Christiane Amanpour: Khách quan không phải là vô cảm!

Đăng ngày:

[Tạp chí ELLE – 7/2016] Giờ đây, khi là một nhà báo nổi tiếng của CNN, mối quan tâm của Christiane Amanpour dành cho những đất nước trong chiến tranh chưa bao giờ thay đổi…

Lớn lên trong một gia đình có cha là người Iran ở nước Anh, Christiane Amanpour là nạn nhân và nhân chứng của những biến động lịch sử tại Trung Đông khiến cho hàng triệu người phải rời xa quê hương. Giờ đây, khi là một nhà báo nổi tiếng của CNN, mối quan tâm của bà dành cho những đất nước trong chiến tranh chưa bao giờ thay đổi.

Christiane Amanpour: Khách quan không phải là vô cảm!

Nữ phóng viên quả cảm

Christiane Amanpour sinh ra tại London vào năm 1958 trong một gia đình có cha là người Iran theo đạo Hồi, mẹ là người Anh theo Công giáo, lớn lên tại Tehran nhưng bản thân lại theo học một trường Công giáo, ngay từ nhỏ Amanpour đã được làm quen với một môi trường đa văn hóa. Lợi thế đó đã tặng cho Christiane Amanpour lòng vị tha và sự thông cảm, những yếu tố hết sức hữu ích đối với nghề báo nhưng vẫn có cách tiếp cận không khoan nhượng trước bất kỳ vấn đề chính trị nào.

Cuộc cách mạng Hồi giáo Iran xảy ra vào năm 1979 là một bước ngoặt của cuộc đời Amanpour khi cả gia đình rời khỏi Tehran trở lại Anh quốc. Bà nhớ lại: “Một lần thấy trên tivi những cảnh chiến tranh đẫm máu, tôi tự hỏi mọi việc không biết đến khi nào mới chấm dứt. Rồi tôi chợt nhận ra mình muốn tận mắt chứng kiến những sự kiện đó để kể lại cho mọi người”. Amanpour bắt đầu đăng ký học nghề báo tại Anh, cuối những năm 1970, bà sang Mỹ du học. Sự nghiệp của bà bắt đầu tại những trạm phát thanh, truyền hình nhỏ dù trước đó, cô phóng viên trẻ chưa hề biết gì về mạng lưới truyền hình toàn cầu. “Những ngày đầu làm việc thật là khủng khiếp. Thậm chí tôi còn không hiểu truyền hình cáp là gì” – Amanpour nhớ lại.

Bước đột phá trong sự nghiệp của Amanpour chính là việc Christiane Amanpour gia nhập đội ngũ nhân viên CNN vào năm 1983. Bà đã có những bước tiến đáng kể khi làm các bài phóng sự về biến động chính trị tại Trung Âu những năm 1989, 1990, sau đó là cuộc chiến vùng Vịnh. Có thể nói cuộc chiến tại Balkans đã làm nên tên tuổi Amanpour. Sáu năm làm việc trong những điều kiện nguy hiểm nhất tại chiến trường Balkan đã mang về cho bà nhiều giải thưởng, như giải Emmy, giải George Foster Peabody…

Ngay sau sự kiện khủng bố ngày 11/9/2011, Amanpour là nhà báo đầu tiên thực hiện phỏng vấn với thủ tướng Anh Tony Blair, tổng thống Pakistan Pervez Masharraf và tổng thống Afghanistan Hamid Karzai. Những cuộc phỏng vấn như vậy khó khăn không kém việc tường thuật những cảnh bom đạn nơi chiến trường bởi lẽ, trong trường hợp đó “mọi người đều quan sát mọi cử động của bạn, chú ý từng lời nói của bạn”. Cuộc phỏng vấn của bà với Moammar Gadhafi – cựu lãnh đạo của Libya trong giai đoạn cao trào của phong trào Mùa Xuân Ả Rập đã được trao giải Emmy. Đó chỉ là số ít trong những ví dụ cho công việc đầy thử thách và ý nghĩa của bà. Hiện tại, mỗi ngày hàng triệu người khắp nơi trên thế giới chờ chương trình của bà trên CNN để được lắng nghe những phân tích khách quan và sâu sát nhất về các vùng chiến sự và sự kiện chính trị.

Trong lĩnh vực báo chí chính trị do đàn ông làm chủ, Amanpour là một trong những gương mặt nữ hiếm hoi, và bà đã góp phần khẳng định cho sự thật: Phụ nữ cũng có thể làm nên những điều lớn lao. Bà hoàng truyền thông Oprah Winfrey từng dành những lời có cánh về Amanpour: “Cô ấy rất tự tin, không sợ hãi. Cô ấy thật sự là một phụ nữ phi thường”.

“Trung lập trước tội ác là đồng lõa!”

