Metiseko – Lối sống và văn hóa Việt trong thời trang bền vững

Đăng ngày:

ELLE Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn với những người tạo nên Metiseko, thương hiệu thời trang theo lối bền vững với những yếu tố văn hóa bản sắc Việt Nam.

Erwan Perzo  – doanh nhân người Pháp, năm nay 30 tuổi – là người sáng lập lên thương hiệu Metiseko cùng với người vợ của mình, Florence Mussou. Metiseko là một dự án được ươm mầm từ những ngày anh còn đang học năm cuối đại học tại thành phố Lyon (đông nam nước Pháp). Sau 8 năm, Metiseko phát triển theo nền tảng bền vững lấy cảm hứng từ chính đất nước Việt Nam giàu bản sắc văn hóa. ELLE Việt Nam đã có buổi trò chuyện cùng doanh nhân Erwan Perzo và giám đốc sáng tạo của Metiseko, chị Andrea Charles.

Anh chị có thể giới thiệu đôi chút về Metiseko, thương hiệu thời trang bền vững 8 năm tuổi của mình?

Erwan: Metiseko là một thương hiệu thời trang ứng dụng cho cả nam và nữ. Tên gọi của Metiseko được ghép từ Métisser – trong tiếng Pháp để chỉ người lai hai dòng máu và Eko – hệ sinh thái, viết tắt của từ Ecology trong tiếng Anh. Điểm mạnh của thương hiệu là thiết kế hoa văn.

Andrea: Metiseko có đội ngũ thiết kế là người Pháp. Tôi và Florence là những người bạn học chuyên ngành thiết kế họa tiết tại Paris. Bên cạnh đó chúng tôi còn làm việc với những người nghệ nhân bản địa (chủ yếu ở Hội An) để tạo ra những mẫu thiết kế thủ công có giá trị sử dụng dài lâu, đặc sắc và có giá trị tinh thần hơn. Ngoài thời trang, Metiseko còn thiết kế cả phụ kiện, trang sức và nội thất gia đình.

Erwan Perzo – người sáng lập Metiseko và vợ anh – Florence Mussou.

Metiseko

Erwan Perzo và Andrea Charles – giám đốc sáng tạo của thương hiệu Metiseko trong lễ khai trương cửa hàng mới.

Tại sao anh lại chọn giá trị bền vững của thời trang là yếu tố cốt lõi của việc kinh doanh?

Erwan: Là một người trẻ được hưởng thụ nền giáo dục và văn hóa cấp tiến, tôi được dạy phải biết gìn giữ và bảo vệ môi trường sống từ lúc còn bé. Về mặt đạo đức, tôi nhận thức được tầm quan trọng trong việc phải đối xử công bằng và tôn trọng công sức những người lao động.

Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi rất tự hào về giá trị bền vững mà Metiseko luôn cố gắng đeo đuổi. Tuy thế nhưng chúng tôi không đặt cái niềm tự hào đó vào trong chiến lược bán hàng của mình. Bạn sẽ không bao giờ thấy một chiến dịch quảng cáo tuyên truyền rằng Metiseko “xanh” như thế nào. Bạn sẽ tự biết nếu như bạn quan tâm. Tính bền vững là giá trị cốt lõi, không phải là nhân diện của thương hiệu. Chúng tôi tập trung vào việc sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao, có tính thẩm mỹ và giá cả phù hợp với sức mua của người tiêu dùng và đó mới chính là điều mà chúng tôi muốn người tiêu dùng biết đến. Dĩ nhiên, nếu người tiêu dùng cũng trân trọng những giá trị bền vững mà Metiseko theo đuổi, điều đó thực sự rất tuyệt vời.

Metiseko

 BST Xuân – Hè 2018 của Metiseko – RED DAO (Ảnh: Boris Zuliani/NOI PICTURES)

Những khó khăn thực tiễn nào mà Metiseko gặp phải trong quá trình vận hành một thương hiệu thời trang bền vững ở Việt Nam?

ErwanVấn đề khó khăn nhất đó là nguồn cung ứng chất liệu. Ví dụ như chất liệu cotton được nhập khẩu từ Ấn Độ, từ công đoạn nuôi trồng đến lúc dệt sợi thành vải, tất cả mọi thứ đều phải tuân thủ những quy chuẩn về đảm bảo môi trường, sức khỏe lao động và an sinh xã hội. Từng vấn đề đều phải được tiến hành kỹ lưỡng để đảm bảo rằng mọi thứ đều đạt chuẩn. Chúng tôi phải mất rất nhiều tâm sức để tìm và đầu tư vào những đối tác bạn hàng uy tín; đây là điều bắt buộc.

Anh chị nhận định Metiseko là một thương hiệu thiết kế hoa văn thay vì là thời trang. Điều này có ảnh hưởng hay tạo sự khác biệt gì trong việc kinh doanh? Kỹ thuật nào được áp dụng trong việc in họa tiết lên trang phục?

