Fumio Yamamoto – Trốn Thoát Khỏi Thực Tại

Đăng ngày:

[Tạp chí ELLE – số tháng 9/2016] Những bà nội trợ kiểu Nhật, những cô nàng thất nghiệp Nhàn rỗi một cách quá đáng, những người đàn bà rớt lại và bị bỏ quên giữa xứ Phù Tang đương đại. Họ đi vào trang viết của Fumio Yamamoto với một khuôn dáng cô đơn, nhiều tự sự.

gioi thieu sachChạm…

Tôi luôn có một cảm giác bị mắc lại ở một nơi nào đó trong thế giới văn chương của Fumio Yamamoto. Từ Bến bờ thơm mùi dứa, Trúng độc yêu, Xanh màu lá,… cho tới tập truyện ngắn mới nhất Trốn thoát khỏi thực tại. Thứ cảm xúc vừa rõ ràng vừa mơ hồ này đôi khi đầy lên thành một ám ảnh không hồi kết. Fumio Yamamoto đã lưu trữ mình một cách không rõ ràng như thế. Và có lẽ, vì không thể nói ra hết được tư cảm đang đầy lên này nên bà dồn hết vào chữ nghĩa. “Tôi ảm đạm vì không thể nói cười”, đó gần như là một diễn đạt khác về văn chương của người đàn bà ở xứ mặt trời mọc.

Văn Fumio Yamamoto không phải là thứ văn mỹ miều của những đường chữ đẹp, thơ mộng. Bà cũng không phải thuộc típ nhà văn nữ quyền để thỉnh thoảng gây hấn hoặc gây sốc. Văn mạch của bà điềm nhiên, có chỗ tỉnh queo, lúc lại sắc lạnh, thậm chí hơi gắt với nhiều câu trần thuật mộc mạc, ngắn gọn. Trong đó, có cảm giác, tác giả vừa muốn đi đến cùng để cắt nghĩa vùng u ám đó, lại như mặc kệ để nó diễn ra theo quy luật của “phi tiểu thuyết” hay những “tiểu tự sự” nhỏ vụn. Để rồi tất cả trống huơ hoắc trong một thế giới cô đơn, ít thấu hiểu và rời rạc. Để rồi, ở đó, những tự sự chồng lên nhau, lặp đi lặp lại một cách tầm thường, mòn vẹt và chán nản.

Hakura, cô gái mắc bệnh ung thư vú, tự xem mình có dáng dấp của đồ cặn bã, lười nhác, sống tầm gửi, tâm lý bất định, đầy nhạy cảm, chán nản và nếu có kiếp sau, cô muốn làm một con giun dẹp bởi “giun dẹp sống trong khe suối trong vắt nơi rừng sâu, có bị băm thành trăm mảnh cũng sẽ không chết”.

Izumi, người phụ nữ ngấp nhé tuổi 35, trải qua một đời chồng, đang sống trong một chung cư cũ kỹ và rơi vào khủng hoảng kinh tế, thất nghiệp, hay sầu muộn vô cớ, nhàn rỗi đến lạc lõng, không còn khái niệm thời gian rõ ràng, có thể làm tình và thỏa mãn ham muốn nhục dục với một cậu đồng nghiệp cũ kém cả tuổi mình.

Catherine, một bà nội trợ đúng nghĩa, có người chồng vừa bị mất việc nên ngoài công việc nhà ban ngày, cô làm nhân viên bán hàng cho một tiệm tạp hóa buổi tối để kiếm thêm tiền. Cuộc sống của cô cứ như một mớ bòng bong, quanh đi quẩn lại vì chồng, con cái, bố mẹ; lắm lúc mỏi mệt, khủng hoảng, cô đơn và trơ trọi ngay trong mái ấm gia đình mình.

