Âm nhạc Việt Nam – Thế hệ di cư và những lựa chọn hòa nhịp

Đăng ngày:

[Tạp chí ELLE tháng 5/2017] Bản sắc văn hóa theo sau làn sóng dịch chuyển của người Việt trong hành trình di cư đã phát triển ra sao sau nhiều thế hệ là chủ đề tuy không mới nhưng vẫn luôn được mong ngóng. Đặc biệt khi cội rễ ấy được dung dưỡng và xoay chuyển trong môi trường âm nhạc quốc tế.

Qua nhiều thời kỳ, nghệ sĩ di cư và các gương mặt trẻ sinh ra trong gia đình gốc Việt đã và đang có những lựa chọn rất khác biệt để khẳng định màu sắc âm nhạc riêng của mình trong guồng quay âm nhạc toàn cầu. Công chúng yêu âm nhạc Việt Nam có lẽ từng dễ nhận biết tên tuổi phương xa quay về khơi nguồn cội rễ hơn là những nghệ sĩ đang hòa theo dòng chảy của xu hướng âm nhạc thịnh hành toàn cầu. Nhưng giờ đây với sự cởi mở và khả năng kết nối của các phương tiện thông tin đại chúng, khán giả đang dần bắt sóng được chân dung âm nhạc mới của thế hệ người Việt di cư. Và với nhiều cá nhân trong số này, bản sắc Việt không phải là yếu tố tiên quyết thúc đẩy sự thành công của họ.

Di cư và nỗi hoài hương

Nghệ sĩ Nguyên Lê

Nhắc đến âm nhạc của người Việt di cư, khán giả thường nghĩ đến giai đoạn 1954-1975 của nền tân nhạc, với dấu ấn của những nhạc sĩ miền Bắc tản cư vào miền Nam. Thế hệ những nhạc sĩ di cư đầu tiên đã để lại cho nền âm nhạc Việt Nam một di sản đồ sộ với các tác phẩm mang nhạc tính Tây Phương pha lẫn âm hưởng dân tộc cùng ca từ giàu thi điệu. Các ca khúc được sáng tác trong giai đoạn này vẫn còn chiếm vị trí chủ đạo trong các chương trình âm nhạc hải ngoại, vốn là món ăn tinh thần được ưa chuộng tại Việt Nam những năm 80 và đầu thập niên 90. Bên cạnh đó, hoạt động âm nhạc của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài còn ghi nhận những bước ngoặt mới đầy cá tính của những nhạc sĩ trẻ âm thầm khai phóng những dòng nhạc đặc thù, kén người nghe hơn như Progressive Rock, Jazz, Funk, hay Electronica. Các tên tuổi nổi bật có thể kể đến như Tai Phong band, anh em nhà Dorky, Nguyên Lê, và sau này là Cường Vũ. Đặc biệt tên tuổi Nguyên Lê khá gần gũi với khán giả trong nước lẫn quốc tế, ông nổi tiếng không chỉ bởi tài chơi guitar thần sầu mà còn góp công khai phóng âm nhạc dân tộc trên nền World Music một cách hoàn hảo. Nguyên Lê thuộc số ít nghệ sĩ gốc Việt khao khát tìm kiếm mối nối độc đáo để hòa trộn âm nhạc Việt Nam truyền thống với các chất liệu mang vẻ đẹp từ nhiều nền văn hóa khác nhau.

Vanessa Vo

Khi nhắc đến việc tiếp nối con đường tạo dựng chân dung âm nhạc kết hợp giữa tinh hoa thế giới và tinh túy của dân tộc, nghệ sĩ Nguyên Lê đã dành lời tán dương Vanessa Vo (Võ Vân Anh), một nữ nghệ sĩ đàn dân tộc của Việt Nam. Người phụ nữ dành hết tâm huyết của mình cho sự tìm tòi, biểu diễn nhiều loại nhạc cụ như đàn tranh, đàn tam thập lục, đàn bầu, t’rưng, k’lông pút, trống dân tộc… để sáng tạo các tác phẩm mang âm hưởng hiện đại. Dù sinh ra tại Việt Nam, nhưng với khả năng hấp thụ vượt trội và tình yêu âm nhạc dân tộc sâu sắc, Vanessa đã thật sự bước ra “biển lớn” bằng những thành quả đáng tự hào khi định cư tại xứ người. Các kiến tạo đỉnh cao như album Three Moutain Pass đã lọt vào Top 10 album hay nhất thể loại world music tại Mỹ và Top 50 những album hay nhất của tất cả các thể loại âm nhạc tại Mỹ. Cô cũng từng là thành viên ban giám khảo giải thưởng Grammy ở hạng mục World Music.

