[Giải độc tâm trí P3] Cuộc sống lắm muộn phiền! Hãy nói ra còn hơn đơn độc

Đăng ngày:

Giải độc tâm trí là một chương trình bổ ích và thiết thực, giúp cộng đồng có thể dễ dàng trải lòng mình và xua tan đi những lo âu, căng thẳng đang bị đèn nén trong lòng.

Lam Hạ – nữ copywriter hiện đang làm việc tại một agency lớn ở miền Bắc. Chị đã có hai con, bé trai 3,5 tuổi và bé gái 1,5 tuổi. Hiện tại, chị đang có một cuộc sống rất tốt. Vậy nhưng, 10 năm trước đây là một khoảng thời gian tồi tệ và vô cùng khó khăn khi chị rơi vào trạng thái trầm cảm nặng nề. Chương trình Giải độc tâm trí đã đồng hành cùng chị suốt thời gian đó. Cuộc trò chuyện với Lam Hạ – một người đã vượt qua trạng thái tồi tệ nhất về tinh thần sẽ hé mở cho chúng ta nhiều điều, tiếp cho chúng ta thêm sức mạnh để đối diện với vấn đề của chính mình (nếu có) cũng như giúp những người xung quanh không đơn độc khi gặp phải những rối loạn tinh thần.

Chị có sẵn sàng chia sẻ cùng chúng tôi về quãng thời gian khó khăn của mình không?

Khi ngồi trò chuyện cùng bạn là tôi đã không ngại ngần chia sẻ câu chuyện của mình rồi. Tôi nghĩ chia sẻ không phải là cách tôi kể lể mà chỉ mong những người có nỗi đau về tinh thần như mình sẽ biết cách sẻ chia, nói ra để không đơn độc như tôi của thời gian ấy. Chuyện về rối nhiễu tâm lý của tôi xảy ra khoảng 10 năm trước, khi đang học lớp 12. Vì áp lực thi cử, học tập cộng thêm việc gia đình vào thời điểm đó bị phá sản. Tôi có một em trai nhỏ hơn mình 10 tuổi. Năm đó, mẹ tôi đã không giữ được bình tĩnh trước những mất mát của gia đình nên bà đã có rất nhiều hành động tiêu cực. Bố tôi ốm đau quanh năm nên gần như không thể trông cậy vào ông. Lúc đó ngoài việc học ở trường, tôi phải chăm sóc cả em trai còn bé, mẹ hoảng loạn tinh thần, đối mặt với các chủ nợ và những lời đe dọa hàng ngày. Vấn đề tệ nhất là tôi không hề thấy có một lối thoát nào. Tôi không biết sẽ phải làm gì để đủ chi phí sống qua ngày chứ chưa nói đến những chuyện xa xôi. Không phải ai gặp khó khăn cũng sẽ trầm cảm. Do từ nhỏ tôi đã sống khép kín, không thích kết giao bạn bè. Vì vậy, khi gặp những chuyện căng thẳng, tôi hoàn toàn không nói với ai, không nhận được sự chia sẻ, lời khuyên hoặc sự giúp đỡ từ ai. Nhiều ngày như vậy khiến tôi lo lắng kéo dài. Suốt một năm cứ sống trong tình trạng kiệt quệ cả thể chất và tinh thần khiến mình trầm cảm.

giải độc tâm trí 9

Trải nghiệm về trầm cảm sẽ khiến ta như thế nào?

Trải nghiệm về trầm cảm giống như việc khi bị đau quá thì cơ thể sẽ không cảm nhận vết thương nữa. Khi hoảng loạn và tuyệt vọng, tôi cảm thấy vô cùng cô độc. Tôi không có hy vọng vào tương lai, không có niềm tin, không có niềm vui, cũng không cảm thấy buồn, chỉ đơn giản là rất trống rỗng. Ban đầu khi rối nhiễu tâm lý còn nhẹ, thì chỉ là cảm giác chán chường, làm mọi thứ gượng ép, dần dần những biểu hiện trầm cảm rõ rệt hơn như trở nên khó ngủ. Tôi gần như không thể ngủ được trong nhiều ngày, bắt đầu cảm thấy tức giận với tất cả những thứ bình thường, bị đau thắt vùng ngực, khó thở. Tôi đi lên hoặc xuống cầu thang cũng cảm thấy kiệt sức, ghét ánh sáng mặt trời, ghét phải nói chuyện. Thậm chí nhiều lúc tôi không nói được, như có thứ gì đó chặn ngang họng. Tôi bắt đầu bỏ bê chính bản thân, thường xuyên ăn quá nhiều đồ ăn vặt và nằm ở một góc tối, không ra ngoài. Ở giai đoạn nặng hơn thì lo sợ không có lý do, tim đập nhanh, vã mồ hôi và sợ hãi. Tôi thường xuyên nghĩ xem nên chết theo cách gì, uống thuốc ngủ hay ngộ độc rượu…

giải độc tâm trí 9

Vậy chị đã vượt qua giai đoạn tồi tệ ấy thế nào, có ai giúp sức chị không?

