Hoàng Ngọc Bích: “Tự kỷ không phải là bệnh”

Đăng ngày:

[Tạp chí ELLE tháng 5/2017] Bằng nỗ lực và tình yêu dành cho người tự kỷ, chị Hoàng Ngọc Bích và các thành viên đã chung tay làm giảm đi gánh nặng tâm lý, đưa trẻ từng bước hòa nhập xã hội.

Không chỉ thành công trong lĩnh vực giáo dục với vai trò CEO Crestcom Vietnam, là một trong mười nữ lãnh đạo giỏi nhất của Crestcom toàn cầu, chị Hoàng Ngọc Bích còn lọt vào top 50 Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam do tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn năm 2017. Là bởi, chưa bao giờ chị thôi dành tình yêu cho những đứa trẻ không may mắc chứng tự kỷ. Tình yêu ấy khởi nguồn từ chính câu chuyện của riêng gia đình chị. ELLE đã có cuộc trò chuyện đầy hứng khởi với chị.

Mong ước của tôi là một cuộc sống an nhàn, vui vẻ, hạnh phúc bên chồng con. Nhưng cuộc sống không đơn giản như vậy. Có rất nhiều điều trong cuộc sống mà mỗi người chúng ta cần cố gắng hơn một chút để xã hội tốt đẹp hơn

Cơ duyên nào đưa chị đồng hành cùng các bậc cha mẹ có con mắc chứng tự kỷ?

Năm 2005, khi được 28 tháng, con tôi vẫn chưa nói. Trong quá trình tìm hiểu thông tin về việc dạy con nói, tôi lần đầu được biết từ “Tự kỷ”. Tôi tham gia sinh hoạt CLB Hà Nội cùng các gia đình có con em mắc chứng tự kỷ và được hướng dẫn nhiệt tình. Nếu không có tấm chân tình, sự cảm thông và chia sẻ đó, tôi rất khó vượt qua giai đoạn khó khăn ấy. Con dần tiến bộ, sợi dây tình cảm gắn kết với người tự kỷ của tôi càng thêm lớn. Tôi hiểu được những khó khăn về mặt tinh thần của các phụ huynh. Tôi có khả năng ngoại ngữ và diễn thuyết để thay mặt phụ huynh trình bày tại các cuộc hội họp, có thể sắp xếp thời gian tham gia hoạt động xã hội. Với tôi, hành trình này như một cơ duyên đã được định sẵn vậy.

Bên cạnh việc được cộng đồng đón nhận, hội vẫn còn đó không ít khó khăn, phải không chị?

Chúng tôi được sự hỗ trợ rất lớn của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tổ chức hỗ trợ người khuyết tật châu Á Thái Bình Dương trong việc tổ chức hội thảo về Lộ trình thành lập VAN. Tuy nhiên, vì chỉ là tổ chức được xã hội thừa nhận nhưng chưa được công nhận chính thức về mặt pháp lý nên việc tiếp nhận một số dự án chính thống còn gặp trở ngại. Thêm nữa, ban điều hành mạng lưới gồm đại diện CLB các tỉnh thành, các tổ chức vì người tự kỷ. Họ đều là phụ huynh hoạt động tự nguyện, dành thời gian, tâm sức và kinh phí cá nhân để tham gia. Hoạt động của VAN chưa thực sự đạt đến kết quả mà chúng tôi cũng như các thành viên mong đợi. Chúng tôi tin rằng mình có thể làm nhiều hơn nữa với sự tham gia đóng góp của nhiều người hơn.

Chị có thể chia sẻ thêm về hoạt động của hội?

VAN được thành lập tháng 8/2013, từ tiền thân là CLB Gia đình người tự kỷ Hà Nội, đã hoạt động trước đó hơn 10 năm. Từng đấy thời gian trôi qua, chúng tôi rất tự hào đã có nhiều thành tựu, dù công việc chỉ được thực hiện từ một nhóm rất nhỏ các cha mẹ tâm huyết. VAN tổ chức Ngày Việt Nam Nhận thức Chứng Tự kỷ vào ngày 2/4 lần đầu vào năm 2016. Một trong những điều đáng  mừng là nhận thức về tự kỷ trong xã hội chúng ta đã được cải thiện rất nhiều, dù rằng còn rất rất nhiều điều chúng tôi còn phải làm.

