Paul Poiret: Câu chuyện buồn của “Ông vua thời trang” thế kỷ 20

Đăng ngày:

Từng là “Ông vua thời trang”, là người tiên phong trong cuộc cách mạng hóa thời trang… Vậy mà ngày hôm nay cái tên Paul Poiret lại còn không chút nào quen thuộc với công chúng thế kỷ 21, thậm chí là đối với những người trong giới.

Sinh năm 1879, con trai trong một gia đình buôn tơ lụa vải vóc, chàng trai Paul Poiret bắt đầu sự nghiệp của mình tại hai nhà mốt danh tiếng lúc đó, Doucet và Worth, trước khi mở hãng thời trang của riêng mình vào năm 23 tuổi. Tại nhà số 5 trên con phố Auber ngay cạnh Nhá hát Opéra de Paris, Paul Poiret thiết kế những bộ trang phục cho nữ diễn viên Rejanne, một ngôi sao lớn thời đó, người khiến cái tên của ông dường như nổi tiếng ngay lập tức.

Paul Poiret đằng sau chiếc mặt nạ của khắc khuôn mặt của chính mình. (Ảnh: Hollandse Hoogte)

“Làn sóng” giải phóng cơ thể phụ nữ

Paul Poiret đã nổi tiếng đến mức, mặc dù ở thời đại chưa có các phương tiện truyền thông, người ta vẫn có thể nhận ra ông ngoài phố.

Paul Poiret cùng những người mẫu của mình tại nhà ga London năm 1924.

Ông đã tạo nên một “scandal” thật sự : giải phóng cơ thể phụ nữ khỏi chiếc corset đã kìm kẹp họ suốt 4 thế kỉ qua sáng tạo mang tên “La vague” (làn sóng). Lấy cảm hứng từ thời trang chế độ Đốc chính, Poiret đặt điểm thắt của bộ váy lên cao, ngay dưới chân ngực thay vì dưới eo, rồi sau đó kéo tà váy mềm mại dài xuống chạm đất.

Đặc điểm phong cách của Poiret? Những đường cắt đơn giản, những chân váy lụa được trang trí dày đặc, những bộ đầm mỏng manh nhưng lại theo sát đường cơ thể đầy “bê bối”.

Một vài thiết kế nổi tiếng của Paul Poiret.

Người tiên phong đầu thế kỉ

Worth là người đầu tiên sử dụng người mẫu để làm sống động những thiết kế của mình. Paul Poiret tiếp nối và phát triển ý tưởng của thầy ông đi xa hơn, trở thành nhà mốt đầu tiên giới thiệu các BST thời trang trên sàn diễn, để rồi sau đó bán chúng như những tác phẩm nghệ thuật độc nhất cho giới thượng lưu.

Khung cảnh những người mẫu chuẩn bị trước show diễn cả Paul Poiret tại biệt thự tư nhân của ông. (Ảnh: Henry Manuel)

Không ngừng sáng tạo, Paul Poiret đề nghị họa sĩ Paul Iribe vẽ nên những cuốn catalogue của mình: một bước đổi mới vô cùng quan trọng đặt nền tảng cho minh họa thời trang ngày hôm nay. Một mặt cố gắng bảo vệ những tác phẩm của mình khỏi nạn hàng giả, mặt khác ông bán những bản sao thiết kế của mình, tìm cách giải quyết và tận dụng mâu thuẫn lâu đời nhất của ngành thời trang.

Những hình vẽ minh họa thời trang của Paul Poiret.

Vợ là bạn đời và là nàng thơ

Poiret lấy người bạn đời Denise của mình vào năm 1905, và từ đó bà trở thành người mẫu yêu thích nhất của ông.Tất cả những thiết kế nổi tiếng của ông, ông đều thử lên vợ mình trước.

