16 cách vượt qua nỗi buồn hậu ly hôn

Đăng ngày:

Dù hiểu được cuộc sống luôn có những chuyện xảy ra ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, nhưng không phải ai cũng có cách vượt qua nỗi buồn.

Nói về sự đổi thay trong cuộc sống các nền văn hóa khác nhau đều có những kết luận tương tự rằng không có gì là chắc chắn hay mãi mãi: Đạo Phật nói “Cuộc đời là vô thường” và châm ngôn Pháp nói “Mọi thứ đều sẽ qua, mọi thứ rồi sẽ vỡ, mọi thứ rồi sẽ mất”, “Tất cả mọi thứ đều rất không chắc chắn, và đó chính xác là điều khiến cho tôi cảm thấy thật an tâm” (Tove Jansson). Dù hiểu được quy luật của cuộc sống luôn có những chuyện xảy ra ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, nhưng không phải ai cũng có cách vượt qua nỗi buồn mất mát hay thay đổi lớn trong đời, một trong những thử thách đó là “khủng hoảng hậu ly hôn”.

Trong mọi nền văn hóa, kinh tế trên thế giới, ly hôn đều để lại những hậu quả và phức tạp những tổn thất lớn về kinh tế và tinh thần cho cá nhân, trẻ em, đại gia đình và xã hội. Không như kết hôn, thường chúng ta có thể có sự chuẩn bị nhất định về tâm lý, kinh tế, ly hôn có thể xảy ra khi chúng ta không hề có một sự chuẩn bị nào. Vậy giải pháp cho vấn đề này là hãy cùng nhau nhìn thẳng vào những hậu quả của ly hôn để tìm lời giải cho bài toán ly hôn với nhiều công thức phức hợp sau:
.

Cách vượt qua nỗi buồn hậu li hôn_ellevietnam2

1. Tôi đang đi ngược với thuần phong mỹ tục: Thuần phong mỹ tục có thể đẹp, có thể đúng nhưng cuộc đời mỗi cá nhân luôn có ngoại lệ và như ta thấy, phong tục nào cũng có sự thay đổi, phát triển, chọn lọc và đào thải theo quá trính phát triển của văn mình nhân loại. Và tình yêu luôn đẹp và mạnh mẽ hơn bất cứ quy định hay phong tục nào. Vì vậy, hãy nghe theo trái tim mình, chứ không nên chỉ nhất nhất đi theo phong tục tập quán.
 
2. Dù thế nào thì ly hôn luôn sai: Kết hôn hay ly hôn không có sai hay đúng, chỉ có lựa chọn và chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình. Bạn chỉ sống một lần trong đời, rõ ràng bạn có quyền kết hôn nếu muốn ổn định cuộc sống với một người bạn đời và cũng có quyền ly hôn nếu chung sống không hạnh phúc. Ly hôn rất cần thiết cho một xã hội văn minh để cho người kết hôn không đúng người có quyền và cơ hội làm lại cuộc đời.

3. Tôi thật kém thông minh và vội vàng khi quyết định lấy người ấy: Có rất nhiều nguyên nhân khiến người ta quyết định kết hôn và nhiều khi không phải là do tình yêu hay do sự khéo chọn mà do cha mẹ giục giã, do điều kiện tài chính không ổn, do tuổi tác lớn, thậm chí do bị tác động bởi hormone giới tính, cảm xúc thăng hoa, do có bầu ngoài ý muốn… Nhiều đôi kết hôn không vì tình yêu nhưng lại chung sống hòa hợp hạnh phúc nhưng cũng nhiều đôi rất yêu nhau nhưng khi cưới và về sống chung lại không hòa hợp. Vì thế rất khó để khẳng định lỗi là do ai cả. Chỉ đơn giản là không may mắn hoặc không hợp, hoặc do nhiều hoàn cảnh khác mà hôn nhân thất bại.

4. Tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ ly hôn nên không có sự chuẩn bị hay kinh nghiêm để có cách vượt qua nỗi buồn: Nếu đã biết sẽ ly hôn, có lẽ bạn sẽ không bao giờ kết hôn hoặc sẽ không hề cảm thấy sốc vì vậy đừng tự trách mình mà thay vào đó hãy coi như đó là một phần gian nan hoặc không may mắn mà bạn phải đối diện trên đường đời. Ngoài ly hôn ra, bạn cũng sẽ phải lần lượt đối diện với rất nhiều gian khó khác trong cuộc sống như thất nghiệp, thất bại trong kinh doanh, vấn đề sức khỏe hay tuổi tác, thất bại trong các mối quan hệ gia đình, xã hội khác.

