Bản Đồ Mây, tác phẩm đạt được giá trị về giải trí lẫn trí tuệ

Đăng ngày:

[Tạp chí ELLE tháng 2/2017] Nếu đại dương được tạo thành từ vô số giọt nước thì nhân loại được cấu thành từ muôn vàn số phận lẻ loi. Sự hóa khí của mỗi giọt nước để kết tinh thành những đám mây cũng giống như tiến trình văn minh của loài người chạm tay tới những giấc mơ.

Lịch sử nhân loại là lịch sử của những giấc mơ tan vỡ để quay lại điểm xuất phát ban đầu, trong vòng tròn của thăng trầm luẩn quẩn.

Gieo và gặt

Với ý tưởng ấy, David Mitchell đã dệt tấm bản đồ xuyên thời gian, xuyên lục địa bằng sáu câu chuyện khác nhau kéo dài hơn 5 thế kỷ tại 3 lục địa, bắt đầu từ Nam Thái Bình Dương thế kỷ XIX cho tới thời hậu tận thế ở Hawaii. Sáu câu chuyện, kết dính bằng một sợi dây mỏng manh gần như không thấy rõ, được sinh ra từ những va chạm tình cờ của các nhân vật đang lạc trong mê cung – cuộc đời của chính họ. Cuốn sách dựa theo kết cấu của bản nhạc mà Frobisher, nhân vật trong câu chuyện thứ hai viết nên: bản Lục tấu Vân Đồ soạn cho sáu loại nhạc cụ biểu diễn một cách chồng lấn: piano, clarinet, allo, sáo, kèn oboe và violin. Sáu thang âm, màu sắc riêng tương ứng với sáu cuộc đời ở các thời đại và địa điểm khác nhau.

Bản đồ mây Những vòng tròn nối tiếp 1

Đầu tiên là dòng tự sự theo kiểu nhật ký của Adam Lewing viết trên con tàu giữa Thái Bình Dương, rồi những bức thư tay của anh chàng nhạc sĩ phóng đãng Frobisher từ châu Âu gửi cho người tình Sixsmith ở Mỹ. Câu chuyện thứ ba theo lối trần thuật thông thường về Lusia Rey, cô phóng viên mang sứ mệnh kiểu “Erin Brockovich” một mình chống lại cả tập đoàn năng lượng hạt nhân. Phần thứ tư quay về kiểu tự sự với câu chuyện của Timothy Cavendish, ông chủ nhà xuất bản nợ nần bị tống vào trại dưỡng lão. Đột ngột, câu chuyện thứ năm dịch chuyển mạnh về phía châu Á, như một dự cảm về sự trỗi dậy của châu lục này ở thì tương lai, một cô gái được tạo ra từ sinh sản vô tính, Sonmi 451 có cuộc nổi loạn giữa xã hội mang dáng dấp dystopia. Câu chuyện cuối cùng, rơi vào thời hậu tận thế, khi nhân loại đã cáo chung. Zachry, anh chàng của bộ tộc bán khai đã có cuộc gặp gỡ với người phụ nữ thuộc nhóm những người văn minh còn sống sót trên đường đi tìm kiếm nguyên nhân của “sự sụp đổ”.

Mỗi câu chuyện đều bỏ dở để chuyển sang câu chuyện khác cho đến chuyện cuối cùng được kể trọn vẹn rồi bắt đầu đi ngược lại các câu chuyện trước, để những con người xa lạ “đọc” được nhau. Đó là cách David Mitchell nối sáu câu chuyện thành vòng tròn. Đó chính là nguồn cảm hứng người đời trước truyền lại cho đời sau, dù giấc mơ đời họ có dở dang hay đến đích thì tinh thần họ để lại là vĩnh cửu.

Trong sự đan cài tưởng chừng rối rắm, Mitchell vẫn là tay lái vững vàng, lường trước mọi khả năng cũng như định vị được vai trò của các nhân vật. Tất cả những hình ảnh ông xây dựng đều mang hàm ý cao, từ cái bớt hình ngôi sao chổi trên cơ thể các nhân vật ẩn ý về sự đầu thai cho đến hành động mang tính nhân quả đời trước gieo. Bối cảnh xã hội của câu chuyện sau luôn được xây dựng dựa trên tiềm năng sẵn có của câu chuyện trước. Mỗi nhân vật xuất hiện, từ chính đến phụ, không phải để trang điểm cho bối cảnh. Họ ở đó như một mắt xích mà thiếu họ, mọi thứ sẽ khác đi, sẽ dẫn đến một kết cục rất khác. Họ, chỉ nhỏ bé như những giọt nước trong đại dương, nhưng đại dương cần những giọt nước

