Lụa hay gốm cũng chỉ là công cụ để miêu tả ý tưởng

Đăng ngày:

[Tạp chí ELLE – 3/2016] Lụa, gốm hay những chất liệu truyền thống suy cho cùng với nữ nghệ sĩ trẻ Lê Hoàng Bích Phượng cũng chỉ là công cụ để miêu tả ý tưởng.

Lê Hoàng Bích Phượng, chị có thể chia sẻ một chút về triển lãm cá nhân “Trắng, Đen và Vàng” vừa diễn ra?

Khá là tích cực. Mọi người đến xem đều thấy thú vị. Nhưng lần này do ý đồ ban đầu của nghệ sĩ là không được chạm vào tác phẩm. Chủ yếu là gây sự tò mò, sự tò mò mang tính cưỡng chế. Tuy nhiên, khi đến triển lãm, ai cũng đều chạm vào tác phẩm và mong muốn có những triển lãm không chỉ xem mà còn được sờ chạm vào tác phẩm. Như vậy cũng hay. Các bảo tàng đương đại hiện nay trên thế giới cũng đang khuyến khích người xem chạm vào tác phẩm. Tên triển lãm lần này cũng là một phần của tác phẩm. Nó bao gồm đen của bóng tối trong “lỗ đen”, vàng ánh kim trong “cánh đồng khoai”, trắng của sứ cũng là chất liệu chủ đạo, một phần của “dải ngân hà”. Màu trắng của ánh sáng, sự rõ ràng rành mạch và những mảng tối u ám.

.

Chán nản là một dấu hiệu tích cực - ELLE.VN

Các tác phẩm gốm sứ trong triển lãm “Trắng, Đen & Vàng”

Một người phụ nữ làm việc trong môi trường sáng tạo như chị đã bao nhiêu lần đối mặt với những trạng thái buông xuôi?

Cũng khá thường xuyên. Chủ yếu là sau một triển lãm hay lúc tìm ý tưởng mới, sau đó tôi thấy chán nản và mất hứng thú với các ý tưởng đó… Nhưng sau khi vượt qua cảm giác đó, tôi nhận ra mình đang được đẩy đến những cái nhìn mới, phương án mới. Việc mất hứng thú với ý tưởng đôi khi là cần thiết, nó cho thấy khả năng và mức độ chịu đựng của mình đến cỡ nào. Nó kiểu như giúp mình “không ngủ quên trên chiến thắng”. Chán nản nói cho cùng là một dấu hiệu tích cực cho thấy phản ứng của trong bản thân một người sáng tạo đang không chấp nhận lối mòn của chính mình. Môi trường sáng tạo ở Việt Nam hiện khá phong phú, không phân biệt nam hay nữ. Điều quan trọng nhất là ai có tài thì cứ phát huy.

Chị đã làm thế nào vực dậy mình mỗi lúc như thế? Và đã có được những kinh nghiệm thay đổi để thích nghi ra sao trước những đòi hỏi sáng tạo của bản thân?

À, những lúc như vậy thì tôi sẽ đi chơi, gặp bạn bè nói chuyện để giải tỏa căng thẳng… có những ý tưởng bắt nguồn từ những cuộc trò chuyện. Thường là những chủ đề rất “vô thưởng vô phạt”. Tôi thích lắng nghe những người xung quanh. Đối với tôi, thỉnh thoảng những câu chuyện của người lạ sẽ mở ra một chân trời mới.

Vậy mà tôi cứ nghĩ, một nghệ sĩ như chị thì chỉ bị hấp dẫn về những “thế giới không tưởng”?

Không, theo tôi “thế giới phản không tưởng” mới là phần hấp dẫn nhất. “Thế giới phản không tưởng” ngược lại với “thế giới không tưởng”, một nơi cho thấy sự đối lập vô cùng cực và khắc nghiệt, mang tính chất hiện thực phũ phàng cũng như sự thật lúc nào cũng khiến mình đau lòng. “Còn thế giới không tưởng” chắc giống kẹo ngọt, hiển nhiên rất đẹp nhưng là không tưởng.

.

Chán nản là một dấu hiệu tích cực - ELLE.VN

Các tác phẩm tranh lụa từng được giới thiệu trong triển lãm “Thay hình đổi dạng”

Và hai thế giới buộc phải tồn tại song song, mọi cố gắng thoát ly có vẻ là bi kịch?