5. Tôi sẽ trả lời các con, gia đình và bạn bè tôi thế nào? Làm sao để giải thích ai đúng, ai sai? Bạn không có trách nhiệm phải giải thích với ai về quyết định của cuộc đời của mình khi bạn không muốn hoặc không biết cách trả lời đúng với suy nghĩ. Rất nhiều trường hợp chính người trong cuộc cũng không thể biết rõ hết tất cả các lý do dẫn tới đổ vỡ hôn nhân, lỗi là do ai, bởi hôn nhân có liên quan tới rất nhiều những vấn đề phức tạp khác nhau như tài chính, cảm xúc, trí thức, sự nghiệp, con cái, gia đình nội ngoại hai bên, lối sống, hướng đi trong hiện tại và tương lai của hai người, xu hướng của xã hội.
 
6. Người đề nghị ly hôn thật ích kỷ và tàn nhẫn: ích kỷ là làm việc gì cũng chỉ có lợi cho bản thân mà không nghĩ cho người khác tuy nhiên ly hôn tốt cho người không còn muốn chung sống với bạn đời của mình và rõ ràng cũng tốt cho cả người còn lại. Bởi chẳng có gì tốt đẹp khi sống chung mà cả hai đều phải chịu đựng nhau vì những bất đồng không thể đi đến thống nhất, không đem lại hạnh phúc cho nhau. Mỗi người chỉ có một cuộc đời, mỗi người đều có quyền lựa chọn cách sống của mình mà không phụ thuộc vào quyết định của gia đình hay xã hội.
 .

Cách vượt qua nỗi buồn hậu li hôn_ellevietnam5

7. Người không muốn cứu vãn hôn nhân là người thất bại, không chung thủy, không có trách nhiệm: Trước khi bạn có thể là người thành công với việc làm cho bất cứ ai hạnh phúc, hay chung thủy hoặc có trách nhiệm với ai, bạn phải thành công trong việc làm cho chính mình hạnh phúc, phải có trách nhiệm với chính mình và chung thủy với chính con người mình. Bạn chỉ cứu vãn hôn nhân nếu bạn tin rằng hôn nhân đó sẽ làm cho bạn hạnh phúc và bạn luôn được là chính mình.
 
8. Người ấy có thể sẽ thay đổi sau một thời gian nữa nếu tôi cố gắng hơn: Không có gì sai khi hy vọng thay đổi tình huống tuy nhiên bạn phải đặt ra một giới hạn nhất định cho niềm hy vọng của mình vì cuộc đời và tuổi trẻ chỉ có giới hạn. Sẽ thật vô lý nếu bạn lãng phí hết 10 năm, 20 năm đẹp nhất của cuộc đời chờ đợi hoặc yêu cầu bạn đời chờ đợi bạn thay đổi. Có thể họ/bạn sẽ thay đổi khi họ không còn cơ hội và bạn không còn sức lực để yêu thương, càng ít cơ hội hơn để làm lại cuộc đời, có thể họ/bạn sẽ chẳng bao giờ thay đổi như thế chẳng phải quá muộn sao?

9. Tôi sẽ hối hận nếu không tìm được ai tốt hơn và hiểu ra chỉ có người ấy mới tốt với tôi: Thực tế, có rất nhiều đôi vợ chồng chia tay rồi quay lại sống hạnh phúc hơn trước và có nhiều cặp cố gắng bao nhiêu thì mọi chuyện vẫn thế. Vì vậy, khi có mâu thuẫn hay bất đồng không thể hòa giải được bằng giao tiếp thông thường hay với sự giúp đỡ của bạn bè hoặc tư vấn, bạn hãy tạo những xa cách ngắn hay khoảng thời gian ly thân cần thiết để kiểm nghiệm xem còn hy vọng không. Nhưng bạn cũng không thể dùng dằng mãi cho đến khi hết tuổi xuân mà không mở ra cơ hội mới cho chính mình và chồng/vợ cũ. Nếu ly thân hoặc ly hôn rồi mới nhận ra còn yêu hay không thể tìm được ai tốt hơn, bạn và người ấy vẫn luôn có thể bắt đầu hẹn hò và kết hôn lại.  

khung hoang hau ly hon elle vn hinh minh hoa

10. Tôi sẽ bị khủng hoảng tài chính: Khi sống chung, mọi thứ có vẻ nhiều hơn khi có hai người góp nhưng chi phí cũng nhiều hơn và khi chia tay, bạn có thể có ít sự hỗ trợ về mặt tài chính nhưng cũng có nghĩa là ít chi phí hơn và có thêm nhiều tự do và cơ hội. Bạn chỉ cần phải thay đổi cách chi tiêu hoặc lối sống cho phù hợp với điều kiện độc thân thôi.
 
