[Trường phái thời trang tối giản] Cuộc cách mạng lan rộng (phần 2)

Đăng ngày:

Trường phái thời gian tối giản đã lan tỏa khắp châu Âu, Mỹ và Nhật Bản như thế nào?

Thời trang tối giản và cuộc cách mạng nữ quyền ở châu Âu

Sau khi giúp phụ nữ bớt nặng đầu bằng việc quên đi những chiếc mũ đầy lông chim tràng hạt, Chanel khiến họ đổ xô đến mua quần áo do bà tự thiết kế cho mình bao năm qua tại cửa hàng đầu tiên trên đường Deauville vào năm 1913, một năm trước khi Đệ Nhất Thế Chiến nổ ra.

Sự không trưng trổ xa hoa, đi cùng với một nền kinh tế què quặt thời chiến và sự giảm bớt kiểu cách khiến cho các thiết kế mang một phong cách hoàn toàn mới. Lấy cảm hứng từ tủ đồ của nam giới, thiết kế cho đời sống và sự vận động, là một lựa chọn không thể hoàn hảo hơn. Chanel cũng là người đem đến các mẫu thiết kế làm từ các loại vải chưa từng được chú ý đến trong “kỷ rườm rà” như tricot, jersey và flannel.

thời trang tối giản

Một mẫu thiết kế của Coco Chanel vào những năm 1910s. (Ảnh: Sećanja)

Những bộ trang phục được làm từ các loại vải bền và co giãn, sự tiêu giảm của đường ‘chiết eo’ và ngắn lên của độ dài váy là lựa chọn lý tưởng cho phụ nữ được giải phóng bởi cuộc chiến. Nhất là khi họ phải đi ra đường một mình, và tất nhiên, mặc một chiếc váy ngắn hơn mới giúp họ thật sự di chuyển được một quãng đường xa.

Khi hòa bình được thiết lập và các kênh truyền thông hoạt động trở lại, phụ nữ toàn thế giới bị sốc bởi những chiếc cổ chân trần trên đường phố Paris. Một năm sau đó, người ta nhìn thấy những cổ chân như thế, khắp mọi nơi trên thế giới. Có thể nói, từ việc tạo ra quần áo có tính ứng dụng mà phụ nữ có thể di chuyển, sống, và làm việc trong chúng thay vì bó mình trong những chiếc corset ngạt thở, minimalism không nghi ngờ gì cả, là một trong những thuật ngữ quan trọng nhất của thời trang, nó phản ánh lịch sử đi lên và tất cả các bước ngoặt quan trọng của cách mạng nữ quyền. Coco Chanel không phải người tiên phong nhưng chắc chắn là người thay đổi hoàn toàn cục diện thời trang Âu châu và cả thế giới với tư duy thiết kế mang nguyên lý thời trang tối giản của mình.

thời trang tối giản tại pháp

Coco Chanel và người cô bên ngoại của mình, đứng trước cửa hàng trên đường Deauville của bà vào năm 1913. (Ảnh: Courtesy of Chanel)

Người Mỹ thực dụng và thời trang ‘Thắt Lưng Buộc Bụng’

Sau Chanel và cuộc cách mạng thời trang tối giản trong trang phục nữ giới ở Âu châu, thời trang Mỹ bắt đầu chuyển mình, đặc biệt là vào những năm suy thoái kinh tế 1930s. Người Mỹ nhận ra mình bắt đầu công cuộc cắt giảm thắt lưng buộc bụng trong lối ăn mặc. Nhưng trái ngược hoàn toàn với chủ nghĩa tối giản Âu châu dành cho tầng lớp quý tộc hoặc người giàu, một nhóm các nhà thiết kế người Mĩ như Claire McCardell, Vera Maxwell, và Clare Potter cho ra đời một loại quần áo mặc hằng ngày mang tính ứng dụng cao, gọi chung là American sportswear. Gọi là sportswear ở đây không có nghĩa là quần áo mặc để chơi thể thao mà là loại quần áo thường nhật mà đường nét và thiết kế của chúng sporty hơn những chiếc đầm thời kỳ trước, hướng đến đối tượng chủ yếu là các bà các cô tầng lớp trung lưu, phụ nữ nội trợ, hay có công việc ngoài xã hội.