Tôi may mắn quen và gặp một người mà sau này là chồng mình, từ đó cuộc sống của tôi đã có rất nhiều thay đổi. Cách đây 10 năm, thậm chí tôi không biết cảm giác của mình trải qua là trầm cảm, chỉ đơn giản là chán sống. Thời gian quen anh, anh đã mạnh dạn chia sẻ rằng tôi có vấn đề về tâm lý và ngỏ ý muốn đưa tôi đi khám thần kinh. Khi ấy, tôi còn nổi khùng lên nói rằng anh coi tôi bị điên và rất ghét khi nhắc đến việc đi khám hoặc điều trị tâm lý.

Chồng tôi là người vô cùng kiên nhẫn. Anh đã chịu đựng tất cả những sự giận dữ vô cớ. Bắt đầu là giúp tôi tìm lại những niềm vui nho nhỏ, sau đó là giúp tôi quay trở lại việc học, việc làm và ổn định cuộc sống. Ngoài ra cũng có thể là do quá may mắn nên tôi có rất nhiều bạn bè tốt. Họ đã giúp đỡ tôi rất nhiều chuyện từ tâm tình đến tiền bạc, công việc. Do đó cuộc sống của tôi đã thay đổi hoàn toàn so với trước đây dù thời điểm đó tôi không trải qua bất cứ trị liệu về tâm lý nào.

Vậy gần đây, vì sao chị lại đăng ký tham gia các sự kiện do Mind Detox – Giải độc tâm trí tổ chức?

Tôi biết đến dự án Giải độc tâm trí cách đây hơn một năm. Tôi tham gia vì thời gian đó mới sinh bé thứ hai và cũng bị trầm cảm nhẹ sau sinh. Người đã mắc bệnh trầm cảm thì thường có tỷ lệ tái phát khá cao. Cuộc sống sau khi bé thứ hai đã khiến tôi gặp nhiều áp lực và căng thẳng. Thời gian đầu bắt đầu tham gia Giải độc tâm trí là vì chồng tôi khuyên nên tìm một niềm vui để đi ra ngoài thay vì chỉ ở nhà với con 24/24, điều đó sẽ khiến tình trạng của tôi tệ hơn. Biết đến Giải độc tâm trí và mục đích của dự án, tôi đã tham gia.

Những trải nghiệm mà chị ấn tượng nhất là gì?

Trải nghiệm tuyệt vời nhất mà Giải độc tâm trí đem lại là tôi có thêm bạn bè, được gặp gỡ chuyên gia tâm lý. Có nhiều vấn đề trước kia từng mắc phải nhưng tôi rất mơ hồ và không hiểu nguyên do hay phải xử lý thế nào. Tham gia Giải độc tâm trí, tôi mới biết nó là vấn đề gì, nặng hay nhẹ, cách đối mặt với nó ra sao. Khi chồng đề cập đến việc thăm khám tâm lý, tôi không còn tức giận và nổi điên như trước, vì tôi hiểu là mình cũng cần giúp đỡ. Ngoài ra, nhờ Giải độc tâm trí, tôi sẵn sàng chia sẻ vấn đề, đối diện với cảm xúc chứ không giấu giếm, không giữ lại trong lòng.

giải độc tâm trí 10

Lời khuyên để vượt qua nỗi đau của chính mình là gì?

Bản thân tôi không có lời khuyên nào vì mỗi cơ thể sẽ đòi hỏi một liệu pháp trị liệu khác nhau. Tuy nhiên, chị Thủy – một chuyên gia tâm lý trong mạng lưới chuyên gia của Mind Detox từng khuyên tôi rằng: Công nhận vấn đề của người bị rối nhiễu nghe có vẻ rất vô lý. Hãy để họ bộc bạch toàn bộ câu chuyện, góc nhìn, suy tư của họ. Việc khó tiếp theo là cùng họ vận động thể chất như các bài tập thở, bài tập đi bộ. Đối với việc trị liệu tâm lý, vận động được nghĩa là thành công hơn một nửa rồi.

Chị duy trì cuộc sống tích cực bằng những hoạt động gì?

Cuộc sống hiện tại của tôi khá ổn. Tuy nhiên, đôi khi tôi cũng hơi nhạy cảm hoặc hoảng loạn. Điều quan trọng nhất để duy trì mặt tích cực là chồng tôi luôn quan tâm, để mắt đến vấn đề của tôi. Tôi có thời gian chia sẻ, tìm kiếm niềm vui của chính mình với bạn bè, tách rời khỏi những trách nhiệm hàng ngày như gia đình, con cái. Tôi có không gian riêng tư cho những việc tưởng như chỉ khi độc thân mới làm được như đi chơi riêng với bạn, hay tham gia một câu lạc bộ nào đó…

Xem thêm:

Bạn có đang bỏ lỡ những dấu hiệu bệnh trầm cảm?

Ích lợi không thể ngờ của bệnh trầm cảm trong tình yêu

Nhóm thực hiện

Thực hiện: Ngọc Anh

Ảnh: Tư liệu

Thiết kế hình ảnh: Quân Nguyễn

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more