Bi kịch hay không phụ thuộc vào góc nhìn của mỗi người. Nếu hai thế giới buộc tồn tại song song thì rõ ràng là không thể tách rời. Nhưng khi nghĩ tới, chúng ta mới chính là người được lựa chọn, được phủ quyết vấn đề thì lại có những giải pháp tích cực hơn là mong đợi thích nghi được với cả hai.

Tại sao chị lại chọn nghệ thuật thủ công truyền thống và bày tỏ mong muốn gầy dựng lại sự yêu thích của công chúng?

Cơ bản chỉ là do sự yêu thích chủ quan của tác giả. Nói là gầy dựng thì quá to tát. Chủ yếu là do tác giả yêu thích nghệ thuật truyền thống và đưa ý kiến chủ quan của mình vào, chỉ mong khơi gợi lại những gì xa xưa, không có nghĩa là cũ kỹ. Suy cho cùng, chất liệu là công cụ cho tác giả thực hiện, miêu tả ý tưởng của mình.

Điều này có mối liên hệ nào với thông điệp “hoàn thiện mảnh đất của chính chúng ta” mà chị vừa gửi gắm vào triển lãm “Trắng, Đen và Vàng”?

Lựa chọn nhìn vào điều mới mẻ là ưu tiên hàng đầu của các nghệ sĩ cho “việc phát triển” nghệ thuật, nhưng hiện tại những giá trị sáng tạo hoặc nghệ phẩm của Việt Nam cũng đang rất phát triển mặc dù vẫn còn nhiều hạn chế về kỹ thuật, chất liệu… Nên thay vì tìm kiếm xa xôi, ta có thể dùng những chất liệu gần gũi với người xem, dễ tác động đến người xem, không quá xa cách, không quá khó hiểu mà còn gợi nhớ đến nguồn gốc chất liệu. Xét về nhiều khía cạnh, nó đủ tiêu chuẩn để phục vụ thể hiện ý tưởng đương đại. Làm việc sáng tạo, tôi thấy mọi thứ đều có thể sử dụng được, miễn là diễn đạt được ý tưởng của tác giả đến người xem.

.Chán nản là một dấu hiệu tích cực - ELLE.VN Mỏng manh, thanh tú và lóng lánh là tập hợp từ tạo thành quan điểm về cái đẹp mà chị đang theo đuổi. Chị có nhận ra sự ẩn hiện của các tính từ ấy thông qua biểu tượng nào trong cuộc sống?

Những nhân dạng, biểu tượng xấu xí và kỳ quặc, tuy nhiên, những điều đó cũng có sự quyến rũ của riêng nó.

Khi nói về nguồn cảm hứng nghệ thuật của mình, chị có nhắc đến yếu tố cuộc sống xã hội. Trong guồng quay xã hội thời điểm hiện tại, điều gì khiến chị lưu tâm và có khả năng ảnh hưởng nhất đến các sáng tác tiếp theo của chị?

Sự vô tâm, vô ý thức của một xã hội bận rộn.

VỀ BÍCH PHƯỢNG

Lê Hoàng Bích Phượng sinh năm 1984, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP.HCM và nổi tiếng với các tác phẩm vẽ trên tranh lụa. Phong cách nghệ thuật của cô có sự ảnh hưởng bởi truyền thống ukiyo-e và có khuynh hướng siêu thực. Cô đã tổ chức 3 triển lãm cá nhân trong các năm 2012, 2013, 2015. Các giải thưởng: Giải “Nghệ sĩ trẻ” của Hội Mỹ thuật TP.HCM; Top 8 chung cuộc giải “Talent Prize 2010 in Painting” từ quỹ CDEF của Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội.

.

Chán nản là một dấu hiệu tích cực - ELLE.VN

Lê Hoàng Bích Phượng

.—————–

Xem thêm:

Phỏng vấn Nhà thiết kế thời trang Betty Tran

Phỏng vấn Nhà thiết kế thời trang Betty Tran

Phỏng vấn nhanh nhà thiết kế Hiền Lê

Nhóm thực hiện

Bài: Ngô Hạ

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more