Khám phá cuộc đời của Lovelace – Nữ lập trình viên máy tính đầu tiên trên thế giới

Đăng ngày:

Nữ toán học gia tài năng Ada Lovelace đã đặt nền móng cho công việc lập trình viên máy tính – nghề nghiệp mà ngày nay người ta vẫn thường mặc định là dành cho nam giới.

Chương trình mà cô từng viết cho Máy Phân Tích dùng vào việc tính số thứ bảy Bernoulli (số Bernoulli được đặt tên theo nhà toán học người Thuỵ Sĩ Jacob Bernoulli và được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau của toán học). Nhưng ảnh hưởng sâu sắc hơn của Ada Lovelace chính là việc nhìn thấy trước tiềm năng của máy tính.

Đáng kinh ngạc là ngay trong những thập niên đầu của thế kỷ 19, Lovelace đã nghĩ đến một chiếc máy vượt xa cả việc tính toán con số thông thường, nó có thể hiểu được các biểu tượng và được dùng để tạo ra âm nhạc hay nghệ thuật.

Bức họa Ada Lovelace năm 1836.

Walter Isaacson đã viết trong cuốn sách Những người sáng tạo của ông rằng: “Cái nhìn sâu sắc này sẽ trở thành khái niệm cốt lõi của thời đại kỹ thuật số. Bất cứ nội dung, dữ liệu, thông tin hay âm nhạc, văn bản, hình ảnh, số, biểu tượng, âm thanh, đoạn phim đều có thể thể hiện dưới dạng số và thao tác bằng máy”.

Lovelace cũng khám phá sự phân chia về những gì máy tính có thể làm, đồng thời viết về trách nhiệm đặt lên người lập trình máy tính. Cô cũng là người cho rằng các máy tính một ngày nào đó có thể tự suy nghĩ và tự tạo ra mọi thứ – những gì mà hiện tại chúng ta gọi là trí tuệ nhân tạo – nhưng sau đó lại bác bỏ ý kiến này: “Máy Phân Tích không thể có bất kỳ sự giả dối nào dù nó tạo ra điều gì. Nó chỉ có thể làm bất cứ điều gì mà chúng ta biết cách thực hiện”.

Tác phẩm của cô, được tái khám phá vào giữa thế kỷ 20 và trở thành nguồn cảm hứng để Bộ Quốc phòng đặt tên cho một ngôn ngữ lập trình theo tên cô. Bắt đầu từ năm 2009, người ta lấy ngày Thứ Ba thứ hai của tháng 10 làm ngày Ada Lovelace – ngày tôn vinh những thành tựu của phụ nữ trong lĩnh vực “khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học” (STEM).

Lovelace sống vào thời đại mà phụ nữ không được coi là những nhà tư tưởng khoa học nổi bật và những kỹ năng mà cô sở hữu thường được mô tả là chỉ dành cho nam giới.

Bức chân dung Lovelace do họa sĩ A. E. Chalon vẽ đã được sử dụng cho Sáng kiến Ada – một dự án hỗ trợ công nghệ mở và phụ nữ.

“Với một sự hiểu biết tường tận mang nét nam tính và vững chắc, khả năng nắm bắt nhanh chóng và sự kiên định, Lady Lovelace đã có tất cả sự tinh tế của nhân vật nữ khôn khéo nhất” – phó tổng biên tập của tờ The London Examiner bày tỏ suy nghĩ.

Ursula Martin – một nhà khoa học máy tính tại Đại học Oxford, đã nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Lovelace. Ông cho biết các nhà nghiên cứu đã xem nó như một “tài liệu phi thường”: “Cô ấy nói về các nguyên lý trừu tượng của sự tính toán, cách lập trình nó và cả những ý tưởng lớn như là nó có thể sáng tác nhạc hay có thể suy nghĩ nữa”.

Một trong hai bức ảnh của Ada, được chụp bởi Antoine Claudet vào thời gian cô ấy đã tạo ra “Ghi chú” của mình về máy tính.

Ada Lovelace qua đời chưa đầy một thập kỷ sau công trình nghiên cứu của mình ở tuổi 36, vào ngày 27 tháng 11 năm 1852 vì căn bệnh ung thư tử cung. Có thể nói, Lovelace thực sự là một minh chứng cho việc phụ nữ hoàn toàn có năng lực trong ngành công nghệ – nơi mà hiện tại họ đang bị đánh giá quá thấp và có rất ít cơ hội. Việc công nhận nữ toán học gia tài ba này là lập trình viên đầu tiên trên thế giới đã truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ theo đuổi đam mê trong lĩnh vực STEM.

máy tính

Bảng xanh tưởng nhớ công lao của Lovelace tại quảng trường St. James, London.

Xem thêm:

Làm thế nào để được mời đến đám cưới Hoàng gia Anh?

Stephen Hawking và Jane Wilde – Bản tình ca không trọn vẹn

Nhóm thực hiện

Lâm An (Theo Tạp chí phái đẹp ELLE/ NYTimes)

Ảnh: NYTimes, Wikipedia

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more