Những bộ phim Việt Nam nào đề cập tới chủ đề LGBT?

Đăng ngày:

Nếu như xã hội phương Tây có cái nhìn “thoáng” hơn với LGBT, thì ở Việt Nam – một đất nước chịu ảnh hưởng của tư tưởng nho giáo, lối suy nghĩ phong kiến vẫn còn hiện hữu trong tâm trí một số người. Vài bộ phim vẫn còn lợi dụng hình ảnh LGBT chỉ nhằm mục đích gây cười, gợi tò mò, “câu khách”…

Tưởng chừng LGBT sẽ rất khó khăn trong cuộc hành trình đấu tranh cho quyền lợi của mình. Nhưng một vài năm trở lại đây, phim Việt Nam đã khai thác vấn đề này theo cách nghiêm túc nhất và cho ra đời nhiều bộ phim về cộng đồng LGBT gây cảm tình trong lòng khán giả.

1. Hot boy nổi loạn

Phần 1 của bộ phim với tên đầy đủ “Hotboy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt” là bộ phim được đánh giá cao khi có sự đột phá trong điện ảnh Việt Nam khi khai thác đề tài đồng tính. Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng đã lựa chọn một khía cạnh chưa từng được khai thác về đồng tính nam – đó là cuộc sống của những chàng trai làm nghề mại dâm đồng tính.

Không yếu tố gây cười, hình ảnh lố lăng, son phấn điệu đà nhằm mua vui và thu hút khán giả mà phần lớn phim Việt Nam thường lợi dụng khi làm phim về người đồng tính, tác phẩm là câu chuyện chân thực và đầy tính nhân văn về tình yêu và cuộc sống của những con người thuộc tầng lớp tận cùng xã hội. Phim xoay quanh câu chuyện tình yêu giữa nhân vật Khôi-bị gia đình chối bỏ khi phát hiện ra giới tính thật, chàng trai quyết tâm vào Sài Gòn lập nghiệp và Lam – làm nghề trai bao đồng tính, hằng đêm đứng đợi trên vỉa hè kiếm khách.

Không chỉ vậy, Vũ Ngọc Đãng còn dẫn dắt người xem tới mảng màu u tối nhất về mại dâm nam, về số phận con người sẽ ra sao khi họ bị hoàn cảnh đưa đẩy đến bước đường cùng. Cho dù vậy, trong trái tim mỗi người vẫn bừng cháy khát vọng yêu thương, tìm thấy bến bờ hạnh phúc của đời mình.

Tháng 3/2017, “Hotboy nổi loạn 2” ra mắt khán giả, phần mới tiếp tục tuyến truyện của phần 1 nhưng phát triển độc lập so với kịch bản cũ. Sự trở lại của Lam – gã trai bao bị cho là đã chết ở phần cũ trở lại và dấn thân vào nghề cũ. Xoáy sâu vào các mối quan hệ đồng tính tay ba, phim bóc trần tâm tư của những kẻ thường bị chối bỏ trong tình yêu. Sự phức tạp trong quan điểm sống của một bộ phận đồng tính nam thể hiện qua những phân cảnh âu yếm, làm tình được tiết chế vừa phải. Họ, dù người này không yêu người kia, vẫn sẵn sàng lao vào nhau và kết thúc bằng những ấm ức, buồn tủi. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng Hot boy nổi loạn 2 vẫn chưa đủ tinh tế bằng phần trước mặc dù có nhiều điều táo bạo, khốc liệt hơn phần trước.

2. Yêu

Trước hết không thể phủ nhận Yêu là bộ phim “dũng cảm” vì chủ đề trong phim không chỉ là đồng tính mà còn là đồng tính nữ. Khi mà trên thị trường phim Việt Nam, đồng tính nam được khai thác ở mọi khía cạnh, từ tình cảm nghiêm túc đến một số phim “nhảm” thì Yêu như cơn gió mới vào chủ đề đồng tính Việt, không những vậy nó còn phần nào khẳng định sức mạnh nữ quyền của phụ nữ Việt. Cho dù thế nào thì phụ nữ cũng có quyền được yêu thương, cho dù họ có ở giới tính thứ 3 đi chăng nữa.

Nội dung phim xoay quanh câu chuyện tình yêu giữa Nhi (Chi Pu) và Tú (Gil Lê). Vốn có tình bạn từ thuở ấu thơ nhưng một biến cố bất ngờ xảy ra khiến gia đình Tú phải về quê sinh sống. Sau nhiều năm trôi qua, khi tái ngộ Tú và biết người bạn lâu năm dành tình cảm cho mình trên mức bình thường, Nhi cảm thấy bản thân cô cũng có những rung động với Tú.

Mặc dù khai thác khía cạnh mới mẻ và dựa trên phim tình cảm Thái Lan “The love of  Siam” nhưng phim lại chưa thực sự xuất sắc. Kịch bản phim để lộ nhiều lỗi logic – đây là lỗi khá phổ biến trong các bộ phim Việt. Câu chuyện còn có nhiều chi tiết kiên cưỡng, gò bó và điều này vô tình khiến diễn biến nhân vật trở nên dễ đoán, và rập khuôn máy móc. Tuy vậy, Yêu phần nào đã mở ra chủ đề mới mẻ để mọi người thêm hiểu về bộ phận đồng tính nữ Việt Nam.

