Những sự thật khắc nghiệt đằng sau giấc mộng Next Top

Đăng ngày:

Nếu lấy thước đo rating của một chương trình tìm người mẫu là những hỷ nộ ái ố thì giá trị của truyền hình thực tế là ở đâu? Liệu nó có đem lại tính nhân văn cho khán giả ngồi trước màn ảnh nhỏ?

Vì sao khái niệm “truyền hình thực tế tìm kiếm người mẫu” ở nước ta bỗng nhiên trở thành những cuộc cãi vã, tranh giành, thậm chí muốn ẩu đả nhau trên sóng truyền hình, bên cạnh những thương hiệu quảng cáo và đang dần trở nên thấp kém trong mắt khán giả?

Tại Mỹ, trang In Touch mới đây có ý kiến bày tỏ sự ngạc nhiên khi thấy chương trình America’s Next Top Model “kéo được đến 23 mùa và vẫn còn tồn tại dù không chọn được một top model nào đích thực sau mỗi mùa”. Angelea Preston, cựu thí sinh của chương trình America’s Next Top Model, thậm chí còn cho biết giới người mẫu coi cô là “trò đùa” sau khi tham gia show này. “Vài điều độc ác” Người xem có thể không biết những gì thật sự xảy ra phía sau hậu trường của show thực tế bị gọi là “rạp xiếc của giới người mẫu” khi nó lên sóng. Dù khẳng định show này 100% là thực và không có kịch bản dàn dựng trước nhưng các cựu thí sinh nói rằng các nhà sản xuất đã làm vài điều độc ác đối với các người mẫu để tăng thêm kịch tính, đáp ứng thị hiếu của các fan thích xem những tình tiết gay cấn trên màn ảnh nhỏ. Quay lại câu chuyện của Angelea Preston, cựu thí sinh mùa 14 và sau đó trở lại trong mùa All-stars bị tước chiến thắng khi nhà sản xuất phát hiện cô từng là gái gọi trước khi tập cuối được phát sóng. Vậy là tập này được quay lại, và Lisa D’Amato là người chiến thắng được công bố thay cho Angelea.

Trong một cuộc phỏng vấn sau đó, Angelea mô tả chương trình này là “Nhà tù top model”. “Bất kỳ cô gái nào từng lọt vào nhà chung America’s Next Top Model đều có thể cảm được những lời tôi nói. Không ai nghiêm túc xem chúng tôi là người mẫu. Chương trình này đánh mất uy tín vì có thời điểm sản xuất tăng tốc đến ba mùa trong một năm”, cô nói. Một ý kiến khác trên tờ Atlantic nhận định rằng, chương trình Next Top ngày càng bị thương hiệu và mạng xã hội dẫn dắt rời xa mục tiêu của những mùa đầu. Kể từ mùa 16, mọi thứ đã thay đổi, dường như các thí sinh không còn cạnh tranh với nhau để tìm ra người có kỹ năng làm mẫu tốt nhất. Thay vào đó, nhà sản xuất chú trọng vào kịch tính và đẩy liều lượng lên theo cấp số nhân. Trong một số mùa giải sau này, để tăng tính tương tác, chương trình còn mời các fan giúp quyết định thí sinh giành chiến thắng mỗi tập qua số lượng “like” trên Facebook. Nói tóm lại, America’s Next Top Model đã chuyển từ một cuộc thi tìm kiếm tài năng người mẫu sang cuộc thi chỉ chú trọng về quảng bá thương hiệu và hiệu ứng trên mạng xã hội, còn kỹ năng catwalk bỗng nhiên trở thành thứ yếu. Nhưng rồi sau những mùa loay hoay tìm hướng đi mới, chương trình này cũng rơi vào khủng hoảng, có những mùa mất cả triệu lượt người xem. Tuy nhiên, vẫn có các reality show tìm kiếm người mẫu khác của Mỹ được đánh giá là đem lại ý niệm tốt hơn về thế giới người mẫu so với Next Top.