11. Tôi sẽ bị khủng hoảng tâm lý: Khủng hoảng tâm lý do thay đổi hoặc mất mát lớn trong cuộc sống ai cũng có nhưng rồi dần dần bạn sẽ có cách vượt qua nỗi buồn khi quen dần với cuộc sống mới còn hơn hơn bị khủng hoàng dai dẳng trong một cuộc hôn nhân không hạnh phúc.
 
12. Tôi không giành được quyền nuôi con nghĩa là tôi có vấn đề với khả năng làm cha/mẹ: Cha mẹ là hai cá thể độc lập, khi sống chung họ quan tâm, hỗ trợ lẫn nhau và khi chia tay họ trở thành hai gia đình khác nhau. Khi bạn có một con hoặc nhiều con nhưng không muốn anh chị em các con tách nhau ra sống riêng trong khi vợ/chồng cũ của bạn có điều kiện tốt hơn để chăm sóc trẻ thì sẽ tốt hơn cho trẻ và cho chính bạn khi nhường quyền nuôi trẻ và không phải cảm thấy tội lỗi về điều đó. Miễn sao người chịu trách nhiệm nuôi trẻ tạo điều kiện cho người kia liên lạc, chia sẻ tài chính và tình cảm với các con.

Cách vượt qua nỗi buồn hậu li hôn_ellevietnam6

Thất bại thì làm lại còn hơn cứ sống mãi trong khổ đau với người không phù hợp, để rồi tiếc nuối tuổi xuân. 

13 Dù tôi có được quyền nuôi con, con tôi cũng thiệt thòi khi bố mẹ chia tay: Rõ ràng trẻ con cần tình yêu thương của cả bố lẫn mẹ và muốn bố mẹ chúng sống cùng nhà với nhau nhưng là để có một gia đình hạnh phúc và yêu thương thực sự chứ không phải cãi vã, bất đồng hay ngoại tình. Con cái khổ hay không là do thái độ của người lớn với nhau và với con trẻ không phải việc họ có sống cùng hay tách riêng. Nếu bố mẹ không sống cùng nhưng cả hai vẫn tôn trọng nhau cùng chăm sóc bọn trẻ và có cuộc sống riêng ổn định, sẽ tốt hơn là sống cùng mà bất đồng, cãi vã hoặc không hạnh phúc.
 
14. Làm sao tôi có thể công khai người mới, nếu họ kém người cũ, tôi bị nói là ngu ngốc, nếu họ hơn tôi bị nói là tham còn nếu họ chẳng hơn chẳng kém thì tôi cũng bị cho là đầu óc có vấn đề: Bạn không có trách nhiệm phải công khai với ai nếu bạn không thấy thoải mái và càng không có trách nhiệm phải chọn người mới theo ý của dư luận bởi cái dư luận quan tâm là tìm ra điểm yếu để bình phẩm và chê trách đặc biệt là những dư luận được tạo nên bởi những người không thương yêu bạn, không cố gắng hiểu và đồng cảm với bạn. Hãy rút kinh nghiệm từ cuộc hôn nhân trước rằng: bạn đến với ai là để sống hạnh phúc với người đó chứ không phải để làm hài lòng người khác.
 
15. Nếu tôi kết hôn lần nữa, gia đình mới sẽ có nhiều phức tạp và mâu thuẫn: Phức tạp và mâu thuẫn không phải là do gia đình cũ hay mới mà là do các ứng xử có hợp lý hợp tình hay không giữa các thành viên gia đình. Nếu thương yêu và hợp nhau, cư xử đúng mực, hợp tình, hợp lý; bạn và người mới luôn có cách để giải quyết phức tạp. Gia đình của ca sỹ Mỹ Linh là ví dụ điển hình của sự kết hợp hài hòa giữa con chung con riêng hay đa văn hóa.

