Quách Thái Công – Sự trở về lộng lẫy

Đăng ngày:

Hơn 30 năm sống và làm việc ở Đức, đứng trong hàng ngũ những nhà thiết kế tên tuổi, Thái Công từng thổ lộ: “Một ngày nào đó, tôi muốn trở về phục vụ khách hàng Việt, tạo những mẫu thiết kế nội thất ấn tượng trên quê hương Việt”. Và ngày đó đã đến.

Chủ nhà Thái Công trên chiếc sofa yêu thích, một sản phẩm làm tay từ Pháp. Các bức vẽ deco trên tường mang phong cách Mỹ hòa cùng đồ nội thất Pháp.

Chủ nhà Thái Công trên chiếc sofa yêu thích, một sản phẩm làm tay từ Pháp. Các bức vẽ deco trên tường mang phong cách Mỹ hòa cùng đồ nội thất Pháp.

Ở Đức, ngoài công việc thiết kế, Thái Công thường tư vấn cho khách hàng làm thế nào để trang trí một ngôi nhà trở thành hoàn hảo. Thái Công chia sẻ: “Điều quan trọng trong việc thiết kế nhà cửa là làm sao mỗi căn phòng đều ẩn chứa một câu chuyện của riêng mình, phải chạm đến cảm xúc của con người là mục tiêu hàng đầu”. Nhìn vào những không gian mà Thái Công từng thiết kế, người ta thấy ở đó những mảng miếng của không gian mang tính đa năng, thanh lịch, cách tân và giữ được tinh thần của thời gian trong mỗi thiết kế dù lớn hay nhỏ. Tiêu chí luôn được anh lựa chọn là cố gắng làm hài lòng khách hàng đến từng chi tiết nhỏ nhất.

Với tinh thần thiết kế đó, ngôi nhà của Thái Công cũng đã kể một câu chuyện rất riêng, cái riêng của người chủ nhân với con mắt nhà nghề và thị hiếu thẩm mỹ tinh tế.

 

Phòng khách pha trộn phong cách mang dấu ấn 2 thời kì thuộc Pháp và Mỹ, đôi ghế Elda đặc trưng thời Mỹ trước 1975 của nhà thiết kế Joe Colombo. Các cửa được mở rộng terrace bên hông toà nhà.

Phòng khách pha trộn phong cách mang dấu ấn 2 thời kì thuộc Pháp và Mỹ, đôi ghế Elda đặc trưng thời Mỹ trước 1975 của nhà thiết kế Joe Colombo. Các cửa được mở rộng terrace bên hông toà nhà.

Anh đã rất cẩn trọng trong từng chi tiết, đường nét trong suốt quá trình phục dựng vẻ đẹp nguyên mẫu của ngôi nhà, từ cách anh làm lại tất cả các cánh cửa đã bị thay đổi qua nhiều đời chủ nhà khác nhau dựa trên những cánh cửa gốc còn sót lại, đến việc nền nhà được lát gỗ bản lớn, kiểu sàn gỗ của những biệt thự Pháp xưa, hay cách anh phối kết một cách tinh tế những diềm trần, gờ chỉ theo mẫu của kiến trúc những năm 1920. Không thể không nhắc đến nội thất của phòng khách này, nơi anh đã dành sự chăm chút rất lớn cho từng chi tiết, từng món đồ trang trí hay thảm trải sàn. Từ những chiếc bàn góc được làm thủ công, mạ vàng 18 carat được sản xuất cùng thời với ngôi nhà, đến chiếc bàn nước hay ghế sofa có kiểu được thiết kế vào những năm 1960-1970 vốn đã trở thành những biểu tượng nội thất, hay điểm nhấn của cả gian phòng là chiếc đèn Baccarat được đặt vào một cách trang nhã.

Có thể thấy, điểm dễ nhận trong mỗi thiết kế của Thái Công chính là sự hòa trộn của hai nền văn hoá Á – Âu, với những không gian được sử dụng các gam màu đa dạng, kết hợp với sản phẩm thiết kế mang tính thủ công, cùng lối thể hiện đường nét, sắp đặt bố cục với mảng miếng hiện đại, tạo điểm nhấn cảm xúc.

Vị trí đặc biệt của ngôi nhà, cộng với giá trị lịch sử của nó, chính là một trong những lý do anh chọn để dựng lên cho mình “một nơi chốn đi về”. Bởi theo anh, thật khó để có thể tìm thấy được ở những ngôi nhà mới xây, dù là theo lối kiến trúc nào và ở đâu tại Sài Gòn, một vẻ đẹp hoàn hảo và trường tồn như những ngôi biệt thự kiểu Colonial nguyên thủy. Vị thế khiêm nhường của một ngôi nhà trong hẻm, với khoảng lùi lý tưởng giúp anh có được một “góc chiêm ngưỡng” trọn vẹn, đầy đủ hơn nếu so với những ngôi biệt thự nằm ngay trên mặt phố.

 

Trong không gian kiến trúc đậm chất Đông Dương, những món đồ nội thất anh chọn để đặt vào đó đã tái hiện một quãng lịch sử xuyên suốt mà ngôi nhà đã từng trải qua.

Trong không gian kiến trúc đậm chất Đông Dương, những món đồ nội thất anh chọn để đặt vào đó đã tái hiện một quãng lịch sử xuyên suốt mà ngôi nhà đã từng trải qua.

Hành lang với toàn bộ tường ốp gỗ, gương của công ty Baker danh tiếng. Đèn trùm từ Pháp với pha lê và đồng đen.

Hành lang với toàn bộ tường ốp gỗ, gương của công ty Baker danh tiếng. Đèn trùm từ Pháp với pha lê và đồng đen.

Với ý tưởng biến ngôi nhà thành một kiểu nhà nghỉ miền Nam nước Pháp, tuy nhiên trên tinh thần tôn trọng kiểu thức nguyên mẫu của ngôi nhà, anh đã không cố gán ghép vào đây một kiểu sảnh đón như các biệt thự ở Pháp quốc, mà tôn tạo hành lang có sẵn để biến nó thành một không gian trung tâm kết nối toàn bộ các khu vực khác của ngôi nhà, với một phòng khách rộng rãi bên tay phải, một thư phòng ấm cúng bên trái, cầu thang gỗ dẫn lên tầng lầu và kết thúc hành lang, nơi ánh mắt khách thăm được chào đón bằng một gian bếp mở ra không gian hồ bơi. Chạy dọc suốt chiều dài của hành lang, bên phải là phòng khách và phòng ăn kết hợp chung trong một, và từ phòng khách này có thể bước tiếp ra khu vực bar và lounge ngoài trời.

Nhóm thực hiện

Thực hiện: Lê Duy Linh – Nguyễn Đình

Hình ảnh: Tường Huy

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more