Theo đuổi giấc mơ – Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu

Đăng ngày:

Cho đến tận bây giờ khi nói về chuyện kết hôn, giới nghiên cứu vẫn chia phụ nữ thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất là những người phụ nữ truyền thống, coi con cái và gia đình là mục đích cuộc đời họ, là cách xác định bản ngã của họ. Nhóm thứ hai coi sự nghiệp và đam mê cá nhân là ưu tiên. Hay đúng hơn, họ coi gia đình hay con cái chỉ là một phần trong định nghĩa cuộc đời và thành công của mình. 

Chuyên mục: Những cô gái theo đuổi ước mơ

Bạn có sẵn sàng bước qua vùng thoải mái để theo đuổi giấc mơ và rồi, dù có thành công hay thất bại, bạn cũng sẽ không bao giờ phải hối tiếc vì điều mình đã làm?

Tuy nhiên, chẳng có gì khẳng định chắc chắn rằng phụ nữ truyền thống hạnh phúc hơn hay phụ nữ ưu tiên sự nghiệp hạnh phúc hơn. Người ta thường nói phụ nữ hạnh phúc là biết vừa lòng với những gì mình có, biết thế nào là đủ, biết cách để sửa chữa và hoàn thiện những gì mình còn thiếu. Thế nhưng, cái bẫy của “sự đủ” vào một thời điểm nhất thời có thể tạo nên cảm giác không hạnh phúc hay hối tiếc trong tương lai. Không cứ là phụ nữ truyền thống hay phụ nữ ưu tiên sự nghiệp, chúng ta thường dễ dàng chấp nhận một cái gì đó vừa đủ, rồi an phận sống cho đến khi bàng hoàng nhận ra là mình chưa hề đạt được những gì mình từng mơ ước. Mơ ước đó không phải lúc nào cũng là tiền hay một nấc thang trong danh vọng. Đôi khi đó chỉ là những thứ giản đơn, chỉ có ý nghĩa với ta nhưng ngược lại với truyền thống và kỳ vọng của người thân.

Một ví dụ cụ thể như sau. Tôi biết người phụ nữ lúc nào cũng ôm ấp giấc mơ mở một tiệm hoa nho nhỏ ngắm nhìn những người phụ nữ khác hạnh phúc. Thế nhưng, suốt hơn 10 năm, cô hết đi du học rồi lại làm cho doanh nghiệp lớn. Thu nhập của cô cao ngất ngưởng, những món đồ người khác mơ ước mãi không dám mua thì với cô, chúng chẳng khác gì đồ ăn bình thường trong siêu thị. Lần nào gặp bạn bè, cô cũng than về chuyện không làm sao dẹp bớt công việc để mở tiệm hoa như mơ ước từ thời thơ bé. Giả sử bỏ việc mà bắt đầu nhưng thu nhập không tốt thì không biết tiền đâu để duy trì lối sống mà cả gia đình đã tận hưởng bấy lâu nay.

Hay một câu chuyện khác về người phụ nữ làm trong lĩnh vực nhân sự, kết hôn năm 23 tuổi và có hai con. Vợ chồng cô không phải là quá giàu có nhưng cũng đủ ăn đủ mặc. Khi con còn bé thì cô phải dành nhiều thời gian chăm sóc con. Giờ các con đã lớn, một đứa đã vào đại học, đứa còn lại đã đến cuối cấp 2, chúng không cần mẹ phải ở kè kè bên cạnh như ngày xưa nữa. Lúc này, cô mới nhớ ra là mình từng ước ao được học để trở thành người làm trong phòng nghiên cứu các loại bệnh tật. Thế nhưng ở độ tuổi 40, ý nghĩ quay lại giảng đường rồi cất công tìm việc trong ngành nghiên cứu không còn đủ sức thuyết phục đối với cô nữa. Đúng hơn, cô sợ cuộc sống bình yên bây giờ sẽ bị xáo trộn, sợ chồng con phản đối, giận dỗi. Cô cũng sợ thất bại và bị mọi người chê cười.

Chuyên mục: Những cô gái theo đuổi ước mơ

Hai người phụ nữ ấy có hai số phận hoàn toàn khác nhau nhưng tựu trung lại, họ đều vì sợ hãi hay e ngại cuộc sống quen thuộc sẽ mất đi khi họ nhất quyết theo đuổi giấc mơ của mình. Trên thực tế đó là điều xảy ra với phần lớn những người vẫn còn đang băn khoăn liệu có nên tiếp tục đi theo tiếng gọi của ước mơ hay không. Những cô gái trẻ thì có câu hỏi: Liệu tôi có dám làm cái tôi muốn thay vì làm cái mà gia đình và xã hội mong muốn? Phụ nữ trung niên thì tự hỏi: Mình có nên đánh đổi cái mình đã có vì ước mơ thuở xưa không? Phụ nữ lớn tuổi hơn nữa thì có khi chặc lưỡi: Đến tuổi này mình còn cố gắng làm gì?

Tuy nhiên, không bao giờ là quá muộn để bắt đầu. Cuối tháng 8/2017, báo chí Việt Nam có đưa câu chuyện về một người phụ nữ 60 tuổi đỗ đại học Luật, Đại học Cần Thơ. Bà đã đi qua chiến tranh, rồi gia cảnh nghèo khó, rồi trách nhiệm làm mẹ. Tất cả những yếu tố khách quan và chủ quan đã ngăn cản bà đi học đại học như bà mơ ước, nhưng bà chưa bao giờ từ bỏ mong muốn ấy, và cuối cùng nó đã thành hiện thực. Hay một cô gái mà báo chí không biết đến, sau khi đã làm việc như một nhà nghiên cứu nhiều năm ở nước ngoài, cô vẫn trở về Việt Nam để học làm nông. Cô có tiếc cuộc sống tiện nghi và môi trường khoa học ở xứ người không? Có chứ! Cô có phải lần lữa khi từ bỏ những thành công mà cô đã phải đổ mồ hôi, sức lực ra để đạt được không? Có chứ. Nhưng cô biết trái tim cô không ở đó mà nằm ở những cánh đồng trồng hành, khoai hữu cơ. Ở đó, cô được là chính mình, được thực sự làm theo cách mình muốn.

Nếu bạn hỏi bất kỳ người phụ nữ nào mà bạn cho rằng đã “đánh đổi” tất cả để theo đuổi giấc mơ, họ đều sẽ nói với bạn họ chẳng đánh đổi gì cả. Họ đơn giản là lựa chọn. Có những lựa chọn đi theo số đông, dễ đạt được, dễ được chấp nhận. Có những lựa chọn ít được chấp nhận hơn, khó thành công hơn, ít người ủng hộ hơn. Nhưng có sao? Ngay cả chuyện yêu và kết hôn, vốn là điều mà xã hội khuyến khích, thì trong hoàn cảnh cá nhân của từng phụ nữ vẫn có những chần chừ, băn khoăn, e ngại. Quan trọng là bạn có sẵn lòng bước qua khỏi vùng thoải mái của bản thân để làm điều mình muốn, để đạt được ước mơ bạn từng nung nấu, để rồi dù có thành công hay thất bại, bạn cũng sẽ không bao giờ phải hối tiếc vì điều mình đã làm.

Đón đọc những bài viết tiếp theo từ chuyên mục “Những cô gái theo đuổi giấc mơ” để lắng nghe những câu chuyện tiếp theo từ những nhân vật khách mời của Tạp chí phái đẹp ELLE.

Nhóm thực hiện

Bài: Huy Phương

Minh họa: Dzũng Yoko

Nguồn: Tạp chí phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more