Cách vượt qua nỗi buồn hậu li hôn_ellevietnam3
 
16. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu hôn nhân tiếp theo hoặc tiếp theo nữa cũng không thành công? Ngày nay, kết hôn hay ly hôn không còn là vấn đề danh dự bản thân và gia đình nữa. Nó là quyết định mang tính lựa chọn cá nhân. Nếu bạn yêu và kết hôn nhưng sau đó sống chung vẫn không hạnh phúc thì chuyện ly hôn làm lại cuộc đời một vài lần nữa cũng không phải là tội lỗi. Thất bại thì làm lại còn hơn cứ sống mãi trong khổ đau với người không phù hợp, để rồi tiếc nuối tuổi xuân. Và nếu như cho đến khi già, bạn vẫn không tìm được một nửa thực sự của mình thì bạn vẫn có thể có một cuộc đời độc thân đẹp và ý nghĩa. Điều quan trọng là bạn đã cố gắng bằng mọi khả năng và sống hết mình, thật lòng với cảm xúc và mong muốn của bản thân. Chúng ta có thể thấy rất nhiều người giàu có và nổi tiếng cũng sống độc thân như ca sĩ Thanh Lam, diễn viên Minh Châu, Lý Hùng, Việt Trinh. Cũng có nhiều người tìm được hạnh phúc sau nhiều lần đổ vỡ như diễn viên Hiệp Gà, ca sỹ Anh Tú hay rất nhiều các nhân vật nổi tiếng khác trên thế giới… Dù hôn nhân có quan trọng thế nào với bạn thì thực tế nó cũng chỉ là một phần của cuộc đời bên cạnh cha mẹ, con cái, sự nghiệp, bạn bè và những sở thích cá nhân khác của bạn.
Ngoài việc kiên nhẫn với bản thân và tập vượt qua những cảm xúc tiêu cực bạn phải trải qua như ân hận, xấu hổ, thất vọng, giận dữ, đau khổ bằng việc tự hỏi và trả lời những câu hỏi phức tạp như trên, có rất nhiều cách khác để bạn sống chung với khủng hoảng, biết cách vượt qua nỗi buồn và trở nên mạnh mẽ, kinh nghiệm và sáng suốt hơn trong phần còn lại của cuộc đời.

Trước hết bạn nên tránh một số hoạt động như: tránh lạm dụng chất kích thích như rượu, thuốc lá, thuốc an thần… Tránh lôi kéo bạn bè, người thân hoặc một mình lao vào cuộc chiến phân định sai đúng thắng thua, tài sản hay con cái với người cũ; Tránh nói chuyện tâm sự với người không hiểu, không thông cảm, không động viên bạn… Tránh việc gắn kết sớm với người mới hẹn hò chỉ vì mình đang quá cô đơn hoặc gặp hoàn cảnh khó khăn.

Thay vào đó, hãy chọn cách nào tích cực và phù hợp với bạn nhất như khóc, viết nhật ký, tâm sự với gia đình bạn bè những người thấu hiểu và ủng hộ bạn, tham gia vào các hoạt động cộng đồng, thể thao, âm nhạc, kinh doanh, học tập, du lịch, sáng tác, nghiên cứu… Nếu có điều kiện kinh tế, hãy chăm sóc chiều chuộng bản thân như ăn món ngon, mua quần áo hay dụng cụ thể thao mình yêu thích… Ở bên những người tốt bụng biết thông cảm và chia sẻ với bạn; giảm áp lực cuộc sống, mức độ công việc, nghỉ ngơi nhiều hơn. Bạn cũng có thể chuyển chỗ ở, chỗ làm, kết thêm bạn mới, học kỹ năng mới, tạo lập sở thích mới để không bị gợi nhớ lại những kỷ niệm vui hoặc buồn lẫn lộn làm tâm lý bạn không ổn định. Dần dần, theo thời gian, khi tâm lý ổn định hơn, bạn và người cũ sẽ biết cần phải làm gì tốt nhất và công bằng nhất cho những người liên quan và bạn cũng sẽ dần bù đắp được những khoảng trống trong tâm hồn do ly hôn để lại.

Thay lời kết tác giả muốn nhấn mạnh: Bài viết không có tinh thần cổ vũ ly hôn mà chỉ có mục đích hỗ trợ tinh thần cho những người buộc phải đi đến quyết định khó khăn đó. Ly hôn chỉ là giải pháp cuối cùng sau khi tất cả các giải pháp hàn gắn đã được thử nghiệm và cố gắng hết sức bởi hai vợ chồng, gia đình, bạn bè hay tư vấn. Hãy để hôn nhân làm bạn hạnh phúc hơn và đừng để ly hôn làm bạn tuyệt vọng.

——

Xem thêm:

Khủng hoảng tuổi 30, ai mà chả có!

Khủng hoảng kinh tế hay khủng hoảng tinh thần?

Có nên ly hôn? Thế nào là ly hôn hạnh phúc?

Nhóm thực hiện

Bài viết: Phạm Thị Tuyết Thanh / Ảnh minh họa: Sưu tầm

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more