Âm nhạc và sự dấn thân – blog Đăng Ninh

Đăng ngày:

Khi đạt tới tầm và tên tuổi nhất định trong làng nhạc, thì các ca sĩ dường như bằng lòng để làm bạn với hai chữ “an toàn”. Rất ít ca sĩ dám thể nghiệm, dấn thân sáng tạo những tác phẩm mới.

Am-nhac-va-su-dan-than

Mấy hôm nay người ta đang ném đá ầm ầm nhạc sĩ Quốc Trung và Huy Tuấn về chuyện nghe nhạc sến có bình thường hay không.

Hôm nay tôi có đọc tin về ca sĩ nhạc đồng quê Keith Urban quyết định thay đổi phong cách âm nhạc hoàn toàn mới so với những gì người ta biết về âm nhạc của anh. Trong album thứ 8 của mình, anh tìm đến những nhà sản xuất âm nhạc mới, ở những thể loại khác nhau, để giúp anh thực hiện album này.

Qủa thật, khi đọc tin này tôi cảm thấy nể phục Keith Urban vô cùng. Anh là một ca sĩ đã có danh tiếng và tên tuổi trong làng nhạc thế giới. Nhưng bây giờ anh chấp nhận dấn thân để cho ra đời một thứ âm nhạc mang màu sắc khác so với những gì công chúng đã biết về anh. Khoan hãy nói về thành công hay thất bại sau những sự dấn thân như thế. Chỉ cần có sự thay đổi là đời sống âm nhạc hiển nhiên sẽ sôi động và phát triển.

Còn ở Việt Nam. Điểm lại những tên tuổi lẫy lừng một thời hiện nay đang hát gì? Một số diva xứ Bắc vẫn cứ ca mãi những bài ca về Hà Nội. Vẫn những tà áo dài thướt tha, đôi guốc mộc xinh xinh và họ bước lên sân khấu thánh thót Hà Nội ơi, Hà Nội ơi… Rồi, với giọng điệu rưng rưng, các chị lại kể lể ra những kỷ niệm ngày xưa tôi ở phố này, đi học ở phố kia, có bụi hoa dại, có lá vàng rơi…

Những lúc như thế, tôi cứ có cảm tưởng như chúng ta đang ăn mày dĩ vãng!

Ấy là cái chuyện diễn. Còn hát thì thế nào? Dĩ nhiên là không thể bê nguyên xi bản gốc ra hát được rồi. Thôi thì phối lại theo phong cách này một tí, thể loại kia một tẹo. Nói chung là làm sao cho nó mới. Đồng ý rằng làm mới một cái cũ có thể được coi là mới và sáng tạo. Nhưng nếu làm mới quá nhiều lần, thì không thể gọi là sáng tạo được. Nó cũng giống như bức tường cũ, sơn lần một thì nhìn còn mới, chứ đến lần thứ 2, thứ 3 chồng đè lên nhau thì liệu có còn đẹp không?

Thế nào mới hài lòng?

Thế nhưng những show diễn như vậy vẫn rất đông khán giả. Tiếng vỗ tay không ngớt. Phải chăng là gout của khán giả chúng ta chỉ cần thế là đủ. Phải chăng là cái nỗi niềm dĩ vãng trong mỗi con người vẫn còn mạnh đến mức cần những show diễn như vậy để thổn thức và hoài tưởng.

Có lần, tôi đem băn khoăn này tâm sự với một người bạn. Anh ấy bảo: Thế toàn những diva tên tuổi, dàn nhạc đẳng cấp, những bài hát trứ danh về một thành phố như Hà Nội, được tổ chức ở nhà hát sang trọng, giá vé đắt như thế mà em vẫn còn chưa hài lòng à?

À vâng. Có lẽ khán giả chúng ta quá dễ dãi trong thưởng thức âm nhạc. Tôi nghĩ vậy. Đến nước này, tôi hoài nghi ông nào nói nghệ thuật là sự thôi thúc sáng tạo và tìm tòi ra những cái mới.

Câu chuyện lúc này là gì? Là những khán giả quá dễ dãi chỉ cần thưởng thức âm nhạc như vậy là đủ. Chỉ cần thích nghe những bài hát cũ, những giọng ca quen thuộc mới cảm thấy hài lòng.

Nên những nhà sản xuất chỉ cần đáp ứng đủ yêu cầu như vậy thôi. Các ca sĩ hát như vậy năm nay cũng bán được vé, năm sau chắc chắn cũng sẽ đông, mà giá vé lại cao. Vậy thì mắc mớ chi phải sáng tạo tìm tòi dấn thân vào những thể loại mới làm gì! Trong khi, nếu chấp nhận thay đổi, sáng tạo ra những cái mới lại đồng nghĩa với nguy cơ mất khán giả, bị ném đá te tua. Công sức bao nhiêu năm gây dựng hình ảnh bỗng chốc bay theo mấy gió.

Nhất là dân Việt mình, vốn chỉ thích nhìn vào thất bại của người khác chứ mấy ai nhìn vào cả quá trình phấn đấu của người ta.

Nếu cho rằng đây là hiện trạng của sự thất bại. Thì lỗi này thuộc về ai? Với tôi, một khán giả bình thường. Tôi nghĩ lỗi này thuộc phấn lớn ở các nghệ sĩ. Bởi, khán giả tuy là người mua thật đấy nhưng với nghệ thuật họ không đủ khả năng để yêu cầu nghệ sĩ cung cấp cho họ những tác phẩm mới.

Nghệ sĩ mới là người dẫn dắt công chúng, tạo ra những giá trị mới, những tác phẩm mới. Trách nhiệm lớn nhất của người nghệ sĩ là tạo ra giá trị mới chứ không phải chỉ lo khư khư giữ cái hình ảnh sạch sẽ để người hâm mộ còn nhìn vào.

Nhưng chân lý lại thuộc về đám đông

Mấy hôm nay người ta đang ném đá ầm ầm nhạc sĩ Quốc Trung và Huy Tuấn về chuyện nghe nhạc sến có bình thường hay không. Đây lại là một bằng chứng cho thấy dư luận đám đông luôn luôn có sức mạnh phi thường trong việc xỉ vả một ai đó. Bởi, họ không chịu nghe bằng hai tai, đọc kỹ và nhìn toàn cảnh một bức tranh với các mệnh đề và lỹ lẽ phân tích. Đám đông, chỉ cần nhìn kết quả để đánh giá, chọn ra câu nào shock nhất để quy kết toàn bộ vấn đề. Nhưng thôi, đấy là một chuyện khác.

Vậy thì, trong câu chuyện này lại phản ánh lên một điều rằng khán giả chúng ta vẫn cứ thích ôm khư khư cái dĩ vãng xưa cũ. Thích nghe cái quen tai và bảo vệ nó bất chấp điều gì.

Kể cũng lạ. Chúng ta luôn thay quần áo mới, luôn cập nhật những sản phẩm công nghệ đắt tiền. Thay đổi khẩu vị những bữa ăn. Nhưng với âm nhạc hay nghệ thuật nói chung. Chúng ta lại không thích những điều mới mẻ.

Nhóm thực hiện

Blog của Đăng Ninh

Ảnh tư liệu

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more