Sự phát triển của công nghệ sản xuất hàng loạt và sự gia tăng hai mươi lăm phần trăm nữ giới trong lực lượng lao động giai đoạn những năm 30 – 40 càng thúc đẩy các nhà thiết kế cho ra đời các mẫu thiết kế vừa đảm bảo tính thời trang, vừa mang tính ứng dụng và quan trọng hơn hết là đơn giản đủ tiêu chuẩn để có thể sản xuất với số lượng lớn, dưới công nghệ của mass production.

Cho tới khi lối ăn mặc đơn giản trở thành một hành động “yêu nước”, khi sắc lệnh L-85 được ban hành bởi chính phủ Mỹ thời kỳ nổ ra Đệ Nhị Thế Chiến, quy định cắt giảm trong nguyên vật liệu may mặc như vải và kim loại dùng làm các chi tiết nút, dùng chúng để đầu tư cho vũ trang và quân đội. Và khi các nam nhân đều bị lôi cả ra tiền tuyến, mọi công việc còn lại đều trông cậy cả vào các nữ hậu phương thì ắt hẳn trong xã hội đã không còn khái niệm về việc ăn mặc diêm dúa cầu kỳ. American sportswear chính thức đặt nền móng cho chủ nghĩa tối giản trong thời trang ở Mỹ.

thời trang tối giản tại việt nam

Các thiết kế thập niên 40s của Claire McCardell mở ra thời kỳ tối giản trong trang phục ở Mĩ và góp phần tạo ra khái niệm American Sportswear với các nguyên lý thiết kế được thừa hưởng bởi nhiều NTK như Donna Karan, Victoria Beckham, Alexander Wang, v.v… (Ảnh: MIUMAG)

Vậy How much ‘less’ is ‘more’ ?

‘Less is more’ câu nói thời đại của kiến trúc sư Mies Van Der Rohe đã trở thành câu thần chú của rất nhiều nhà thiết kế thuộc trường phái thời trang tối giản và cả những nhà thiết kế-nghĩ-rằng-mình thuộc trường phái thời trang tối giản. Less is more bị lạm dụng và hiểu sai. Như đã đề cập từ đầu, nếu như không xuất phát từ các điều kiện kinh tế xã hội eo hẹp (như các quy tắc, các rào cản về đạo đức hay kinh tế do các cuộc chiến tranh), Tối Giản tự nó là một trò chơi đòi hỏi chất xám và sự tính toán của những bộ óc thiên tài.

Thời trang tối giản không phải là đoạn tuyệt với trang trí và đính kết, nhưng bất kỳ các chi tiết phụ nào cũng phải xuất phát từ cấu trúc và kết cấu của trang phục. Minimalism trong thời trang là chủ nghĩa tránh xa sự thừa thãi, lôi thôi thuộc về bề mặt. Như Cristobal Balenciaga, NTK nổi tiếng với các thiết kế vô cùng phức tạp trong kết cấu nhưng lại gây ấn tượng bới hiệu ứng tạo nên từ sự tinh giản trong đường nét và chi tiết trang trí bề mặt, đã nói với Hubert Givenchi: “Có nhiều loại bèo nhún khác nhau. Một số rất nhẹ nhàng thanh lịch anh biết đó. Anh phải tìm cách tạo ra thứ bèo nhún thật thông minh”. Ai có thể tạo được thứ bèo nhún đó nếu không mang một tư duy thiết kế thiên tài và đi trước thời đại ngoài Balenciaga?