Những lựa chọn mới

Album We Brave Bee Stings And All

Không có nhiều nhân vật nổi bật như Nguyên Lê hay Vanessa Võ theo đuổi công thức cân bằng được giữa tính cội rễ độc đáo và tính toàn cầu để “giao tiếp” với thế giới. Đó hẳn là một con đường lý tưởng và gian nan. Tuy nhiên, đây cũng không hoàn toàn là hướng đi duy nhất để những nghệ sĩ trẻ gốc Việt ngày nay tìm kiếm chỗ đứng của mình. Làn sóng indie trỗi dậy mạnh mẽ đã để lộ những gương mặt trẻ thành công như ca sĩ kiêm sáng tác Thao Nguyen, một nữ ca sĩ kiêm sáng tác theo đuổi dòng alternative và folk rock. Cô nổi lên cùng nhóm nhạc indie rock The Get Down Stay Down tại Mỹ vào năm 2008. Khi nghe album We Brave Bee Stings and All, nhiều người còn so sánh giọng ca mạnh mẽ của cô với Sinéad O’connor, Cat Power hay Fiona Aple. Ở Thao Nguyen hiện tại, không gì Việt Nam bằng tuổi thơ bên cạnh người mẹ đơn thân gốc Việt, người đã sinh ra và nuôi dưỡng cô với công việc ở tiệm giặt, nơi mà ngày bé cô thường tranh thủ tập nhạc nhân lúc trông cửa hàng cho mẹ. Đến năm 12 tuổi, Thao Nguyen đã biết chơi guitar và có những sáng tác đầu tiên.

Mai Lan và video music Technique đầy màu sắc với ý tưởng giễu cợt cuộc sống quá phụ thuộc vào internet. Khá nhiều sản phẩm âm nhạc khác của Mai Lan bộc lộ cá tính một nghệ sĩ thị giác bên trong cô.

Cùng thời điểm xuất phát như Thao Nguyen nhưng Mai Lan, nữ nghệ sĩ người Pháp gốc Việt được biết đến muộn hơn. Tờ Rolling Stone đã gọi giọng ca của cô là “bí mật được giữ kín của nước Pháp”. Mai Lan sinh ra trong gia đình có cha là nghệ sĩ thị giác người Pháp, Christian Chaperon nên rất dễ nhận thấy tố chất của một nghệ sĩ thị giác được phát huy hầu hết trong các video-music ấn tượng và táo bạo của cô. Đây cũng là xu hướng thể nghiệm chung của nhiều nghệ sĩ trên thế giới. Cô bắt đầu cho ra mắt album đầu tay bằng tiếng Pháp lẫn tiếng Anh mang tên chính mình, Mai Lan (2012). Các single của Mai Lan lập tức chinh phục giới nghe nhạc indie khi phần music video được sáng tạo bởi nhà làm phim kiêm diễn viên Adan Jodorowsky. Nhiều sản phẩm âm nhạc của cô tạo được dấu ấn tốt với cộng đồng nghệ sĩ indie tại Pháp và mở ra các cơ hội hợp tác ngẫu hứng đầy tiềm năng. Ngoài tên gọi rất Việt Nam, âm nhạc của Mai Lan không hề đại diện cho bất kỳ yếu tố màu sắc nào của nhạc Việt nhưng không có nghĩa là nó thiếu sức hút với khán giả yêu nhạc quốc tế. Còn với rapper/DJ Dôn Nodey (DN) thì lại có một sự tiếp cận hoàn toàn khác. Nếu đã nghe những bản mix của DN, đặc biệt hai bản “Samskara” và “Tạm biệt chú tôi”, khán giả sẽ dễ nhận thấy một nguồn cảm hứng lớn từ triết học Ấn Độ, đâu đó một vài ca từ Tây Ban Nha, nhạc dân ca Việt Nam, và cả âm điệu chịu ảnh hưởng từ Nina Simone. Những nhạc sĩ châu Âu từ lâu đã có nguồn cảm hứng vô tận từ Ấn Độ, và DN không nằm ngoài danh sách này. Electronic music còn là mảnh đất màu mỡ để DN thử nghiệm nhiều chất liệu âm nhạc phong phú. Khi thực hiện “Tạm biệt chú tôi”(album Vinasounds), DN mới bắt đầu tìm nguồn cảm hứng từ những đĩa than của chú và bố mẹ anh (năm 60 – 70) một tổng hợp những bản nhạc dân ca, pop, và những bài ca kháng chiến Việt Nam. DN đã quyết định thử sáng tác album theo hướng mới là mượn di sản âm nhạc Việt Nam và trích dẫn theo cách hiểu của anh từ sự thừa kế từ di sản văn hóa của gia đình. DN chia sẻ: “Những nghệ sĩ như tôi có rất nhiều tại Pháp. Những người sinh ra và lớn lên đều có cả bố lẫn mẹ là người nước ngoài. Điều này rất thú vị vì nó làm giàu hơn vốn hiểu biết và kỹ năng của bản thân khi tôi có thể sống trong một môi trường đa văn hóa”. Có thể nhận thấy, thế hệ nghệ sĩ trẻ gốc Việt sống ở nước ngoài đang dần vượt qua những ảnh hưởng của “khái niệm di cư” để hòa điệu và đeo đuổi bản năng âm nhạc khác biệt.

Xem thêm

5 tài năng trẻ và niềm hy vọng cho làng âm nhạc thế giới

Justin Bieber- 7 năm vinh quang và cái giá của sự nổi tiếng

Top 10 bài hát về mùa Đông nhạc Việt được yêu thích nhất

Nhóm thực hiện

Linh An, May Ngô – Nguồn Tạp chí Phái Đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more