“Đanh đá và ghê gớm”

Trở lại với chương trình Vietnam’s Next Top Model 2017 (VNTM) đang phát sóng, những gì người ta có thể đọc được trên mặt báo là “chương trình truyền hình thực tế gây chú ý vì quy tụ dàn chân dài đanh đá và ghê gớm”. Còn trên mạng xã hội, nhà báo Phạm Gia Hiền bình luận từ Hà Nội: “Trong một tập của VNTM 2017 mà tôi đã xem, có thể nói là đỉnh điểm kịch tính, khi mà các thí sinh suýt lao vào đánh nhau còn giám khảo thì cãi nhau rồi bỏ đi ngay khi đang chấm điểm thí sinh. Tất cả đều theo kịch bản thôi, tỉnh táo phải hiểu là thế. Nhưng tôi thực sự không hiểu nổi những chương trình như thế đang mang lại cái gì cho khán giả, dù chỉ với mục đích giải trí thông thường nhất?”. Được phát sóng với thời điểm sát nhau, dường như Vietnam’s Next Top Model và The Face – một reality show tìm kiếm người mẫu cũng đang đình đám – cạnh tranh nhau bằng mức độ gây ồn ào trên báo điện tử và mạng xã hội, chứ không phải tính chất chuyên môn và kỹ năng trên sàn catwalk. Đọc những tựa bài kiểu như “The Face tiếp tục gây tranh cãi vì trang phục mỏng manh của thí sinh” hoặc “Nửa đêm mặc đầm đi đổ rác, Cao Ngân còn tranh thủ hát “Duyên phận”, người ta không khó để hình dung cái mà nhà sản xuất muốn nhắm đến nhiều nhất là nhu cầu có tình tiết để bàn tán, sự hiếu kỳ của công chúng được thỏa mãn sau mỗi tập phát sóng. Với mục tiêu đó, ta có thể hiểu được giả thuyết cho rằng cả thí sinh lẫn huấn luyện viên, giám khảo trong một reality show phải hoàn thành vai diễn được nhà sản xuất, đạo diễn sắp đặt và bố trí theo đúng đường dây kịch bản. Ở đó, người được giao “vai ác” nhất định sẽ có những phát ngôn gây tranh cãi và kẻ đóng “vai hiền” sẽ khóc lóc, ỉ ôi để tranh thủ cảm tình của người xem.

Giá trị và kỳ vọng

Công bằng mà nói, Vietnam’s Next Top Model các mùa đầu tại Việt Nam đã gặt hái những kết quả mỹ mãn, đem lại cho một số người bước ra từ cuộc thi cơ hội cọ sát tại các Fashion Week ở London, New York, Milan, Paris… Tên tuổi của Trang Khiếu, Hoàng Thùy, Tuyết Lan, Chà Mi, Kha Mỹ Vân, Mâu Thủy… cũng gắn liền với hai chữ “Next Top” và chương trình này là “cơ hội đổi đời” thật sự như lời họ thừa nhận. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, chính Hoàng Thùy cũng hé lộ Vietnam’s Next Top Model “là cơ hội sống còn của mình, giúp mình đổi đời” và rằng “trước khi tôi là thí sinh VNTM, gia đình tôi ở nông thôn nhưng phải thuê nhà và rất nghèo”. Còn The Face đã có một mùa đầu gặt hái quả ngọt tại Việt Nam khi tạo nên vị thế huấn luyện viên “có uy” cho hai hoa hậu Phạm Hương và Lan Khuê, cũng như góp phần tạo hiện tượng trong nhiều tháng liền cho các thí sinh Mai Ngô, An Nguy, Lilly Nguyễn, Phí Phương Anh, Chúng Huyền Thanh…

Có ý kiến cho rằng sở dĩ mùa đầu của reality show này tạo được sức hút mạnh mẽ là nhờ quy tụ được những nhân tố mới, chưa có kinh nghiệm làm mẫu và cho khán giả thấy họ đã hết sức cố gắng và tiến bộ thế nào sau từng tập thi. Việc quy tụ dàn huấn luyện viên, giám khảo khách mời trẻ trung cũng như việc cho thí sinh thoải mái nhận xét về huấn luyện viên giúp show này ghi điểm trong bối cảnh cuộc thi cạnh tranh VNTM bắt đầu đi vào lối mòn.

