Người theo chủ nghĩa hoàn hảo: Cầu toàn và cứng nhắc, làm sao để khắc phục?

Đăng ngày:

Hạnh phúc không có nghĩa là mọi thứ phải hoàn hảo. Hạnh phúc là cách bạn nhìn được ánh sáng của hy vọng, của niềm vui ẩn sâu ở những điều chưa trọn vẹn.

Câu chuyện về Toni Bernhard – Cô giáo sư luật theo chủ nghĩa hoàn hảo

Toni Bernhard, cựu giáo sư luật tại Đại học California, Davis, là tác giả của 3 quyển sách nổi tiếng về cuộc sống: How to be sick, How to wake upHow to live well with chronic pain and illness. Trong quyển sách How to wake up, Toni đã đưa ra lời khuyên dành cho những ai theo chủ nghĩa hoàn hảo từ chính trải nghiệm của mình. Toni viết về câu chuyện cô thường so sánh hiệu suất làm việc của mình với đồng nghiệp khác lúc cô mới bắt đầu công việc giảng dạy. Cô tự chấm điểm mình ở mức B+ và luôn cảm thấy không hài lòng khi nhìn vào các giáo viên cô cho là hạng A. Mãi nuôi dưỡng suy nghĩ đó, Toni dần cảm thấy tự ti, thậm chí còn muốn bỏ việc vì cho rằng mình không đủ khả năng.

Khi tâm sự với người bạn thân Guille, Toni nhận được một lời khuyên thẳng thắn và đầy nghiêm nghị: “Việc chỉ có một nhóm nhạc The Beatles không có nghĩa những người khác không thể thể hiện tài năng âm nhạc của mình”. Lời nhận xét này của Guille đã thay đổi suy nghĩ và cuộc sống của Toni. Thay vì so sánh với đồng nghiệp, Toni chỉ tự nhủ: “Mình phải chuẩn bị thật tốt, sau đó thư giãn. Khi đến lớp, hãy cố hết sức mình”.

Toni thừa nhận, khi ấy cô là một người cầu toàn và luôn muốn mọi việc mình làm thật hoàn hảo. Cô sẽ không thể làm điều gì đó nếu không đạt được thang điểm 10/10 hoặc ít nhất là gần với con số cao nhất. Là một người theo chủ nghĩa hoàn hảo, Toni luôn đặt ra cho mình những tiêu chuẩn cao và cố gắng đạt được nó.

chủ nghĩa hoàn hảo 1

Tự so sánh mình với những người đồng nghiệp, Toni dần cảm thấy tự ti, thậm chí muốn từ bỏ công việc của mình. (Ảnh minh họa: Unsplash)

Mặt trái của chủ nghĩa hoàn hảo

Chủ nghĩa hoàn hảo luôn song hành cùng tâm lý hay so sánh, là nguyên nhân dẫn đến những suy nghĩ tự đánh giá tiêu cực. Thật không may khi ngày nay, sự kỳ vọng quá lớn của gia đình và cả ảnh hưởng từ mạng xã hội đã có tác động lớn lên suy nghĩ của chúng ta, tất cả hướng chúng ta đến việc “so sánh trong tâm trí”. Khi đó, chúng ta xếp loại mình so với người khác trong hầu hết mọi thứ chúng ta làm. Bạn có thể so sánh, miễn sao điều đó giúp bạn phát triển. Tuy nhiên, nếu đặt bản thân mình lên bàn cân với người khác đem lại cho bạn cảm xúc không tốt, hãy dừng ngay việc đó lại.

Điều quan trọng nhất chính là chúng ta cần phân biệt được như thế nào là “học hỏi” và như thế nào là “soi mói”. Sự khác biệt nằm ở việc bạn có cảm thấy ghen tỵ với thành quả của người khác hay không. Nếu có tâm lý muốn học hỏi và hoàn thiện, bạn sẽ dễ dàng chấp nhận lỗi sai và vui vẻ đón nhận lời góp ý của người khác. Trái lại, nếu bạn luôn soi mói công việc của người khác một cách không cần thiết, bạn sẽ dễ sinh ra tâm lý ghen ghét thành công của họ. Đừng bao giờ đặt khuyết điểm của bản thân bên cạnh ưu điểm của người khác, bạn sẽ chẳng đổi lấy được gì ngoài sự buồn chán và cảm giác thua cuộc.