3. Cầu vồng không sắc

Là bộ phim điện ảnh đầu tay của đạo diễn, biên kịch kiêm nhà sản xuất Nguyễn Quang Tuyến, Cầu vồng không sắc đưa ra thông điệp rõ ràng “Đồng tính không phải căn bệnh” và nó còn cho thấy cái nhìn về người đồng tính trong xã hội Việt Nam còn nhiều tranh cãi.

Phim kể về hai anh em Hùng (Vũ Tuấn Việt) và Hoàng (Nguyễn Thanh Tú). Hùng là con nuôi trong gia đình, cả hai người họ đã trải qua tuổi thơ sâu đậm và khăng khít. Nhưng đến khi trưởng thành, cả hai nguời nhận ra tình yêu của họ không chỉ là tình cảm anh em thông thường và bi kịch cũng bắt đầu từ đây. Tuy vậy, điểm nhấn của bộ phim chính là phản ứng của người mẹ (Kim Khánh), bà cho rằng người con mang dòng máu của mình bị “lây bệnh” đồng tính từ đứa con nuôi. Cầu vồng không sắc nhấn mạnh sự cấm đoán của người thân khi biết con mình là người đồng tính – mặc dù có phần “hơi quá”.

Cầu vồng không sắc được đánh giá đã mang sắc màu mới trong thị trường phim Việt. So với các bộ phim Việt Nam cùng chủ đề người đồng tính thì đây là bộ phim không lấy người đồng tính để thu hút khán giả, tạo nên những tiếng cười nhạt nhòa và dễ quên. Có thể nói, tuy nội dung phim không phải quá mới nhưng nó vẫn mang tới thành không. Đó là sự kết hợp của nhiều yếu tố: tài năng diễn xuất, nhạc phim, hình ảnh cùng quan điểm làm phim rất nhân văn.

4. Lô tô

Tác phẩm của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh lấy cảm hứng từ phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, bộ phim kể về những chuyến xe rong ruổi trên hành trình cơm áo gạo tiền, sâu hơn là khám phá bản ngã của những con người trót mang phận “thân sâu hồn bướm”.

Lô tô khiến người xem thêm hiểu hơn về những kiếp sống trôi sông lạc chợ qua nét văn hóa đặc trưng miền Tây. Không chỉ vậy, đạo diễn Tuấn Anh còn muốn khắc họa phần nào cuộc sống của những người chuyển giới – những mảnh đời bị xem như gần dưới đáy xã hội. Điều đó đã thể hiện một câu chuyện đầy khổ ải, đau thương nhưng cũng chứa đựng trong đó khát khao được yêu thương cháy bỏng của những phận đời “Trót sinh ra phận mình trái ngang, yêu thương khác người”.

Qua Lô Tô, nghệ sĩ Hữu Châu gây ấn tượng mạnh khi thể hiện vai diễn Lệ Liễu. Lệ Liễu vốn là chàng trai tên Đực, anh sớm nhận ra giới tính thật của mình qua những lần lén mẹ cha thoa son, mặc váy. Phải chịu những trận đòn roi, ép chung đụng với người khác giới nên anh quyết định bỏ đi để được sống với giới tính thật, được là chính mình. Và gánh hát Phù Hoa mở rộng cánh cửa chào đón anh, cảm thông và bảo vệ những người như “chàng trai” tên Đực. Nghệ sĩ Hữu Châu đã thể hiện trọn vẹn vai diễn nhiều tâm tư, một người từng trải, chịu nhiều mất mát và va vấp trong đời. Ông lôi cuốn người xem vào từng biểu cảm diễn xuất đa dạng.

Có thể thấy rằng, điện ảnh Việt Nam khi đề cập tới LGBT thực sự chưa đủ để so sánh với các tác phẩm có cùng đề tài trên thế giới. Tuy nhiên, thay vì làm méo mó hình tượng người đồng tính, chuyển giới, song tính,… bằng cách lấy hình ảnh họ làm lố, gây cười, gây tò mò thì giờ đây, điện ảnh Việt đang có sự chuyển mình rõ rệt, họ đã cố gắng tiếp cận vấn đề một cách nghiêm túc nhất. Họ khai thác tâm lý nhân vật, cuộc sống theo nhiều cách thức tiếp cận khác nhau để mọi người thêm hiểu và cố gắng xóa bỏ mọi định kiến xã hội về LGBT vẫn còn tồn tại hiện nay.

Xem thêm

Bạn nghĩ gì về LGBT & tình yêu đồng tính?

Bộ phim Cô Gái Đan Mạch tạo làn sóng ủng hộ người LGBT

Những hình ảnh đẹp về tình yêu của người đồng tính

Nhóm thực hiện

Trần Linh Trang (Nguồn: Tạp chí Phái Đẹp ELLE)

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more