The Face sau mùa đầu tạo được ấn tượng tốt với công chúng nay đang có mùa thứ hai được cho là nhạt nhòa hơn, với các màn thử thách catwalk khá đơn điệu. Trong khi đó, VNTM mùa All-stars lẽ ra phải là mùa thi gay cấn, đạt độ hot nhất sau các mùa trước thì khán giả thấy ấn tượng đọng lại sau các tập đã phát không phải là cá tính hay kỹ năng của thí sinh mà là những màn “chặt chém” của giám khảo. Nếu lấy thước đo rating của một chương trình tìm người mẫu là những hỷ nộ ái ố thì giá trị của truyền hình thực tế là ở đâu và liệu có đem lại tính nhân văn nào cho những người ngồi trước màn ảnh nhỏ? Trên website Psychology Today, một tác giả phân tích rằng tội lỗi trong việc này có khi đến từ chính chúng ta, những khán giả theo dõi chương trình. Trên lý thuyết, con người có thể có khuynh hướng thích nhòm lỗ khóa, xem trộm người khác “đang làm gì đấy sau tấm màn cửa khép hờ”. Các chương trình thực tế tìm kiếm người mẫu nghiễm nhiên phải “đánh vào” nhu cầu này để mở ra trên màn ảnh nhỏ thế giới trần trụi của giới người mẫu, vạch trần đầy đủ thói hư tật xấu của các thí sinh, sắp đặt những người bị loại “một cách oan uổng”, đẩy mọi thứ lên cao trào cốt để khiến người xem phải ngạc nhiên, sững sờ và không thể không theo dõi các tập tiếp theo. Cũng dễ hiểu vì sao sau mỗi mùa phát sóng, các reality show tìm kiếm người mẫu muốn tồn tại và duy trì sức hút đều phải tăng liều lượng bi hài kịch trong bối cảnh người xem không dễ cười, dễ khóc, dễ bàn luận như hiệu ứng của mùa trước.

Thế nhưng, nếu đứng ở góc độ là khán giả, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng mong muốn có ngày các reality show tìm người mẫu ở Việt Nam là những chương trình truyền hình thực tế thể hiện được nét văn minh và nhân bản. Tuy nhiên, sẽ thật không công bằng nếu chỉ phán xét từ một phía.

Hãy cùng ELLE lắng nghe ý kiến từ nhiều góc độ khác nhau, của ngay cả những người trong cuộc, để hiểu thêm những góc khuất “thực tế” mà người xem chưa thể thấy hết trên màn ảnh nhỏ.

Dzũng Yoko – Giám đốc Sáng tạo Tạp chí Elle Việt Nam

Ảnh: Tự Liệu

“Hãy lựa chọn những thực tế thông minh”.

Tôi là một khán giả dành rất nhiều kỳ vọng và tình cảm cho một chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm người mẫu như VNTM. Không chỉ là người làm việc trong ngành thời trang, tôi còn cổ vũ, chờ đợi các bạn người mẫu tỏa sáng qua các cuộc cạnh tranh khốc liệt bằng chuyên môn, thể hiện cá tính trong ứng xử văn minh. Vì vậy, trước những hình ảnh xung đột không được tích cực giữa các người mẫu bị khai thác quá mức, tôi nghĩ mình cần lên tiếng.

Tôi không đá xéo những người làm chương trình mà muốn thẳng thắn chia sẻ với tinh thần xây dựng. Bởi khán giả có thể nhầm lẫn về thế giới thực tế của người mẫu trên truyền hình và ngoài đời. Các cuộc cạnh tranh là có, họ có thể không thích nhau nhưng cũng rất chừng mực, vừa phải và biết đặt lợi ích chung của công việc lên đầu. Những hình ảnh tiêu cực có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, đầu tiên là hình ảnh của người mẫu sẽ bị giảm giá trị.