chủ nghĩa hoàn hảo 2

Hãy để việc so sánh giúp bản thân bạn trở nên tốt hơn thay vì nhận lấy những cảm xúc tiêu cực. (Ảnh: Unsplash)

Bắt đầu thói quen mới: Ngưng so sánh bản thân mình với người khác

Theo các nhà thần kinh học hiện đại, thói quen của chúng ta được quyết định bởi ý thức. Do đó, việc đầu tiên cần làm chính là hình thành một thói quen mới trong não bộ, chẳng hạn như trở thành bạn của chính mình. Bạn nên lắng nghe và thấu hiểu được giá trị bên trong của mình, từ đó biết trân trọng bản thân, kể cả những điểm chưa hoàn thiện. Bên cạnh đó, bạn cần nhận thức rằng thói quen so sánh với người khác là một điều không tốt. Hậu quả tiêu cực mà nó mang lại chính là khiến bạn mất đi sự tự tin và giảm động lực cố gắng. Chỉ cần bạn cố gắng kiểm soát suy nghĩ, theo thời gian, mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng hơn.

chủ nghĩa hoàn hảo 3

Thói quen so sánh với người khác sẽ làm bạn mất đi sự tự tin và giảm động lực cố gắng. (Ảnh: Unsplash)

Đừng để tâm lý so sánh kiểm soát cảm xúc của bạn

Khi bạn vừa có suy nghĩ so sánh với người khác, hãy ngăn chặn nó lại và đưa bản thân trở về thời điểm hiện tại. Bạn có thể tạm dừng việc đang làm, dành thời gian hít thở sâu và hướng sự chú ý của bạn vào một việc khác. Ví dụ, trong trường hợp của cô Toni, việc so sánh với các giảng viên khác không những không giúp cải thiện chất lượng buổi dạy mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của cô. Thay vào đó, việc dành thời gian soạn bài và tìm hiểu các học trò của mình mới là điều cần thiết vào lúc đó.

Ngoài ra, hãy học cách rộng lượng với bản thân mình. Đối với những người theo chủ nghĩa hoàn hảo, họ luôn nhận thấy công việc của mình còn nhiều sai sót và không dễ hài lòng về những gì đạt được. Theo một cách tích cực, điều này giúp họ không ngừng hoàn thiện bản thân. Nhưng nếu sự cầu toàn ấy vượt quá giới hạn, nó sẽ trở thành áp lực vô hình khiến họ cảm thấy mệt mỏi và chán nản. Thay vì tự trách vì những điều còn thiếu sót, hãy tự động viên bản thân, tự khen ngợi mình về những gì bạn đạt được dù là nhỏ nhất. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc này chỉ nhằm giúp bạn có thêm niềm tin và hiểu rằng bạn vẫn có ưu thế riêng. Bạn không nên quá tự tin dẫn đến không nhận ra lỗi sai khi cần thiết.

chủ nghĩa hoàn hảo 4

Hãy rộng lượng và yêu thương bản thân mình nhiều hơn. (Ảnh: Unsplash)

Thiền sư Shunryu Suzuki từng nói: “Chúng ta nên tìm thấy thứ gọi là “hoàn hảo” thông qua sự tồn tại không hoàn hảo”. Thật vậy, hạnh phúc không có nghĩa là cố gắng làm cho mọi thứ trở nên thật hoàn thiện. Hạnh phúc là khi bạn nhìn được ánh sáng của hy vọng, của niềm vui ẩn sâu ở những điều chưa trọn vẹn.

chủ nghĩa hoàn hảo 5

“Chúng ta nên tìm thấy thứ gọi là “hoàn hảo” thông qua sự tồn tại không hoàn hảo”. (Ảnh: Unsplash)

Xem thêm:

Bạn có biết về 9 cấp độ cảm xúc của sự lo lắng?

Nếu bạn muốn vượt qua những cảm xúc tiêu cực, hãy ghi nhớ 8 điều sau

Nhóm thực hiện

Thùy Dung (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE/ Psychologytoday)

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more