ErwanMetiseko không chỉ giới hạn là một thương hiệu thời trang không thôi, mà nó còn là một cửa hàng concept và phong cách sống. Như đã chia sẻ, DNA của Metiseko không nhấn mạnh về mảng thiết kế thời trang, mà là thiết kế họa tiết. Với chất liệu vải cao cấp và họa tiết in do đội ngũ thiết kế sáng tạo ra, chúng tôi có thể biến nó trở thành ga trải giường, chăn gối, quần áo, phụ kiện… không có bất kỳ một giới hạn nào có thể đóng khung được sự phát triển của Metiseko. Những họa tiết hoa văn sẽ kể những câu chuyện của chính chúng. Chúng tôi muốn rằng khi khách hàng đến với cửa hàng, họ sẽ tìm thấy được nhiều hơn chỉ là quần áo, cũng như sẽ cảm thấy thân tình và gắn kết với những họa tiết hoa văn được lấy cảm hứng từ vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam.

Andrea: Kỹ thuật được áp dụng để in chất liệu vải được gọi là Hand Screen Printing (Một kỹ thuật in lưới bằng tay thường được sử dụng để in họa tiết trên chất liệu lụa). Nguyên liệu mực để sử dụng trong quá trình in ấn hoàn toàn không gây tổn hại đến môi trường hay sức khỏe người lao động.

Bằng cách nào mà Metiseko lại muốn dung hòa hai nền văn hóa Đông và Tây trong các mẫu thiết kế của mình?

Andrea: Cảm hứng đằng sau mỗi một thiết kế hoa văn được tìm thấy ở phương Đông, cụ thể hơn là Việt Nam, từ những điều bình dị trong cuộc sống thường nhật, đến vẻ đẹp trù phú của thiên nhiên nơi đây. Cảm hứng tìm thấy được dung hòa cùng với ý niệm thiết kế và phong cách tạo hình của phương Đông. Điều đó có nghĩa là chúng tôi luôn cập nhật những xu hướng về thời trang, phong cách sống mới nhất ở phương Tây và kết hợp với cảm hứng được tìm thấy ở Việt Nam để tạo dựng nên những sản phẩm mới. Đây là công thức sáng tạo của chúng tôi.

Định hướng của thương hiệu trong chặng đường 10 năm sắp tới là gì? Liệu có một kế hoạch lớn hay tham vọng nào đó mà Metiseko muốn đạt được trong tương lai gần?

Erwan: Metiseko là một mô hình kinh doanh gia đình, được sinh ra và thấm nhuần bản sắc Việt Nam. Chính bởi lý do đó mà chúng tôi không có tham vọng vươn ra thị trường nước ngoài, mặc dù rất nhiều du khách đến tham quan Việt Nam có ghé qua cửa hàng của Metiseko tại Hội An và đem đến một nguồn doanh thu lớn. Chúng tôi cảm thấy hài lòng với quãng đường mình đã đi được và muốn dồn sức để phát triển thương hiệu tại thị trường nội địa trong tương lai. Hy vọng sau 10 năm nữa, Metiseko sẽ trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu với rất nhiều cửa hàng trên cả nước.

BST Xuân – Hè 2018 được lấy cảm hứng từ thiên nhiên và nền văn hóa của dân tộc người Dao đỏ tại huyện Mèo Vạc, thuộc tỉnh Hà Giang (Ảnh: Boris Zuliani/NOI PICTURES)

Anh nghĩ gì về thời trang bền vững và vai trò ảnh hưởng của nó trong tương lai?

Erwan: Nếu thật sự quan tâm đến đời sống xã hội, bạn sẽ thấy ở Việt Nam luôn tồn tại vấn nạn liên quan đến sức khỏe con người như ô nhiễm môi trường sống, thực phẩm bẩn… Con người khao khát tìm kiếm những giải pháp để có thể duy trì được một cuộc sống lành mạnh và tích cực hơn; thông qua việc gìn giữ môi trường sống, nuôi trồng thực phẩm an toàn, cải tạo tư tưởng sống có trách nhiệm cho thế hệ trẻ tiếp nối… Một người làm kinh doanh tốt là người có thể đáp ứng được nhu cầu thiết thực của số đông. Theo tôi, thời trang bền vững hay thực phẩm hữu cơ sẽ đều là mối quan tâm thiết thực của người tiêu dùng trong tương lai. Tuy là vậy, để có thể theo đuổi thời trang bền vững hoàn toàn thì đó sẽ là một chặng đường vô cùng gian nan.

Xin cảm ơn cả hai vì cuộc trò chuyện!

Xem thêm:

Dana Cohen – Người trẻ sáng tạo đeo đuổi thời trang bền vững

H&M kết hợp cùng tạp chí ELLE và Đại học RMIT trong buổi đối thoại về Thời trang bền vững

Nhóm thực hiện

Fellini Rose (Nguồn Tạp chí Phái đẹp ELLE/ Hình ảnh: NVCC)

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more