[Review sách hay] Thủy Tiên đã cưỡi chép vàng đi: Câu chuyện về sự cô đơn của con người

Đăng ngày:

“Thủy Tiên đã cưỡi chép vàng đi” là một câu chuyện tràn đầy cô đơn, u buồn về những ức chế tâm lý, những mâu thuẫn và khao khát trong một con người.

Mấy hôm nay, trên mạng xã hội, người ta nói nhiều về sự cô đơn, trầm cảm, tự sát, những kết cục bi thảm của người trẻ trong chính cuộc sống ồn ã của mình. Tôi đọc lại cuốn Thủy Tiên đã cưỡi chép vàng đi của Trương Duyệt Nhiên. Không thể tưởng tượng được tác giả của một tiểu thuyết như vậy lại là một cô gái sinh năm 82. Cuốn sách tràn đầy cô đơn, u buồn, những ức chế tâm lý, những mâu thuẫn và khao khát bên trong một con người.

sự cô đơn

Trương Duyệt Nhiên viết thật hay. Nếu như cái kết không quá buồn, quá bế tắc cho nữ nhân vật chính thì đây quả là một cuốn sách không còn điểm nào để chê.

Cách cô miêu tả gợi hình gợi cảm và đầy âm điệu như một khúc đồng dao. “Con yêu, con đến vào ngày thu, như một bông bồ công anh bay giữa trời, mệt nhoài đậu xuống trong cơ thể mẹ“.

Trong truyện, ấn tượng nhất là ba đoạn Duyệt Nhiên tả bà nội của Quỳnh (nữ nhân vật chính), tình yêu của Quỳnh và cha dượng Lục Dật Hán và tình yêu của Quỳnh với Trầm Hòa. Nghe có vẻ đây là một tiểu thuyết toàn về tình yêu sướt mướt? Nhưng không, cuốn sách đã chạm đến một vài vấn đề căn bản trong sinh tồn của con người.

Bà nội của Quỳnh bị béo phì. Gia đình rất nghèo. Bà phải nấu ăn cho bố của Quỳnh và các “chiến hữu” của ông ta – một đám người suốt ngày chơi mạt chược. Hình ảnh đọng lại mãi trong lòng người đọc là chi tiết bà nội đánh rơi bát cháo đậu xanh, vì quá mập mạp, không thể phản ứng kịp nên đành nhìn cháo nóng chảy tràn xuống chân. Đau quá, bà ngồi trên đất mà khóc như một đứa trẻ bị ruồng bỏ, thỉnh thoảng lại ngẩng đầu tìm kiếm người thân của mình. Quỳnh bò đến ôm bà. Bà nội khóc giàn giụa, nước mắt dính sang mặt cô bé, cả quần áo của cô… Sau này, vết thương vì bỏng ấy cũng không lành mà ngày càng loét rộng ra. Bà nội chết khi Quỳnh chưa mua được chăn nhung và đệm gấm thêu cho bà, để sưởi ấm đôi chân toàn vết thương.

sự cô đơn

Bà và bố chết, Quỳnh theo mẹ đến nhà cha dượng ở. Trong khi mẹ Quỳnh căm hận cô bé (vì sinh ra cô mà bà ta mất vị trí múa solo) thì cha dượng lại yêu thương cô bé như con gái ruột. Chịu quá nhiều thiếu thốn, đau buồn, lại thiếu tình yêu thương của bố mẹ nên Quỳnh bị khủng hoảng tâm lý. Cô bé bị chứng cuồng ăn, đến nỗi trở thành một thiếu nữ xấu xí béo núc ních. Chỉ có cha dượng Lục Dật Hán là quan tâm, che chở cho cô. Bởi thế, trong lòng cô bé ngây thơ ấy đã dấy lên một tình yêu với cha dượng. Cô coi ông như “một người cha, chú, người yêu, đó là một cảm giác rất “rộng lớn” và phong phú”. Cô yêu ông đến mức lúc thấy ông quan tâm việc cô bị “chảy máu” khi đến kỳ kinh nguyệt, cô đã ước gì mình được chảy máu mãi mãi để mãi mãi được ông quan tâm… Bị mẹ cho vào học nội trú, 3 năm trời Quỳnh không dám gặp cha dượng. Lần nào ông đến thăm cô cũng trốn tránh để rồi nhìn theo bóng ông, nước mắt chảy giàn giụa. Lục Dật Hán không biết Quỳnh lớn lên rồi, vẫn luôn cố gắng làm sao giành được tình yêu của ông. Ông không biết để có điều đó, Quỳnh đã bỏ đói bản thân một cách tàn khốc, đã gắng làm cho mình xinh đẹp hơn, đã học hành vất vả để được vào trường đại học mà ông đã học. Cô viết văn, vẽ tranh, học múa, tất cả chỉ để biến mình thành một cô gái hoàn hảo, để trở nên xứng đáng với ông. Ông không biết, Quỳnh kiên cường từng bước tiến lên, không phải hy vọng những lời tán dương và ánh mắt hâm mộ của mọi người, mà chỉ vì để có được tình yêu của ông, chỉ có thế thôi. Đó là toàn bộ điểm tựa của cuộc sống ở cô. Rất tiếc, Dật Hán không còn có cơ hội để đáp lại tình yêu thánh thiện của Quỳnh.

sự cô đơn

Trong giai đoạn u tối nhất của cuộc đời, Quỳnh gặp Trầm Hòa. Một người đàn ông mà tính cách giống hệt cái tên của anh ta: trầm tĩnh, ôn hòa. Vì ức chế tâm lý, Quỳnh không ngừng hành hạ bản thân và hành hạ Trầm Hòa. Anh thì lúc nào cũng vững vàng, trầm tĩnh như một ngọn núi: đi theo cô và lo cho cô từng chút một. Tôi nhớ nhất một đoạn đối thoại của hai người. Quỳnh nói: “Em không như những người bình thường khác, có cha có mẹ, có nhiều bạn bè, có tình yêu chia làm nhiều phần. Em thì không. Em chỉ có một tình yêu, vì thế nếu cho đi, em sẽ tóm chặt lấy người ấy, dựa dẫm vào người ấy. Tình yêu nặng như thế, anh có gánh nổi không?”. Trầm Hòa thành thực đáp: “Anh không biết. Anh đã hết tuổi nói những lời dỗ ngọt các cô gái. Anh cũng không mãnh liệt như thời thiếu niên xông xáo. Trước những việc không chắc chắn, anh sẽ nói là không”.

sự cô đơn

Lời nói của anh sắc lạnh như dao cứa vào lòng Quỳnh nhưng cũng chính con người lạnh lùng đó đã cho cô cả cuộc đời mình…

Thủy Tiên đã cưỡi chép vàng đi, tên truyện lấy cảm hứng từ hình ảnh chàng Narcissus trong thần thoại Hy Lạp. Một chàng trai yêu mình hơn hết thảy, cậu ta yêu cả cái bóng của mình, suốt ngày vui chơi cùng cái bóng, không hề chán.

Vui chơi với cái bóng của mình – là biểu hiện của sự cô đơn đến tột cùng.

Nhóm thực hiện

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Ảnh: Unsplash

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more