Cách người thành công cư xử với người mà họ không thích

Đăng ngày:

Trừ khi bạn mang trong mình một thể gen đặc biệt, nếu không, bạn gần như sẽ phải gặp những người không thuận ý trong suốt cuộc đời mình. Nhưng những người thành công luôn biết cách cư xử phù hợp dù họ vốn không thích một ai đó.

Theo Deep Patel – tác giả của quyển A Paperboy’s Fable: The 11 Principles of Success: việc không thích một ai đó giúp bạn nhớ rằng không có ai là hoàn hảo cả, bao gồm cả bạn. Trong một bài viết cho Entrepreneur.com, Patel đã đưa ra một số bí quyết mà những người thành công thường dùng để cư xử với những người mà họ không thích. Bởi tất cả chúng ta không ai có đủ năng lực để “né” những người mình không thích cả đời. Và việc chúng ta tự rào bản thân vào vùng an toàn với những người ta cho là “hợp cạ” chính là đang tự hạn chế năng lực của mình.

Thay vì trốn tránh trong vô nghĩa, thử đổi cách nhìn của bạn theo cách mà những người thành công đã làm. Hãy cùng ELLE điểm qua một số tips từ tác giả Patel nhé!

1. Chấp nhận rằng bạn không thể hòa thuận với tất cả mọi người

nguoi thanh cong - elle viet nam

Hình: Pixabay

Bạn hy vọng dễ dàng hòa thuận với tất cả những người bạn gặp? Nhưng hy vọng càng nhiều thất vọng càng lớn. Patel cho rằng để tương tác với người không thuận ý, bước đầu tiên bạn cần là chấp nhận việc không ai có thể hòa thuận với tất cả mọi người. Nó không có nghĩa bạn sẽ trở nên tệ đi hay do người khác không tốt. Nhà tâm lý học – tiến sĩ Susan Krauss từng viết trên Psychology Today rằng nó chỉ đơn thuần là bạn và người ấy không hợp nhau. Nhà tư vấn kiêm tác giả Beverly D.Flaxington giải thích trên một bài viết khác: các cách thức hành xử sẽ can thiệp vào tính cách mỗi người. Một số người sẽ mang thế áp đảo, một số khác lại trở nên nhút nhát hay sẽ có người lạc quan và cũng có người thực dụng.

Một bảng khảo sát thực hiện bởi Hamstra và cộng sự tìm hiểu về thứ gọi là “quy chế phù hợp” hay được hiểu đơn giản là chúng ta sẽ đặt nhiều nỗ lực vào việc chúng ta muốn làm. Có thể do bạn ngại tương tác với những người bạn không thích nên bạn cho rằng mình không cần phải lãng phí nỗ lực vào mối quan hệ đó. Theo thời gian, việc hạn chế nỗ lực sẽ dần khiến bạn xem nhẹ việc tương tác của cả hai.

2. Thử đặt một góc nhìn tích cực lên những gì người khác nói

nguoi thanh cong - elle viet nam

Hình: Rawpixel

Krauss cho rằng bạn có thể thử và tìm hiểu xem mỗi người vì sao lại có thể cư xử kỳ lạ khiến bạn không vừa mắt đến thế. Họ hàng có thể không có ý xem thường bạn hay đồng nghiệp không hoàn toàn cố ý phá hoại công việc của bạn. Ngay cả khi người khiến bạn gặp trở ngại trong giao tiếp đang cố ý làm trầm trọng thêm vấn đề của cả hai thì việc bực tức chỉ khiến bạn cảm thấy tệ hơn. Hãy cho họ thấy rằng bạn đang nhìn mọi thứ một cách tích cực và bạn hiểu được mục đích hành vi của họ.

