Helen Keller và nghị lực sống làm thay đổi thế giới

Đăng ngày:

Cả đời sống trong tăm tối và sự lặng im nhưng điều đó không ngăn cản Helen Keller trở thành một vĩ nhân của thời đại cùng nghị lực sống phi thường khiến cả thế giới nghiêng mình.

Helen Adams Keller sinh ngày 27/6/1880 tại Tuscumbia, Alabama, Mỹ. Thuở đó bà được sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh và là niềm hạnh phúc của ông bà Kate Adams Keller và Colonel Arthur Keller.

Helen Keller và nghị lực sống thay đổi thế giới 1

Mặc dù gia đình đã gặp nhiều khó khăn và mất nhiều của cải vào thời Nội chiến nhưng họ vẫn luôn sống lạc quan và vui vẻ, cho đến khi bất hạnh ập đến với bé Helen.

Mới 19 tháng, Helen Keller bị mắc một chứng bệnh kì lạ mà bác sĩ không thể chẩn đoán. Mặc dù thoát chết nhưng di chứng của nó lại quá nghiêm trọng, bé Helen đã hoàn toàn mất đi khả năng nghe và nhìn.

Từ một đứa trẻ khỏe mạnh nay đột nhiên phải sống trong sự u tối khiến cho Helen giống như một con ngựa bất kham, lồng lên giận dữ vì bất lực. Cô bé trở nên hung hăng, khó kiểm soát trong suốt những ngày ấu thơ.

Ở cái thời mà y học chưa phát triển, ông bà Keller tưởng chừng đã phải chấp nhận trong vô vọng thì một cơ duyên lại xảy đến, làm thay đổi cả cuộc đời cô bé.

Ngày 20/3/1887, Anne Mansfield Sullivan, một cô gái mới 20 tuổi vừa tốt nghiệp trường Perkins dành cho người khiếm thị đã đến Tuscumbia để làm cô giáo của Helen.

Hơn ai hết, Anne hiểu được nỗi khổ sở mà cô học trò của mình phải trải qua. Bằng sự thấu hiểu và tình thương, cô giáo này đã giúp Helen tìm lại ánh sáng từ trong chính tâm can. Câu chuyện của Helen Keller và Anne Sullivan tới nay vẫn là nguồn cảm hứng về nghị lực sống cho những người khuyết tật.

Helen Keller và nghị lực sống thay đổi thế giới 2

Helen Keller và cô Anne Sullivan

Helen Keller đã được Anne dẫn lối đến niềm vui và hạnh phúc qua hành trình học hỏi. Khi Anne viết lên tay cô bé từ đầu tiên đó là “doll” (búp bê), tầm hồn của cô trò nhỏ lập tức rung động và khao khát được khám phá thế giới xung quanh.

Hơn 49 năm ở bên Helen Keller, Anne Sullivan không chỉ là người thầy mà còn là người bạn thân đáng tin cậy. Từ dạy cách đánh vần những từ đầu tiên cho đến khi cô bé bắt đầu tập nói, Anne luôn luôn kiên nhẫn, thậm chí còn tìm đến những người có thể giúp đỡ Helen hoàn toàn phát triển được khả năng của mình.

Helen Keller và nghị lực sống thay đổi thế giới 3

Helen Keller tập đọc chữ nổi

Anne Sullivan đã mở khóa thành công những khả năng của Helen Keller. Tuy nhiên bản thân cô gái ấy cũng phải có bản lĩnh, ý chí và nghị lực sống thì mới có thể đạt được những điều khiến người ta phải tôn cô thành vĩ nhân.

Ở tuổi thiếu niên, Helen đã sớm hạ quyết tâm bước chân vào cánh cổng đại học. Sau này cái tên Keller được biết đến với tư cách người khiếm thính và khiếm thị đầu tiên có được tấm bằng Cử nhân chuyên ngành Nghệ thuật của trường Đại học Radcliffe.

Trong suốt những ngày tháng ở Radcliffe, Helen đã tỏ ra vô cùng tham vọng với mong muốn rèn giũa ngòi bút của mình thật sắc bén. Cuốn sách đầu tay cũng là tự truyện mang tên The Story of My Life đã được dịch ra hơn 50 thứ tiếng và nằm trên đầu giường của nhiều thế hệ trẻ.

Trong suốt cuộc đời, Helen Keller đã cống hiến tổng cộng 12 cuốn sách và hơn 475 bài diễn văn về những đề tài như đức tin, sự lạc quan, chiến tranh, giáo dục, phân biệt chủng tộc,…

Helen Keller và nghị lực sống thay đổi thế giới 4

Helen Keller và nhà văn Mark Twain

Không chỉ là tấm gương cho của nghị lực sống, Helen Keller còn khát khao được giúp đỡ những người xung quanh, những nạn nhân của chiến tranh, đói nghèo và bệnh tật. Thiếu đôi mắt nhưng bà đã nhìn đời bằng cả con tim.

Helen Keller bước vào chính trường với mong ước giản đơn là được giúp đỡ cộng đồng. Những bài diễn văn của bà chính là tiếng nói của tầng lớp người dân lao động nghèo đói và những người phụ nữ đang đấu tranh đòi quyền bình đẳng.

Helen Keller và nghị lực sống thay đổi thế giới 5

Helen Keller gặp gỡ Tổng thống Mỹ Eisenhower

Gia nhập Hội người mù nước Mỹ từ năm 1921, Helen đã nhiệt tình cống hiến cho đơn vị này 40 năm của cuộc đời. Trong suốt thời gian đó, bà cùng tổ chức đã nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm giúp đỡ những người khiếm thị, tạo việc làm và giúp họ hòa nhập với cuộc sống. Keller đón tiếp rất nhiều người mù, trả lời nhiều thư từ và đi thuyết giảng lưu động tại 39 nước trên thế giới.

Helen Keller và nghị lực sống thay đổi thế giới 6

Helen Keller – trái, trong chuyến thăm Nhật Bản

“Chúng ta sẽ chẳng thực sự hạnh phúc cho đến khi làm cuộc đời của người khác trở nên tươi sáng hơn” – Đây chính là một bài học lớn mà Helen Keller đã để lại.

Người phụ nữ này đã đi đến hàng chục quốc gia trên thế giới để truyền cảm hứng cho hàng triệu người kém may mắn từ chính câu chuyện của mình. Helen Keller là minh chứng cho việc cuộc đời có nghĩa hay không là do bạn quyết định chứ không phải những khiếm khuyết của bản thân.

__

Xem thêm:

12 phẩm chất đẹp đáng trân trọng của người phụ nữ Việt Nam

Thư Kỳ – Sắc đẹp, tài năng và nghị lực

Vera Wang và niềm cảm hứng mới trong công việc

Nhóm thực hiện

Tạp chí Phái Đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more