Đôi giày từng được đi bởi Denise Poiret trưng bày tại bảo tàng Art Deco, Paris. (Ảnh: Gemente Museum Den Haag)

“[Cô ấy] gầy, da ngăm, không bị trói buộc và động chạm bởi trang điểm và bột phấn”, Poiret miêu tả nàng thơ của mình trên tờ Vogue vào năm 1913. Denise đại diện cho một vẻ đẹp đối ngược lại với những hình mẫu búp bê eo siết chặt bằng corset của thời kì Belle Epoque. (30 năm ngay trước Chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất)

“Nghìn lẻ hai đêm”

Paul Poiret bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi mốt “ngoại lai” (từ Phương Đông) của thời đại và những màu sắc tươi sáng. Ông nuôi dưỡng niềm đam mê của mình bằng những chiếc kimono hơi hướng Nhật Bản, những chiếc quần harem, những chiếc khăn turban quấn đầu.

Một bức vẽ của họa sĩ George Lepape thực hiện theo thiết kế của Paul Poiret.

Nổi tiếng hào phóng và chịu chơi, bữa tiệc xa hoa nhất của Paul Poiret là vào 1911 khi ông mời tới 300 vị khách, đa số là nghệ sĩ và người nổi tiếng tới buổi lễ “Nghìn lẻ hai đêm” của mình. Lấy cảm hứng từ những đêm Ả Rập, “ông magnifique” và Denise hóa trang thành Sultan và người vợ ông yêu thương nhất. Các vị khách thì chỉ được vào nếu họ mặc quần áo Ba Tư.

Toàn bộ Paris chìm đắm vào cơn sốt ngoại lai sau buổi diễn của đoàn ba lê Nga với những tranh phục Đông phương lộng lẫy thiết kế bởi Poiret.

Vợ của Poiret trong trang phục lấy cảm hứng Ba Tư.

Art Deco  và hơn nữa

Paul Poiret sở hữu một BST ấn tượng các tác phẩm nghệ thuật và làm bạn với những nghệ sĩ tài năng nhất thời của ông, như họa sĩ Paul Iribe, nhiếp ảnh gia Man Ray. Họ thường xuyên lui tới những bữa tiệc «ngông cuồng» của Poiret và giúp ông phát triển cũng như quảng bá các tác phẩm của mình.

“Liệu tôi có phải kẻ điên khi mơ tưởng về việc đem nghệ thuật vào những chiếc váy của mình, một kẻ điên khi nói rằng may trang phục là cả một nghệ thuật ?”, ông vua thời trang viết trong hồi ký của mình.

Nhờ có những chiến lược kinh doanh khôn khéo, tầm ảnh hưởng của Paul Poiret vượt ra xa ngoài lĩnh vực thời trang. Ông đã có ý tưởng cho ra mắt dòng nước hoa đặt tên theo con gái Rosine của mình 10 năm trước cả Coco Chanel.

Chai nước hoa Rosine 1912 thiết kế bởi Paul Poiret và Paul Iribe.

Cửa hàng Maison Rosine de Poiret còn bán cả phụ kiện và đồ nội thất bên cạnh quần áo. Paul Poiret cũng đã thành lập nên Maison Martine, một xưởng sản xuất vải, đồ trang trí thiết kế bởi các nghệ sĩ. Đồi với nhiều người, ông dường như đứng giữa tâm bão của phong trào Art Deco.

Bên trái: một tác phẩm trong bộ sưu tập của Paul Poiret. (Bảo tàng Art Deco – Paris); bên phải: bên trong một con thuyền trên sông Seine được trang trí bởi Paul Poiret năm 1925. (Ảnh: Hollandse Hoogte)

Ông vua bị quên lãng

Ngày 28 tháng Bảy 1914 đánh hồi chuông kết thúc cho một thời hoàng kim, và giống như bao người dân khác, Poiret ra chiến trận. Bốn năm sau quay, ông không còn nhận ra Paris của mình nữa. Từ đâu nổi lên một Coco Chanel nào đó, người mà ông đánh giá là “nhà phát minh ra sự đau khổ sang trọng”, Poiret không chấp nhận từ bỏ ngai vàng của mình.