Khoác lên người chiếc áo chống đạn, Amanpour đã đi khắp nơi, tiếp xúc với những chiến binh Hồi giáo, những tu sĩ, nghệ sĩ, chính khách hay những phụ nữ đạo Hồi đấu tranh đòi quyền bình đẳng. Trong 10 năm đầu của thế kỷ XXI, Amanpour đã đặt chân đến hầu hết những điểm nóng trên thế giới như Iraq, Afghanistan, Iran, Israel, Pakistan, Somalia, Rwanda và Sudan để làm những bài tường thuật chân thật, sống động nhất.

Trong một bài phỏng vấn, Amanpour khẳng định, tính cách chung của mọi phóng viên quốc tế chính là sự tận tụy và lòng đam mê nghề nghiệp, sẵn sàng chấp nhận hy sinh mọi thứ, kể cả tính mạng. Bà chia sẻ: “Công việc của tôi là nói về sống và chết, cho dù đó là một vụ thảm sát ở châu Phi, ở Balkans hay một vụ vi phạm nhân quyền. Tôi không phải là một người tốc ký hay một người cầm loa; khi tôi đưa tin, tôi phải đặt sự việc vào bối cảnh, phải hiểu rõ những lằn ranh đạo đức”. Chính cách tiếp cận này khiến cho hơn một lần Amanpour bị các nhà báo khác chỉ trích về chuyện bà đưa tình cảm cá nhân vào bản tin.

Tuy nhiên, thay vì phủ nhận, bà tự hào khẳng định bản thân có chính kiến trước mọi vấn đề. Thậm chí, khi bị xếp vào nhóm thân Hồi giáo, bà đáp lại rành mạch: “Tôi thừa nhận rằng công việc của chúng ta là lắng nghe từ tất cả các bên, nhưng với một vụ thảm sát, bạn không thể nào chỉ chọn thái độ trung lập”. Một lần khác, bà nhấn mạnh: “Tôi không thể làm người trung lập trước những sự kiện kinh hoàng đến nghẹn lời. Khi bạn trung lập, bạn là kẻ đồng lõa”. Thái độ của bà nhận được sự ủng hộ của rất nhiều khán giả, đặc biệt là giới nữ. Với tư cách là một người mẹ, bà chọn lên tiếng chống lại sự bạo tàn, và đó là điều mà những người dân thường không có tiếng nói cần ở một nhà báo có tầm ảnh hưởng. Bên cạnh công việc riêng, Amanpour cũng dành thời gian để xây dựng một nền báo chí quốc tế trong sạch và an toàn. Bà là thành viên ban giám đốc Hội đồng Bảo vệ các nhà báo, Quỹ Truyền thông Phụ nữ Quốc tế và Học viện Đưa tin Chiến tranh và Hòa Bình.

Không chỉ là một nhà báo nổi tiếng, bà còn là nguồn cảm hứng của hàng triệu người phụ nữ trên thế giới. Và bà vẫn ấp ủ nhiều ước vọng, trong đó, phụ nữ và trẻ em là đối tượng khiến bà trăn trở nhiều nhất. “Phụ nữ là trụ cột của rất nhiều gia đình và xã hội. Họ đồng thời, về đa số, là những người bị đàn áp tại nhiều vùng đất. Tôi thích những câu chuyện thành công. Khi tôi có thể giới thiệu những người phụ nữ đã vượt qua được hoàn cảnh, những người phụ nữ khác đã tìm ra tiếng nói của chính họ. Cũng như vậy với trẻ em, tôi muốn ủng hộ cho quyền của chúng. Chúng không có những tổ chức của riêng mình. Đúng là có UNICEF và vài tổ chức phi lợi nhuận, nhưng trẻ em gần như chẳng có quyền gì”.

Và có lẽ, một ngày nào đó, khán giả của bà sẽ được tiếp cận những câu chuyện đó, vì Amanpour chưa bao giờ lùi bước với những dự định.

Bắt đầu công việc tại CNN vào năm 1983, như một nhân viên chạy việc ở bàn giấy, bằng lòng quả cảm và sự am hiểu từ môi trường đa văn hóa, Amanpour được giao nhiệm vụ quan trọng đầu tiên tại chiến tranh Vùng Vịnh, và bắt đầu có những bước tiến dài trong sự nghiệp.

Tháng 3/2010, Amanpour quyết định rời CNN sang ABC News sau 27 năm gắn bó. Nhưng chỉ hơn một năm sau, bà trở lại CNN.

__

Xem thêm:

Nhà văn Thuận & “Chỉ còn 4 ngày là hết tháng Tư”

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư – cô Mén đất mũi

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ – Đủ sung sướng nhưng sẽ vô cảm

Nhóm thực hiện

Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more