trang phục thời trang tối giản

Một mẫu thiết kế theo trường phái Minimalism biểu trưng của Cristobal Balenciaga. (Ảnh: Courtesy of Balenciaga)

Pierre Cardin, Andre Courreges và Yves Saint Laurent chính là những cái tên thuộc dòng chảy mới với tư duy thiết kế mang tính tương lai, trước khi người người Nhật mang nó lên một tầm cao mới. Cardin với các thiết kế nằm trong ‘Kỷ Không Gian’ – The Space Age (1968-1969) đã tuyên bố một cuộc cách mạng trong thời trang, mà minimalism đóng một vai trò vô cùng quan trọng: một dòng sản phẩm phóng khoáng, tinh giản mang hiệu ứng thời trang dành cho kỷ nguyên của tương lai. Điều này chính thức khẳng định rằng những chi tiết thêu đính rườm rà là thứ thuộc về sự cầu kỳ vương giả đã lỗi thời của thế hệ trước. Về bản chất, cuộc cách mạng này giống với cuộc cách mạng mà Coco Chanel đã mang đến vào những năm 1920s, mà trọng tâm của nó chính là khái niệm về một người phụ nữ được giải phóng với quần áo phù hợp với phong cách sống cô có quyền chọn cho mình trong thời đại hôm nay.

thời trang tối giản năm 60
 Các thiết kế thuộc Kỷ Không Gian – The Space Age của Pierre Cardin cuối thập niên 60s. (Ảnh: StyleSixties)

Một minh chứng khác cho việc vắt ra ‘more’ từ ‘less’ là cuộc chơi của nhữmg thiên tài thật sự (và để nhìn thấy được giá trị của những tác phẩm thời trang tối giản cũng cần những con mắt và cái đầu tinh tường hơn người). Chính là thời trang Tối Giản của Yves Saint Laurent, đặc biệt là chiếc đầm gây tiếng vang Modrian, lấy theo tên của danh họa Piet Mondrian khi chiếc đầm mô phỏng các bức họa nổi tiếng theo trường phái Destjl của ông, một trong những trường phái tiền đề cho Minimalism giai đoạn 1960s.

Chiếc đầm Modrian là minh chứng không thể rõ ràng hơn rằng thiết kế đơn giản không hề dễ xơi. Sự phức tạp của thiết kế chiếc đầm suông này nằm chính ở họa tiết ngây ngô của nó: những đường ráp nối giữa các mảnh nằm đúng vào ngay các đường biên của các hình chữ nhật. Mỗi mảng màu là một mảnh jersey cắt riêng lẻ được ráp lại với nhau, chiếc đầm được thiết kế sao cho việc thỏa mãn thị giác không thỏa hiệp với sự thoải mái của người mặc. Sự tính toán đại tài trong thiết kế đã làm nên chiếc Modrian dress. Đây cũng là sự kết hợp đầu tiên giữa tối giản trong nghệ thuật và tối giản trong thời trang mà Yves Saint Laurent là người thứ hai làm nên được sự kết hợp giữa hai lĩnh vực này (sau Elsa Schiaparelli với trường phái Siêu Thực Surrealism). Concept vượt lên trên mọi tính cấu trúc và thương mại này đánh dấu một giai đoạn vô cùng quan trọng của thời trang tối giản.

thời trang tối giản ysl

Chiếc đầm Modrian (thời trang tối giản) của Yves Saint Laurent. Với Chiếc đầm Mondrian huyền thoại, YSL là NTK thời trang thứ hai trong lịch sử làm phép
hôn hối nghệ thuật với thời trang. (Ảnh: TheCut)

Trong một issue đặc biệt vào năm 1983, tạp chí Time viết “Nếu như có mười nhà thiết kế vĩ đại nhất thế giới tại thời điểm này, thì ít nhất ba trong số đó là người Nhật”. Vì thế sẽ là một thiếu sót lớn nếu như không nói về chất xám của người Nhật trong cuộc chơi mang tên Tối Giản. Tầm nhìn và tư duy của người Nhật luôn khiến cả thế giới nể phục trong mọi lĩnh vực, và thời trang cũng không ngoại lệ. Sau khi Kenzo Takada gây bão tại Paris, lần lượt những cái tên Issey Miyake, Yohji YamamotoRei Kawakubo tiếp tục khiến thời trang phương Tây ngả mũ trước làn sóng Á Đông mới.