Tiếp tục với những bữa tiệc xa xỉ ngày đêm, nhưng điều kiện tài chính lại không theo kịp, nhà thiết kế nhanh chóng chìm trong nợ nần. Buộc phải đóng cửa hàng, mệt mỏi, thất vọng và bị chính vợ bỏ rơi, Poiret rời về vùng ngoại ô, thử mình với hội họa và viết lách, kết quả là cuốn tự truyện “Trong khi mặc quần áo cho thời đại” xuất bản năm 1930. Mười ba năm sau Paul Poiret quay lại Paris và ra đi, trong nghèo khó và sự lãng quên.

Những hình ảnh được thực hiện nhân dịp Met Gale 2007 với chủ đề là “Poiret: King of Fashion”.

Tái sinh sau 90 năm ngủ quên ?

Chuyển qua nhiều chủ sở hữu, cái tên “Paul Poiret” cuối cùng đã rơi vào tay bộ đôi nữ giám đốc, Ann Chapelle điều hành và Yiqing Yin sáng tạo. Một người đang đồng hành cùng hai nhà mốt nổi tiếng Ann Demeulemeester và Haider Ackermann. Người còn lại, từng đồng hành cùng Hermes, Cartier, Swarovski, Louboutin,…. sở hữu hãng Haute Couture của riêng mình ở tuổi 32, cũng tạm gác lại tất cả để vực dậy nhà mốt lịch sử đã ngủ quên gần 1 thế kỉ nay.

Ảnh chụp Ann Chapelle và Yiqing Yin. (Ảnh: Jean-Baptiste Mondino)

Tháng ba vừa qua, trong sự mong đợi và tò mò của giới thời trang, BST Thu – Đông 2018 của Poiret đã được ra mắt tại Tuần lễ Thời trang Paris với những bộ váy vắt chéo, vẫn rất mềm mại và tối giản, kết hợp những chiếc áo khoác quá khổ trên nền vải bóng, điểm xuyết vài màu sắc rực rỡ và họa tiết in, những cảm hứng Á Đông quen thuộc.

Câu hỏi đặt ra là : Xu hướng này, từng được yêu mến bởi phụ nữ của năm 1918, liệu có còn phù hợp cho 2018, thời kì mà sportwear lên ngôi, những rapper, DJ như Abloh hay West đang cai trị ngành thời trang với những cái bắt tay cùng Nike ?

Paul Poiret

Những hình ảnh từ BST Thu – Đông 2018 của Poiret dưới sự chỉ đạo sáng tạo của Yiqing Yin. (Ảnh: @poiretofficial)

Chỉ một BST cũng không thể nói hết được về tương lai của hãng, nhất là khi các nhà đầu tư đang vẫn còn đang bình tĩnh bước đi một cách vững vàng. Ann Chapelle đã dành ra hai năm để sắp xếp lại hãng trước show diễn vừa rồi, và đến nay vẫn bà vẫn chưa mở cửa hàng hay thậm chí là trang web cho Poiret.

Về mảng sáng tạo, Yiqing Yin hứa hẹn sẽ tiếp nối những di sản của Paul Poiret, hướng tới phát triển cộng tác cùng các nghệ sĩ, “họa sĩ, nhiếp ảnh gia, vũ công, đầu bếp”.

“Đây thực sự là một thách thức”, giảng viên về thời trang cao cấp của đại học Sciences Po (Pháp), bà Serge Carreira nhấn mạnh. “Đó là một nhà mốt có bề dày lịch sử và những di sản độc đáo. Nhưng chỉ cái tên thôi thì không đủ.”

Hãy cùng chờ xem liệu Ann Chapelle và Yiqing Yin có đủ sức lật những trang nặng dày lịch sử, phủ bụi thời gian suốt 90 năm qua của Poiret, để viết tiếp câu chuyện của ông vua thời trang Pháp hay không.

Xem thêm:

Jacquemus – tài năng thiết kế sớm được thừa nhận của làng thời trang Pháp

Paris Hilton và những lần khẳng định đẳng cấp “fashion icon”

Nhóm thực hiện

Hương Giang (Nguồn Tạp chí Phái đẹp ELLE/ Ảnh: Tổng hợp)

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more