Nghề người mẫu đã đủ định kiến rồi, có cần phải tạo thêm định kiến bằng câu chuyện kịch tính bên lề không cần thiết? Nói như vậy không có nghĩa là tôi khẳng định chương trình VNTM cố tình dàn dựng xung đột. Tôi nghĩ người làm truyền thông có thể lựa chọn nhiều góc nhìn thực tế, đưa tính chất “drama” phát triển theo chiều hướng tích cực và nhân văn.

Phải thừa nhận từ khi VNTM xuất hiện ở Việt Nam, nghề người mẫu dần được định vị rõ nét. Tôi rất hiểu áp lực của những người làm chương trình và ê-kíp cũng rất nỗ lực mang đến nhiều màu sắc thời trang. Tuy nhiên, để tiếp tục đi đường dài, chương trình cần lựa chọn thực tế thông minh và văn minh. Tôi nghĩ nên tập trung đầu tư nhiều hơn cho phần dàn dựng các thử thách quy mô, yếu tố quốc tế. Hãy để các cô gái trẻ có cơ hội bước vào các cuộc cạnh tranh công bằng.

Phương Oanh – Người mẫu, thí sinh Vietnam’s Next Top Model 2017

“Nghề người mẫu cần nhiều thực tế hơn là một show truyền hình”.

Tôi đăng ký mùa All Stars vì tôi khao khát được học hỏi, cọ xát với người có kinh nghiệm, đặc biệt là làm việc chung với các chị người mẫu đã từng trưởng thành từ cuộc thi. Truyền hình thực tế không như những gì tôi từng xem và tưởng tượng. Kết quả là người đầu tiên bị loại khỏi ngôi nhà chung của VNTM 2017 khiến tôi không phục. Giám khảo Nam Trung từng nói tôi “còn phèn, phải ngâm rồi từ từ mà rửa” nhưng vừa ngâm chưa kịp rửa thì họ đã loại tôi, thế thì làm sao họ có thể đánh giá tôi chưa cố gắng được. Tôi coi đây là một thất bại vì chính nó sẽ khiến tôi khiêm tốn và xác định được điều gì là quan trọng với bản thân.

Vào nhà chung tôi thấy mối quan hệ giữa mọi người bình thường, dễ chịu chứ không hẳn là gay gắt như những gì được chiếu. Khi tiếp xúc và làm việc ở ngoài, tất cả các chị người mẫu bên ngoài dù cũ hay mới đều rất văn minh, không hề có thái độ giống như những gì diễn ra trên truyền hình. Nếu còn ở lại, tôi sẽ tham gia ngay vào team Đơ vì “đơ” để làm việc mình, đơ với thị phi, đơ với tạo dựng tiếng tăm hình ảnh một cách xô bồ.

Thực tế của một show truyền hình không phải dành cho tôi. Tôi muốn một sân chơi lành mạnh thực tế, nơi có người thật việc thật để va chạm. Đến từ thành phố nhỏ xa xôi như Điện Biên, tôi ước gì có một hệ thống hỗ trợ để giúp những người mẫu trẻ đam mê có thể bước vào nghề cách chuyên nghiệp chứ không nhất thiết là phải cố chen chân vào một show truyền hình.

Võ Hoàng Yến – Người mẫu, giám khảo Vietnam’s Next Top Model 2017

Ảnh: Tự Liệu

“Reality show không biến tôi thành người khác.”

Nếu không tạo được hiệu ứng tốt cho xã hội, VNTM khó tồn tại đến mùa thứ 8. Những nội dung tiêu cực hoàn toàn có thể cắt được và đã cắt bỏ. Tôi không nghĩ ê-kíp của chương trình thiếu cân nhắc đến các tình huống có thể xảy ra. Tôi tôn trọng cách làm của họ. Rõ ràng đến thời điểm này mọi chuyện không hề mất kiểm soát.

