cô và làm cô thấy hạnh phúc.

ellevn-quan-diem-song-lua-chon-ft

Một hôm đang ngồi lơ đễnh bên tách cà phê, tôi bỗng giật thót mình khi nghe một chị trong bàn thốt lên “uổng ghê ha!”, kèm theo đó là rất nhiều tiếng xuýt xoa đồng tình.

Để hiểu được lý do tôi giật thót thì phải quay ngược thời gian lại năm phút trước, khi chị đang kể về một cô gái người Việt giành được học bổng toàn phần của một trường ĐH danh tiếng nhất nhì nước Mỹ. Cô gái ấy đã chọn học ngành Truyền thông, sau đó đi làm phát thanh viên cho một đài Việt Nam ở Mỹ.

Khỏi phải nói mọi người đã sốc như thế nào, bằng chứng là rất nhiều câu ta thán đã được thốt lên (“trời ơi uổng quá vậy”, “sao tự nhiên lại đi học ngành truyền thông”, “học ở trường đó sao lại ra làm phát thanh viên!”). Tiếp theo đó là màn tranh luận tại sao cô gái đó lại có quyết định kỳ lạ và “uổng” quá trời quá đất như vậy – chắc là thích lấy chồng sinh con và muốn an phận, nhưng vẫn uổng ơi là uổng, uổng cái học bổng và uổng cả tài năng của cổ nữa.

Chắc các bạn đang thắc mắc lý do tôi lại giật thót người khi nghe câu chuyện uổng phí này? Không không, tôi không phải là cô gái đang được/bị nói tới. Tôi cũng chưa từng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Tôi giật thót người là vì tôi chẳng hiểu tại sao người ta lại uổng cho cô ấy!

Thường người ta sử dụng chữ uổng để diễn tả những chuyện muốn làm nhưng không thể làm được vì một lí do nào đó ngoài ý muốn. Ví dụ như ta thường than uổng khi mong muốn làm chỗ này, nhưng đúng lúc ta không chờ được và nhận việc khác thì chỗ ta muốn làm lại gọi. Thêm nữa, chuyện có uổng hay không chỉ người trong cuộc mới rõ nhất (rất có thể 5 tháng sau ta lại mừng vì “ôi thôi, sếp mới chuyển về thật tuyệt vời, đây chắc hẳn là duyên nợ!”).

Trở lại chuyện cô bạn được học bổng, nếu cô ấy được chọn nhưng không thể đi được, hoặc đã vào học nhưng vì lí do nào đó phải bỏ giữa chừng thì uổng thật, cô không thể theo đuổi con đường mình muốn đi.

Thế nhưng, theo những gì được kể thì cô ấy đã đi trọn vẹn con đường mình lựa chọn, và chắc hẳn cũng có lý do riêng khi chọn con đường đó. Có thể cô ấy yêu thích ngành truyền thông và tìm được hứng thú trong công việc phát thanh viên. Có thể cô ấy đã trải qua nhiều thăng trầm và nhận ra vun vén mái ấm gia đình chính là hạnh phúc lớn nhất. Cũng có thể cô ấy đang tất bật với nhiều dự án vĩ đại khác nhưng không tiện hoặc không muốn nói ra.

Dù sao đi nữa thì cô vẫn có quyền chọn lựa hướng đi cho cuộc sống của mình và lựa chọn đó xứng đáng được tôn trọng. Bạn thích ăn mì, cô ấy có quyền chọn hủ tíu. Dù vĩ đại hay nhỏ bé trong mắt người khác, miễn là “món hủ tíu” hợp với cô và làm cô thấy hạnh phúc. Vậy vì cớ gì mà chúng ta phải “uổng” giùm người ta?

Lần sau, khi có ai đó trong bàn ăn thốt lên “uổng ơi là uổng!”, bạn có giật thót mình như tôi?

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more