3. Chú ý vào cảm xúc của bạn

nguoi thanh cong - elle viet nam

Hình: Les Anderson

Theo Patel, điều khiển cảm xúc bản thân là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu. Luôn nhớ rằng người khác chỉ có thể khiến bạn phát điên khi bạn “cho phép” họ làm điều đó với chính mình. Vì vậy, đừng để cơn giận nuốt chửng lý trí. Nếu có người cố tình chọc tức bạn, đừng cố nén cũng đừng vội bộc phát ngay tức khắc mà hãy học lấy sự điềm tĩnh và làm nguội cảm xúc một cách nhanh nhất. Nếu khó, bạn có thể dùng một nụ cười hay một cái gật đầu để cố gắng kéo dài thời gian cho bản thân tìm lại “nút” thăng bằng trong cảm xúc.

Chìa khóa giao tiếp hiệu quả chính là đối xử với tất cả mọi người ở cùng một mức độ tôn trọng. Điều đó không có nghĩa bạn phải đồng thuận với người bạn không thích hay thỏa hiệp với những gì họ nói, mà nó là sự văn minh và lịch sự mà bạn nên dành cho tất cả mọi người. Làm được như thế, bạn có thể duy trì sự kiên định của bản thân ở nhiều vấn đề, bỏ qua sự công kích cá nhân để trở thành một người dễ dàng làm chủ các mối quan hệ.

4. Đừng để cảm xúc cá nhân chi phối và biết cách tạo lập không gian riêng

nguoi thanh cong - elle viet nam

Hình: Ander Smeekes

Khi bạn bất đồng ý kiến với người khác, đừng cố làm quá mọi chuyện bởi đối phương cũng sẽ như thế với bạn và nó chỉ đẩy không khí thêm căng thẳng và dữ dội. Vượt qua khủng hoảng bằng cách tập trung vào hiện thực, bỏ ngoài những cảm xúc của người kia dù hợp lý hay vô lý. Bạn chỉ nên tập trung duy nhất vào cốt lõi vấn đề, đồng thời bỏ qua mọi yếu tố cảm xúc mang tính cá nhân. Nếu bạn cảm thấy cần không gian cho bản thân, đừng ngần ngại, hãy thẳng tay tạo lập vùng không gian của mình. Bạn hoàn toàn có quyền thiết lập cho bản thân những ranh giới và quyết định đâu là thời điểm thích hợp để trở lại với những mối quan hê.

5. Thể hiện sự bình tĩnh và cân nhắc một quân sư cho mình

nguoi thanh cong - elle viet nam

Hình: Priscilla Du Preez

Thông thường, cách chúng ta giao tiếp sẽ quan trọng hơn những gì chúng ta nói. Nếu một người cứ mãi lặp đi lặp lại những hành vi làm phiền bạn, nó sẽ dẫn đến những rắc rối to hơn và đấy là thời điểm bạn cần lên tiếng. Tuy nhiên, đối đầu chưa bao giờ là phương pháp tối ưu. Patel khuyện khích bạn sử dụng những câu mang tính cảm nhận cá nhân, như “Tôi cảm thấy khó chịu khi bạn làm như thế, bạn có thể đừng cư xử như vậy được không?”. Lời nói càng cụ thể sẽ giúp đối phương hiểu được vấn đề mà bạn muốn đề cập. Đồng thời nó cũng tạo cho đối phương cơ hội để chia sẻ cách nghĩ của họ trong cùng một sự việc.

Krauss còn cho rằng việc chọn một quân sư giúp hòa giải cho cả hai là cách tốt nhất bởi họ là người ngoài cuộc và có khả năng nhìn nhận vấn đề một cách khách quan nhất. Không lo sứt mẻ tình bạn mà cả hai còn dễ dàng tìm được cách giao tiếp và làm việc cùng nhau hiệu quả hơn. Học cách làm việc với những người khiến bạn không thích là trải nghiệm đáng để thử, nó là một trong những cách giúp bạn biết được như thế nào là phá bỏ những rào cản của bản thân.