Khi nhìn thấy phản ứng dư luận gay gắt thì chính các thí sinh cũng phải hướng thiện hơn. Họ sẽ hiểu sâu sắc cái giá họ phải trả cho những lần thiếu kiềm chế, nông nổi của mình trước ống kính. Vậy sao chúng ta lại đánh giá thấp việc đưa ra những phản ánh tiêu cực? Theo tôi, phản ứng mạnh mẽ của dư luận là một dấu hiệu tích cực. Tôi rất trân trọng ý kiến đóng góp xây dựng cho tôi hay cho công việc tôi đang tham gia và ghi nhận ý kiến có giá trị chứ đâu thể làm vừa lòng hết trăm họ. Nếu ai đó cứ thích đứng về phía “team phán xét”, chúng tôi không cố thuyết phục họ. Khán giả sẽ dần nhận thấy chiều phát triển tốt của chương trình.

Siêu mẫu trên thế giới không cần đến các cuộc thi để khẳng định tài năng, trong khi xã hội ta lại quen với việc cần đến một danh hiệu. Mọi người thích được nhìn nhau bằng danh xưng trước nên những người trẻ mới phải đi tìm đến các cuộc thi để hy vọng có được cơ hội làm việc tốt. Thị trường thời trang và hoạt động người mẫu của chúng ta có thể đang nhỏ hẹp hôm nay nhưng chưa chắc ngày mai vẫn thế. Điều quan trọng là cái nhìn của xã hội phải rộng mở hơn nữa để động viên những người đam mê dám khai phá mảnh đất mà họ chọn.

Minh Tú – Người mẫu, HLV The Face Vietnam 2017

Ảnh: Tự Liệu

“Reality show không nói lên nhân cách của một con người.”

Không nên nhận xét giá trị của người mẫu chỉ qua chương trình truyền hình thực tế. Những gì họ thể hiện trong chương trình phụ thuộc vào tình huống và nội dung thử thách. Yếu tố cạnh tranh chắc chắn sẽ có nhưng chúng không nói lên giá trị con người họ.

Bất kỳ chương trình nào, tôi đều nghiên cứu trước vai trò của mình là gì. Nhà sản xuất chương trình giải trí có quyền cần đối tượng mục tiêu để dàn dựng cho phù hợp thị hiếu. Điều tôi quan tâm là Minh Tú đã thể hiện tốt công việc đó hay chưa. Còn những màn gia giảm hay sự đón nhận của khán giả khi lên sóng là điều không thể dự đoán hay kiểm soát được. Cảm xúc vốn dĩ rất chủ quan nên cách tốt nhất là mình ghi nhận mọi bàn tán, rồi suy nghĩ có chọn lọc.

Nếu có là một quân cờ đã được sắp sẵn theo kịch bản thì tôi vẫn phải là một quân cờ chủ chốt. Tôi luôn tự nhủ khi chấp nhận “chơi” trong bất cứ chương trình nào, mình phải chơi tốt nhất, chơi đẹp nhất. Kết quả như thế nào mình cũng sẽ luôn ngẩng cao đầu.

Sau những ồn ào từ chương trình truyền hình thực tế như “The Face”, trái ngọt mà tôi gặt hái được là tình cảm tuyệt vời từ các thí sinh thuộc đội Minh Tú. The Face đã tạo nên sự kết nối, sự động viên của khán giả giúp bản thân tôi không thấy đơn độc trong sự nghiệp.

Sự thành công hay nổi tiếng không đến ngay sau một chương trình thực tế. Tôi mong muốn các cô gái trẻ hiểu được bản thân muốn gì, cần gì và sẽ làm gì khi tham gia chương trình và sau khi bước ra khỏi chương trình. Chỉ có sự khổ luyện, không ngừng học hỏi và trau dồi nghiêm túc mới mang đến thành công.

Nhóm thực hiện

Bài: Ngô Bùi

Mỹ thuật: Dzũng Yoko

Ảnh: Phan Võ

Sản xuất: Nhân Huỳnh

Người mẫu: Phương Oanh

Stylist: Hằng Vương

Make up & Hair: Đinh Trần

Chỉnh sửa hình ảnh: Trường Nguyễn

Dựng cảnh: Lâm Minh Trung

Cảm ơn 102 production studio đã hỗ trợ ELLE thự hiện bộ ảnh này.

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more