Cả ba tên tuổi người Nhật mang đến thế giới khái niệm về Avant-garde Minimalism, hay trong trường hợp của Kawakubo còn gọi là Deconstruction minimalism – Tối giản tái cấu trúc. Và nếu như các nguyên lý về thời trang tối giản trong thiết kế có thể (phần nào) nhìn thấy được là dù mang sự phức tạp tuyệt đối trong concept và kết cấu nhưng lại vô cùng dễ mặc và sống trong các thiết kế của Miyake và Yamamoto khi chúng không phục vụ mục đích trình diễn và bày trí.

thời trang tối giản comme des garcons

Nhà thiết kế tài năng Rei Kawakubo. (Ảnh: TheCut)

Thiết kế của Rei Kawakubo cho Comme des Garçons lại thử thách hơn. Người ta cho rằng sẽ hợp lý hơn nếu gọi thiết kế của Comme des Garçons thuộc trường phái vị niệm (Conceptual) hơn là tối giản với những chi tiết có vẻ không cần thiết, những tay áo thừa, những cái gù lưng bướu giả trên thân người. Nhưng như đã nói ở trên, nguyên lý của minimalism không phải là trút bỏ càng nhiều càng tốt, nếu đúng là vậy thì rất nhiều người sẽ được gọi là minimalist (như nhiều người vẫn đang nghĩ như thế).

Một trong những nguyên lý trọng tâm của minimalism rất gần với tư tưởng thiết kế của Miyake chính là: quần áo phải phản ánh người mặc hơn là phản ánh bất kỳ một xu hướng nào. Chính điều này đã tạo nguồn cảm hứng cho các thiết kế quần áo tương tác với cơ thể của Yamamoto và Kawakubo đã đẩy trường phái ‘Hiroshima chic’ này tới tận cùng để chạm tới ngưỡng ‘la mode destroy’ – anti-fashion với các thiết kế phi phom dáng.

trường phái thời trang tối giản

Bộ sưu tập gần đây nhất của thương hiệu Comme des Garçons .(Ảnh: Dazed)

Thái độ cự tuyệt một cách kiên quyết sự gợi cảm tầm thường, chú trọng vào biến đổi và tính năng của chất liệu hơn là cơ thể người, một palette màu đơn sắc, và sự kiên định trong việc sử dụng sắc đen, tất cả những điều này đã xếp Kawakubo vào nhóm rất ít các minimalist đúng nghĩa. Chưa nói đến việc Kawakubo bị ảnh hưởng bởi tính giản đơn trong bản chất của phục trang lao động truyền thống của Nhật Bản, sự thanh khiết và cứng rắn trong các công trình kiến trúc tối giản của Le Corbusier và Tadao Ando.

Ảnh hưởng của người Nhật đối với thời trang châu Âu giai đoạn giữa thập niên 80 là không thể chối cãi. Từ đây, việc tư duy thẩm mỹ trút bỏ và tinh giản minimalism bước vào thị trường tiêu dùng của số đông chỉ còn là vấn đề thời gian.

Nhóm thực hiện

Thư Vũ (Nguồn Tạp chí Phái đẹp ELLE/ Hình ảnh: Sưu tầm)

Tham khảo từ các nguồn: ”Pictures Of Nothing” – Vandernoe ”Less is more: minimalism in fashion” – Harriet Walker”Buddha mind in contemporary art” – Jacquelyyn Baas

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more