VAN có những hoạt động cụ thể nào để lan truyền tới cộng đồng?

Hoạt động nổi bật và quan trọng nhất là Ngày Việt Nam nhận thức Chứng Tự kỷ vào ngày 2/4 hàng năm. Đây là chương trình mang tính quốc tế được tổ chức lần đầu năm 2016 tại Hà Nội. Năm nay là tại TP.HCM và sang năm có thể là Đà Nẵng. Từ tháng 3 đã có các hoạt động nâng cao nhận thức trong cộng đồng về tự kỷ. 1/4 hàng năm là các hội thảo chuyên môn.

Ngoài ra, VAN được sự ủng hộ của truyền thông, giới nghệ sĩ tham gia làm đại sứ. Ca sĩ Thanh Bùi đã từng hát Qua đôi mắt em cho lần đi bộ vì người tự kỷ từ những năm 2010, 2011. Tháng 3 vừa qua, ca sĩ Thái Thùy Linh, hiện đang điều hành chương trình Ca nhạc đường phố chiều Chủ nhật hàng tuần tại Hồ Gươm, đã giúp những người tham gia tìm hiểu về tự kỷ. Thời gian tới, chúng tôi hướng tới việc đào tạo chuyên môn cho các giáo viên, phụ huynh và hướng nghiệp cho người tự kỷ.

Chứng tự kỷ đang được hiểu như thế nào và làm thế nào để xã hội có những nhận thức đúng đắn?

Trước hết, tự kỷ không phải là bệnh, mà là một hội chứng. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của VAN là thực hiện các hoạt động nâng cao nhận thức. Chúng tôi chiasẻ và tuyên truyền cách hiểu đúng về tự kỷ qua trang web vietnamautism.com. Rất mong các đơn vị truyền thông và các vị phụ huynh có con, em mắc chứng tự kỷ sẽ có những hiểu biết cơ bản nhất bằng cách truy cập vào website của VAN để hiểu đúng và kiên trì giúp đỡ các em.

Là 1 trong top 50 Phụ nữ ảnh hướng nhất Việt Nam được Forbes bình chọn, chị đánh giá ra sao về vinh danh ấy trong việc góp sức thực hiện sứ mệnh của mình?

Thực sự rất tự hào, nhưng tôi không coi đây là một danh hiệu cá nhân mà là danh hiệu dành cho toàn bộ mạng lưới gồm rất nhiều các cha mẹ người tự kỷ, các chuyên gia, các thầy cô,… và nhiều cá nhân khác đã cảm thông, chia sẻ và đồng hành cùng VAN. Điều này chứng tỏ công việc của chúng tôi đã được xã hội quan tâm và công nhận. Hơn bao giờ hết, tôi thấy mình được tiếp thêm sức mạnh để cùng các điều hành viên đi tiếp con đường vô cùng khó khăn nhưng cũng tràn đầy yêu thương. Chúng tôi thấy cuộcsống có ý nghĩa hơn rất nhiều, từ ngày chúng tôi tham gia đóng góp công sức vào mạng lưới, với mong mỏi mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người tự kỷ.

Chị có thấy khó trong việc cân bằng thời gian khi vừa làm một CEO, vừa là người hoạt động vì cộng đồng?

Thực sự tôi đang cố gắng vì rất khó. Cuộc sống cá nhân và công việc luôn là sự lựa chọn. Nếu mình đóng góp vào phần nào nhiều, thì phần kia đương nhiên sẽ ít đi. Tôi có các đồng nghiệp luôn hỗ trợ trong công việc xã hội. Đồng thời, tôi cũng đang tìm kiếm một đối tác kinh doanh có thể đảm đương việc điều hành công ty để mình có thể có thêm thời gian hoạt động xã hội.

Xin cảm ơn và chúc công việc của chị luôn tốt đẹp.

Xem thêm

Phạm Thị Mỹ An: “Cứ đi rồi sẽ đến”

Trần Anh Thi: “Con diều bay là do ngược chiều gió”

Dương Ngọc Trà: “Tôi không tiếc những gì đã qua”

Nhóm thực hiện

Bài: Ngọc Anh – Ảnh: Chu Lân

Nguồn Tạp chí Phái Đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more