5 thách thức lớn thị trường thời trang Trung Quốc đang gặp phải

Đăng ngày:

Khi các thương hiệu thời trang đình đám trên thế giới đang tìm mọi cách thâm nhập thị trường thời trang Trung Quốc, những thương hiệu bản địa cũng đang thiết lập nhiều phương cách để chống đỡ cuộc “ngoại xâm” đến từ phương Tây.

Vào ngày 18/ 4 vừa qua, tập đoàn “Global Fashion Innovation” – chủ sở hữu của website mua sắm thời trang xa xỉ Luxe.co đã tổ chức một buổi hội thảo kinh tế thu hút hàng trăm doanh nhân, nhà đầu tư thời trang và các nhà thiết kế nổi danh tề tựu tại thủ đô Bắc Kinh.

Nội dung của buổi hội thảo này đã chỉ ra những biến đổi đáng ghi nhận của ngành thời trang tại quốc gia này, xu hướng tiêu dùng của khách hàng và quan trọng nhất là cách các thương hiệu nội địa không để các thương hiệu phương Tây dành chiến thắng trong cuộc chiến dành thị trường mua sắm tại Trung Quốc.

1. Những thương hiệu xa xỉ Trung Quốc sẽ vươn mình ra biển lớn để…

Sự bất đồng về ngôn ngữ truyền tải, quan điểm khác biệt về phong tục tập quán là điều khiến cho các thương hiệu thời trang cao cấp ở phương Tây vẫn không thể làm cho số đông người tiêu dùng tại đất nước đông dân nhất thế giới này hoàn toàn cảm thấy hài lòng. Đây là lợi thế lớn nhất của các thương hiệu bản địa trong việc chống lại cuộc “ngoại xâm”.

Hầu hết các chuyên gia đều nhận định rằng, sẽ có nhiều thương hiệu nổi bật tại thị trường Trung Quốc có đủ tiềm lực để giữ vững thế cân bằng giữa mặt hàng nội địa và quốc tế. Thời trang là công cụ sắc bén để truyền tải sự tinh tế của nền văn hóa. Phương cách để thu hút khách hàng tiêu thụ mặt hàng trong nước đông đảo, không gì hơn là truyền tải nét đẹp của văn hóa Trung Hoa. Phải khiến cho nét đẹp văn hóa này được công nhận rộng khắp trên thị trường quốc tế, nhờ đó củng cố sự ưu ái và xứng tầm của các thương hiệu bản địa trong mắt người tiêu dùng Trung Quốc.

Nhà thiết kế thời trang cao cấp Grace Chen chia sẻ về vấn đề này: “Một nhà thiết kế Pháp liệu sẽ phải hỏi rằng những yếu tố nào đã tạo nên dấu ấn của thời trang Pháp? Dĩ nhiên là không bởi dấu ấn của thời trang Pháp vốn dĩ đã được công nhận trên toàn cầu”.

Chính vì lẽ đó, nhiệm vụ của các NTK Trung Hoa là tìm những yếu tố văn hóa nổi bật và dễ nhận biết nhất của Trung Hoa và truyền tải nó vào trong trang phục để kết nối được với cả khách hàng trong và ngoài nước.

Guo Pei là một NTK đã thành công trong việc truyền bá, lồng ghép yếu tố văn hóa Trung Hoa vào các thiết kế của mình và nhận được sự công nhận của số đông. Trong ảnh là nữ ca sĩ Rihanna trong trang phục của Guo Pei khi đến tham dự thảm đỏ của triển lãm thời trang Met Gala 2015 (ảnh: Getty)

2. Thiếu hụt sự sáng tạo là một rào cản lớn

Lượng tiêu thụ sản phẩm thời trang theo phong cách đường phố đã tăng gấp 3,7 lần so với những phong cách thời trang khác trong giai đoạn từ 2015 đến 2017. Sự phổ biến này phần lớn nhờ vào những chương trình truyền hình TV liên tục quảng bá xu hướng này. Thời trang đường phố và giày sneakers trở thành một sự đầu tư đáng tiền tại thị trường Trung Quốc.

Những chuyên gia đầu ngành thì có quan điểm khác hẳn, những thương hiệu thời trang đường phố đang cùng phạm phải một lỗi lớn, tạo điều kiện cho các thương hiệu thời trang phương Tây chiếm lĩnh. Sam Ren – nhà sáng lập thương hiệu thời trang đường phố SMFK chia sẻ nhận thức của ông về vấn đề này: “Có quá nhiều những thương hiệu bản địa đang có cùng một hành vi là thiết kế nên những chiếc áo thun đơn điệu khi theo đuổi phong cách thời trang đường phố”. Ông cũng tin rằng lí do mà các thương hiệu thời trang Trung Quốc khó lòng có thể theo kịp những thương hiệu khác trong việc phát triển thị trường mua sắm như Mỹ, Pháp, Nhật là bởi thiếu hụt sự sáng tạo của những người đứng đằng sau thương hiệu.

Những người trẻ tại Trung Quốc trở nên năng động hơn trong việc tìm kiếm nhiều sự lựa chọn đa dạng hơn trong sự nghiệp và cuộc sống. Chính bởi lẽ đó mà phong cách thời trang cá nhân cũng được đầu tư và cần đến sự khác biệt, giúp thể hiện bản sắc cá nhân tốt hơn.