Mido, cô gái trẻ 25 tuổi rơi vào “thế lưỡng nan của tù nhân”, đã có người yêu hơn 7 năm nhưng vẫn ngủ với những người đàn ông khác. Ngày ngày trôi trong nhịp sống tùy tiện, không buồn không vui, nhiều hồ nghi và vô nghĩa của mình.

…Cứ thế, mỗi nhân vật của Fumio Yamamoto là một phần nứt toác của vỏ đương đại có vẻ bằng phẳng, đẹp đẽ đó. Họ là những con người đáng thương bị rớt lại trong đời sống nhộn nhạo, trôi tuột này. Những con người ấy từng xót thương cho người khác nhưng rồi chính họ, cũng không biết từ bao giờ, lại bước vào hoàn cảnh tương tự. Và bao nhiễu nhương, tù đọng và cô đơn vây bủa đó làm họ thỏa hiệp, thây kệ rồi trở nên nhàm chán, chết dần chết mòn.

Và lửng lơ, và ám ảnh…

Qua những mẩu chuyện nhỏ của những con người không liên quan đến nhau ấy, Fumio Yamamoto đã vẽ nốt những vệt màu còn khiếm khuyết trong bức tranh Nhật Bản hiện đại bằng ngôn ngữ. Một vệt màu trầm cảm triền miên. Một “sự tự sát” từ những vô định không có lời đáp. Bà đưa những người phụ nữ nhỏ bé, những người sống bên rìa xã hội vào vị trí trung tâm và để họ kể những câu chuyện của riêng mình. Kế thừa đặc điểm truyền thống của văn học Nhật nên không quá ngạc nhiên khi văn của Fumio Yamamoto mang đậm tính nữ. Bà đi vào ngóc ngách tâm lý li ti của phụ nữ bằng trải nghiệm và sự đồng cảm của một trái tim nhiều thổn thức. Bà để nhân vật nói những tiếng nói tự do nhất mà trong đời sống đôi lúc họ không có quyền lên tiếng hoặc chán phải lên tiếng. Bà tham dự vào những câu chuyện đó như một người có mặt và vắng mặt. Để rồi, mảng hiện thực của đời sống vừa quen vừa lạ ấy khoét vào ta những vết thương tỉnh thức, về một băn khoăn, bối rối đương đại.

Cho đến khi gấp cuốn sách lại, tôi vẫn còn nguyên đó một lưỡng lự. Sự dở dang khó hiểu này rốt cuộc là gì? Vẫn còn một điều mơ hồ nào đó, tôi chưa hiểu lắm. Có khi nào, đó là những điều Fumio Yamamoto không muốn người khác chạm vào chăng? Hay thực ra, nó cũng trống rỗng hết thảy – như những nhân vật của bà cất tiếng. Nó khiến tôi bỗng dưng nhớ đến Woman in the Dunes (tạm dịch: Người đàn bà trong cồn cát) của đạo diễn Nhật sinh năm 1964 – Hiroshi Teshigahara – viên ngọc quý của lịch sử điện ảnh thế giới, sinh muộn hơn bà hai năm. Yamamoto ẩn mình trong “cồn cát” ngôn ngữ để nói về thế giới nội tâm sâu thẳm của người Nhật Bản hôm nay nói riêng và những người phụ nữ đâu đó trên khắp thế giới này. “Vì không nói ra được nên đã mang một nỗi buồn ảm đạm. Tôi ảm đạm vì không thể nói cười”.

Năm 1999, Yamamoto đã vinh dự nhận được giải thưởng văn học Yoshikawa Eiji lần thứ 20 dành cho các tác phẩm mới xuất sắc và hiện là một trong những nhà văn đương đại có tác phẩm được đón chờ không chỉ trong phạm vi nước Nhật.

Xem thêm

Giải sách hay 2016: Kỳ vọng một “màng lọc” tri thức

Những cuốn sách hay dành cho tâm hồn

3 quyển sách mới hay thể loại hồi ký

Nhóm thực hiện

Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more