Hành động và kết quả

Bản đồ mây đặt ra vô số câu hỏi về giá trị sống, về trách nhiệm của mỗi người trong chuỗi tiến hóa nhân loại, về tính thiện và ác, sự phân biệt chủng tộc, ngưỡng tâm linh của người phương Đông, khát vọng về sự khải huyền, về sức mạnh và sự hủy diệt của nền văn minh, về cái giá phải trả khi con người hiến mình cho khoa học. Để có thể gói tất cả những tư tưởng trên vào trong một cuốn sách, Mitchell sử dụng rất nhiều kỹ thuật lồng ghép, ẩn dụ. Từ việc chọn kể sáu câu chuyện như con số tương ứng với sáu cõi luân hồi, cho đến tạo kết cấu dựa trên bản lục tấu Vân đồ với sáu loại nhạc cụ. Âm nhạc không được tả kỹ nhưng người đọc có thể nhận ra âm hưởng lẫn tiết tấu của nó phía sau những câu chuyện tương ứng.

David Mitchell muốn “nhái” kiểu mẫu tự sự của các nhà tiểu thuyết lớn trước đây như Daniel Defoe,  Herman Melville, Christopher Isherwood, Aldous Huxley, H.G. Wells, Thornton Wilder, Jorge Luis Borges, Italo Calvino… Người đọc như một kẻ leo núi dùng những cái móc để lên cao dần dần. Mỗi khi dùng móc lên một tầng cao là một lần hồi hộp, nín thở. Tác giả biết cách đẩy câu chuyện, kích thích tối đa sự tò mò của người đọc, nhưng cũng biết để dòng tự sự của mỗi nhân vật lững thững trôi theo thời gian. Trong sự đảo điên của các “cuộc chiến” – nơi sinh mệnh không còn nắm trong tay, mỗi nhân vật đều chọn những phút được ngồi và suy ngẫm về cuộc đời và lựa chọn hành động, với đầy đủ ý thức rằng: mọi hành động đều tạo ra kết quả.

David Mitchell

David Mitchell

Chính vì đạt được giá trị về giải trí lẫn trí tuệ, Bản đồ mây đã lọt vào shorlist của giải Man Booker năm 2004, đồng thời được Tom Tykwer,
Lana Wachowski, Lilly Wachowski chuyển thể thành phim vào năm 2012, quy tụ dàn diễn viên đa quốc tịch, từ Halle Berry, Tom Hanks, Hugh Grant cho tới Jim Sturgess, Châu Tấn, Bae Doo-na…. Lợi thế của phim chính là âm nhạc, thứ mà ở sách độc giả phải cố gắng rất nhiều mới nhận ra nhịp điệu của mỗi câu chuyện và cảnh quay đẹp nao lòng. Với kinh phí 102 triệu USD, Bản đồ mây là phim độc lập được đầu tư kinh phí lớn nhất từ trước đến nay. Và cần khẳng định rằng nó hoàn toàn xứng đáng được như thế.

Về tác giả David Mitchell, anh Là một trong những tiểu thuyết gia người Anh được yêu thích nhất hiện nay, với nghệ thuật kể chuyện lôi cuốn, khả năng khắc họa tài tình tính cách nhân vật. Cuốn tiểu thuyết đầu tay Ghostwritten được xuất bản năm 1999, ngay lập tức David Mitchell được xem như tiểu thuyết gia triển vọng và được trao giải Betty Trask. Hai tác phẩm tiếp theo number9dreamCloud Atlas đều được vào shortlist của giải Man Booker. Cuốn sách có tên Black Swan Green cũng được TIME bình chọn là một trong 10 cuốn sách hay nhất năm 2006.

Mitchell đồng thời là một trong những nhà văn có tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài nhiều nhất. Tại Việt Nam, ngoài Bản đồ mây còn có hai cuốn khác đã được dịch là The Bone Clocks (Đồng hồ xương)Black Swan Green (Làng thiên nga đen).

Xem thêm

Bảo tàng ngây thơ – Khi tình yêu khước từ sự lãng quên

Góc nhìn về tình yêu qua các tác phẩm văn học kinh điển

Tác phẩm văn học: “Người trong đêm Hè”

Nhóm thực hiện

Nguồn: Tạp chí Phái Đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more