Sự thiếu hụt sáng tạo trong phong cách thiết kế thời trang đường phố là một trở ngại. (ảnh: fizzymag)

3. Những cái bắt tay đầy hứa hẹn

Wang Qiong, giám đốc thời trang của website kinh doanh mặt hàng thời trang Luxe.co nhận đình rằng có nhiều thương hiệu thời trang đại chúng đang tìm kiếm đối tác là các nhà thiết kế nổi danh.

Đối với các thương hiệu thời trang đại chúng, trải qua thời gian thì rào cản lớn nhất kiềm hãm sự phát triển thêm hơn của các thương hiệu này không phải là sản phẩm mà là hình ảnh thương hiệu của họ.

Họ thường xuyên muốn cải thiện hình ảnh của thương hiệu sao cho bắt mắt nhất, cộng hưởng với nội dung tiếp thị hay ho, đáng tin cậy, nhưng họ lại không thể thành công khi tự mình làm điều đó. Hiển nhiên, họ phải đi tìm sự trợ giúp từ các nhà thiết kế nổi danh để làm việc cho thương hiệu. Qiang nói rằng đây là một mô hình phát triển ở phương Tây, đem lại lợi ích cho cả đôi bên gồm thương hiệu thời trang đại chúng lẫn nhà thiết kế,

Trào lưu kết hợp (collab) không chỉ phổ biến ở phương Tây mà được dự đoán sẽ phát triển mạnh mẽ tại thị trường thời trang Trung Quốc. (ảnh: scmp)

4. Ứng dụng cho thuê trang phục cao cấp là một sáng kiến nổi bật tại thị trường Trung Quốc

Với nền kinh tế chia sẻ, tiêu dùng cộng tác đang trở thành một trào lưu phổ biến hiện nay, đem đến tiện ích tối ưu cho các khách hàng trẻ tuổi có được tiện nghi trong mua sắm trong thời đại kỹ thuật số. Theo những nghiên cứu mới nhất của Nielsen 94% khách hàng sẳn lòng tham gia vào các cộng đồng chia sẻ, lớn hơn nhiều số với con số 42% tại Mỹ.

Việc các ứng dụng online giúp khách hàng có thể thuê những mặt hàng thời trang cao cấp như Rent the Runway, Y-Closet hay trang web thương mai trực tuyến chuyên kinh doanh mặt hàng secondhand – Plum đang nhận được sự ủng hộ từ khách hàng chính là bằng chứng thuyết phục cho nhận định này.

Nhà sáng lập Alibaba – Jack Ma vừa đây đã đầu tư 20 triệu mỹ kim vào ứng dụng Rent The Runway để mở đường cho nó được mở rộng phạm vi hoạt động rộng khắp châu Á chính là một động thái quyết liệt cho thấy tầm nhìn của các nhà đầu tư. Nhiều tỉ phú, nhà đầu tư nổi danh khác tại thị trường Trung Quốc cũng nhận thấy tiềm năng của những ứng dụng như Armarium và Flont – hai ứng dụng cho thuê những trang phục runway cao cấp của các thương hiệu danh tiếng lẫn trang sức đắt tiền.

Y-Closet là một ứng dụng cho thuê trang phục thời trang cao cấp phổ biến tại thị trường Trung Quốc (ảnh: Y-Closet)

5. Hệ thống cung ứng kỹ thuật số sẽ là ưu tiên hàng đầu

Để đối diện với áp lực ngày càng tăng về chi phí vận hành, nhiều thương hiệu Trung Quốc đã chuyển sang tiện ích về kỹ thuật số để cải thiện quy trình thiết kế, sản xuất và chuỗi cung ứng sản phẩm đến khách hàng của họ.

Liu Chen là nhà sáng lập của Linctex – một tập đoàn kinh doanh thời trang chia sẻ quan niệm của mình về việc hoàn thiện nền tảng kỹ thuật số trong việc giao thương chính là tương lai. Cô nhấn mạnh rằng giao thương kỹ thuật số sẽ giúp cho thời trang tăng trưởng mạnh mẽ hơn so với các cách thức giao thương truyền thông đã trở nên cũ kỹ trong giai đoạn 20 năm qua. Trong thời đại kinh doanh mặt hàng bán lẻ hiện đại, nhiều thương hiệu thời trang Trung Quốc đã dần chuyển giao và thay thế các phương thức cung ứng sản phẩm để khách hàng có được tiện ích tối đa trong việc mua sắm, đặc biệt là việc giao thương trên nền tảng kỹ thuật số.

Giao thương trực tuyến tại thị trường thời trang Trung Quốc chính là thứ công cụ đem lại lợi nhuận hàng đầu cho toàn ngành thời trang. (ảnh: eventbrite)

Xem thêm:

Công nghệ thời trang hiện đại đã có những đột phá như thế nào?

Sự lên ngôi của thời trang Hồi Giáo – Modest Clothing và mối liên can tới vấn nạn xâm hại tình dục.

Nhóm thực hiện

Fellini Rose (Nguồn Tạp chí Phái đẹp ELLE/ Hình ảnh: tổng hợp)

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more