6. Chọn hướng giải quyết

nguoi thanh cong - elle viet nam

Hình: rawpixel

Đôi khi, buông bỏ là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề. Bởi không phải mọi thứ đều xứng đáng với thời gian và tâm huyết của bạn. Bạn phải hỏi chính mình rằng bạn có thật sự muốn kết nối, giao tiếp với người đó hoặc mọi nỗ lực bạn bỏ ra sẽ xứng đáng khi hợp tác cùng họ? Theo Patel, cách tốt nhất để suy nghĩ thấu đáo chính là cân nhắc hoàn cảnh hiện tại của vấn đề. Nó sẽ trở nên tốt hơn theo thời gian hay sẽ tệ hơn? Nếu rơi vào trường hợp thứ hai, nó có thể sẽ ngốn hết năng lượng của bạn vào việc giải quyết vấn đề dù sớm dù muộn. Hoặc giả bạn xác định nó là vấn đề mang tính nhất thời ở hiện tại thì bạn chắc chắn sẽ vượt qua nó nhanh thôi.

7. Đừng quá phòng vệ

nguoi thanh cong - elle viet nam

Hình: hristian Battaglia

Nếu có ai đó xem thường bạn hoặc soi mói khuyết điểm của bạn, đừng vội ăn miếng trả miếng. Điều tệ nhất đôi khi chính là tính phòng vệ của bạn quá cao. Việc phòng vệ sẽ chỉ khiến họ thỏa mãn với suy nghĩ của bản thân và đồng thời bạn đã gián tiếp cho họ năng lượng để chỉ trích chính mình. Thay vào đó, hãy nhường lại “diễn đàn” cho họ và bắt đầu đưa ra những câu hỏi chẳng hạn như lý do cá nhân của họ là gì? Việc gì khiến họ phải cư xử như thế?

Nếu họ bắt đầu cơ chế bắt nạt, hãy thẳng thắn với họ rằng nếu họ muốn được đối xử tử tế thì ít nhất họ cần thái độ đúng đắn với bạn. Tiến sĩ Berit Brogaard, một nhà thần kinh học, giải thích trong một bài viết trên Psychology Today: tám chuyện nơi làm việc và bắt nạt là phương pháp của trò chơi quyền lực hoặc là cách ép buộc người khác đồng thuận với mình.

Giả như bạn đang muốn thuyết phục ai đó chấp thuận quan điểm của bạn, bạn cũng có thể sử dụng vài mẹo tâm lý. Điển hình như bạn nên tăng tốc độ nói khi có ai đó không đồng ý với bạn vì như thế họ buộc phải thu hẹp thời gian phân tích những gì bạn đang nói. Nếu bạn nghĩ rằng họ đã “mềm lòng” thì bạn có thể giảm tốc độ nói để họ đủ thời gian tiếp nhận thông tin mà bạn muốn truyền đạt.

8. Nhớ rằng bạn là người kiểm soát hạnh phúc của chính mình

nguoi thanh cong - elle viet nam

Hình: Priscilla Du Preez

Nếu một ai đó đang lấp đầy tâm trí bạn, sẽ rất khó để bạn thấy được gì khác ngoài vấn đề của cả hai. Tuy nhiên, đừng bao giờ để bất cứ ai được quyền giới hạn hạnh phúc hay thành công của bạn. Nếu bạn nhận thấy những bình luận của họ nhắm vào bạn, hãy tự hỏi bản thân tại sao lại như thế. Bạn e dè về một điều gì đó hay bạn lo lắng về những bất ổn trong công việc? Vậy hãy tập trung khắc phục nó thay vì nghe những lời chỉ trích từ người khác.

Cảm xúc nằm trong tay mỗi người. Vì vậy ngừng so sánh bản thân với bất kỳ ai. Cũng như những người thành công luôn dùng thành tựu của bản thân như một sự gợi nhớ về nỗ lực của chính mình. Từ đó, họ không cho phép bất kì ai đoạt mất năng lượng vốn có chỉ vì người đó đang cố gắng làm u tối cuộc sống của họ.

Nhóm thực hiện

Bài viết: Vương Tuyền (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE/ Business Insider)

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more